Sinh hoạt Đại kết năm 2016

Sinh hoạt Đại kết năm 2016

Hướng đến tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất (18-25/1/2017), chúng ta cùng nhìn lại những cuộc gặp gỡ và sinh hoạt đại kết tiêu biểu trong năm 2016.

Thế giới

Tháng 2

- Ngày 12.2.2016, tại Cuba, sẽ diễn ra một sự kiện lịch sử của Giáo hội Công giáo: ĐGH Phanxicô, trong chặng dừng chân tại La Habana, thủ đô Cuba, trên đường tông du Mexico, sẽ có cuộc gặp gỡ Giáo chủ Kirill, Thượng phụ Moskva, Giáo chủ Chính thống giáo Nga. Sự kiện này đánh dấu một chặng đường quan trọng, nhằm thực hiện mong ước của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, hai vị tiền nhiệm của ĐGH Phanxicô.

- Ngày 29.2.2016, Đức cha William E. Lori, Tổng Giám mục Baltimore (Giáo phận tiên khởi của Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ), Thường vụ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đặc trách Ủy ban Tự do tôn giáo, đã dẫn đầu phái đoàn Đại kết và Liên tôn thành phố Baltimore (tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ), thực hiện chuyến hành hương Roma nhằm “thắt chặt mối liên hệ hữu nghị giữa các tôn giáo”, đồng thời nhận lời chúc lành của ĐGH Phanxicô cho việc cùng nhau dấn thân giải quyết những vấn đề cấp thiết của thành phố. Phái đoàn Đại kết và Liên tôn Baltimore gồm: Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Islam.

Tháng 3

- Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina, Tổng Giám mục trưởng Kiev, Sviastoslav Shevchuk, và một số Giám mục của Giáo hội gồm khoảng năm triệu tín hữu này, đã gặp ĐGH Phanxicô hôm thứ Bảy 5.3.2016, cuộc gặp gỡ được coi là một dấu hiệu “hiệp thông trọn vẹn và rõ ràng với người kế vị thánh Phêrô”.

Tháng 4

- Sau khi đã chìa tay cho các thành viên của Huynh đoàn linh mục Thánh Piô X (SSPX) nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐGH Phanxicô đã gặp Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn này trong khuôn khổ các cuộc thảo luận không chính thức về việc Huynh đoàn tái hội nhập với Roma. Liệu ĐGH Phanxicô có sẽ là người hòa giải với Huynh đoàn? Cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và Giám mục Bernard Fellay, Bề trên Tổng quyền của SSPX diễn ra hôm thứ Sáu 1.4.2016, đã được giới báo chí ở Italia thông tin và Tòa Thánh cũng xác nhận ngày 4/4, có thể là một bước tiến trong việc hai bên xích lại gần nhau. Theo các nguồn tin của Vatican được nhật báo Il Foglio trích dẫn, cuộc nói chuyện kéo dài khoảng bốn mươi phút giữa hai người tỏ ra “tích cực”.

Tháng 6

- Tại Syria, vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.2016, dự kiến sẽ có hàng trăm thiếu nhi thuộc nhiều hệ phái Kitô giáo khác nhau cùng quy tụ tại Damascus, Aleppo, Homs, Tartus và Marmarita để cầu nguyện cho hòa bình. Chương trình này được các nhà lãnh đạo Giáo hội Syria ủng hộ, đã được nói đến trong một thông điệp chung của các vị Thượng phụ Công giáo và Chính thống giáo.

- Ngày 26.6.2016, ĐGH Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II đã ký một Bản Tuyên bố chung tại Điện Etchmiadzin, sau cuộc gặp gỡ các vị đại diện và ân nhân của Giáo hội Tông truyền Armenia. Phần mở đầu của Bản Tuyên bố nhấn mạnh đến “các mối tương quan thắm thiết và huynh đệ” hiện đang có giữa hai Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Tông truyền Armenia. Sự gần gũi “trong đức tin và đức ái” đã không ngừng được củng cố, từ sau cuộc tông du của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Armenia được Rửa tội, là quốc gia Công giáo đầu tiên trong lịch sử.

Tháng 9

- Tại Chieti, Italia, Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế Đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống đang tiến hành Khóa họp toàn thể từ ngày 15-22/9/2016. Khóa họp do Tổng Giáo phận Chieti-Vasto và Hội đồng Giám mục Italia đứng ra tổ chức, dưới sự chủ trì của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, và Đức Tổng Giám mục Telmessos Job (Getcha), đại biểu của Tòa Thượng phụ Constantinopolis tại Hội đồng Đại kết các Giáo hội ở Geneva.

Tháng 10 

- Một sáng kiến chung của 36 Giám mục của IARCCUM (Ủy ban Quốc tế Anh giáo - Công giáo Roma về Hiệp nhất và Sứ vụ) nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày chính thức bắt đầu cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội. Một buổi lễ sẽ được tổ chức vào ngày 5.10.2016, có sự tham dự của ĐGH Phanxicô và Tổng Giám mục Justin Welby. Ba mươi sáu Giám mục đại diện cho các cộng đồng Công giáo và Anh giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia một cuộc hành hương tới Canterbury và sau đó đến Roma. Đây là cách các ngài đã chọn để kỷ niệm 50 năm ngày bắt đầu cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Anh giáo. Cuộc đối thoại này đã chính thức bắt đầu với bản Tuyên bố chung được ký năm 1966 bởi ĐGH Phaolô VI và Tổng Giám mục Canterbury khi ấy là Michael Ramsey.

- Năm 2017 sẽ là “Năm hòa bình ở Iraq”, được các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo tại Iraq cử hành để thúc đẩy hòa giải dân tộc và cứu đất nước khỏi tay các lực lượng ly khai vẫn luôn đe dọa sự thống nhất quốc gia, ngay cả sau khi Mosul và vùng Nineveh được giải phóng khỏi sự kiểm soát của lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là đề nghị “thiết thực” của Đức Thượng phụ Louis Raphael I Sako trong buổi cầu nguyện đại kết cho Mosul được giải phóng, cử hành hôm thứ Ba ngày 25/10 tại Ankawa, một vùng ngoại ô của Erbil nơi sinh sống chủ yếu của các Kitô hữu.

Trong số đông đảo tham dự viên buổi cầu nguyện Đại kết - diễn ra tại nhà thờ dâng kính Đức Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp -, là các linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân, cũng như các chính trị gia Kitô giáo, còn có Tổng Giám mục Mar Gewargis III Sliwa, Thượng phụ Erbil thuộc Giáo hội phương Đông Assyria; và Tổng Giám mục Nicôđêmô Daoud Matti Sharaf của Giáo phận Mosul thuộc Giáo hội Chính thống Syria.

- Thứ Hai, ngày 31.10.2016, ĐGH Phanxicô đã lên đường đi Thụy Điển để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành. Trong ngày đầu tiên, sau khi gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven tại sân bay Quốc tế Malmö và thăm hoàng gia Thụy Điển tại Cung điện Hoàng gia “Kungshuset” ở Lund, ĐGH Phanxicô đã tham dự buổi Cầu nguyện đại kết lúc 14g30 tại Nhà thờ chính tòa Luther ở Lund. Kết thúc buổi cầu nguyện này, ĐGH Phanxicô và Giám mục Mounib Younan, Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới đã ký một Tuyên ngôn chung.

Tháng 12

- Ngày 6.12.2016, Đức hồng y Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, có mặt tại Strasbourg để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành. 

Ngài nói: Trong công cuộc đại kết, luôn có nhiều cuộc đối thoại. Đại kết về chân lý là đại kết của cuộc đối thoại thần học về các vấn đề chưa được giải quyết. Nhưng còn có, và nhất là, cuộc đối thoại của tình bác ái thể hiện nơi sâu thẳm của những mối tương quan bằng hữu. Mối tương quan này giữa các tín hữu là nền tảng, làm nên tầm quan trọng của chứng tá chung.

TGP Sài Gòn – Tp.HCM

- “Được mời gọi để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (1Pr 2, 9) là chủ đề buổi gặp gỡ đại kết được cử hành lúc 15giờ ngày 25.1.2016 tại Trung tâm Mục vụ TGP Tp.HCM.

Buổi sinh hoạt-cầu nguyện do Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn tổ chức, theo hình thức Suy tôn Lời Chúa, diễn ra tại hội trường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với hơn 100 người tham dự, gồm quý linh mục, mục sư, tu sĩ nam nữ, các tín hữu, đại diện phong trào hiệp nhất Focolare, thành viên Ban Giáo lý và Legio Mariae TGP.


 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top