Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết
WGPSG -- “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em” (1Tx 1,2)
Ba ngày Tết lại vội vã qua đi, nhường lại cho những ngày tháng đời thường, với bao nỗi bộn bề lo toan. Thế nhưng, bản thân tôi vẫn miên man nghĩ về hai chữ “Tạ ơn”. Bởi lẽ, khi bước vào tuổi Lục tuần, nhìn lại quá khứ cuộc đời, tôi mới cảm nhận mình đã nhận được biết bao hồng ân từ Thiên Chúa, Hội Thánh, ông bà cha mẹ, những người thân và mọi người chung quanh. Hơn nữa, Giáo hội đã mời gọi chúng ta lần lượt sống các mối tương quan với Thiên Chúa (Mùng Một Tết), với Tổ tiên (Mùng Hai Tết) và với Thiên nhiên (Mùng Ba Tết):
- Mùng Một Tết - Tạ ơn Thiên Chúa: Giây phút giao thừa trở nên linh thiêng và thánh thiện, khi các nhà thờ đều cử hành Thánh lễ đêm Giao thừa, khiến tâm hồn mọi người như lắng đọng để nhìn lại quá khứ, và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì qua cha mẹ, Ngài đã cho tôi được sinh ra làm người, và qua các vị mục tử, tôi được Rửa tội để trở nên con cái Chúa. Thánh Phaolô Tông đồ đã từng nhắc nhở: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Vâng, trừ tội lỗi, chúng ta đã nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa. “Tất cả là hồng ân” (Rm 4,16): Con người chúng ta chính là hồng ân của Chúa. Ðược tạo dựng là hồng ân. Ðược sống và được cứu là hồng ân. Làm điều tốt cũng là nhờ ân sủng… Đồng thời, tôi đã thầm lặng tạ lỗi cùng Chúa và mong anh em tha thứ, vì biết bao toan tính, với những ước mơ rộng lớn mình chưa thực hiện được cho giáo xứ, cho gia đình, cho mọi người chung quanh và cho anh em… Nhưng ngược lại, nhiều khi những lời nói, việc làm của mình đã đem tin buồn đến cho mọi người, thay vì đem Tin Mừng đến cho anh em.
- Mùng Hai Tết - Tri ân mẹ cha: Giáo hội đã dành ngày Mùng Hai Tết để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời, để ngày Xuân của chúng ta không vắng bóng những người thân thương, đó cũng là cách báo hiếu vậy. Khi tham dự Thánh lễ Mùng Hai Tết và lắng nghe Lời Chúa: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28), một nỗi buồn man mác đã xâm chiếm tâm hồn tôi, vì cha mẹ tôi đã khuất bóng cách đây mười năm. Tôi tạ ơn Chúa đã ban cho tôi có mẹ cha, để tôi được sinh ra làm người và làm con Chúa. Tôi tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục để tôi được lớn khôn và trưởng thành. Đồng thời, tôi thầm xin các ngài tha thứ cho tôi, vì khi các ngài còn sống, tôi chưa thấu hiểu và đáp trả xứng đáng công ơn của các ngài.
- Mùng Ba Tết - Nhìn ra thế giới vạn vật chung quanh: Cùng với gia đình tham dự Thánh lễ Mùng Ba Tết, các bài đọc đều quy chiếu về việc thánh hóa công ăn việc làm. Nhớ lại Lời Chúa: “Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), tôi suy nghĩ về sự sáng tạo và duy trì công trình tạo dựng vĩ đại của Ngài, để sau bao ngàn năm, trái đất ngày thêm tốt đẹp và xinh tươi, và con người được sống ấm no và hạnh phúc. Nhớ lại Lời Chúa trong Lộc Thánh tôi nhận được trong đêm Giao thừa: “Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn”, tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót vì chưa cộng tác với Chúa để làm phát triển các nén bạc mà Chúa đã trao ban, bởi lẽ tôi còn ơ hờ với trách nhiệm và bổn phận người Kitô hữu, cũng như chưa chu toàn việc giảng dạy, truyền bá tri thức khoa học, giáo dục đức tin cho học sinh của mình, ngay cả với học sinh Công giáo! Vì thế, tôi chỉ biết nài xin Chúa ban ơn trợ giúp để “công ăn việc làm trong năm mới, tôi sẽ nêu cao tình tương thân tương ái, góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa”.
Trong tâm tình tạ ơn những ngày đầu Năm Mới, với những suy tư về các mối tương quan trên, tôi nguyện xin Chúa trong năm “Tân Phúc - Âm - hóa đời sống gia đình”, mỗi người sẽ tự đổi mới bản thân: từ những ý tưởng lành thánh sẽ phát sinh những lời nói tốt đẹp, từ những lời nói tốt đẹp sẽ dẫn đến những hành động cụ thể, diễn tả Đức tin sống động, để Phúc Âm sớm lan tỏa trên quê hương Đất Việt, hầu Thiên Chúa được vinh danh và Hội Thánh ngày càng tỏa sáng hơn.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên