Sứ điệp của ĐTC gửi giới trẻ nhân Ngày Giới trẻ Thế giới XXVI (năm 2011)
“Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7)
Các bạn trẻ thân mến,
Tôi thường nhớ lại những ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới diễn ra tại Sydney năm 2008. Ở đó, chúng ta đã sống trong đại lễ của đức Tin, có Thánh Thần Chúa hoạt động mạnh mẽ, tạo nên mối hiệp thông sâu xa nơi tất cả những người tham dự đến từ khắp nơi trên thế giới. Đại hội ấy, cũng như những Đại hội trước đó, đã sinh hoa kết trái dồi dào nơi đời sống của nhiều người trẻ và đời sống của toàn thể Giáo Hội. Bây giờ, chúng ta hướng đến Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, sẽ diễn ra tại Madrid vào tháng 8 năm 2011. Hồi năm 1989, vài tháng trước cuộc sụp đổ lịch sử của bức tường Berlin, cuộc hành hương của giới trẻ đã dừng chân ở Tây Ban Nha, tại Đền Thánh Santiago de Compostela.
Nay vào lúc Âu Châu đang rất cần tìm lại nguồn cội Kitô giáo của mình, chúng ta hẹn gặp nhau ở Madrid, với chủ đề: “Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7). Tôi mời gọi các bạn hãy tham dự sự kiện rất quan trọng này đối với Giáo Hội tại châu Âu và Giáo Hội hoàn vũ. Tôi mong tất cả mọi người trẻ –những người cùng chia sẻ niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, và cả những người còn đang do dự, hoài nghi hoặc không tin nơi Chúa– chia sẻ cảm nghiệm này, có thể sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời của họ. Đó là cảm nghiệm về Chúa Giêsu đã phục sinh và hằng sống, cảm nhận tình thương của Người dành cho mỗi người chúng ta.
1. Cội nguồn những khát vọng lớn nhất
Thời nào cũng vậy, kể cả thời chúng ta đang sống, nhiều người trẻ hằng thiết tha mong cho những quan hệ con người diễn ra trong sự thật và có tình liên đới với nhau. Nhiều người ước muốn xây dựng được những tình bạn chân thật, một tình yêu đích thực, một gia đình hiệp nhất, bản thân được sống ổn định và an toàn, bảo đảm cho họ một tương lai tươi sáng và hạnh phúc.
Thực vậy, nhớ lại thời thanh xuân, tôi biết rõ rằng được sống ổn định và an toàn không phải là những vấn đề khiến người trẻ bận tâm nhất. Đúng là có được việc làm để ổn định cuộc sống là điều quan trọng, nhưng những năm tháng tuổi trẻ cũng còn là lúc chúng ta đi tìm một lý tưởng lớn lao cho đời mình.
Nghĩ lại những năm tháng lúc đó, tôi nhớ đơn giản chúng tôi chỉ mong đừng đánh mất chính mình trong cuộc sống thị dân tầm thường. Chúng tôi nuôi khát vọng lớn, mong muốn cái mới. Chúng tôi muốn khám phá chính cuộc sống trong sự cao cả và vẻ đẹp của nó. Chắc chắn điều này cũng do hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ. Dưới chế độ độc tài Đức quốc xã và trong thời chiến, có thể nói, chúng tôi bị nhà cầm quyền thống trị “giam hãm”. Vì thế chúng tôi muốn thoát ra, đến với bầu không khí tự do và tiến vào mọi tiềm năng của đời sống con người. Tôi cho rằng, theo một nghĩa nào đó, đà tiến ấy thúc đẩy vượt ra khỏi cái quán tính thế hệ nào cũng có. Mong muốn vượt khỏi lối mòn của việc làm ổn định và có khát vọng thực sự lớn lao, chính là những điều góp phần làm nên tuổi trẻ.
Phải chăng đó chỉ là một giấc mộng chóng qua, sẽ tan biến khi trở thành người lớn? Không, con người thực sự được dựng nên cho cái cao cả, vô biên. Kỳ dư chỉ là bất cập, không làm mãn nguyện. Thánh Augustinô có lý khi nói “lòng chúng con mãi xao xuyến cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”. Ước muốn được sống cao cả hơn là một dấu chỉ Chúa đã dựng nên chúng ta và chúng ta mang “dấu ấn” của Người. Thiên Chúa hằng sống, và vì thế, mỗi thụ tạo đều hướng về sự sống. Một cách độc nhất và đặc biệt, con người được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và giống Thiên Chúa, nên con người khao khát tình yêu, niềm vui và an bình.
Vậy, chúng ta hiểu rằng có một sự mâu thuẫn khi chủ trương loại bỏ Thiên Chúa để làm cho con người được sống! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống: loại bỏ Người có nghĩa là tách khỏi nguồn mạch ấy và chắc chắn sẽ bị tước mất sự sung mãn và niềm vui: “Thực vậy, không có Đấng Tạo Hóa thụ tạo đều tiêu tan” (Gaudium et Spes, 36). Nền văn hóa hiện nay tại một số nơi trên thế giới, nhất là tại phương Tây, có xu hướng loại trừ Thiên Chúa hoặc coi đức tin chỉ là một chuyện riêng tư, không liên quan gì tới đời sống xã hội. Trong khi tất cả các giá trị làm nền tảng cho xã hội đều xuất phát từ Tin Mừng – như ý thức về phẩm giá con người, tình liên đới, việc làm và gia đình –, người ta nhận thấy một loại “vắng bóng Thiên Chúa”, một kiểu lãng quên nào đó, thậm chí một sự khước từ thực sự đối với Kitô giáo và chối bỏ kho tàng đức tin đã nhận lãnh, đến độ có nguy cơ đánh mất chính căn tính sâu xa của mình.
Vì thế, các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn hãy củng cố con đường đức Tin của mình nơi Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Các bạn là tương lai của xã hội và Giáo Hội! Như thánh Tông Đồ đã viết cho các Kitô hữu thành Colossê, điều thiết yếu là phải có cội rễ, nền tảng vững chắc! Và điều này đặc biệt đúng với ngày nay. Hiện nhiều người trẻ không có những chuẩn mực vững chắc để xây dựng đời mình, nên sống rất bất an. Chủ nghĩa tương đối đang lan tràn cho rằng tất cả đều có giá trị như nhau, không hề có chân lý và chuẩn mực tuyệt đối, nên chủ nghĩa ấy không đưa đến tự do đích thực, nhưng tạo nên sự bất ổn, thất vọng, lối sống chạy theo mốt nhất thời. Là những người trẻ, các bạn có quyền được tiếp nhận từ các thế hệ đi trước những chuẩn mực rõ ràng, để các bạn chọn lựa và xây dựng cuộc sống của mình, như một cây non cần cọc buộc cho vững, trong một thời gian cần thiết để cây bén rễ, cứng cáp, rồi đơm hoa kết trái.
2. Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô
Để làm nổi bật tầm quan trọng của niềm tin nơi Thiên Chúa trong đời sống các tín hữu, tôi muốn cùng với các bạn suy tư về từng hình ảnh trong ba lối diễn tả mà Thánh Phaolô sử dụng khi nói: “Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Kitô, vững mạnh trong đức Tin”. Trong câu này chúng ta có thể thấy ba hình ảnh. “Bén rễ” gợi lên hình ảnh cây và bộ rễ nuôi cây. “Đặt nền tảng” nói về việc dựng nhà. “Vững mạnh” gợi đến sự tăng trưởng sức mạnh thể lý hoặc tinh thần. Những hình ảnh này rất gợi tả. Trước khi giải thích các hình ảnh này, tôi muốn lưu ý, về phương diện văn phạm, trong bản gốc Hy Lạp, câu ở thể thụ động: điều này có nghĩa là chính Chúa Kitô đưa ra sáng kiến làm bén rễ, xây dựng và củng cố các tín hữu.
Hình ảnh trước tiên là cây, bám chắc vào đất nhờ rễ, rễ làm cho cây đứng vững và nuôi dưỡng cây. Nếu không có rễ, cây sẽ bị gió bứng lên rồi chết. Đâu là những gốc rễ của chúng ta? Chắc chắn đó là cha mẹ, gia đình và nền văn hóa của đất nước chúng ta, hình thành một phương diện rất quan trọng trong căn tính của chúng ta. Kinh Thánh cho thấy một khía cạnh khác. Tiên tri Giêrêmia viết: “Phúc thay kẻ phó thác vào Chúa, có Chúa là niềm tin. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, tỏa rễ vào dòng nước, chẳng sợ gì khi nóng bức, lá vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái”. (Gr 17,7-8).
Vì vậy, đối với tiên tri Giêrêmia, tỏa rễ nghĩa là đặt niềm tín thác của mình nơi Chúa. Chúng ta rút lấy đời mình từ nơi Thiên Chúa. Không có Chúa chúng ta không thể có sự sống đích thực. “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống này ở nơi Con của Người” (x. 1Ga 5,11). Chính Chúa Giêsu tự giới thiệu Người là sự sống của chúng ta (x. Ga 14,6).
Vì thế, đức tin Kitô giáo không chỉ bao gồm việc tin nhận các chân lý, nhưng trước hết là mối quan hệ giữa bản thân mình với Chúa Giêsu Kitô. Chính cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa mang lại một động lực mới cho cả cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta bước vào mối quan hệ riêng tư với Chúa Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta thấy rõ căn tính đích thực của chúng ta, và trong tình bạn với Người, sự sống của chúng ta được lớn lên và đạt đến viên mãn.
Thời trẻ, có lúc mỗi người chúng ta tự hỏi: đời tôi có ý nghĩa gì? Đâu là mục đích, hướng đi tôi muốn mang lại cho đời mình? Đó là một giai đoạn cơ bản, nhiều khi kéo dài, cứ làm cho lòng dạ day dứt. Ta cứ nghĩ đến loại công việc cần thực hiện, đến những quan hệ xã hội cần thiết lập, những quan hệ tình cảm cần phát triển…
Đến đây tôi lại nhớ đến hồi còn trẻ. Bằng cách nào đó, tôi đã ý thức rõ rệt Chúa muốn tôi làm linh mục. Nhưng rồi sau đó, sau chiến tranh, khi ở chủng viện và đại học, tôi tiến bước trên con đường hướng về mục đích ấy, tôi đã phải lặp lại quyết tâm đó. Tôi đã phải tự hỏi: Có phải đây thực sự là con đường mình đi? Có phải đây là ý Chúa muốn cho tôi? Liệu tôi sẽ trung thành với Chúa, hoàn toàn để cho Chúa sử dụng, và toàn tâm phụng sự Chúa? Đưa ra một quyết định như thế không phải là không có đau đớn. Không thể nào khác được. Nhưng rồi sau đó sẽ vững vàng hơn, quả đúng như vậy! Vâng, Chúa nhắm đến tôi, nên Ngài ban sức mạnh cho tôi. Lắng nghe và bước đến với Chúa, tôi thực sự được trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là làm theo ý riêng, nhưng là làm theo Ý Chúa muốn. Như thế, cuộc sống mới có ý nghĩa đích thực.
Như cây nhờ rễ mà bám chắc vào đất, cũng vậy, nền móng giúp cho nhà được vững chãi lâu bền. Nhờ đức tin, chúng ta được xây nền nơi Chúa Kitô (x. Cl 2,7), như một căn nhà được xây trên nền móng của mình. Trong lịch sử thánh, chúng ta có nhiều tấm gương các thánh xây dựng đời mình dựa trên Lời Chúa. Abraham là người đầu tiên trong số các vị ấy. Vị “Tổ phụ trong đức tin” của chúng ta đã vâng phục Thiên Chúa, Đấng đã yêu cầu ông rời bỏ quê hương, đi đến một xứ xa lạ. “Abraham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,23). Được xây nền nơi Chúa Kitô, nghĩa là đáp lại một cách cụ thể tiếng Chúa gọi, bằng cách đặt niềm tin tưởng của chúng ta nơi Chúa và thực hành Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu đã lưu ý các môn đệ: “Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà lại không làm điều Thầy nói?” (Lc 6,46). Và khi dùng hình ảnh xây nhà, Người nói thêm: “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.” (Lc 6,47-48).
Các bạn thân mến, hãy xây nhà các bạn trên đá, như con người đã “đào sâu” kia. Hằng ngày các bạn hãy cố gắng sống theo Lời Chúa Kitô. Hãy lắng nghe lời Người như một Người Bạn đích thực có thể chia sẻ con đường đời của bạn. Có Người bên cạnh, các bạn sẽ can đảm và đầy hy vọng đương đầu với những khó khăn, những vấn đề, cũng như những thất vọng và thất bại. Các bạn sẽ không ngừng gặp phải những đề nghị dễ dãi, nhưng chính các bạn sẽ nhận ra chúng chỉ lừa phỉnh, không mang lại sự thanh thản và niềm vui. Chỉ có Lời Chúa mới chỉ cho chúng ta con đường đích thực, chỉ có đức Tin chúng ta được thông truyền mới là ánh quang soi sáng đường chúng ta đi. Với lòng biết ơn các bạn hãy đón lấy món quà thiêng liêng được gia đình mình trao cho và dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi một cách có trách nhiệm, trở nên những người trưởng thành trong đức Tin. Đừng tin những ai nói các bạn không cần người khác xây dựng đời mình! Trái lại hãy dựa vào đức Tin của những người thân cận, đức Tin của Giáo Hội, và cảm tạ Chúa vì các bạn đã lãnh nhận đức Tin ấy và biến nó thành niềm tin của mình.
3. Vững mạnh trong đức tin
Hãy “bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7). Câu này trích từ thư thánh Phaolô viết nhằm đáp ứng một nhu cầu rõ rệt của các Kitô hữu thành Colossê. Quả thực, cộng đoàn này bị đe dọa do một số khuynh hướng văn hóa đương thời tác động, làm cho các tín hữu xa lìa Tin Mừng.
Các bạn trẻ thân mến, bối cảnh văn hóa của chúng ta ngày nay cũng có nhiều điểm tương đồng với bối cảnh của dân thành Colossê thời bấy giờ. Có một trào lưu “thế tục hóa” mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, phác họa và cố xây dựng một “thiên đường” không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm dạy rằng, một thế giới không có Thiên Chúa chính là một “địa ngục”, ở đó chỉ có ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng. Trái lại, nơi nào con người và các dân tộc sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thờ phượng Chúa trong chân lý và lắng nghe tiếng Ngài, thì nơi đó nền văn minh tình yêu được cụ thể hóa, mọi người được tôn trọng phẩm giá, tình hiệp thông được lớn lên với hoa trái dồi dào. Tuy vậy cũng đã có những Kitô hữu bị lối suy nghĩ thế tục hóa cám dỗ hoặc bị lôi kéo bởi những trào lưu tôn giáo xa lìa niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Có những người khác, tuy không tham gia những cách tiếp cận đó, nhưng lại để cho niềm Tin vào Chúa Kitô nguội lạnh đi, thì cũng đã không tránh khỏi những hậu quả tiêu cực trên bình diện luân lí.
Đối với những anh em bị ô nhiễm vì những tư tưởng xa lạ với Tin Mừng như thế, Thánh Phaolô nhắc lại về quyền năng của Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Mầu nhiệm này là nền tảng cho đời sống chúng ta, là trung tâm của đức Tin Kitô giáo. Tất cả những triết lý không biết tới điều đó, và coi mầu nhiệm này là “điên rồ” (1Cr 1,23), đã bộc lộ hạn chế trước những vấn đề lớn thuộc về tâm hồn con người. Vì thế, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, tôi cũng muốn củng cố các bạn trong đức Tin (x. Lc 22,32). Chúng ta tin vững vàng, Chúa Giêsu Kitô đã tự hiến trên Thập giá để ban tình yêu của Người cho chúng ta. Trong cuộc khổ nạn, Người đã mang những đau khổ của chúng ta, gánh lấy những tội lỗi của chúng ta, Người giành được cho chúng ta ơn tha thứ và làm cho chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa Cha, mở lối cho chúng ta đi vào đời sống vĩnh cửu. Bằng cách đó, chúng ta được giải thoát khỏi những gì gây cản trở nhiều nhất cho cuộc sống của mình: thân phận làm nô lệ cho tội lỗi. Giờ đây chúng ta có thể yêu mến tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta, và chia sẻ lòng yêu thương ấy với những người nghèo khổ nhất và chịu thử thách nhiều nhất trong số các anh em chúng ta.
Các bạn thân mến, Thập giá thường làm cho chúng ta sợ hãi, vì dường như là sự phủ định đối với sự sống. Thực tế thì ngược lại! Thập giá là lời “ưng thuận” của Thiên Chúa nói với loài người, là sự diễn tả tột cùng về tình yêu của Người và là nguồn phát sinh sự sống. Vì từ trái tim của Chúa Giêsu được mở ra trên Thập giá đã trào vọt sự sống thần linh luôn dành sẵn cho những ai biết ngước mắt nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh. Vì thế, tôi chỉ có thể mời gọi các bạn hãy nhận lấy Thánh Giá của Chúa Giêsu, dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống mới. Ngoài Chúa Kitô chịu chết và sống lại, không có ơn cứu độ! Chỉ một mình Người mới có thể giải thoát thế giới khỏi sự dữ và làm lớn mạnh Vương quốc công lý, hòa bình và yêu thương mà mọi người chúng ta hằng mong ước.
4. Tin nơi Chúa Giêsu dù không thấy Ngài
Trong Tin Mừng có mô tả kinh nghiệm đức tin của thánh tông đồ Tôma khi ông đón nhận mầu nhiệm Thánh Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô. Tôma là một trong 12 tông đồ. Ông đã đi theo Chúa Giêsu, đã chứng kiến Chúa chữa bệnh và làm phép lạ. Ông đã nghe Chúa nói và cảm thấy sững sờ trước cái chết của Chúa. Buổi chiều Phục sinh, lúc Chúa hiện ra với các môn đệ thì Tôma lại vắng mặt. Khi người ta bảo ông Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra, ông tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đăt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25).
Chúng ta cũng muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn nói với Người và cảm nhận sự hiện diện của Người còn mạnh mẽ hơn nữa. Ngày nay, đối với nhiều người, đến với Chúa Giêsu thật là khó khăn. Hiện có nhiều hình ảnh về Chúa Giêsu, tự cho là có tính khoa học, loại bỏ sự cao cả và tính độc nhất của Người. Vì vậy, sau nhiều năm nghiên cứu và suy niệm, tôi nghĩ đến việc viết một quyển sách để chia sẻ điều gì đó từ sự gặp gỡ riêng với Chúa Giêsu. Đó là cách để giúp người khác thấy, nghe và chạm đến Chúa, Đấng mà nơi Người, Thiên Chúa đã đến với chúng ta để tỏ mình cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu, khi lại hiện ra với các môn đệ 8 ngày sau đó, đã nói với Tôma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).
Cả chúng ta cũng có thể chạm vào Chúa Giêsu, có thể nói là đặt tay vào những dấu hiệu khổ nạn của Người, những dấu hiệu tình yêu của Người. Chính trong các bí tích mà Chúa gần gũi chúng ta một cách đặc biệt và hiến thân cho chúng ta.
Các bạn trẻ thân mến, hãy học “nhìn thấy” và “gặp gỡ” Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, nơi đó Người hiện diện và gần gũi với chúng ta, đến độ trở nên của ăn cho cuộc hành trình của chúng ta. Trong bí tích Thống hối Chúa biểu lộ lòng thương xót của Người và luôn ban ơn tha thứ cho chúng ta. Hãy nhận ra và phục vụ Chúa Giêsu nơi những người nghèo, nơi các bệnh nhân và anh chị em chúng ta đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ. Hãy đi vào cuộc đối thoại riêng tư với Chúa Giêsu Kitô và vun trồng cuộc đối thoại ấy trong đức tin.
Hãy tìm biết Chúa nhiều hơn qua việc đọc Tin Mừng và Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Hãy trò chuyện với Chúa qua kinh nguyện và tín thác vào Người. Người chẳng bao giờ phản bội niềm tín thác ấy! “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa. Đồng thời, và không thể tách biệt, cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải” (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, 150). Như thế, các bạn có thể đạt đến một đức tin trưởng thành và vững chắc, không chỉ dựa trên tình cảm tôn giáo hoặc một ký ức mơ hồ về giáo lý đã học khi còn thơ ấu. Các bạn sẽ đi đến chỗ biết được Thiên Chúa và thực sự sống kết hiệp với Người, như tông đồ Tôma đã biểu lộ niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi!”
5. Được nâng đỡ nhờ đức tin của Hội thánh, để trở thành chứng nhân
Chúa Giêsu đã nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúa đã nghĩ đến con đường của Giáo Hội, dựa trên đức tin của các chứng nhân tận mắt là các tông đồ. Như thế, chúng ta hiểu rằng đức tin cá nhân của chúng ta nơi Chúa Kitô, có được nhờ cuộc đối thoại với Người, đức tin ấy gắn liền với niềm tin của Giáo Hội. Chúng ta không tin như những cá nhân lẻ loi, nhưng đúng hơn, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên phần tử của một đại gia đình; chính đức tin được Giáo Hội tuyên xưng đã củng cố đức tin cá nhân của chúng ta. Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ Chúa nhật giúp chúng ta tránh được nguy cơ tin vào một Thiên Chúa không phải là Đấng mà Chúa Kitô mặc khải: “Như thế, mỗi tín hữu là một mắt xích của xâu chuỗi các tín hữu. Tôi không thể tin nếu không được đức tin của người khác nâng đỡ, và nhờ đức tin của tôi, tôi góp phần nâng đỡ đức tin của người khác” (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, 166). Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa luôn vì hồng ân Giáo Hội, vì Giáo Hội giúp chúng ta tiến bước vững vàng trong đức tin vốn mang lại cho chúng ta sự sống thật (x. Ga 20,31).
Trong lịch sử Giáo Hội, các thánh và các vị tử đạo đã luôn kín múc sức mạnh từ Thánh Giá vinh hiển của Chúa Kitô để trung thành với Thiên Chúa đến độ hiến dâng cả mạng sống mình. Trong đức tin, họ tìm được sức mạnh để chiến thắng những yếu đuối của mình và vượt qua mọi nghịch cảnh. Thực vậy, như thánh tông đồ Gioan đã nói: “Ai là người chiến thắng thế gian nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5,5). Chiến thắng sinh ra từ đức tin chính là chiến thắng của tình yêu. Bao nhiêu Kitô hữu đã và đang sống chứng tá về sức mạnh của đức tin được biểu lộ qua đức ái. Họ là những người kiến tạo hòa bình, thăng tiến công lý, xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới theo kế hoạch của Thiên Chúa. Họ dấn thân trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội, với khả năng chuyên nghiệp, góp phần hữu hiệu vào hạnh phúc của mọi người. Đức bác ái sinh ra từ đức tin đưa họ đến việc làm chứng cụ thể bằng hành động và lời nói. Chúa Kitô không phải là kho tàng dành riêng cho chúng ta; Người là kho tàng quí giá nhất mà chúng ta có để chia sẻ cho người khác. Trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, các bạn hãy trở thành chứng nhân của niềm hy vọng Kitô giáo trên khắp thế giới. Biết bao người mong ước đón nhận niềm hy vọng này!
Đứng trước ngôi mộ của bạn mình là Lazarô, đã chết được bốn ngày, và trước khi làm cho ông hồi sinh, Chúa Giêsu nói với bà Marta, chị của Lazarô: “Nếu con tin, con sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa” (x. Ga 11,40). Các bạn cũng thế, nếu các bạn tin, và nếu các bạn biết sống niềm tin ấy và làm chứng về niềm tin ấy mỗi ngày, các bạn sẽ trở thành dụng cụ giúp những người trẻ khác như các bạn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui của cuộc sống, phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô!
6. Hướng về Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid
Các bạn trẻ thân mến, một lần nữa tôi mời các bạn đến tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid. Tôi rất vui mừng chờ đợi từng người trong các bạn. Chúa Giêsu Kitô muốn củng cố các bạn trong đức tin qua Giáo Hội.
Quyết định tin vào Chúa Giêsu Kitô và đi theo Người chẳng phải là điều dễ dàng. Nó luôn bị cản trở vì những thất bại của chúng ta và vì bao nhiêu tiếng gọi chỉ những lối đi dễ dàng hơn cho chúng ta. Các bạn đừng nản chí; hãy tìm kiếm sự nâng đỡ của cộng đoàn Kitô, sự nâng đỡ của Giáo Hội! Suốt cả năm này, các bạn hãy chuẩn bị chu đáo cho cuộc tập họp ở Madrid, với các giám mục, các linh mục và những người lãnh đạo giới trẻ trong các giáo phận của các bạn, các cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và phong trào. Phẩm chất cuộc tập họp của chúng ta tùy thuộc trước hết vào sự chuẩn bị thiêng liêng, vào kinh nguyện, vào việc cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và sự nâng đỡ nhau.
Các bạn trẻ thân mến, Giáo Hội cần đến các bạn! Giáo Hội cần đức tin sinh động, đức bác ái sáng tạo và đức cậy trông năng động của các bạn. Sự hiện diện của các bạn đổi mới Giáo Hội, làm cho Giáo Hội tươi trẻ và mang lại sinh lực mới cho Giáo Hội. Vì thế, những Ngày Giới trẻ Thế giới là một ân phúc không những cho các bạn, mà còn cho toàn thể Dân Chúa nữa.
Giáo Hội tại Tây Ban Nha đang chuẩn bị tích cực để đón tiếp các bạn và chia sẻ với các bạn kinh nghiệm đức tin vui mừng này.
Tôi cám ơn các giáo phận, các giáo xứ, đền thánh, các cộng đồng dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội và mọi người đang chuyên cần làm việc để chuẩn bị cho sự kiện này. Chúa sẽ không quên chúc lành cho tất cả.
Xin Đức Trinh nữ Maria đồng hành với các bạn trong hành trình chuẩn bị này! Khi thiên thần truyền tin, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa trong đức tin. Cũng trong đức tin, Mẹ đã ưng thuận điều Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ. Qua lời thưa “Xin vâng”, Mẹ đã đón nhận hồng ân bác ái vô biên, thúc đẩy Mẹ dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Xin Mẹ chuyển cầu cho mỗi người trong các bạn, để trong Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, các bạn được lớn lên trong đức tin và đức mến!
Tôi đoan chắc luôn nghĩ đến các bạn với tình phụ tử trong kinh nguyện và tôi thành tâm ban phép lành cho các bạn.
Vatican, ngày 6-8-2010
Lễ Chúa Hiển dung
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
[Đức Thành dịch theo bản tiếng Pháp và tiếng Anh của vatican.va]
bài liên quan mới nhất
- Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28
-
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2019 -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2019 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp Giáng Sinh và phép lành toàn xá Urbi et Orbi -
Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28
-
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27 -
Quy chế của Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tòa Thánh gửi Sứ điệp nhân Lễ Deepavali 2018