Sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2011
Tuần lễ thế giới truyền giáo sẽ được diễn ra vào các ngày từ 16 đến 23 tháng 10 năm 2011, với chủ đề: “Hãy yêu người lân cận như chính mình” (Mt 23,39)... và sẽ được kết thúc vào Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, 23 tháng 10. Công Đồng Vaticano II, với Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), dạy các tín hữu và các cộng đoàn hãy tham dự cách thường hằng vào công việc truyền giáo của Giáo Hội...
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Nhân dịp cử hành Năm Thánh 2000 vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 của kỷ nguyên Kitô giáo, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ xác nhận nhu cầu canh tân việc dấn thân để đem Tin Mừng đến cho mọi người với “niềm phấn khởi của những Kitô hữu thời đầu tiên” (Tông Thư Novo Millennio Ineunte, 58). Đây là việc phục vụ cao quý nhất mà Hội Thánh có thể cống hiến cho nhân loại và cho mọi cá nhân đang tìm kiếm những lý do sâu xa nhất để sống sung mãn đời sống của họ. Vì thế, cùng một lời mời gọi ấy được vọng lại mỗi năm khi chúng ta mừng Ngày Thế giới Truyền giáo. Thực vậy, việc không ngừng loan báo Tin Mừng cũng tái tạo sức sống cho Hội Thánh; sự nhiệt tình và tinh thần tông đồ của Hội Thánh; nó giúp đổi mới các phương pháp mục vụ của Hội Thánh để có thể luôn luôn phù hợp hơn với các hoàn cảnh mới – cả những hoàn cảnh đòi hỏi một cuộc tân Phúc Âm hóa – và được sinh động hóa bằng nhiệt tình truyền giáo: “Hoạt động truyền giáo giúp canh tân Hội Thánh, tạo sức sống mới cho đức tin và căn tính Kitô giáo, và cống hiến niềm phấn khởi mới và kích thích mới. Đức tin được kiện cường khi nó được trao ban cho người khác! Chính trong việc dấn thân cho sứ mạng phổ quát của Hội Thánh mà cuộc tân Phúc Âm hóa của dân Kitô giáo sẽ tìm được nguồn cảm hứng và nâng đỡ” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 2).
Hãy đi loan báo
Mục tiêu này không ngừng được canh tân khi cử hành phụng vụ, đặc biệt cử hành Thánh Thể, luôn luôn kết thúc bằng cách lặp lại lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh cho các Tông Đồ: “Hãy đi...” (Mt 28,19). Phụng vụ luôn là một tiếng gọi “từ thế giới” và một việc sai đi “vào thế giới” để làm chứng cho điều mà mọi người đã trải nghiệm: quyền năng cứu độ của Lời Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Tất cả những ai đã gặp được Đức Kitô phục sinh đều cảm nhận nhu cầu loan báo Ngài cho người khác, như hai môn đệ trên đường Emmaus. Sau khi nhận ra Đức Kitô lúc Ngài bẻ bánh, họ “lập tức lên đường trở về Giêrusalem. Ở đó họ đã gặp Nhóm Mười Một đang tụ tập với nhau” và kể lại những gì đã xảy ra cho họ dọc đường (Lc 24,33-34). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên chúng ta hãy “tỉnh thức, sẵn sàng để nhận ra khuôn mặt của Ngài và chạy đến với anh chị em chúng ta với tin vui: “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Tông Thư Novo Millennio Ineunte, 59).
Cho mọi người
Những người hưởng nhận lời loan báo Tin Mừng là mọi dân tộc. Hội Thánh “tự bản chất là truyền giáo, vì Hội Thánh bắt nguồn từ chính sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha” (CĐ Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 2). Đây là “ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 14). Do đó, Hội Thánh không bao giờ có thể đóng kín trong chính mình. Hội Thánh được thiết lập tại những nơi cụ thể để vươn ra ngoài những nơi ấy. Vâng lệnh Đức Kitô và dưới ảnh hưởng ân sủng và tình yêu của Ngài, hành động của Hội Thánh trở nên hiện diện hoàn toàn và thực sự cho mọi người và mọi dân tộc để dẫn đưa họ tới niềm tin vào Đức Kitô (x. Ad Gentes, 5).
Nhiệm vụ này không hề mất đi tính cấp bách của nó. Thực vậy, “sứ mạng của Đức Kitô Cứu Thế, được ủy thác cho Hội Thánh, vẫn còn lâu mới được hoàn thành... Một cái nhìn tổng thể về nhân loại cho thấy rằng sứ mạng này mới chỉ đang bắt đầu và chúng ta phải hết lòng dấn thân phục vụ nó” (Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 1). Chúng ta không thể bằng lòng khi suy nghĩ đến sự kiện là, sau hai ngàn năm, vẫn còn có những dân tộc chưa biết Đức Kitô và chưa được nghe sứ điệp cứu độ của Ngài.
Không những thế: ngày càng có nhiều người, mặc dù đã lãnh nhận lời loan báo Tin Mừng, nhưng đã quên lãng hay từ bỏ nó và không còn liên kết với Hội Thánh; và nhiều khu vực, thậm chí cả trong các xã hội có truyền thống Kitô giáo, ngày nay tỏ ra không muốn mở lòng mình ra cho lời của Đức Tin. Các nền văn hóa đang thay đổi, đồng thời được kích thích bởi hiện tượng toàn cầu hóa, bởi những trào lưu tư tưởng và bởi chủ nghĩa tương đối đang thịnh hành, sự thay đổi này dẫn tới một não trạng và một lối sống coi thường Sứ điệp Tin Mừng, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, một não trạng và lối sống đề cao việc tìm kiếm sự thoải mái, tiền bạc, sự nghiệp và thành công như là mục đích của cuộc đời, thậm chí gây phương hại tới các giá trị luân lý.
Trách nhiệm liên đới của mọi người
Sứ mạng phổ quát bao gồm mọi người, mọi sự và mọi thời. Tin Mừng không phải là sở hữu độc quyền của những ai đã lãnh nhận nó, nhưng là một ân huệ phải được chia sẻ, là tin vui được thông truyền cho người khác. Và sự dấn thân-ân huệ này được ủy thác không chỉ cho một số, nhưng mọi người đã được rửa tội, là “một dòng giống được tuyển chọn... một dân tộc thánh, Dân riêng của Thiên Chúa” (1P 2,9), để loan truyền những kỳ công của Người.
Trách nhiệm này cũng bao gồm mọi hoạt động. Sự quan tâm và hợp tác trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh trên thế giới không thể bị giới hạn vào một số thời điểm hay dịp đặc biệt, cũng không thể được xem như chỉ là một trong biết bao hoạt động mục vụ khác: chiều kích truyền giáo của Hội Thánh là cơ bản; vì vậy đó là điều mà ta phải luôn luôn lưu ý. Quan trọng là cả những cá nhân đã được rửa tội và các cộng đoàn Hội Thánh phải tham gia truyền giáo không chỉ nhất thời hay tùy dịp, mà phải thường xuyên, và coi đây như một nếp sống Kitô giáo. Ngày Truyền Giáo không phải là khoảnh khắc biệt lập trong năm, mà là một dịp quí báu để chúng ta dừng lại và suy nghĩ xem chúng ta có đáp lại ơn gọi truyền giáo hay không và đáp lại như thế nào: một sự đáp ứng thiết yếu cho đời sống Hội Thánh.
Rao giảng Tin Mừng toàn cầu
Rao giảng Tin Mừng là một tiến trình và bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó đáng chú ý đặc biệt là sự liên đới trong việc sinh động hóa truyền giáo. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Ngày Thế giới Truyền giáo. Thông qua các Công cuộc Giáo hoàng Truyền giáo, Ngày Thế giới Truyền giáo kêu gọi sự trợ giúp để thực hiện các hoạt động rao giảng Tin Mừng trong các xứ truyền giáo. Sự trợ giúp này bao gồm việc nâng đỡ các tổ chức cần thiết cho việc thiết lập và củng cố Hội Thánh qua việc huấn giáo, các chủng viện, các linh mục, và cũng để đóng góp phần riêng của mình nhằm cải thiện điều kiện sống của dân chúng tại các quốc gia mà tình trạng nghèo đói, thiếu dinh dưỡng, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, bệnh tật, thiếu sự chăm sóc y tế và giáo dục đang ở mức nghiêm trọng nhất. Đây cũng là một phần sứ mạng của Hội Thánh. Khi loan báo Tin Mừng, Hội Thánh quan tâm tới đời sống con người, hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của nó. Đầy Tớ Chúa Phaolô VI từng tuyên bố rằng, trong việc rao giảng Tin Mừng, không thể chấp nhận việc bỏ qua các chủ đề về thăng tiến con người, công bằng, giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức, đương nhiên là liên quan đến quyền tự chủ trong lĩnh vực chính trị. Xem nhẹ các vấn đề trần thế của đời sống con người sẽ là “quên mất bài học của Tin Mừng liên quan đến tình yêu đối với người thân cận đang chịu đau khổ và thiếu thốn” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 31,34) ; đó sẽ là đi ngược lại thái độ của Chúa Giêsu, Ngài “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật quyền” (Mt 9,35).
Do đó, qua sự tham gia đồng trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh, người Kitô hữu trở thành người xây dựng sự hiệp thông, hòa bình và tình liên đới mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, và họ hợp tác vào việc thể hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể loài người. Những thách thức của công việc này kêu gọi người Kitô hữu đồng hành với những người khác, và truyền giáo là một phần thiết yếu của hành trình này với mọi người. Trong cuộc hành trình này, dù ở trong thân phận mỏng giòn dễ vỡ, chúng ta mang nơi mình ơn gọi Kitô hữu, kho báu vô giá của Tin Mừng, chứng tá sống động cho Đức Giêsu chết và phục sinh, Đấng được gặp và tin trong Hội Thánh.
Chớ gì Ngày Thế giới Truyền giáo làm thức tỉnh nơi mỗi người chúng ta niềm vui và ước muốn “ra đi” gặp gỡ loài người và mang Đức Kitô đến cho mọi người. Nhân danh Người, tôi hết lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho anh chị em, đặc biệt cho những ai phải lao nhọc và đau khổ nhất vì Tin Mừng.
Vatican, ngày 6 tháng 1-2011, Đại lễ Chúa Hiển Linh
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Bản dịch của Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên)
bài liên quan mới nhất
- Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28
-
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2019 -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2019 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp Giáng Sinh và phép lành toàn xá Urbi et Orbi -
Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28
-
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27 -
Quy chế của Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống -
Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tòa Thánh gửi Sứ điệp nhân Lễ Deepavali 2018