Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45 (2011)
Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45
5 tháng Sáu, 2011
Sự thật, Việc Loan báo và Cuộc sống thực trong thời đại kỹ thuật số
Anh chị em thân mến,
Nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45, tôi muốn chia sẻ vài suy tư gợi ý từ một hiện tượng đặc trưng của thời đại chúng ta: sự xuất hiện mạng lưới truyền thông internet. Một quan điểm ngày càng phổ biến cho rằng, cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp thời đó đã tạo nên sự biến chuyển sâu xa trong xã hội qua những thay đổi được đưa vào quy trình sản xuất và trong đời sống của công nhân, thì ngày nay, những đổi thay sâu sắc diễn ra trong lãnh vực truyền thông cũng đang điểu khiển những phát triển văn hóa và xã hội quan trọng. Các công nghệ mới không chỉ thay đổi cách chúng ta giao tiếp, nhưng còn thay đổi cả chính sự giao tiếp, đến nỗi có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một giai đoạn biến đổi văn hóa rộng lớn. Điều này có nghĩa là việc truyền bá thông tin và tri thức làm nảy sinh một lối học tập và suy nghĩ mới, với những cơ hội chưa từng có cho việc thiết lập các mối quan hệ và tình thân hữu.
Ngày nay các chân trời mới –vốn cho tới thời gian gần đây vẫn chưa thể hình dung được– đang mở ra; khiến người ta kinh ngạc với những khả năng mà các phương tiện truyền thông mới này đem lại, đồng thời chúng đòi hỏi phải cấp bách suy tư nghiêm túc về ý nghĩa của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số. Điều này là đặc biệt rõ rệt khi chúng ta đối mặt với tiềm năng phi thường của internet và những ứng dụng phức tạp của nó. Cũng như mọi thành quả của tài năng con người, các công nghệ truyền thông mới phải nhằm phục vụ cho thiện ích toàn diện của cá nhân cũng như cả nhân loại. Nếu được sử dụng cách khôn ngoan, chúng có thể góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát về ý nghĩa, sự thật và sự hiệp nhất vốn vẫn còn là khát vọng thâm sâu nhất của mỗi con người.
Trong thế giới kỹ thuật số, việc truyền tải thông tin càng ngày càng có nghĩa là phổ biến thông tin ấy trong một mạng lưới xã hội, nơi các cá nhân trao đổi kiến thức với nhau. Sự phân biệt rõ rệt giữa người cung cấp và người tiếp nhận thông tin trở nên tương đối và truyền thông xem ra không chỉ là trao đổi dữ liệu, nhưng còn là một hình thức chia sẻ. Tính cách năng động này, góp phần tạo nên một thái độ quý trọng mới đối với chính truyền thông, vốn trước tiên được coi là đối thoại, trao đổi, liên đới và tạo nên các tương quan tích cực. Mặt khác, điều này trái ngược với các giới hạn tiêu biểu của việc truyền thông kỹ thuật số. Những giới hạn đó là: tính một chiều của việc tương tác, khuynh hướng chỉ truyền thông một vài khía cạnh thế giới nội tâm của mình, nguy cơ của việc xây dựng một hình ảnh giả tạo của bản thân vốn có thể trở thành một hình thức phóng túng.
Đặc biệt là các bạn trẻ đang sống kinh nghiệm về sự thay đổi này trong lãnh vực truyền thông, với tất cả những lo âu, những thách đố và tính sáng tạo đặc trưng của những người nhiệt tình và tò mò sẵn sàng hướng đến những kinh nghiệm sống mới mẻ. Việc họ tham gia ngày càng đông vào các diễn đàn kỹ thuật số công cộng, tạo nên bởi những cái gọi là mạng xã hội, giúp tạo ra những hình thức tương quan liên vị mới mẻ, đã tác động đến ý thức bản thân và do đó, không thể tránh khỏi đặt ra các vấn đề là không chỉ làm sao để hành động đúng đắn, mà còn cả về tính thực hay ảo của chính hữu thể mình nữa.
Tham gia vào không gian điều khiển có thể là dấu chỉ muốn thực sự tìm gặp gỡ người khác, miễn sao phải lưu tâm tránh những nguy hiểm như giam mình trong một thứ hiện hữu song song, hay bộc lộ quá mức ở thế giới ảo. Trong khi tìm sự chia sẻ, “tìm bạn”, có một thách đố phải trung thực, trung thành với chính mình, không để rơi vào ảo tưởng tạo ra một hình ảnh công khai giả tạo về mình.
Các công nghệ mới cho phép người ta gặp nhau vượt qua giới hạn không gian và nền văn hóa của riêng mình, tạo ra một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn và ý thức về những nguy cơ có thể có. Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Liệu có mối nguy cơ là chúng ta có thể ít hiện diện hơn với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày? Liệu có nguy cơ chúng ta trở nên xao lãng hơn, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân mảnh và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống? Chúng ta có còn thời gian suy nghĩ nghiêm túc về các chọn lựa của mình và nuôi dưỡng các mối tương quan nhân bản thực sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là luôn nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho việc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện của cuộc sống của chúng ta.
Trong thời đại kỹ thuật số cũng vậy, mỗi người đối mặt với nhu cầu sống thực và nhu cầu suy tư. Vả lại, tính năng động trong các mạng xã hội cho thấy một người luôn có mặt trong những gì họ truyền thông. Khi trao đổi thông tin, người ta cũng chia sẻ chính mình, chia sẻ thế giới quan của mình, niềm hy vọng và lý tưởng của mình. Kết quả là có một cách cho Kitô giáo hiện diện trong thế giới kỹ thuật số: phong cách ấy mang hình thức của một sự truyền thông trung thực và cởi mở, có trách nhiệm và tôn trọng người khác. Loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới không chỉ có nghĩa là diễn tả nội dung tôn giáo trong các lãnh vực truyền thông khác nhau, nhưng còn là làm chứng một cách kiên định, trong bản lý lịch trên mạng của mình và theo cách thức chia sẻ những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán phù hợp hoàn toàn với Tin Mừng, ngay cả khi người ta không nói về điều đó cách đặc biệt. Vả lại, trong thế giới kỹ thuật số, một sứ điệp không thể được loan báo mà không có một chứng tá kiên định của người loan báo nó. Trong những bối cảnh mới và với những hình thức diễn tả mới này, một lần nữa các kitô hữu được mời gọi đưa ra câu trả lời cho những ai chất vấn họ về niềm hy vọng của mình (x. 1Pr 3,15).
Việc làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi mọi người phải đặc biệt lưu tâm đến những khía cạnh của sứ điệp này vốn có thể là thách đố cho một số người về những lối suy nghĩ tiêu biểu của mạng lưới internet. Trước hết chúng ta phải ý thức rằng giá trị của sự thật mà chúng ta muốn chia sẻ không phải do được nhiều người ưa thích hay chú ý. Chúng ta phải làm cho sự thật ấy được biết đến một cách toàn vẹn, thay vì tìm cách làm cho người ta chấp nhận nó hay làm dịu nó đi. Sự thật ấy phải trở nên lương thực hằng ngày chứ không phải một điều hấp dẫn thoáng qua. Chân lý Tin Mừng không phải là điều để tiêu thụ hay sử dụng một cách hời hợt, nhưng là một ân huệ đòi hỏi sự đáp trả tự do. Ngay cả khi được loan báo trong không gian ảo của mạng lưới internet, Tin Mừng cũng đòi hỏi nhập thể vào thế giới thực và nối kết với những khuôn mặt thực của anh chị em chúng ta – những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hằng ngày. Những tương quan nhân bản trực tiếp vẫn luôn là nền tảng cho việc thông truyền đức tin!
Tôi muốn mời gọi các kitô hữu hãy tự tin cùng với tinh thần sáng tạo có ý thức và trách nhiệm tham gia vào mạng lưới các tương quan mà thời đại kỹ thuật số đã đem lại. Không phải đơn giản để thỏa mãn ao ước được hiện diện, nhưng vì mạng lưới này là một phần của cuộc sống con người. Mạng lưới internet đang đóng góp vào sự phát triển những lãnh vực tâm linh và trí thức mới mẻ và phức tạp hơn, và những hình thức mới của việc chia sẻ xác tín. Cả trong lãnh vực này, chúng ta cũng được mời gọi loan báo niềm tin của chúng ta rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ con người và lịch sử, Đấng mà trong Ngài mọi sự được thành toàn (x. Ep 1,10). Việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi một hình thức truyền thông vừa tôn trọng vừa truyền cảm, kích thích tâm hồn và lay động lương tâm; một hình thức gợi lại phong cách của Chúa Giêsu Phục Sinh khi ngài đồng hành với các môn đệ trên đường Emmaus. Khi Chúa đến gần họ, đàm thoại với họ, nhẹ nhàng khơi gợi tâm tư của họ, họ mới dần dần hiểu được mầu nhiệm.
Xét cho cùng, chân lý về Chúa Kitô là câu trả lời trọn vẹn và đích thực cho khát vọng của con người về tương quan, hiệp thông và ý nghĩa vốn thể hiện nơi sự tham gia đông đảo vào các mạng xã hội. Khi làm chứng cho những xác tín sâu xa nhất của mình, các tín hữu giúp rất nhiều cho thế giới mạng để không trở thành một công cụ phi nhân cách hóa con người, mưu toan thao túng cảm xúc con người hay cho phép kẻ mạnh nắm độc quyền các ý kiến của người khác. Trái lại, các tín hữu khuyến khích mọi người luôn lưu tâm đến những vấn đề muôn thuở của con người, vốn biểu lộ niềm khao khát siêu việt và mong muốn những hình thức sống đích thực, đáng sống. Chính niềm khao khát thiêng liêng nhân bản duy nhất này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm chân lý và hiệp thông, truyền thông cách liêm chính và trung thực.
Đặc biệt tôi mời gọi các người trẻ sử dụng đúng đắn sự hiện diện của mình trong thế giới kỹ thuật số. Tôi lặp lại lời mời các bạn trẻ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới tại Madrid, vốn được chuẩn bị phần lớn bằng công nghệ mới. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng của các bạn, xin Chúa ban cho những người thợ trong ngành truyền thông khả năng luôn thi hành công việc của mình một cách có lương tâm và chuyên nghiệp. Tôi ban Phép lành Tòa thánh cho tất cả mọi người.
Vatican, 24 - 01 - 2011,
lễ thánh Phanxicô Salêsiô
Bênêđictô XVI
Đức Thành dịch theo bản tiếng Anh
bài liên quan mới nhất
- Billie Eilish: Nội dung khiêu dâm khiến tôi bị tổn thương sâu sắc
-
ĐTC trao huân chương giáo hoàng cho hai nhà báo -
Đức Hồng y Bo sẽ khai trương Ứng dụng điện thoại di động mới của Đài Chân Lý Á Châu -
Văn hóa và Bác ái khi sử dụng Mạng Xã Hội -
ĐTC gửi sứ điệp tới 5.600 nhà truyền thông Công giáo Brazil -
ĐTC Phanxicô thăm trụ sở Vatican News và báo Quan sát viên Roma -
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 55: Những ấn tượng đọng lại -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 55 tại Sài Gòn -
Tín hữu Hoa Kỳ được mời gọi quyên góp giúp hoạt động truyền thông của Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều
- Kết quả Tổng điều tra dân số 2019
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Người Công giáo trong tầm ngắm của Big Tech -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ứng dụng đọc Kinh Mân Côi điện tử “Click to Pray eRosary” -
Thánh lễ tạ ơn 'Thập niên truyền thông' của Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn -
Ủy Ban TTXH / HĐGMVN chúc tết ĐGM Phêrô - thành viên Bộ Truyền Thông Tòa Thánh -
Phát hiện các tin tức giả