Sứ điệp Giáng sinh trưa 25.12.2009 của Đức Thánh Cha

Sứ điệp Giáng sinh trưa 25.12.2009 của Đức Thánh Cha

Các hãng thông tấn trên thế giới đều nhanh chóng loan tin Đức Thánh Cha bị trượt ngã khi cô Susanna Maiolo, một thiếu nữ quốc tịch Thuỵ sĩ, đã vượt hàng rào để nắm lấy dây pallium lúc ngài đang tiến lên bàn thờ để cử hành Thánh lễ nửa đêm, chứ họ không quan tâm đến bài giảng của ngài. Sáng hôm qua, phòng báo chí Toà Thánh cho biết rằng sinh hoạt của Đức Thánh Cha diễn ra đều đặn trong Thánh lễ nửa đêm cũng như trong ngày lễ Giáng sinh, với sứ điệp và phép lành Tòa thánh từ bao lơn của đền thánh Phêrô vào lúc 12 giờ trưa. Chỉ có đức Hồng Y Roger Etchegaray (87 tuổi) bị ngã và gẫy xương đùi, phải đưa đi bệnh viện Gemelli cấp cứu.

Sứ điệp Giáng Sinh năm nay dựa theo bản văn Ca-nhập-lễ của thánh lễ thứ hai (quen gọi là lễ Rạng đông, sau lễ Nửa đêm và trước lễ ban ngày): “Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, vì Chúa đã sinh ra chúng ta”. Tư tưởng xoay quanh hai chủ đề “ánh sáng” và “chúng ta”. Chúa giáng trần đã mang lại ánh sáng cho chúng ta. “Ánh sáng” được hiểu theo nghĩa là chân lý và tình yêu. “Chúng ta” có nghĩa là những người đón nhận Chúa Kitô, những Kitô hữu, tức là Hội thánh. Hội thánh có sứ mạng mang ánh sáng Chúa Kitô đến hết mọi miền trên thế giới, cho dù gặp phải nhiều khó khăn chống đối. Tuy nhiên, Hội thánh dựa trên sức mạnh là chính Chúa Kitô. Sau đây là nguyên văn bài sứ điệp:

"Thưa anh chị em thân mến ở Rôma và trên khắp thế giới, và thưa tất cả mọi người được Chúa yêu thương,

"Ngày hôm nay, ánh sáng đã chiếu tỏa trên chúng ta, bởi vì Chúa đã sinh ra cho chúng ta" (Lux fulgebit hodie super nos, quia natus est nobis Dominus).

Phụng vụ của Thánh lễ ban sáng nhắc nhớ chúng ta rằng đêm đã qua rồi, ngày đã tiến tới; ánh sáng bừng lên từ hang Bêlem đã chiếu tỏa trên chúng ta. Tuy nhiên, Kinh thánh và phụng vụ không nói đến ánh sáng tự nhiên, nhưng là một thứ ánh sáng khác, một cách nào đó đã nhắm tới và xoay đến "chúng ta", chính "chúng ta" mà vì đó Hài nhi Belem đã sinh ra. "Chúng ta" này là Hội thánh, đại gia đình của những kẻ tin Chúa Kitô, những kẻ đã đợi chờ ngóng trông cuộc giáng sinh mới của Đấng Cứu thế, và hôm nay cử hành trong nhiệm tích biến cố luôn mang tính cách thích thời.

Vào lúc đầu, chung quanh máng cỏ Belem, cái "chúng ta" đó xem ra còn vô hình trước con mắt của người đời. Như Tin Mừng thánh Luca kể lại, nó chỉ mới bao gồm, ngoài Mẹ Maria và thánh Giuse, một vài mục đồng đến hang đá do thiên sứ báo tin. Ánh sáng của đêm Giáng Sinh tiên khởi ví như một ngọn lửa thắp lên giữa đêm tối. Khắp chung quanh tất cả đều tối om, đang khi ở trong hang đá chiếu lên ánh sáng đích thực "chiếu soi mọi nhân sinh" (Ga 1,9).

Thế nhưng tất cả mọi sự diễn ra cách đơn sơ kín đáo, hợp theo thể cách mà Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ. Chúa ưa thắp lên những ngọn đèn hạn hẹp, để rồi chiếu toả rộng rãi. Chân lý, cũng như Tình Yêu, là nội dung của nó, được thắp lên ở nơi nào mà ánh sáng được tiếp nhận, rồi được lan toả với những vòng đồng tâm, tựa hồ nhờ sự tiếp xúc, trong các con tim và trí tuệ của những ai tự nguyện mở ra cho ánh sáng, rồi đến lượt trở nên nguồn ánh sáng.

Đó là lịch sử của Hội thánh, khởi đầu chặng đường của mình từ hang nghèo nàn tại Belem, và trải qua các thế kỷ, trở nên Đoàn dân và nguồn ánh sáng cho nhân loại. Cả ngày hôm nay, qua những người đi gặp Hài nhi, Thiên Chúa vẫn còn thắp lên những ngọn lửa giữa đêm tối của thế giới để kêu gọi loài người hãy nhận biết nơi đức Giêsu như là "dấu chỉ" của sự hiện diện cứu độ và giải thoát, và mở rộng cái "chúng ta" của các tín đồ Chúa Kitô ra khắp toàn thể nhân loại.

Ở đâu có một "chúng ta" tiếp đón tình yêu Thiên Chúa, thì tại đấy rạng chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Hội thánh, cũng như Mẹ Maria, cống hiến cho thế giới quý tử là Đức Giêsu, Đấng mà Mẹ đã lãnh nhận như món quà, Đấng đã đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Cũng như Mẹ Maria, Hội thánh không sợ hãi, bởi vì Hài nhi đó là sức mạnh của mình. Nhưng Hội thánh không giữ lại Hài nhi cho riêng mình. Hội thánh cống hiến Người cho bất cứ ai đang thành tâm tìm kiếm, cho những kẻ khiêm tốn trên mặt đất, cho những kẻ sầu muộn, cho những nạn nhân của bạo lực, cho những kẻ đang khao khát hoà bình. Kể cả vào thời nay, theo cung cách của tinh thần san sẻ và trung thành với con người, Hội thánh nói với gia đình nhân loại đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng trước đó là cuộc khủng hoảng luân lý, với những lời của các mục đồng: "Nào ta hãy đi về Belem" (lc 2,15), ở đó chúng ta sẽ tìm thấy niềm hy vọng.

Cái "chúng ta" của Hội thánh sinh sống tại nơi mà Chúa Giêsu đã sinh ra, tại Thánh địa, để mởi gọi dân cư ở đó hãy khước từ mọi thứ luận lý của bạo lực và trả thù, và hãy dấn thân cách nhiệt thành và quảng đại vào con đường chung sống hoà bình.

"Chúng ta" của Hội thánh hiện diện tại những nước khác của miền Trung Đông. Làm sao không nghĩ đến tình hình tang thương của nước Irak và đòan chiên Kitô hữu bé nhỏ sống ở đó? Họ thường phải hứng chịu nhiều cảnh tàn bạo và bất công nhưng cứ luôn luôn nhắm đến việc đóng góp vào việc xây dựng một cuộc chung sống trái ngược với luận lý của đối đầu và bài trừ kẻ lân cận.

"Chúng ta"của Hội thánh đang hoạt động tại Sri Lanka, tại bán đảo Triều tiên và tại Philippin cũng như tại những miền khác của châu Á, như là men của hòa giải và hoà bình.

Ở đại lục châu Phi, Hội thánh không ngừng cất tiếng van nài Thiên Chúa để xin chấm dứt cảnh áp bức ở Cộng hoà dân chủ Congo; Hội thánh mời gọi các công dân Guinê và Niger hãy tôn trọng quyền lợi của mỗi người và đối thoại; Hội thánh kêu mời đồng bào ở Madagascar hãy vượt lên những chia rẽ nội bộ và hãy đón nhận lẫn nhau: Hội thánh nhắc nhở cho hết mọi người rằng họ được kêu gọi đến hy vọng, bất chấp những hoàn cảnh tang thương, những thử thách và khó khăn đang tiếp tục đè nặng.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ cái "chúng ta" của Hội thánh thôi thúc hãy vượt qua não trạng ích kỉ và duy kỹ thuật, để cổ võ công ích và tôn trọng những người yếu ớt, bắt đầu từ những kẻ chưa sinh ra.

Tại Honduras, Hội thánh giúp đỡ khôi phục lại con đường của định chế; trong toàn thể châu Mỹ latinh, "chúng ta" của Hội thánh là một yếu tố tạo nên căn tính, sự sung mãn của chân lý và bác ái mà không ý thức hệ nào có thể thay thế được, là tiếng gọi tôn trọng những quyền lợi bất khả nhưởng của mỗi người và sự phát triển toàn diện, là tiếng loan báo công bình và huynh đệ, nguồn mạch đoàn kết.

Trung thành với sứ mạng của Đấng Sáng lập, Hội thánh liên đới với những nạn nhân thiên tai và nạn nghèo đói ngay cả trong các xã hội trù phú. Đứng trước cảnh ra đi của biết bao nhiêu người lìa bỏ quê hương và bị thúc bách do cảnh nghèo đói, bất bao dung, hoặc sự suy sụp môi trường, Hội thánh là một sự hiện diện kêu gọi sự đón tiếp.

Nói tắt một lời, Hội thánh loan báo khắp nơi Tin mừng Chúa Kitô, bất chấp những sự bách hại, những kỳ thị, những tấn công hoặc lãnh đạm đôi khi kèm theo thù nghịch, những hoàn cảnh giúp cho Hội thánh chia sẻ thân phận của Thầy và Chúa của mình.

Anh chị em thân mến, thật là một hồng ân trọng đại được tham dự vào cuộc hiệp thông dành cho hết mọi người. Đó là sự hiệp thông của Ba Ngôi chí thánh, từ đó xuất phát Giêsu, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Giống như các mục đồng Bêlem, chúng ta hãy trầm trồ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình thương và ánh sáng này."

Sau bài sứ điệp là lời chúc mừng giáng sinh đọc bằng 65 ngôn ngữ (năm nay thêm tiếng Kazaco), bắt đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Âu, châu Phi, châu Á, và kết thúc với tiếng maori và Samoa ở châu Đại dương cùng với hai ngôn ngữ quốc tế là tiếng esperanto và latinh.

Sau cùng đức thánh cha ban phép lành với ơn Tòan xá Urbi et Orbi , cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới. Các tín hữu có thể lãnh ân xá qua đài truyền thanh và truyền hình. Trước đó, vị chủ sự đã đọc công thức xá giải các tội lỗi và hình phạt: “Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tội lỗi cho chúng ta, và ban cho chúng ta được ơn hoán cải và kiên trì làm việc thiện cho đến cùng”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top