Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức
LỜI NÓI ĐẦU
Bình thản nhìn vào chiều sâu cuộc sống thường ngày, ta thấy nội tâm ta thường xuyên khắc khoải lo âu, đầy ấp đủ thứ vui buồn, thương ghét khuấy động đảo điên. Cái khối chất chứa đó khiến ta ấm ức dưới cảm giác bị trói buộc áp chế và căng thẳng. Ta khao khát được cởi bỏ gánh nặng phiền não ấy để được tự do và chủ động, nhưng không sao đạt được như mình ước mong.
Tâm trạng đó phát xuất từ nguyên nhân con người thông thường bị trói buộc nghiệt ngã trong một nếp cảm và nghĩ thụ động, bị kẹt trong cái thế nhị nguyên chấp nhất và đối kháng, bị đóng khung thế giới hình sắc, bị hiện tượng bên ngoài tác động trên cảm giác, cảm xúc và tưởng tượng. Tất cả những thứ đó làm cho nội tâm luôn luôn lâm vào cảnh xô xát, khuấy động, phân sẻ, căng thẳng, và lệch xa con đường ánh sáng chân lý và tình thương bao dung quảng đại.
Như một phương pháp tu tâm luyện đức, Thiền đề nghị ta phá đổ khung nếp thông thường nói trên, vượt ra khỏi cái thế nhị nguyên đối kháng, vượt lên trên thế giới hiện tượng và hình sắc, để hướng tìm về đỉnh thái hòa, là nguồn sự sống, là nơi mà ta tìm gặp sự yên tĩnh và tự do nội tâm. Từ nơi đó, ta nhìn mọi sự vật qui về một mối. Nói cách khác, Thiền là con đường của tâm trí điều chế tâm tư, xả trừ mọi khuấy động căng thẳng, tạo sự an tĩnh cho nội tâm, tồn trữ sinh lực nhằm phá tung bức màn bóng tối nội tâm (bức màn vô minh), đánh thức lòng tin đang mê giấc, mở con mắt thứ ba đang co thắt nhắm khít, để ta có một cái nhìn mớii đối với vũ trụ vạn vật, nhìn dưới một ánh sáng mới, theo một quan điểm mới. Có được cái nhìn đó (cái nhìn đức tin), cuộc đời ta sẽ diễn ra với một khuôn mặt tươi sáng, hài hòa và thanh thoát. Hiện tượng đổi mới đó được gọi là qui cải, là trở về nhà (như đứa con đi hoang trở về nhà Cha), là giác ngộ. Người Công Giáo thường chạy đến với Chúa để tâm sự với Chúa, lắng nghe Chúa nói, soi sáng an ủi vỗ về. Ta có thể sử dụng Thiền như một phương pháp tâm lý, yểm trợ cho việc chạy đến với Chúa thường xuyên hơn, hướng đến một nếp sống mới như Chúa mong ước.
Nhìn như một hoạt động tinh thần, qui cải hay giác ngộ có cấp độ như bất cứ hoạt động tinh thần nào.
Sánh như hòn đá ném xuống mặt hồ gây chấn động lan rộng, giác ngộ phát ra từ tâm trí lan truyền ra toàn diện cuộc sống ta, nó lật đổ hệ thống giá trị cũ của ta, và đặt ta trên một thế đứng hoàn toàn mới, thế đứng của thái hòa, để nhìn sự đời từ nguồn sự sống, từ nguồn tình thương (như Đức Kitô trước dân làng Samaria, hoặc từ trên cây thánh giá…).
Với giác ngộ, với lòng tin bừng dậy, con người không còn thụ động để cho cảm xúc và dục vọng xô xát khuấy động (như trường hợp Giakêu, Augustinô trước khi trở lai. Song con người đi vào một thế giới giá trị mới, được tự do hoạt động để sáng tạo những gì chí thiện chí mỹ (như trường hợp Giakêu, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld sau khi trở lại…). Đó cũng là một biến cố tinh thần, là một sự tái sinh (như Đức Giêsu nói với Nicôđêmô), là một sự chết đi cho con người cũ và sống con người mới (như Phaolô nói với tín hữu Rôma), là một cuộc rửa tội bằng lửa (x. Mt 24, 40-44).
Trong giác ngộ, mọi hoạt động của tâm trí và ý chí không còn bị cảm giác và cảm xúc khuấy động, không còn chiều theo đam mê dục vọng, mà theo một hướng hoàn toàn mới (hướng của đức tin, của Thần Khí là nguồn sự sống và tình thương). Nội tâm yên tĩnh hơn, vui tươi hơn, như có một sức sống mới đang rạo rực trong tôi (hoa trái của Thánh Thần).
Tóm lại, Thiền là con đường tu đức đưa ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của một sự sống vướng mắc đảo điên, căng thẳng và đầy lo âu, nói cách khác, kỷ luật tu luyện của Thiền là điều cần thiết cho việc thống nhất nội tâm và tạo sự an tĩnh cho tâm trí và giác ngộ là bước đầu đi đến tự do tự tại, tự do hiểu như một nỗ lực sáng tạo những gì chí thiện chí mỹ (tự do của con cái Thiên Chúa, tự do của con người mới).
Như thế, như nhận định của ông Suzuki (1870-1966), giáo sự Đại Học Kyoto, Tokyo, Hawai và California, Thiền đâu phải là nguồn nước riêng của một tôn giáo nào. Nguồn Thiền rất dồi dào trong nhiều tôn giáo. Nếu một tôn giáo nào đầy khởi sắc và sinh lực, đó là do có được cái gọi là Thiền.
Con đường Thiền đó, kỷ luật và phương pháp tu đức đó, ông Hubert Benoit, một bác sĩ phân tâm học, nhìn và mô tả nó từ góc độ khoa tâm lý học chiều sâu. Công trình nghiên cứu và kinh nghiệm của ông thật là quí giá cho những ai muốn tìm hiểu Thiền như một con đường tu tâm luyện đức, để đón nhận ơn cứu độ, để dọn thửa đất cho hạt giống ơn cứu độ có điều kiện phát triển và đơm bông kết trái. Những trang sau đây tóm lược một phần của công trình đó. Mong rằng nó góp phần giúp ít và khai thông cho những ai đang đi trên con đường tu luyện mà thường thiếu ổn định và gặp nhiều căng thẳng trong hoàn cảnh thực tế ngày nay.
GB Phạm Minh Mẫn (1987)
PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN
* * *
1. Đánh thức lòng tin mê giấc
Từ ngàn xưa, con người luôn suy nghĩ về số phận khốn đốn của mình. Họ cảm thấy mình sống không tự do như mình ước mong. Họ tự đánh giá và xác định những nỗi lo âu, sợ hãi, ấm ức trong nội tâm mình. Từ đó, mọi hoạt động nội tâm của con người thông thường được nghiên cứu và mô tả khá chính xác.
Tuy nhiên nếu công việc chẩn bệnh đem lại cho con người một sự hiểu biết phong phú về đời sống nội tâm, thì việc chữa trị đời sống nội tâm còn nghèo nàn và không mấy hiệu quả. Đó là những phương thức chữa trị chưa nhằm vào căn bệnh, mà chỉ nhằm vào những triệu chứng. Thí dụ như :
1. Khi ta nhận ra sự khốn đốn của mình hệ tại sự hay biểu lộ tính nóng nảy, tự ái, lòng tham dục, thì ta nghĩ rằng phương cách chữa trị là cố gắng hãm dẹp chúng đồng thời cố sống hiền hòa tự khiêm, tự chế.
2. Hoặc khi ta nghĩ rằng sự khốn đốn của mình hệ tại ở nội tâm dễ bị khuấy động, hay áy náy, lo sợ, nên cố gắng dẹp những đảo điên đó để tâm thần được ổn định.
3. Hoặc khi ta thấy rằng sự khốn đốn của mình phát sinh từ nội tâm của mình lúc nào cũng thèm khát một cái gì đó, lúc nào cũng quyến luyến cái mình có, cái mình mơ ước, nên cố gắng dứt bỏ đi sự quyến luyến đó, san sẻ cái mình có…
Theo lý Thiền, tất cả những phương thức chữa trị trên đều nhắm vào sự sống động vật nơi con người, do đó ít nhiều nó cũng để lại những ức chế nơi nội tâm. Vả lại trong những phương thức đó, có một lý luận quá giản đơn cho rằng ta phải hành động ngược lại cái trục trặc trong nội tâm. Phát xuất từ việc đánh giá một hình thức, một hiện tượng là xấu, là tiêu cực, nên cách lý luận trên cầm giữ ta trong lãnh vực hình thức và hiện tượng, không cho tâm trí ta vượt ra khỏi khuôn phép của hình thức tốt hoặc xấu, hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực. Nói cách khác, cách luận giải đó làm cho nội tâm bị phân xẻ giữa hai cực, bị giằng co trong cái thế nhị nguyên đối kháng. Do đó, cách đặt vấn đề như trên trở thành một chướng ngại cho việc thống nhất nội tâm và việc tạo an tĩnh cho tâm trí, đồng thời nó còn là một cản trở cho việc tìm về Nguyên lý Tối Thượng vượt lên trên lý nhị nguyên. Nói cách khác, cách đặt vấn đề như trên chôn chân ta trong lãnh vực hình thức phân cực mà ta phải vượt qua, vì thế nó là cho vấn đề trở thành nan giải.
Thiền xuyên qua mọi hiện tượng của nội tâm mà không dừng lại xem xét hình tướng của chúng. Theo lý Thiền, ta vẫn sống trong khốn đốn vì ta không thấy được, chưa nhận thức được sự hiện diện của Nguyên lý Tối Thượng và tuyệt hảo ở trong ta, ta nghĩ sai rằng ta còn thiếu cái gì đó mà mình phải tìm trong thế giới hình sắc để bù đắp cho đủ. Ý nghĩa sai lạc đó phát xuất từ tình trạng lòng tin của ta đang mê giấc. Còn cái đang thức, đang hoạt động trong ta là những ý nghĩ phát sinh do hoạt động giác quan, cảm xúc và trí năng trong cái thế nhị nguyên đối kháng và chấp nhất. Những ý nghĩ đó cũng là hậu quả của tình trạng lòng tin trong ta đang mê giấc. Tôi là một người yếu tin, vì không tin những gì mình không thấy được trong thế giới hình sắc và hiện tượng. Ý niệm về lòng tin đang mê giấc đó cho ta thấy rằng cần phải có người đánh thức nó dậy, phải có một giáo huấn, một mạc khải giúp lòng tin rời bến mê đi đến bờ giác, và khai ngộ cho ta.
Tình trạng lòng tin đang mê giấc là hiện tượng khai nguyên cho mọi sai lạc của con người. Đó là hiện tượng nguyên nhân. Đó là căn bệnh. Mọi cách chữa trị tình trạng khốn đốn của ta đều trở nên kém hiệu quả hoặc vô hiệu nếu không đi thẳng vào căn bệnh đó.
Vậy ta phải làm gì để trị tận căn tình trạng khốn đốn của ta? Theo lý Thiền, điều duy nhất ta phải làm là đánh thức lòng tin đang mê giấc để thấy biết Thực Tại Tuyệt Hảo là Nguyên lý Tối Thượng đang hiện diện trong tâm ta. Việc thấy biết đó gọi là giác ngộ, là mở con mắt thứ ba (con mắt đức tin).
Việc đánh thức lòng tin đang mê giấc gồm hai giai đoạn.
- Ở giai đoạn một, tâm trí ta phải phải tự đi đến ý thức và xác tín rằng trong ta có một lòng tin đang mê giấc, rằng ta có khả năng đánh thức nó, và chỉ có lòng tin bừng tỉnh mới có thể chấm dứt tâm trạng khốn đốn của ta. Trong giai đoạn một này, công việc vừa nêu trên có thể gọi là làm một cái gì. Thế nhưng ý thức về tình trạng lòng tin đang mê giấc, xác tín về sự cần thiết phải đánh thức nó dậy, những việc đó chưa đổi mới được tâm trạng khốn đốn của ta.
- Ở giai đoạn hai, ý thức và xác tín đó phải được biến thành một cái gì sống động lan rộng ra toàn diện cơ thể và cuộc sống ta. Chỉ lúc đó, lòng tin đang mê giấc mới có cơ bừng tỉnh. Sự bừng tỉnh này là một cuộc vượt lên trên lãnh vực hình sắc của cuộc sống thông thường, nó không phải là hiệu quả của một việc làm trực tiếp của con người, vì lẽ con người thông thường thì hoàn toàn mù tối mê muội đối với thế giới phi hình sắc. Con người không thể làm gì để cảm nghiệm sự tự do trọn vẹn và hạnh phúc vô biên. Điều con người có thể làm thì chỉ có thể làm một cách gián tiếp và thụ động. Đó là ý thức được tính hư đốn của mọi con đường mình tự vạch ra để đi đến giải thoát. Khi mọi cố gắng kiên trì của ta mang lại cho ta xác tín sâu sắc rằng những gì ta làm để tự giải thoát đều hư ảo, và thấy rõ rằng không có con đường nào cả, ta không cần đi đâu cả, vì lẽ ta đang ở trong cái tâm của Nguyên lý Tối Thượng như nhất và tuyệt hảo, lúc bấy giờ lòng tin đang mê giấc của ta mới có cơ bừng tỉnh.
Như thế, cái gọi là giải thoát, là giác ngộ, xảy đến sau hoạt động nội tâm, nhưng nó không do hoạt động nội tâm thực hiện. Hoạt động nội tâm chỉ là dụng cụ mà nguyên nhân đệ nhất là Nguyên lý Tối Thượng sự dụng để hoàn thành việc giải thoát con người và đưa họ đến bờ giác, đến đời sống mới của con người mới.
(còn tiếp)
Nguồn:
Hubert Benoit, La doctrine suprême, 1967