Sự sống con người theo lý Thiền (4): Điều kiện tâm lý để lòng tin bừng dậy
PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN (tt)
4. Điều kiện tâm lý để lòng tin bừng dậy
Ý thức con người thông thường hoạt động theo năm cách:
1. Cách thụ động nhất là ngủ say, không giấc mộng, trong trí năng lúc bấy giờ không có một hình sắc nào.
2. Ngủ có giấc mộng.
3. Tỉnh thức trong mơ mộng (thả hồn theo mộng)
4. Tỉnh thứcvới những tư tưởng gắn liền với thực tế hiện tại bên ngoài (họa sĩ)
5. Tỉnh thức với suy nghĩ thuần trí (suy niệm, làm bài).
Ngoại trừ cách thứ nhất, trong hoạt động theo bốn cách sau, trí năng hàm chứa hình sắc. Nhìn về bản tính, những hình sắc đó có thể là cụ thể hoặc trừu tượng. Nhìn về lối diễn đạt, những hình sắc đó có thể mang tính biểu tượng, hoặc hiện thực, hoặc thuần trí:
1. Hình sắc trong giấc mộng mang tính biểu tượng, ý nghĩa của chúng hình thức diễn đạt.
2. Hình sắc trong mơ mộng có thể mang tính biểu tượng hoặc hiện thực.
3. Trong suy nghĩ dựa vào thực tế, như Archimède, Newton, hình sắc mang tính hiện thực, chúng phù hợp với thực tế cụ thể, và ý nghĩa của chúng là một sự bày tỏ tương đối của chân lý nguyên sơ.
4. Trong suy nghĩ thuần trí, trong suy niệm thì hình sắc mang tính thuần trí, trừu tượng (như tình yêu tự hiến mình của Chúa Kitô…), ngũ quan không khả năng tiếp thu chúng, chỉ có trí năng như một giác quan thứ sáu mới có khả năng tiếp thu chúng, và chúng mang một ý nghĩa phổ quát hơn những hình sắc hiện thực và cụ thể.
Quan điểm thông thường cho rằng có một tiến trình đi lên từ cách hoạt động thứ nhất của ý thức tâm lý đến cách thứ năm, cho rằng :
* Tình trạng của người suy nghĩ về thưc tế bên ngoài (cách thứ 4), thì trổi hơn tình trạng mê giấc (cách thứ 1 và 2)
* Tình trạng của người suy nghĩ về những định luật phổ quát (cách thứ 5) thì trổi hơn tình trạng người đi vào thực tế cụ thể (cách thứ 4)
Cái nhìn động cho ta thấy tư duy tăng giá trị từ cách thứ nhất đến cách thứ năm. Còn cái nhìn tĩnh thì thấy rằng khả năng sai lầm của con người tăng từ cách ý thức thứ hai đến cách thứ năm. Chỉ có trong cách ý thức thứ nhất (cách ý thức hoạt động trong thụ động) là con người không có sai lầm.
Theo lý Thiền, hai cái nhìn này bổ túc cho nhau. Cách tư thứ năm (suy niệm), dù tự nó không có khả năng khai ngộ, nhưng nó là điều kiện cần thiết để đưa con người đến khai ngộ, vì lẽ nhờ cách tư duy đó, con người có thể nhận thấy tính hư ảo của mọi cố gắng hoạt động của mình, nhằm tự giải thoát, nhằm đánh thức lòng tin đang mê giấc, đồng thời cũng nhờ cách tư duy đó mà thấy mình cần sự an tình nội tâm và tâm thế tỉnh thức, sẵn sàng như điều kiện cơ bản để lòng tin đang mê giấc được đánh thức và khai ngộ.
Như thế, để lòng tin có thể bừng dậy và đón nhận ánh sáng từ Thượng trí Tối cao, con người cần có những hoạt động nội tâm kiên trì để tạo ra và tổ chức những điều kiện thuận lợi cho con người cũ hư dối chết đi và cho con người chân thật được tái sinh, một con người mới có tư cách tư duy mới vượt cả năm cách tư duy thông thường, tư duy của lòng tin, của đức tin, của đức tin với ánh sáng của thượng trí đang hiện diện trong ta. Nói cách khác, hoạt động kiên trì của suy niệm, của tâm niệm (cách hoạt động thứ năm của trí năng), dần dần đưa ta đến nhận thức rằng, để đáp ứng trọn vẹn và rốt ráo những khát vọng sâu thẳm của tâm hồn, tất cả những nỗ lực của ta và những cách tư duy của ta đều hư ảo, nghĩa là vô hiệu quả, và từ đó nhìn thẳng vào vấn dề nội tâm của mình. Khi đó ta mới khám phá được những điều kiện nội tâm thuận lợi cho niềm tin được bừng sáng.
Để có thể hiểu được những điều kiện nội tâm đó, ta hãy phân tích những điều kiện của một hiện tượng tâm lý mà mọi người có thể cảm nghiệm được như sau: trong một ngày nghỉ ngơi nhàn rỗi, bạn thoải mái ngồi đọc sách ở một nơi thật thanh vắng mát mẻ, bạn say mê theo dõi diễn biến câu chuyện trong sáng. Lúc bấy giờ mọi lo âu suy tính như biến mất khỏi tâm trí bạn, hoàn toàn thoát khỏi những lao xao đảo điên thường ngày, tâm hồn bạn lắng đọng và phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Bỗng nhiên, một con vật, một âm thanh (như tiếng chim hót) khuấy động sự phẳng lặng đó, lúc bấy giờ bạn thấy con vật, nghe âm thanh đó không phải như thông thường bạn đã thấy đã nghe, vì lẽ âm sắc đến với bạn như qua một lớp màn làm lu mờ. Nhưng trong giây phút im lặng và thanh vắng này, bạn tiếp cận với chúng trong thực tại tinh túy của chúng. Một sự kiện khác lý thú hơn là trực giác của bạn truyền thông cho bạn một sự hiểu biết tinh tế không những về thế giời bên ngoài, mà còn về thế giới nội tâm của bạn nữa. Lúc bấy giờ bạn cảm thấy mình như đắm chìm và chan hòa trong thiên nhiên vũ trụ, ngoại cảnh và nội tâm như trở nên một, cái ngã vàphi ngã như gắn liền với nhau trong một mối hòa hợp duy nhất. Rồi trạng thái tuyệt vời đó phút chốc qua đi, cái nhìn mới mẻ của bạn về sự vật cũng tan biến, và bạn lại trở về trạng thái thông thường.
Kinh nghiệm nội tâm được miêu tả trên và những gì một số thiền sư kể lại về kinh nghiệm khai ngộ của mình, có những điểm tương đồng nổi bật như sau:
1. Tâm thật thanh tĩnh như nửa tỉnh nửa mê.
2. Trí thật lắng động.
3. Tâm trí có một cái nhìn mới mẻ về vạn vật.
4. Tính bộc phát và đột biến về cái nhìn đó.
5. Ấn tượng về tính trong sáng và thống nhật về cái nhìn đó.
Thế nhưng, đồng thời cũng có một sự khác biệt to lớn giữa hai kinh nghiệm: kinh nghiệm được mô tả trên phút chốc rơi vào ký ức và chỉ còn là một hoài niệm, còn trạng thái lòng tin bừng tỉnh và khai ngộ mở đầu cho một đời sống mới hoàn toàn được giải thoát khỏi tính tự tồn và vị kỷ hư dối, khỏi cái thế nhị nguyên đối kháng và thiên vị.
Giải thích như thế nào về mặt tâm lý những tương đồng và những dị biệt đó? Tại sao lại có một tia nhỏ ánh giác đến với bạn trong chốc lát như thế? Thưa rằng nhờ tâm trí bạn ở trong tình trạng an tĩnh khác thường. Trong khi bạn say mê đọc sách, trí năng của bạn hoạt động theo một nhịp điệu điều hòa, nơi đó xuất hiện những hình ảnh lu mờ, không rõ nét, và cuối cùng những hình ảnh đó tan biến đi, để cho trí năng của bạn đi vào tận thâm cung của cái tâm của mình. Lúc đó tình trạng co thắt và căng thẳng thông thường của trí năng không còn nữa, và nhờ ở trong trạng thái thư giãn mà trí năng có khả năng vượt lên trên cái thế nhị nguyên chấp nhất để nhìn cuộc sống với cái nhìn mới, một cái nhìn mà nó không thể có được ở trong tình trạng dao động và căng thẳng.
Tại sao tia nhỏ ánh giác đó không kéo dài được? Thưa vì những điều kiện giúp nó xuất hiện thì chỉ là tình cờ. Chính nhờ quên đi trong chốc lát mà mọi nỗi lo toan xao xuyến mà tôi có được sự an tĩnh, không còn bận bịu lo lắng đến cái tôi nữa. Thế nhưng, khi ý thức lại rằng tia nhỏ ánh giác đã đến với chính tôi, thì cái tính vị ngã với những băn khoăn lo lắng của nó, trước đó đã bị tống ra, bây giờ lại ùa vào và khuấy động tâm trí tôi như nó đã từng làm một cách thường xuyên.
Như thế trạng thái lòng tin bừng sáng và giác ngộ một cách dứt khoát giả thiết tâm trí hoàn toàn lắng đọng và an tĩnh, nhưng con người không nhất thiết phải rút ra hoàn cảnh sống bao hàm cả cái tôi của mình, trái lại cần sống trọn vẹn hoàn cảnh đó.
Điều kiện đó xảy ra thế nào đươc? Sự an tĩnh nội tâm hệ tại ở cái gì? Ta đã nói rằng có cái gì đó bị đình bộ, vậy là cái gì? Không phải trí năng đình bộ, vì lẽ nó vẫn hoạt động, nhưng hoạt động của nó không có tính bột phát. Như vậy cái đình bộ là tính đột phát, tính thất thường trong nhịp hoạt động của trí năng. Những đột phát đó tương ứng với cảm xúc của con người. Tia nhỏ của ánh giác trong kinh nghiệm được mô tả trên đến với bạn là nhờ tâm hồn bạn ở trong trạng thái thanh tĩnh, không bị những cảm xúa khuấy động, trong một thời gian một vài giờ, trong thời gian đó tâm trí bạn vắng bóng mọi hình sắc về cái tôi của bạn, về đời tư của bạn, bạn không cảm thấy sướng khổ gì về cái riêng tư của bạn, bạn không sống trong cái thế nhị nguyên chấp nhất, thân thể bạn cũng thư giãn. Chính sự vắng bóng những cảm xúc tạo điều kiện cho hoạt động của tâm trí không mang tính đột phát, và chính hoạt động không mang tính đột phát tạo điệu kiện phát sinh ý thức về cuộc sống ở ngoài cái thế nhị nguyên chấp nhất và tự tôn.
Vậy cảm xúc là gì? Ta có biết bản chất nó thì mới có thể khám phá phương thế loại trừ nó ra khỏi tâm linh ta.
Cảm xúc là cầu dao của sinh lực nơi con người, một cầu dao nối cực âm là trung tâm bản năng với cực dương là trung tâm trí năng. Chính cầu dao đó làm thất thoát sinh lực tại một trung tâm thứ ba, đó là cảm năng, diễn ra lúc trung tâm trí năng không còn biệt lập. Nguyên nhân của tình trạng tâm trí không biệt lập là do chính tính thụ động của nó, làm cho nó bị thu hút bởi những hình thái của tâm trạng tôi, vui buồn thương ghét đều tác động lên nó. Và hậu quả là tâm trí bị cảm xúc đột phá và khuấy động thường xuyên.
Biệt lập tâm trí khỏi những khuấy động của mọi cảm xúc là điều kiện để đánh thức lòng tin đang mê giấc. Việc biệt lập này không được loại trừ hoặc biến đổi một cách giả tạo hoàn cảnh sống. Để được thế, ta cần thườngxuyên đánh thức khả năng cảm nhận được cảm giác phi hình sắc về sự hiện hữu của mình. Ta cần điều sự chú ý vào ngay trong tâm của sự sống cụ thể, và trụ nó ngay ở điểm phát xuất lý nhị nguyên. Khi sự chú ý được trụ ở ngay cái gốc phát sinh mọi khuấy động nội tâm, thì tâm mới có thể đi vào trạng thái an định. Khi sự an định được thiết lập vững vàng trong tâm ta, những điều kiện nội tâm trở nên thuận lợi cho tâm được khai ngộ, cho lòng tin bừng sáng trong ánh giác. Lúc bấy giờ lý nhị nguyên hòa nhập vào nguyên lý thái hòa trong một tổng hợp nội tâm.
Tất nhiên ta không thể nào mô tả sự hiện diện của nội tâm với chính mình, vì lẽ nhận thức hiện hữu của mình là một việc phi hình sắc, ta không thể mô tả nó bằng những hình ảnh, dù là hình ảnh tượng trưng. Nhận thức hiện hữu của mình là một nhận thức giản dị nhất. Nó có thể diễn ra ngay giữa những hoạt động bên ngoài mà không cản trở chúng, trái lại ta cần cảm nhận sự hiện hữu của mình ngay trong hoạt động của nó, ngay trong thế giới hình sắc của nó.
Cách chung con người thông thường ngại hình dung một sự giảm chế những cảm xúc của mình, sự lắng đọng và yên lặng nội tâm là một trạng thái đáng khiếp sợ đối với họ. Họ bám vào những tia sáng mà cầu dao cảm xúc tạo nên, và họ rất khó từ bỏ cái nhìn họ đang bám lấy. con người phải suy nghĩ lâu dài với một công tâm khách quan mới có thể hiểu được rằng những tia sáng của cầu dao cảm xúc không thể đưa mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đời sống khắc khoải lo sợ đảo điên.
(còn tiếp)
Xem thêm:
Sự sống con người theo lý Thiền (1) - Một phương pháp tu đức.
Sự sống con người theo lý Thiền (2): Vượt lên thế nhị nguyên đối kháng.
Sự sống con người theo lý Thiền (3): Cái gốc của khắc khoải lo sợ.