Sự sống con người theo lý Thiền (5): Nhìn thấy được bản tính mình
PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN (tt)
5. Nhìn thấy được bản tính mình
Trước đã nói đến những điều kiện tâm lý để khai mở lòng tin, đã nói đến sự cần thiết tập nhận thức về hiện hữu của mình. Đó là những hoạt động trung tâm của nội tâm nhằm đi đến cái nhìn mới trong giác ngộ. Thiền gọi đó là nhìn thấy được bản tính của mình.
Là con người thông thường, tôi nhận thấy rằng mình không thể làm việc đó được. Thật vậy, việc đó tùy thuộc vào việc mở con mắt thứ ba, còn trong nội tâm tôi thì hiện tại mọi sự diễn ra như con mắt thứ ba đó đang nhắm khít lại. Con mắt thứ ba của tôi không bệnh tật gì cả, nhưng nó có thói quen nhắm khít lại, một thói quen gây khốn đốn cho tôi. Do đó việc tôi phải làm trước hết là ý thức về thói quen đó và tìm cách diệt trừ thói quen đó bắt nguồn từ một sự co thắt nào đó, nên cần phải có một nỗ lực tạo thư giãn. Thế nhưng nỗ lực tạo thư giãn đó thực chất là gì?
Thưa nỗ lực tạo thư giãn đó là cái nhìn vào nội tâm, nhìn vào bản tính của mình để thấy được cảm giác toàn thân, cảm giác toàn tâm, cảm giác toàn diện con người của ta. Cái nhìn đó là nỗ lực chủ yếu để một ngày nào đó con mắt thứ ba có thể mở ra và nhìn thấy. Đó là lúc lòng tin bừng dậy, là lúc giác ngộ.
Giữa cảm giác toàn diện con người của ta và cảm giác toàn thân có hai điểm giống nhau. Thứ nhất sở dĩ ta có được cảm giác đó, trước tiên là nhờ một sự buông xả, một sự thư giãn. Thứ hai là nhận thức cảm giác đó là một nhận thức phi hình sắc. Khi cánh tay tôi co rút lại, tôi cảm giác được hình thể của nó, khi nó thư giãn trong vài phút, tôi cũng cảm giác nó, nhưng không phải về hình thể mà về sự hiện hữu của nó. Cảm giác này là một nhận thức phi hình sắc.
Nhận thức trong trạng thái thư giãn và nhận thức phi hình sắc, đó là hai điểm chung cho cảm giác toàn thân, cảm giác toàn tâm và cảm giác toàn diện con người. Thế nhưng cảm giác toàn thân khác biệt với cảm giác toàn tâm và cảm giác toàn diện con người ở phương diện thời gian, vì cảm giác toàn thân có thể kéo dài trong thời gian, còn hai cảm giác kia chỉ là một tia sáng lóe lên trong khoảnh khắc, vừa chợt xuất hiện thì cũng vội biến mất. Như thế nhận thức tình trạng hiện hữu của tôi chỉ là việc đột phá trong khoảnh khắc, nó thiếu chiều kích thời gian, một chiều kích cần được chinh phục để nhận thức về hiện hữu có thể trở thành một ý thức thật sự về mình.
Tóm lại, để mở con mắt thứ ba, ta cần nỗ lực biến những cảm giác đột phá về hiện hữu của mình thành ý thức kéo dài trong thời gian. Ta có thể đạt được điều này bằng cách tập ngày càng có nhận thức đột phá về hiện hữu của mình. Tất cả những nỗ lực của hoạt động nội tâm nói trên luôn luôn phải là một nỗ lực thư giãn, vượt lên trên mọi rối rắm phức tạp để đi vào một trạng thái giản dị đơn thuần. Tất cả những cố gắng và những hoạt động nội tâm đó như không hoạt động, nghĩa là ở trong trạng thái vô vị. Đây là điều ra phải kiên trì luyện tập lâu dài. Tập giữ cơ thể ta ở trong tình trạng thư giãn 5, 3 phút đã là điều khó, huống chi đối với nội tâm đã bị gắn chặt với một nếp sống khuấy động đảo điên trong thế giới hình sắc rối ren. Điều đó rõ ràng đòi hõi một ý chí kiên trì trong tu luyện.