Sự sống con người theo lý Thiền (6): Hoạt động nội tâm đánh thức lòng tin
PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN (tt)
6. Hoạt động nội tâm đánh thức lòng tin
Trên đã nói rằng hoạt động nội tâm phải như không hoạt động, phải gắn liền với trạng thái vô vi. Ta có thể tìm hiểu hoạt động trạng thái vô vi qua hình ảnh về hoạt động của cơ thể ta. Tế bào tủy có chức năng làm co thắt bắp thịt. Đó là điều diễn ra khi ta cử động. Còn tế bào não thì có chức năng hóa giải hoạt động của tế bào tủy, làm cho bắp thịt thư giãn. Do đó việc thư giãn cơ thể đòi hỏi một sự ngưng hoạt động ở tế bào tủy (cấp dưới) và một sự hoạt động ở tế bào não (cấp trên).
Một kinh nghiệm khác. Qua những hiện tượng như cử động, suy nghĩ, hành động, trực giác cho ta biết rằng trong ta có một nguồn sinh lực dồi dào. Dù ta không có một nhận thức trực tiếp nào về nguồn sinh lực đó, điều hiển nhiên là mọi người phải công nhận rằng cơ thể mỗi người là một kho chứa sinh lực. Ở trong tôi, sinh lực đó từ trạng thái tiềm năng đi đến trạng thái hiện thể khi có một sự kích thích từ ngoài tới. Kích thích qua con đường thể lý hoặc tâm lý. Sự kích thích đó hệ tại ở sự căng thẳng cưỡng lực giữa tôi và thế giới bên ngoài. Thí dụ như giữa cái tôi ăn uống vào và cơ thể tôi có một sự căng thẳng lưỡng cực. Hoặc như khi tôi thấy một đe dọa mạng sống, thì giữa hình ảnh từ ngoài (muốn đe dọa) với bản năng sinh tồn trong tôi có một sự căng thẳng lưỡng cực.
Khi còn ở trong kho chứa, sinh lực tôi ở trạng thái tiềm năng, nghĩa là trạng thái phi hình thức. Khi mới phát ra từ kho chứa, sinh lực đó là trung gian giữa nguồn chứa và những hiện tượng tâm sinh lý nơi tôi, như nguyên lý âm dương ở giữa Nguyên lý Tối Thượng và thế giới hiện tượng của vũ trụ. Do đó khi phát ra từ kho chứa, sinh lực có thể mang bộ mặt âm dương, nghĩa là tiêu cực hoặc tích cực. Nếu tôi cảm nhận sự kích thích từ ngoài như một khẳng định cái ngã, thì sinh lức phát ra mang tính tích cực (dương), nó tạo nên một hứng khởi trong tôi, một hướng tìm về tha nhân (yêu thương, nhân ái). Nếu tôi cảm nhận sự kích thích từ ngoài như một phủ nhận cái ngã, thì sinh lực phát ra mang tính tiêu cực (âm), nó tạo nên một trống rỗng, một chán nản nơi tôi, một thái độ thù nghịch đối với tha nhân (chán ghét, gây hấn, chống đối…).
Bằng trực giác nội tâm, ta có thể nhận thức được sinh lực đó lúc nó mới phát ra, nhưng vì nó còn ở trạng thái phi hình thức, nên ta không thể mô tả nó. Khi nghe một tin vui, và nếu tôi loại trừ khỏi tâm trí tôi mọi ý nghĩ về biến cố may mắn, thì tôi có thể cảm thấy có một sinh lực sôi động trong tôi. Trái lại, khi nghe một tin buồn, tôi cảm thấy một sự trống rỗng. Điều đó chứng tỏ rằng tôi có khả năng hướng sự chú ý của mình về trung tâm nơi phát xuất sự sống của tôi, một trung tâm thuộc bình diện phi hình thức, và hoạt động của trung tâm đó tương hợp với trạng thái vô vi ở bình diện hình thức của những hiện tượng diễn ra nơi bản thân tôi.
Điều vừa được trình bày trên là một sự kiện hoàn toàn cụ thể. Thí dụ, khi chẳng may mất hết tiền bạc, tôi thụ động để lòng trí tự nhiên hoạt động ở bình diện hình thức, thì nó có nhiều tưởng tượng bày vẻ với nhiều nỗi lo âu sợ hãi cho hiện tại và tương lai. Nếu ngay lúc đó, tôi chủ động hướng lòng trí và sự chú ý về cảm giác trống rỗng của mình, thì tôi sẽ thấy trí tưởng tượng của tôi ngưng hoạt động. Đó là một sự kiện mà mỗi người có thể cảm nghiệm và tự xác minh. Như vậy sự hoạt động ở bình diện phi hình thức (hoạt động cấp cao, như của tế bào não) đòi hỏi một sự ngưng hoạt động ở bình diện hình thức (hoạt động cấp thấp, như của tế bào tủy). Sự chú ý trụ ở bình diện phi hình thức trở thành cái phanh đối với hoạt động ở bình diện hình thức.
Số phận của sinh lực phát ra tùy thuộc vào hướng hoạt động của sự chú thế giới của ta. Thông thường, con người thụ động để cho sự chú ý của mình tự nhiên hướng về bình diện hình sắc, để cho nó bị cuốn hút trong những hiện tượng nội tâm hoặc bên ngoài. Trong tình hình đó, sinh lực con người bị tiêu hao để trở thành cảm xúc. Do đó cảm xúc là một hiện tượng nội tâm làm phát sinh những tưởng tượng bày vẻ và những biến động thể lý (đỏ mặt, tái mặt, cười, khóc, run…). Óc tưởng tượng càng làm việc thì nó càng kích thích sinh lực và sinh lực càng tiêu hao, như vận hành đi trong cái vòng lẩn quẩn khép kín.
Trái lại, nếu sự chú ý được ta chủ động sớm hướng về kho chứa sinh lực, về nguồn phi hình sắc, và trụ nó ở đó một thời gian, thì trong thời gian đó sinh lực ta thoát khỏi tình trạng bị tiêu hao thành cảm xúc. Nó không làm phát sinh những tưởng tượng, những biến đổi thể lý. Vậy số phận của sinh lực đó ra sao? Thưa nó được tồn trữ dần dần nơi ta cho đến khi đủ sức làm tung bức màn vô minh để ánh giác tràn vào tâm trí ta, lúc bấy giờ lòng tin bừng sáng, con mắt thứ ba mở ra nhìn thấy mọi sự dưới một ánh sáng mới.
Trong thời gian được tồn trữ nhưng chưa đủ sức làm tung bức màn vô minh, sinh lực phi hình sắc đó có thể mang lại hiệu quả là ta trở nên điềm tỉnh và khôn ngoan hơn, hay nói đúng hơn là ta bớt bực bội nổi khùng trong cuộc sống thông thường. Nếu có những người càng lớn tuổi càng trầm tĩnh, khôn ngoan, nhìn rộng thấy xa, và bao dung, đó là vì họ kinh nghiệm tính hư ảo của lãnh vực hình sắc, nên ít chú ý đến hình sắc, hay nói cách khác là vì họ đã chuyển dần sự chú tâm từ lãnh vực hình sắc sang lãnh vực phi hình sắc. Một cách không ý thức, nội tâm của họ hoạt động theo hướng đi đến giác ngộ, đánh thức lòng tin. Vì không ý thức nên hoạt động nội tâm đó ở mức độ yếu, sinh lực lưu tồn chưa đến độ đủ sức tung bức màn vô minh để lòng tin bừng sáng.
Như thế, hoạt động nội tâm nhằm đánh thức lòng tin đang mê giấc, chủ yếu là chuyển sự chú ý của ta từ lãnh vực hình sắc thông thường sang lãnh vực phi hình sắc và trụ nó ở đó một thời gian, nhờ thế mà sinh lực được bảo tồn, khỏi bị thất thoát tiêu hao qua con đường cảm xúc. Như vậy hoạt động nội tâm ở lãnh vực phi hình sắc đồng nghĩa với một sự ngưng hoạt động ở lãnh vực hình sắc và lãnh vực cảm xúc. Đó là hoạt động như không hoạt động (có như không), đó là hoạt động trong vô vi. Hoạt động này cũng theo qui luật luân chuyển (sáng - tối, ngày-đêm, lên-xuống, nóng-lạnh) trong tạo vật. Nói cách khác là nó không thể kéo dài liên tục mãi được, mà nó tất nhiên đứt khoảng. Cố gắng kéo dài liên tục quá sức mình đồng nghĩa với căng thẳng, với rối loạn thần kinh, với tự sát.
Mặt khác, trong hoạt động nội tâm đó, tâm trí ta không nên chú ý nhằm đến việc bảo tồn sinh lực, vì nhằm như thế là tâm trí bị ám ảnh bởi nỗi khắc khoải lo sợ mất sinh lực, là tâm trí bị căng thẳng, làm cản trở cho sự thư giãn và an định nội tâm.
Cuối cùng, hoạt động nội tâm đó song hành với cuộc sống thường ngày mà không làm đảo lộn nó. Tâm trí ta không chú ý đến những tưởng tượng, những cảm xúc, thì tác động của chúng đối với tâm trí giảm dần, và dần dần tâm trí trở nên dửng dưng đối với chúng. Với khả năng này, nội tâm có thể hoạt động cả trong những sinh hoạt thường ngày, như ăn uống, đi lại, làm việc tay chân… dĩ nhiên là theo một nhịp điệu luân chuyển cách khoảng như đã nói trên. Nội tâm hoạt động theo chiều hướng đó càng thường xuyên thì càng lưu trữ nhiều sinh lực, và càng có khả năng làm nổ tung hoạt động ma quái và thế giới ảo tưởng của ta, càng có khả năng làm tung bức màn vô minh cho con mắt đức tin thấy thực tại tròn đầy của cuộc sống, của vạn vật, dưới ánh sáng chân lý của Thượng Trí Thần Linh.
Nguồn:
Hubert Benoit, La doctrine suprême, 1967