Sự sống con người theo lý Thiền (7): Tuân theo bản tính sự vật
PHẦN MỘT: SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO LÝ THIỀN (tt)
7. Tuân theo bản tính sự vật
Nơi con người có sự hiện diện của Nguyên lý Tối Thượng, là nguồn mạch mọi sự, nên con người không còn thiếu chi. Thế nhưng, con người thông thường không nhận thức được điều đó, vì lẽ họ bị tù hãm trong cái rối rắm chằng chịt của thế giới ảo tưởng mà hoạt động của trí tưởng tượng đã dựng lên. Thế giới đó là bức màn ngăn cách ta với Thực tại Tuyệt hảo.
Hoạt động của trí tưởng tượng hữu ích cho sự sống con người khi trí năng trừu tượng chưa phát triển đầy đủ. Trong thời gian này, hoạt động của trí tưởng tượng là điều cần thiết để con người có thể chấp nhận giới hạn của mình. Một khi trí năng phát triển đầy đủ, trí tưởng tượng trở thành con dao hai lưỡi, vừa cần thiết vừa có hại cho sự sống con người. Có hại vì chính nó làm tiêu hao sinh lực con người. Và điều tệ hại hơn nữa là con người nghĩ rằng những giây phút khuây khỏa mà hoạt động của trí tưởng tượng mang lại cho mình có sức cải thiện tình trạng khốn đốn của mình, có sức hủy hoại những lo âu khắc khoải của mình.
Tại sao con người lại nghĩ như thế? Thưa bởi vì con người chỉ nghĩ đến nó là phương thế duy nhất giúp mình tự giải thoát, tất nhiên họ tin vững vàng như thế. Thế nhưng, nếu quan sát sự sống thể xác của tôi, tôi thấy rằng có những điều kỳ diệu được thực hiện một cách tự phát, không cần đến trợ lực của cái tôi. Thân thể tôi được bồidưỡng bằng những phương thức rất phức tạp vượt quá trí tưởng tượng của tôi. Khi bị một vết thương, da thịt tôi tự lành lại. Cái gì, ai làm cho nó lành lại? Suy nghĩ đó đưa tôi đến ý niệm về một nguyên lý vừa không mỏi mệt vừa thân hữu không ngừng tạo nên tôi theo sáng kiến riêng của mình. Chi thể tôi được phát triển một cách tự phát, vậy đời sống tinh thần có thể phát triển một cách tự phát không? Thiền lý trả lời có.
Sự phát triển bình thường của đời sống tinh thần sẽ đưa con người đến giác ngộ, đến chỗ lòng tin được khai sáng. Nguyên lý Tối Thượng và tuyệt hảo ở trong tôi không ngừng họat động để đưa tôi đến đó, cũng như nguyên lý đó đang hoạt động nơi nụ hoa để đưa nụ hoa đến chỗ nở thành một đóa hoa. Nhưng chính hoạt động của trí tưởng tượng, tác động bởi cảm giác và cảm xúc, cản trở hoạt động của Nguyên lý Tối Thượng trong tôi, đồng thời làm tiêu hao sinh lực do nguyên lý đó tạo nên trong tôi. Nếu không có sự tiêu hao đó, sinh lực trong tôi dành cho việc khai sáng lòng tin. Vì không biết việc Nguyên lý Tối Thượng đang hoạt động trong tôi để đưa tôi đến sự sống sung mãn và hạnh phúc, nên tôi chỉ dựa vào cái tôi riêng tư của mình. Đây cũng là điều hóa giải hoạt động của Nguyên lý Tối Thượng trong tôi.
Việc cản trở hóa giải hoạt động của Nguyên lý Tối Thượng đó trở thành những phản ứng máy móc, nghĩa là nó trở nên tự động khi tôi không ý thức tin vào nguyên lý đó đang hoạt động nhằm giải thoát tôi. Nói cách khác, sự triển nở tự phát của sự sống trong tôi chỉ được thực hiện khi tôi ý thức tin vào Nguyên lý Tối Thượng trong tôi, tin vào hoạt động tự phát của nguyên lý đó nhằm giải thoát tôi. Lòng tin của tôi khi được đánh thức bừng tỉnh dậy, nó không dời non đổi núi, nhưng trở thành điều kiện thuận lợi cho Nguyên lý Tối Thượng thực hiện những điều kỳ diệu trong tôi.
Lòng tin bừng tỉnh của tôi hoạt động một cách tự phát nhằm đưa tôi đến giác ngộ ngày một hơn. Nó hệ tại ở việc xây dựng một xác tín mỗi ngày một vững chắc hơn rằng Nguyên lý Tối Thượng đang hoạt động trong tôi, rằng nhờ đó mà sự sống của tôi đang tiến triển cách tự phát để đi đến chỗ sung mãn và chí thiện chí hảo ngày một hơn. Khái niệm đó, xác tín đó không đến với tôi cách tự động, vì lẽ thế giới bên ngoài không ngừng làm cho tôi tin rằng điều thiện hảo cho tôi hệ tại ở những thành công, những thỏa mãn do những múa máy động đậy của tôi mang lại cho tôi. Kỳ thực thì thế giới bên ngoài làm cho tôi bị phân tâm và căng thẳng, đánh cắp sự chú ý của tôi và đưa nó vào những suy tính lo sợ. Do đó hoạt động tập trung và kiên trì của tâm trí bên trong là điều cần thiết cho việc hợp tác với Nguyên lý Tối Thượng đang giải thoát tôi, đang xây dựng tôi, đang đưa tôi đến một cuộc sống tự do và hạnh phúc.
Như thế vô vi có nghĩa là vừa bất động trong thế giới hiện tượng và hình sắc, vừa hoạt động trong thế giới thuần túy tinh thần. Nói cách khác, khi ta chú ý đưa tâm trí vào hoạt động trong thế giới phi hình sắc (hoạt động cấp cao) thì hoạt động, cảm giác, cảm xúc và trí tưởng tượng do tác động của thế giới hiện tượng và hình sắc (hoạt động cấp thấp), sẽ dừng lại, nghĩa là đi vào trạng thái vô vi.
Đến đây ta cần tránh một sự hiểu lầm: vô vi không có nghĩa là sự chú ý của ta phải tách rời thực tế cuộc sống như một người mộng du, phải không ngừng qui chiếu Nguyên lý Tối Thượng đang hoạt động trong ta. Làm như thế có thể đưa ta đến tình trạng thác loạn tâm thần (tẩu hỏa nhập ma).
Hoạt động của tâm trí phải theo một thể thức khác. Vào những giờ phút và hoàn cảnh thuận lợi, ta suy nghĩ về nhận thức của ta về hoạt động tự phát của Nguyên lý Tối Thượng đang giải thoát ta, ta đem hết tâm trí tập trung suy nghĩ một cách cụ thể hết sức có thể về những điều vô cùng kỳ diệu đang hình thành nơi ta để giải quyết một ngày nào đó mọi lo sợ, mọi dục vọng của ta. Vào những lúc suy nghĩ đó, ta đang gieo vãi niềm tin ta, ta đang lay tỉnh lòng tin đang mê giấc của ta, và cùng với lòng tin đó là lòng cậy và lòng mến. Rồi khi ta trở lại cuộc sống thường nhật, ta lại sống, lại sinh hoạt như thường lệ. Thế nhưng, nhờ có những lúc ta đã suy nghĩ đúng hướng, trong sinh hoạt thường lệ một phần của sự chú ý của ta vẫn còn gắn chặt với suy nghĩ đúng đó, mặc dù suy nghĩ đúng đó đã đi vào chiều sâu ẩn khuất của tiềm thức. Một phần của sự chú ý đó vẫn tồn tại trong sinh hoạt thường lệ của cuộc sống hằng ngày của ta. Một người đã từng đặt hết tâm trí vào một công trình, hoặc vào một người yêu, hiểu rất rõ về điều vừa miêu tả đó.
Trong việc góp phần tạo điều kiện cho Nguyên lý Tối Thượng giải thoát ta, ta cần tạo được trạng thái vừa mô tả trên, bằng những giờ phút suy niệm đặc biệt trong cuộc sống hằng ngày. Kỳ thực, những giờ phút suy niệm đặc biệt đó chưa phải là điều hệ trọng, mà điều hệ trọng là hiệu quả của những giờ phút đó, những hiệu quả này chỉ diễn ra khi lòng tin của ta đi vào trạng thái bừng tỉnh, giành được một phần của sự chú ý cỷa ta, một phần của sinh lực trong ta khi ta sinh hoạt thường lệ, trong khi ta lao động trí óc hoặc chân tay…
Lòng tin dành được sự chú ý của ta càng nhiều thì tâm trí ta càng ít bị ràng buộc bởi thế giới hiện tượng và hình sắc, và những lo sợ và dục vọng của ta càng mất đi mức độ nhạy bén và sức lôi cuốn của chúng để sự sống của ta tuân theo bản tính sự vật và hòa với nhịp hoạt động của thực tại tuyệt hảo.
Con người thông thường có những khi ở trạng thái xả và vô vi, như những lúc an giấc mà không nằm mộng. Khi đó mọi dục vọng ngưng hoạt động, con người như hoàn toàn phó thác cho Nguyên lý Tối Thượng dẫn dắt, họ hoàn toàn không can thiệp vào việc làm của Nguyên lý đó. Chính vì trong giấc ngủ con người ở trạng thái buông xả và vô vi mà giấc ngủ có một hiệu quả bồi dưỡng rất là kỳ diệu. Thế nhưng, vì trong giấc ngủ, sự chú ý của tâm trí cũng ngưng hoạt động, nên giấc ngủ không đưa con người đến giác ngộ được, không đánh thức lòng tin của con người được.
Mỗi một bước tiến của việc phát huy niềm tin vào Nguyên lý Tối Thượng đang hoạt động trong ta, làm suy yếu thêm cái nhìn vị kỷ và qui ngã của trí tưởng tượng của ta, nhưng không làm suy yếu cái nhìn vào thực tế cuộc sống hiện tại. Sự tăng trưởng của niềm tin tạo sự phân biệt giữa hai cái nhìn đó. Việc làm suy yếu tính vị kỷ và qui ngã của trí tưởng tượng đưa ta đến gần trạng thái vô vi, nhờ đó mọi sự an tĩnh nội tâm được thiết lập. Như thế ta chỉ cần suy nghĩ đúng, hay đúng hơn là ta đừng suy nghĩ sai, là Nguyên lý Tối Thượng hoạt động tự phát trong ta.
Để hiểu rõ hơn những gì đã được nói trên, ta có thể tìm hiểu hình ảnh so sánh sau đây. Nói về sự phát triển nhân cách, có thể so sánh con người như một bong bóng cao su từ hình dạng ban đầu nhỏ tròn đẹp, được một luồng khí thổi dần dần căng phồng lên.
Lúc mới sinh, thì sánh như cái bong bóng ban đầu chưa có hình dạng khác biệt với những cái khác. Nguyên lý Tối Thượng thổi hơi vào, bong bóng tăng thể tích, đồng thời cũng thay đổi hình dạng khác với lúc ban đầu, rồi dần dần lớn lên với một hình dạng riêng biệt. Đó là những bước phát triển của cái gọi là cá tính, là nhân cách.
Nếu từ trong cũng như từ ngoài không có gì cản trở sự tiến hóa bình thường, thì mọi sự diễn ra như sau. Đến tuổi dậy thì, bong bóng cao su được coi như đạt đến một hình dạng nhất định, có thể là một hình người, hình một loài vật… Nhưng Nguyên lý Tối Thượng tiếp tục thổi hơi vào, dung tích bong bóng tăng làm cho những chỗ lồi lõm ở bề mặt giảm dần để bong bóng mang một hình dạng một trái cầu bầu tròn, không còn cái riêng biệt của hình dạng người hay vật nữa. Nếu thổi hơi vào mãi, ắt bong bóng sẽ nổ tan.
Tiến trình tăng trưởng bình thường đó gồm có 3 giai đoạn.
* Giai đoạn đầu, cái bong bóng đó chỉ là miếng cao su tròn nhỏ dẹp, đó là giai đoạn trước khi nhân cách phát triển.
* Giai đoạn hai là giai đoạn nhân cách phát triển, một nhân cách sánh như một pho tượng với những đường nét riêng biệt độc đáo, phức tạp.
* Giai đoạn ba, trước khi nổ tan, cái riêng biệt, độc đáo, phức tạp, giảm dần, và cá tính lu mờ dần theo mức độ tư tưởng đạt đến một cái nhìn bao quát, hay đúng hơn là thoát ra khỏi tính hẹp hòi cứng nhắc. Con người trở về hình dạng tròn của lúc ban đầu, nhưng không còn nhỏ dẹp, mà là hình một trái cầu bầu tròn. Giai đọan này giống giai đoạn đầu ở hình dạng tròn (không giống như trẻ nhỏ, không được vào Nước Chúa). Giai đoạn ba (trái cầu bầu tròn) xuất hiện với ta vừa như một tiến bộ vừa như một thoái hóa, tiến bộ về mặt phổ quát hòa hợp với vũ trụ thiên nhiên, thoái hóa về mặt đặc điểm cá biệt, cái phân biệt cá nhân với tha nhân lu mờ dần, những lồi lõm biến mất, cái tôi và con người cũ suy tàn và tăng độ hấp hối theo bước tiến đến gần con người mới (Hãy dọn đường cho Chúa đến, hãy san bằng những lồi lõm…).
Kết thúc giai đoạn ba là bong bóng nổ tan. Đó là giây phút mọi ranh giới sụp đổ, đó là giây phút cái tôi biến mất để con người hòa hợp với Nhất Thể, nên một với Thiên Chúa bao la vô biên.
Do thiếu ý thức, con người thông thường vô ý cản trở cuộc tiến hóa bình thường đó. Trước hết có thể không ý thức về hơi được thổi vào mà chỉ thấy bề mặt bên ngoài với những đường nét cá biệt, độc đáo, chỉ chú ý đến những đường nét đó. Vì muốn giữ những đường nét đó, nên con người xoay sở theo ý riêng mình và vô tình để hơi khí thất thoát. Trí tưởng tượng và cảm xúc trở thành một thứ xupáp an toàn cho ý riêng của con người: Khi hơi thở vào bắt đầu làm căng thêm bong bóng thì xubáp tự động mở để hơi khí thoát ra ngỏ cảm xúc và tưởng tượng. Từ đó sinh lực con người bị tiêu hao lãng phí, một sinh lực đáng lý phải được tồn trữ để đưa con người đến chỗ hòa hợp với Nhất Thể, với Thiên Chúa vô biên.
Bình thản nhìn lại mình, ta sẽ cảm thấy ít nhiều gì mình thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng. Ta thấy được điều đó qua tính bồn chồn và dễ xúc động của ta, tính lên xuống của tinh thần. Đó là những cản trở vô ý thức đối với hoạt động của Nguyên lý Tối Thượng đang thổi hơi (Chúa Thánh Thần) vào con người của ta.
Thấy được tình trạng căng thẳng là điều dễ, nhưng thấy được cách xả trừ nó và tạo thư giãn cho nội tâm là điều khó. Sự thư giãn xuất hiện vào lúc tôi ý thức được sự căng thẳng trong tôi và điều sự chú ý ra khỏi hoàn cảnh gây căng thẳng, hướng về nguồn mạch sự sống. Đồng thời biết chấp nhận sự căng thẳng đó cách bình thản.
Theo mức độ tôi thoát ra khỏi sự mê muội vô ý thức nói trên và xác tín rằng thực tại không nằm nơi hình thức bề ngoài là đối tượng của lo sợ và ham muốn, mà nằm nơi nguồn sinh khí đang thổi vào con người tôi, theo mức độ xác tín đó, sự chú ý của tôi rời những hình thức và hướng về nguồn mạch và trung tâm phát xuất sự sống của tôi. Tôi có thể thực hiện điều đó khi tôi đã hiểu được rằng Nguyên lý Tối Thượng đang đưa tôi đến sự kiện toàn và tôi không phải xao xuyến băn khoăn gì về việc đó. Lúc đó trí tưởng tượng và cảm xúc của tôi tạm ngưng hoạt động giây lát, và tôi cảm thấy thư giãn và an tĩnh. Đó là những gì tôi cảm thấy được, nhưng ngoài ra thì tôi còn biết được rằng dung tích của bong bóng cao su của tôi vừa được tăng thêm một chút qua việt giảm bớt những đường nét lồi lõm của nó. Dĩ nhiên, những cái tôi cảm và thấy đó chỉ thoáng qua trong giây lát, vì thế mà việc buông xả và thư giãn cần được kiên trì thực hiện lặp đi lặp lại mãi trong cuộc sống thường ngày. (Đó là lý do tại sao ta phải cầu nguyện nhiều lần trong ngày, các giờ kinh phụng vụ, đọc kinh trước mỗi việc làm, an uống, những lời nguyện tắt, tất cả là để nâng cao tâm hồn, vượt lên trên mọi khấy động của cảm xúc, của trí tưởng tượng theo những hiện tượng, hình sắc bên ngoài, để đi vào an tĩnh.)
Trong mê muội vô minh, lúc lòng tin mê giấc, hoạt động nội tâm diễn ra hoàn toàn ngược chiều với con đường bình thường. Con đường bình thường là con đường đi từ cao xuống: trước hết là lòng tin tỉnh thức và bắt đầu bằng hiểu biết, nhận thức. Trong 3 nhân đức hướng thần, đức tin bắt đầu bừng tỉnh trước như một trực giác của Nguyên lý Tối Thượng, sự bừng tỉnh của lòng tin đánh thức lòng cậy: không phải lo sợ gì nữa khi nhận thức được rằng Nguyên lý Tối Thượng là nguồn mạch mọi sự trong tôi. Như thế cái đã bắt đầu trong ý thức tiếp tục diễn ra trong cảm xúc. Cuối cùng thì sự bừng tỉnh của lòng tin và lòng cậy đánh thức lòng mến: cái đã bắt đầu trong ý thức, đã đi vào cảm xúc, thì được thực hiện bằng hành động là sự sống, là bản năng sinh tồn của con người. Bao lâu con người sống trong mê muội thì mọi sự diễn ra hoàn toàn ngược chiều, bắt đầu từ bản năng sinh tồn, rồi đến cảm xúc, và đưa đến tin theo.
1. Bản năng sinh tồn muốn tự khẳng định mình như một cái tôi cá biệt khác với tha nhân và nhìn cái gì phù hợp với cái tôi là đồng minh, cái gì phương hại cho cái tôi là thù địch.
2. Việc khẳng định cái tôi đưa đến cảm xúc ước vọng thành công trong xã hội qua những việc làm bên ngoài, qua những hiện tượng. Sự bừng dậy của bản năng và của dục vọng đưa đến việc xác tín những giá trị phù hợp với dục vọng (tình, tiền, danh vọng…). Đó là những giá trị giả dối, những thần tượng hư ảo, do đó, niềm tin đó cũng là điều hư dối.
Với những khái niệm trên, ta hiểu rõ hơn ý nghĩa Lời Chúa dạy: Tôi phải nhỏ bé đi để Người lớn lên trong tôi. Kẻ thí mạng sống mình thì được sống muôn đời… (x Lc 17, 33…)
Những nghịch lý trong lời Chúa dạy không còn làm cho ta băn khoăn, lúng túng, khi ta hiểu rõ trong ta có hai hướng sống ngược chiều nhau, hướng tự nhiên và thông thường đi từ dưới lên, và hướng bình thường đi từ trên xuống. Hướng từ dưới lên là hướng của con người cũ, hướng từ trên xuống là hướng của con người mới được tái sinh, chớ không cần chui trở vào bụng mẹ để tái sinh như Nicôđêmô hiểu.
Sự sống của con người mới phát xuất từ Thượng Trí của Nguyên lý Tối Thượng hiện diện trong ta (đó là Chúa Thánh Thần; ta là đền thờ của Người). Không lệ thuộc vào cảm xúc và dục vọng, hoạt động của Thượng Trí dần dần khá đổ những niềm tin hư dối, những thần tượng mà con người cũ đã tự tạo. Đức tin cũng như con người mới lớn mạnh theo mức độ ta buông rơi những thần tượng hư dối đó.
Chính trong lãnh vực cảm xúc, ta thấy được sự đổi chiều kỳ thú của sự sống mới, ta hiểu rõ hơn xả trừ là gì. Cũng như ta đã sẵn có lòng tin, nhưng nó yên giấc, và nó bừng tỉnh theo mức độ những niềm tin hư dối bị phá đổ, ta cũng sẵn có đức cậy, nhưng nó cũng an giấc, và nó bừng tỉnh theo mức độ dục vọng ham muốn của ta được dẹp trừ đi. Mặt trời mọc trong cuộc sống mới đồng nghĩa với mặt trời lặn trong cuộc sống cũ, chiến thắng trong cuộc sống mới là chiến bại trong cuộc sống cũ.
Nếu tự quan sát mình, tôi thấy rằng tôi theo bản năng để không ngừng phấn đấu cho thành công ngoài xã hội, rằng những hoạt động của tôi hoặc là vị ngã (làm ra của cải để hưởng thụ, tìm danh vọng…) hoặc là vị tha (chấp nhận tha nhân, phấn đấu trở nên tốt hơn, dẹp trừ những tính xấu…), rằng tôi theo bản năng phấn đấu cho những hoạt động đó đạt kết quả, cho sự vươn lên của bản thân, của cái tôi. Do đó tôi không ngừng bị khuấy động và căng thẳng do những co thắt và sức ép mà khát vọng vươn lên tạo nên cho tôi, giống như loài chim không ngừng đập cánh để bay lên cao hoặc để chống lại luồng gió đi xuống. Tôi tự cư xử như những dục vọng của tôi là chính đáng, và coi việc thỏa mãn đó là niềm hạnh phúc chân thật và lâu bền cho đời tôi. Thế nhưng, điều chân thật thì hoàn toàn ngược lại, những dục vọng của tôi là điều hư dối, những cố gắng vươn lên lại là một cản trở vô thức cho việc đổi mới và thăng tiến mà Nguyên lý Tối Thượng luôn sẵn sàng thực hiện cho con người tôi. Niềm vui sâu xa và trọn vẹn chờ đợi tôi ở nơi mà tôi thấy là một đổ vỡ, một thảm bại cho những dục vọng của tôi. Thảm bại này không nhất thiết là một thảm bại bên ngoài, trong lãnh vực hiện tượng, mà nó hệ tại ở nhận thức, ở trực giác thấy được tính phi lý của con đường đi từ dưới lên của cuộc sống, thấy được tính hu dối của mọi dục vọng. Con người mà người ta thường gọi là tuyệt vọng, kỳ thực không phải là người mất hết hy vọng, họ vẫn đầy hy vọng là những dục vọng cũng như những tham vọng mà cuộc sống bên ngoài cản trở không cho thực hiện, do đó mà họ đau khổ. Con người dẹp trừ được dục vọng và tham vọng, nghĩa là không còn chờ mong gì ở thế giới hiện tượng và hình sắc, là con người tràn đầy niềm vui, một niềm vui tuyệt vời tràn vào tâm hồn họ mà không còn gặp một cản trở nào (niềm vui như hoa trái của Thánh Thần).
Trong thực hành, làm thế nào đi đến chỗ dẹp bỏ những dục vọng, những tham vọng phi lý của mình? Kỳ thực không phải là bắt tay vào việc tổ chức thế nào để mọi việc làm của mình đi đến thất bại. Không, không nên và không cần áp đặt một sự cưỡng bức áp chế nào cho bản thân mình. Chỉ cần có một điều cốt yếu là làm cho tâm trí tôi hoạt động một cách chủ động để nhận ra thực tại chân thật trong cuộc sống: vào những lúc cảm thấy khổ vì hoàn cảnh thực tế đi ngược chiều với những kỳ vọng của mình, hãy nhớ lại rằng những cái mà mình gọi là thành công trong quá khứ cũng chưa bao giờ bao lại sự mãn nguyện tuyệt đối mà mình mong muốn chung cục, những thỏa mãn đã kỳ thực chỉ làm cho mình thất vọng. Với kinh nghiệm bản thân về những cái gọi là thành công hư dối đó, bây giờ hãy suy nghĩ về những thành công mà mình mong đợi, hãy hình dụng việc thực hiện đó trong cụ thể, và điều ta cảm thấy được, chính là tính hư dối của nó. Chính những giây phút sống trong khắc khoải này là những giây phút thuận lợi cho việc dẹp bỏ những tham vọng, những ham muốn, vì lẽ lúc thần kinh căng thẳng mệt mỏi là lúc vừa cần vừa dễ xả trừ để đi đến thư giãn và an tĩnh. Nói thế không có nghĩa là ta phải thích đau khổ. Nhưng thích cho sự đau khổ đến với mình như một thách thức, một nhắc nhở, lại là điều khác, vì lẽ qua việc giúp mình dễ xả trừ những giây phút đau khổ, rõ ràng giúp cho ta đi đến an tĩnh là điều kiện cần thiết cho hoạt động của Nguyên lý Tối Thượng mang lại hiệu quả cho sự sống của ta.
Như thế, con đường đi đến giác ngộ, đi đến đời sống mới là đời sống đức tin, xuất hiện với cái tôi vị kỷ, tham vọng, như một con đường đi xuống. Thật vậy, theo một nghĩa nào đó, con đường đó đưa cái tôi vị kỷ đến một tình trạng ngày càng tồi tệ hơn, cho tới một lúc nào đó, cái tôi đó xuống tới tận đáy sâu, không còn xuống sâu hơn được nữa, đó là lúc con người tìm gặp được tất cả khi đã dẹp bỏ đi tất cả (như lúc cho đi là lúc lãnh nhận, lúc chết đi là lúc sống lại…).
Con đường đi đến đời sống mới, đời sống đức tin, cho đến đây, là con đường dẹp bỏ ngày một trọn vẹn hơn tất cả những gì được gọi là ham muốn, là dục vọng, là tham vọng ích kỷ. Đến đây ta cũng chỉ thấy được rằng con người thành đạt là con người từ tình trạng tự nhiên, thông thường, đi đến tình trạng hoàn toàn bình thường. (Như thế họ chỉ tìm gặp lại cái đã mất, đó là đời sống làm con Thiên Chúa, đời sống theo hình ảnh Thiên Chúa, đời sống giống như Thiên Chúa tại thế, đời sống đức tin, đời sống theo sự soi dẫn của Thần Khí Thiên Chúa…).