Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN- NĂM C

"Bất kỳ ai trong các ngươi
không từ bỏ tất cả của cải mình có,
thì không thể làm môn đệ Ta".
(Lc 14, 33)

Kính thưa anh chị em

Nếu phải hỏi ông bà anh chị em xem có muốn được làm môn đệ Chúa hay không, thì có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn trả lời là CÓ. Thậm chí có người còn mơ ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo Chúa. Nhưng thực sự chúng ta ó hiểu rõ làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hy vọng với bài Tin Mừng hôm nay Chúa sẽ chỉ cho chúng ta thấy điều đó.

1. Trước hết, Chúa cho chúng ta thấy: làm môn đệ Chúa là một việc làm nghiêm túc.

Trong cuốn Chí Khí người Thanh Niên, Đức Cha Tiamer Toth có nhắc đến một câu truyện mà Ngài đặt tên là  MƯỜI BA NGƯỜI CAN ĐẢM, truyện có liên quan đến Ông Francois Piza, người đã chiến thắng đất Pérou.

Lịch sử kể lại: Ông Piza dẫn một đoàn người đi thám hiểm, và trong một trường hợp ông và đoàn tùy tùng bị rơi vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vì không chịu được gian nan, đám thủy thủ của ông đã nổi loạn đòi ông phải quay đầu trở về. Đứng trước hoàn cảnh đó, ông Piza đã trả lời:

- Phía Bắc là con đường chúng ta đã ra đi, một đời sống dễ dàng và không nguy hiểm đang đợi chúng ta, nhưng chúng ta sẽ thất bại và khổ sở. Dưới phía Nam, trái lại, chúng ta phải cắn răng chịu cố gắng, xông pha tranh đấu khó khăn, chịu đựng những thiếu thốn, nhưng thành công, hạnh phúc, giàu sang, vinh hiển sẽ tiếp đón chúng ta. Vậy, các anh hãy tự chọn cho mình con đường đi.

Gần hết đám thủy thủ đã chọn con đường phía Bắc để trở về. Chỉ có 12 người biết theo con đường Piza đã vạch. Và 13 người can đảm ấy, lẽ tất nhiên phải chịu nhiều thiếu thốn, nhưng vẫn không chịu lùi bước, và cuối cùng họ đã đạt được ý nguyện.

Con đường đi theo Chúa cũng đòi hỏi những người muốn đi theo Chúa một thái độ can đảm chọn lựa như thế.

Việc chọn lựa này không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu đã ví việc đi theo làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng” một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là một việc làm nghiêm trọng. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc đi theo làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng ví ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng.

2. Thứ đến: Làm môn đệ là phải từ bỏ đến tận cùng. Từ bỏ đến cùng, đến tận căn đó là từ bỏ ý riêng của mình.

Sách Sự tích của thánh Antôn tu rừng có thuật lại câu chuyện này:

Một hôm có người đến muốn xin làm môn đệ của Ngài,

 Ngài hỏi:

- Ở ngoài thế gian con làm nghề gì?

- Thưa con làm nghề đan thúng.

- Vậy con cũng hãy đan cho cha một cái thúng.

Đan xong, đem dến cho Ngài. Ngài xem tới xem lui rồi dạy tháo ra.

 Hôm sau Ngài cũng dạy như thế - Người đó đem về đan, rồi đem đến... rồi cũng lại phải tháo ra.

Bữa thứ 3 Ngài cũng dạy y như thế... rồi lại cũng cố làm... khi đem lại Ngài cũng lại bảo tháo ra. Anh ta bực mình cho là làm mất thời gian vô ích. Lúc đó thánh Antôn mới nói:

- Hỡi con, con hãy về nhà con đan thúng và làm tôi Chúa như những người khác - Còn việc con ước ao vào dòng thì không được vì con thiếu một điều cần nhất là bỏ ý riêng của con.

Rồi chẳng bao lâu có người khác cũng xin đi tu - như lần trước: Con làm nghề gì ?

Biết là người đó làm nghề nông nên thánh Antôn dạy ra đào cho ngài một chiếc hầm vuông vắn... mỗi bề một thước, bề mặt cũng như bề sâu.

 Người đó vui vẻ đào - Ngài lại dạy lấp đi.

Lần 2 cũng như thế.

Lần 3 cũng vậy... người đó vui vẻ lấp đi không có một lời than trách.

Sau, thánh Antôn kêu người đó lại và nói: Hỡi con, từ nay cha nhận con vào dòng và con hãy nhớ điều này là bao lâu con sống trong dòng, việc trước hết là con lo thắng mình con và vâng lời cho trọn. Được như vậy con sẽ có phúc ở đời này và đời sau.

Vâng! Môn đệ của Chúa không phải như một kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ cũng không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là đi theo thầy suốt đời, sống như thầy trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thầy là thần tượng duy nhất, không yêu mến ai hơn thầy. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không phải người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để rồi không những đi theo Thầy, sống như Thầy mà còn ăn nói như Thầy, suy nghĩ như Thầy nữa. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm vì Chúa không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẽ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

3. Và cuối cùng: Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu.

Đây là một câu truyện đã xẩy ra tại Huế.

Có một người đàn ông nọ tìm đến với một linh mục để xin học  đạo. Sau một thời gian học giáo lý và trước khi cho người đó nhận bí tích thanh tẩy, vị linh mục muốn cho ông được tĩnh tâm một ngày trong một căn phòng vắng. Trong phòng ấy chỉ có một cây thánh giá. Vị linh hướng bảo ông hãy nhìn lên thánh giá đó mà suy niệm. Sau một ngày tĩnh tâm như thế, khi gặp lại vị linh hướng, ông này nói ngay:

- Con không muốn, nói đúng hơn, con không đám trở lại đạo nữa!

- Tại sao thế? - vị linh hướng ngạc nhiên hỏi.

- Suốt ngày hôm nay con nhìn lên thánh giá và suy gẫm mấy chữ trên đó: INRI, và điều này đã làm con lo sợ. Theo người Huế: IN-RI có nghĩa là IN như RI (Theo người Huế thì "ri" có nghĩa là giống như vậy). Do đó, trở thành môn đệ của Đức Giêsu tức là phải giống như ngài, cũng bị chết trần truồng, đau đớn, nhục nhã trên cây thập giá như thế. Con tự xét mình không đủ sức làm thế nên con xin rút lui!. . .

Thực ra thì Chúa không đòi hỏi những người muốn làm môn đệ của Chúa luôn phải chết như Chúa, nhưng Chúa muốn những người làm môn đệ Chúa phải sống giống như Chúa.

Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước.  Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay cho loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt ấy đã xảy ra trong vườn Giệtsinani. Khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người đã run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được xin cho con khỏi uống chén này", Nhưng cuối cùng Chúa đã từ bỏ ý riêng vâng theo ý Chúa Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: "Nhưng đừng theo ý con xin vâng theo ý Cha mà thôi".

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô cộng tác vào cuộc cứu độ của Chúa.

Top