Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật VI Thường Niên năm B
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN- B
Mc 1,40-45
Tôi muốn, anh sạch đi! (Mc 1,41)
1. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa chữa cho một người mắc bệnh phong.
Xưa cũng như nay, người mắc bệnh phong là những người bất hạnh trên đời, bởi vì họ không còn có thể sống gần gũi với mọi người nhất là họ phải chấp hành một cách hết sức nghiêm ngặt các qui định của Luật đối với họ - Luật buộc họ phải sống cách ly với mọi người.
Sử gia Do Thái Josephus cho biết những người mắc bệnh phong “bị coi như là đã chết”. Một khi một ai đó được chẩn đoán là đã mắc bệnh phong thì tức khắc người đó sẽ bị khai trừ hoàn toàn ra khỏi cuộc sống của xã hội loài người. Sách Lv 13,45-46: “Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, để tóc xõa, không được cạo râu và phải kêu lên: “Ô uế! Ô uế !” khi có người đến gần mình. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế và nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”
Vào thời Chúa Giêsu thì người phong còn bị đối xử khắc nghiệt hơn: Họ bị cấm không được ở trong thành Giêrusalem và bất cứ thành phố nào có tường bao bọc.
Luật pháp còn liệt kể ra sáu mươi mốt trường hợp bị coi là ô uế đối với những ai tiếp xúc với người phong, và sự ô uế này chỉ đứng sau sự ô uế vì đụng vào xác chết.
Luật còn qui định: Nếu người phong thò đầu vào nhà nào thì nhà đó bị ô uế đến tận cây kèo trên mái. Không ai được phép chào hỏi người phong ở ngoài đường và không được đến gần người phong trong khoảng cách hai mét. Nếu người phong đứng ở đầu gió người ở cuối gió phải giữ một khoảng cách bốn mươi lăm mét. Ngay cả một quả trứng, các rabi Do Thái cũng không ăn nếu bán ở chợ có người mắc bệnh phong đi qua.
Vâng! Có lẽ không có bệnh nào lại tạo nên hố phân rẽ giữa con người với con người khắc nghiệt như thế.
Riêng người phong trong bài Tin Mừng hôm nay thì chúng ta thấy có một cái gì khá đặc biệt.
Anh tự ý đến gặp Ðức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài.
Lời van xin của anh thật là một lời xin mẫu mực.
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch".(Mc 1,40)
Nếu Ngài muốn: anh mời gọi lòng thương xót của Chúa.
Anh để cho Chúa tự do chữa hay không chữa cho anh là tùy ý Ngài.
Dù rất muốn khỏi bệnh, nhưng anh đã phó thác số phận mình đời mình cho ý muốn của Chúa.
Anh tin là Ngài có thể. Anh tin vững vàng như thế.
Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh đã đụng rất mạnh đến cõi lòng yêu thương sâu thẳm của Chúa Giêsu.
Dường như khi nghe được những lời đó, Chúa Giêsu đã không thể cưỡng lại được. Chúa nói: "Tôi muốn."(Mc 1,41)
Hơn nữa, không những Ngài chỉ muốn, mà còn đụng vào anh.
Bàn tay Ngài đụng vào da thịt của một con người đầy những vết thương.
Ngài không bị ô uế, nhưng Ngài làm cho anh hết ô uế.
Làm như thế xem như Ðức Giêsu vừa tự do với Lề Luật, vừa lệ thuộc Lề Luật.
Tự do vì Ngài đã vượt lên trên lề luật để làm một điều bị lề luật cấm kỵ.
Vẫn còn giữ lề luật bởi vì Ngài bảo anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ.
2. Có hiểu như thế chúng ta mới thấy trường hợp người phong trong bài Tin Mừng hôm nay thật là may mắn.
Tin Mừng không cho chúng ta thấy anh đã được biết Chúa từ bao giờ. Nhưng qua những lời anh ta thưa với Chúa, chúng ta có cảm tưởng là anh đã được biết Chúa và tin vào Chúa từ lâu rồi.
"Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch" (Mc 1,40)
Hơn nữa thái độ của anh ta đối với Chúa thật táo bạo. Anh đã coi thường mọi cấm kỵ của luật pháp và khi chạy đến với Chúa quả thực anh ta đã làm một việc hết sức liều lĩnh.
Người phong liều lĩnh nhưng Chúa Giêsu còn liều lĩnh hơn. Ngài cũng đã vượt qua mọi cấm kỵ của Luật pháp và đến với anh. Chúa đã sờ vào con người của anh. Đối với người Do Thái, không có câu nào khiến người ta phải giật mình bằng câu ghi “Đức Giêsu giơ tay sờ đến người phong."
Tại sao Chúa làm thế? Thưa vì Chúa thương anh. Chỉ bằng một lời nói thật vắn gọn: Ta muốn, Chúa đã trả lại cuộc sống bình thường cho anh.
Lòng tin của anh đã giúp anh chiến thắng.
Chúa đã trả lại cho anh niềm hy vọng
Đó là câu chuyện của bài Tin Mừng, của người mắc bệnh phong.
3. Chúng ta có tìm được bài học nào qua câu chuyện này không?
Ngày nay nhờ những kiến thức y khoa, chúng ta không còn quá sợ bệnh phong Hansen như xưa nữa nhưng có một thứ bệnh phong khác còn nguy hiểm hơn. Đó là thứ bệnh phong tinh thần. Thứ bệnh này còn nguy hiểm hơn bệnh phong nơi thân xác. Bệnh phong nơi thân xác mới chỉ hủy hoại cái dáng vẻ bên ngoài của con người. Còn bệnh phong tinh thần mới thật kinh khủng. Nó có sức hủy hoại cả tâm hồn, cả cuộc đời của con người. Nó làm cho con người trở thành xa lạ, vô cảm với mọi người.
Ebba de Pauli trong tác phẩm "Vị ẩn sĩ", đã kể về một con người mà ngài cho là đã mắc bị bệnh phong tinh thần này như sau. Đó là một người đàn bà trung lưu và có thể nói là "đạo đức". Bà không phải bận bịu gì với việc sinh nhai. Bà có nhiều giờ để đi nhà thờ, đọc kinh, dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẩn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ đưa ra một kết luận làm cho bà ta phải kinh ngạc.
- Sở dĩ người ta xa lánh con vì họ coi con là một con rắn độc!
- Nhưng tại sao họ lại coi con là rắn độc chứ?
- Vì trong đầu óc con đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan, ghen tương, chia rẽ, dâm đãng, thù hận v..v..v… Nghe con nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống của họ ….buồn thảm hơn.
- Vậy xin ngài hãy chỉ cho con phải làm sao.
Vị Ẩn Sĩ khuyên bà hãy thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp: từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành; khi nói chuyện với người khác, hãy chia sẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.
Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo…Cuộc sống của bà đã được đổi thay.
Phần chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể thanh toán được thứ bệnh phong tinh thần này. Vì là bệnh tinh thần nên chúng ta rất khó nhận diện được chúng bằng con mắt trần tục của chúng ta. Chúng có thể núp dưới những chiêu bài chia rẽ, loại trừ, phân biệt, nghi kị, kết án. Nếu chúng ta thanh toán được những bệnh phong đó, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hoàn hảo, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Ki Tô .
Đồng thời chúng ta hãy noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ bất cứ ai trong anh em mình ra khỏi đời sống. Hãy quan tâm đến với những anh chị em bị bỏ rơi. Hãy an ủi những anh chị em đang buồn khổ. Hãy tìm cách tránh cho chị anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh chị em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh chị em. Hãy giúp cho anh chị em mình được hoà nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Được như thế tôi tưởng rằng Giáo Xứ chúng ta, cuộc đời của chúng ta sẽ mãi mãi là một Mùa Xuân của Tình thương nơi trần thế và mai sau sẽ là Mùa Xuân vĩnh cửu trên quê trời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020