Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm C
BÀI GIẢNG LỄ
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - NĂM C
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong
phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
(Lc 12,49)
Những lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng này thật kỳ lạ khác thường. Chúng ta còn nhớ có lần hai môn đệ xin Ngài sai lửa từ trời xuống thiêu đốt một làng Samari không tiếp rước Ngài, thì khi đó Ngài đã mắng hai ông và dùng đường khác mà đi. Vậy mà hôm nay Chúa Giêsu lại nói “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian.” Chúng ta cũng còn nhớ có lần Phêrô đã tuốt gươm ra để bênh vực khi quân dữ đến bắt Ngài. Nhưng Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào bao vì ai dùng gươm thì sẽ chết vì gươm. Vậy mà hôm nay Ngài lại nói “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất... Thầy đến để đem sự chia rẽ!”
1. "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!
Vậy thì Lửa mà Ðức Giêsu mang lại là lửa nào?
Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy Sôđôma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi làng Samari? (Lc 9,55)
Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10),
hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)?
Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét?
Trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà Ðức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5). Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).
Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa, nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu. Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.
Trái đất này càng lúc càng nóng lên. Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau.
Chúng ta cần cảm thấy chút lửa ấm (Lc 24,32)
của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.
Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong tim như Giêrêmia, thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).
Ðức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa cầu.
Ðừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.
Lửa thiêu hủy những cằn cỗi.
Lửa thanh lọc những ô nhơ.
Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá.
Lửa sáng soi trên bước đường kiếm tìm sự thật.
Chúng ta cần làm cho mong muốn của Ðức Giêsu thành tựu. Nhưng trước hết chúng ta phải là người mang trong tim ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.
Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên.
Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.
Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.
Như Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với Môsê nơi bụi gai cháy sáng và kêu gọi ông đi chu toàn sứ mạng, nay Người cũng sai chúng ta đi loan báo sứ điệp là lửa yêu thương cho trần thế.
Như Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người cũng mời gọi chúng ta hãy dùng lửa yêu thương để xua tan bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói của những anh chị em chúng ta.
Như Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưới lửa để biến họ thành chứng nhân Nước Trời, nay Người cũng muốn chúng ta mang ngọn lửa tình yêu, thanh luyện và sưởi ấm các tâm hồn.
Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.” (TP)
2. “Thầy đến để đem sự chia rẽ”
Thực ra Chúa Giêsu đến trần gian không phải để gây chia rẽ và xáo trộn. Tuy nhiên nhiều khi chính vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xảy ra! Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Khi đó, ai bỏ đạo cũ (đạo Rôma, đạo Do thái) để theo đạo Chúa Kitô thì bị gia đình, bạn bè và hàng xóm ghét bỏ, bách hại. Nhưng những Kitô hữu ấy biết làm gì khác hơn được: chọn bên này thì phải bỏ bên kia, và bên bị bỏ sẽ thù ghét mình.
Dù Chúa Giêsu rất hiền lành nhưng, vì sứ mạng, Ngài phải nói thẳng nói thật và do đó gây nên chống đối và chia rẽ: Ngài giảng dạy về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Lời giảng này làm cho những người tội lỗi tin theo Ngài, nhưng lại khiến những người biệt phái chống lại Ngài. Ngài kêu gọi con người đừng bám vào kho tàng của cải đời này, mà hãy tìm kho tàng không hư nát trong Nước Trời. Lời giảng này khích lệ những người nghèo nhưng lại làm cho những người giàu nổi giận v.v...
Trong Tin Mừng có đầy dẫy những lời chói tai như thế của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta chỉ lựa ra những lời thuận tai để đọc thì Tin Mừng chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, chính những lời làm ta khó chịu, những lời có tính cách quấy rối lương tâm chúng ta mới là những lời giúp chúng ta hoán cải và tìm được ơn cứu độ.
Perpetua là một người phụ nữ vừa mới sinh được một đứa con. Chị sống vào thời hoàng đế Septimô Sevêrô. Gia đình Perpetua là một gia đình danh giá. Perpetua đang học giáo lý với Satunô thì bị bắt. Thấy học trò của mình bị bắt, Satunô cũng tự ra nộp mình.
Cha của Perpetua là một người thờ ngẫu tượng. Ông đến xin con bỏ đạo Chúa mà quay trở về với các thần tượng của ngoại giáo. Perpetua đưa tay chỉ vào một cái bình rồi nói với Cha: “Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng vậy, con không thể cho con một cái tên nào khác ngoài cái danh hiệu là Kitô hữu của con.”
Tức giận quá ông đánh cho Perpetua một trận rồi bỏ đi. Sau đó Perpetua không thấy cha trở lại. Chính trong thời gian này Perpetua được rửa tội cùng với một số bạn bè khác. Ngày được trở thành Con Thiên Chúa, Perpetua chỉ cầu xin có một điều. Nàng xin cho có được đủ sức mạnh để chịu đựng nổi những đau khổ của cuộc tử đạo.
Trong nhà giam, Perpetua nhớ đứa con của mình. Chị rất phải đau khổ vì phải xa con. Nhưng rất may, đứa bé vì không có mẹ nên kiệt sức. Người ta phải trả lại đứa be cho mẹ của nó. Nhận lại được đứa con, Perpetua vui sướng, quên hết mọi khổ đau.
Vì biết con mình sắp bị án tử, cha của Perpetua đến gặp con và năn nỉ thảm thiết: “Con ơi! Hãy thương mái tóc bạc của ba. Hãy nhớ đến đôi tay này đã nuôi dưỡng con bao ngày. Hãy thương mẹ của con, anh em con và đứa con nhỏ con đang bồng ẵm trên tay. Không có con, cháu sao sống được. Con hãy bỏ đạo, bỏ điều quyết định làm cho chúng ta mất tất cả.”
Mặc dầu rất cảm động và đau khổ trước những lời của cha nhưng Perpetua chỉ biết trả lời: “Thưa cha, tại tòa án sẽ xảy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.”
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh