Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: CN Chúa Thánh Thần Hiện Xuống & Tuần VII mùa Thường Niên - năm C
CHÚA NHẬT
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23
Thầy để lại bình an cho anh em,
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
(Ga 14,27)
Anh chị em thân mến,
Bài Tin mừng hôm nay rất vắn nhưng qua đó thánh Gioan cũng đã đủ để cho chúng ta thấy được những ơn ban của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, giúp cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người trong cuộc sống của chúng ta.
1- Ơn ban đầu tiên và cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là ơn Bình an, đặc trưng của thời Messia. Thế nhưng sự bình an mà Chúa Thánh Thần ban tặng là thứ bình an như thế nào?
Báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 2/9/2001 có đăng một bài với tựa đề là "Sự bình an". Câu chuyện như thế này: Một vị vua kia treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh diễn tả về sự bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo những tiếng sấm chớp long trời. Đổ xuống bên vách núi là một dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây ấy có một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình... Bình an thật sự.
Nhà vua công bố: "Ta chấm bức tranh này! “
Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an ở ngay trong sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an".
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn bão táp phong ba, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”.
Bình an của Đấng Phục sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ việc phải đối đầu với kẻ thù, đối diện với khổ đau và với cả sự chết. Chính vì thế, mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn" Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.
2- Ơn ban cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hong Kong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:
- Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được Rửa Tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:
- Thưa Cha, trong Hồi Giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi Giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.
+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật giáo trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo ?”
Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau: “Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.
3- Ơn ban cuối cùng là ơn được sai đi giúp Giáo Hội có thể ra đi loan Tin Mừng cứu độ cho mọi loài thụ tạo cho tới ngày tận thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? (Rm 10,15). “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”(Ga 20,21).
Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không".
Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 9,14-29
Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người:
Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?
Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
(Mc 9,28-29)
1. Câu chuyện chúng ta vừa nghe xảy ra vào lúc Chúa Giêsu và 3 môn đệ Gioan, Phêrô và Giacôbê đang ở trên núi khi Chúa biến hình.
Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho 9 môn đệ kia một đứa trẻ bị quỷ câm ám xin các ông chữa nó nhưng các ông bất lực không trục xuất được tên quỷ này.
Sự thất bại này các môn đệ cảm thấy mất mặt. Đám đông dân chúng xúm vào phê phán các ông, và các ông cố gắng chống chế. Do đó xảy ra một cuộc tranh luận.
Thấy Chúa Giêsu về, người ta mừng rỡ trình bày sự việc cho Ngài.
Phản ứng của Chúa Giêsu đầu tiên là khó chịu. Ngài trách và than: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa! Ta còn phải chịu đựng các ngươi tới bao giờ nữa?” (Mc 9,19)
2. Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, các môn đệ hỏi Chúa về lý do làm họ thất bại, Chúa cho họ biết thêm một lý do nữa là vì họ thiếu cầu nguyện và ăn chay.
Như thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói cho mọi người biết: Chúa là đấng có uy quyền trên cả ma quỉ dù ma quỉ rất mạnh. Và môn đệ của Chúa cũng có thể có được quyền uy này nếu họ có lòng tin vững chắc, ăn chay và cầu nguyện.
Có một giai thoại về mẹ Têrêsa Calcutta mà người ta hay kể cho nhau nghe. Một lần kia, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, mẹ Têrêsa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:
- Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo Hội thì sao?
Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:
- Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông. Ông không có sự bình an trong tâm hồn.
Lời nói đơn sơ và thành thực của mẹ Têrêsa như một mũi tên phóng vào tim người đối diện, khiến ông để lộ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:
- Tôi nghĩ rằng, ông nên có đức tin.
Trước câu trả lời của mẹ, người phóng viên như cá cắn lưỡi câu. Hình như có một sức mạnh nào đó đánh động vào tận cõi lòng của ông, nên không một chút e ngại ông thành thật hỏi mẹ:
- Tôi phải làm gì để có đức tin?
Mẹ Têrêsa đáp:
- Ông hãy cầu nguyện, mẹ Têrêsa dịu dàng nói với ông, và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông.
Đức tin - Cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách lìa nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện - Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng không có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy chẳng bao lâu cũng sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.
Người ta kể lại rằng, có một giáo xứ nọ ở đồng quê đang phải trải qua một cơn nắng hạn lâu dài, đồng ruộng khô cằn, súc vật chết dần chết mòn, người ta cũng còn bị đe dọa chết đói. Mọi người đến cầu cứu với vị linh mục. Ngài quả quyết như sau:
- Không gì có thể cứu vãn chúng ta, ngoại trừ cầu nguyện. Tôi đề nghị mọi người hãy đến nhà thờ đọc kinh cầu mùa để xin Chúa ban mưa xuống. Nhưng trước khi tập trung ở nhà thờ để cầu nguyện chung với nhau, tôi xin mọi người trong giáo xứ hãy về nhà ăn chay một tuần và hãy tin tưởng rằng, Chúa sẽ nhận lời, và sáng Chúa nhật chúng ta sẽ tập trung lại để cầu nguyện.
Sau một tuần ăn chay, tất cả đều tập trung lại để cầu nguyện. Vừa thấy họ, vị linh mục đã nổi giận:
- Anh chị em hãy đi về, tôi sẽ không cầu nguyện cho trời mưa, bởi vì anh chị em không có lòng tin.
Nghe thế, mọi người đều chống chế:
- Thưa cha, nếu không tin thì chúng con đã không ăn chay suốt một tuần qua.
Vị linh mục nói lớn:
- Anh em tin ư? Tin, nhưng tại sao anh chị em không mang dù theo?
Không gì bất hạnh bằng khi không còn niềm tin trong cuộc sống. Thế nhưng, như mẹ Têrêsa còn nói "Muốn có đức tin, ông phải cầu nguyện". Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban từ trời.
Đức tin không là kết quả của một cuộc tìm kiếm. Triết gia Pascal đã có lần nói: "Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quì gối xuống và cầu nguyện."
Vâng, cầu nguyện sẽ làm cho đức tin thêm sức mạnh và đức tin sẽ làm cho những lời cầu nguyện của chúng ta có chất lượng hơn.
Lạy Chúa xin dạy chúng con cầu nguyện.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.
THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 9,30-37
"Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết,
và làm người phục vụ.”
(Mc 9,35)
1. Những Lời Chúa nói hôm nay có lẽ là những lời rất khó chấp nhận, nhất là đối với hoàn cảnh thế giới hôm nay. Ngày nay, trong "nước trần gian", một người nào đó muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là "người lớn", lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh, lớn về chuyên môn.v.v. Còn trong Nước Trời, thì khác. Chúa bảo các môn đệ mình phải tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Đường lối của Chúa không giống với đường lối của người đời. Đi theo Chúa nhiều khi chúng ta phải sống hơi ngược đời như thế. Lý do Chúa nói rất rõ "Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,19).
Một chàng trai trẻ kia muốn giã từ thế gian nên đem gia tài của mình bố thí cho người nghèo, chỉ giữ lại chút ít để chi tiêu lặt vặt. Anh ta đến gặp đan phụ Antôn. Khi nghe kể như vậy, vị hiền lão chỉ nói: "Nếu con muốn làm đan sĩ, thì hãy vào làng, mua một ít thịt và đắp kín lên thân xác của mình, rồi để yên như vậy mà đi đến đây!" Người thanh niên làm theo lời vị hiền lão, nhưng có một bầy chó và những con chim đuổi theo vừa cắn vừa mổ vào người anh ta. Thấy người thanh niên trở lại, vị hiền lão hỏi anh ta đã làm theo lời khuyên của ngài hay chưa. Anh ta liền chỉ cho ngài thấy mình mẩy đầy thương tích. Thánh Antôn bấy giờ mới nói: "Những ai từ bỏ thế gian mà còn cứ muốn giữ lại chút ít cho mình thì cũng sẽ bị ma quỷ gây chiến và tấn công như vậy".
Một hôm, vào ngày lễ Thánh Têrêsa, một nhà Dòng Kín Lisieux mở cửa cho các bà con thân thích vào thăm. Các tín hữu cũng lợi dụng mà vào, được xem nếp sống của những người phụ nữ chuyên hãm mình cầu nguyện. Một trong số những người hiếu kỳ không thể hiểu được lý do của cuộc đời tu trì khắc khổ. Chàng nghĩ bụng rằng:
- Hẳn đây là những người không đủ cơm ăn áo mặc. Chỉ có hạng người xấu số như thế mới có can đảm hiến thân "kinh khủng" như vậy.
Rồi chàng lân la nói chuyện với một chị nữ tu đang phơi phới trong xuân sắc... chỉ vào một tòa nhà đồ sộ nằm ngay trước cửa nhà Dòng, chàng nói:
- Này chị, giá chị có được một tòa nhà giàu sang như vậy, với những lạc thú người ta đang hưởng trong nhà ấy chị có thể hy sinh để chôn mình vào bốn bức tưởng nhà kín này được chăng?
Chị nữ tu kia giơ tay vuốt chiếc lúp, nhìn ra rồi trả lời với một nụ cười ngây thơ chất phác:
- Thưa ông, đó chính là nhà của tôi.
2. Thế nhưng, thử hỏi đường lối của thế gian và đương lối của Chúa dẫn con người đi đến đâu.
Nơi cuộc sống của thế gian chúng ta thấy: nước nào cũng muốn nước mình lớn hơn nước kia, chính vì vậy mà sinh ra chiến tranh; rồi người nào cũng muốn mình lớn hơn người khác cho nên mới sinh ra cãi vã, chia rẽ lẫn nhau. Thích làm lớn hình như là một bản năng rất mạnh trong mỗi con người, mà nguồn gốc của bản năng đó lại là kiêu ngạo, và vì kiêu ngạo nên dễ sinh tự ái, muốn ăn thua, ham danh vọng và chúng ta thừa biết nếu cứ sống mãi trong cái bầu khí ô nhiễm như thế thì cuộc sống con người sẽ như thế nào.
Trái lại, đường lối của Chúa xem ra có vẻ ngược đời nhưng lại dẫn con người đến một thế giới hòa bình, yêu thương và đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Trong thế giới này, mọi người trở thành anh em với nhau như trong một gia đình. Cuộc sống như thế sẽ là Thiên Đàng.
Sau đệ nhất thế chiến từ năm 1914 đến năm 1918, khắp nơi, những người dân ly tán còn sống sót đều trở về làng quê cũ, họ gạt nước mắt và sẵn sàng đổ mồ hôi để nỗ lực hàn gắn lại những vết thương chiến tranh và xây dựng lại cuộc sống trong hòa bình.
Tại một thị trấn nọ, tất cả nhà cửa, phố xá, ruộng vườn đều đã tan hoang đổ nát. Một nhóm bạn trẻ bước vào ngôi Nhà Thờ thân yêu ngày xưa, nay chỉ còn lại bốn vách tường và mái ngói tương đối là đứng vững, còn bên trong là những gạch vữa, gỗ đá vỡ vụn. Họ tìm thấy pho tượng Chúa Giêsu nằm sõng sượt dưới đất, chỉ còn có thân mình là nguyên vẹn.
Tuy thế, họ vẫn dọn dẹp sạch sẽ cung thánh, rồi đặt bức tượng trên một chiếc bàn con, trung tâm điểm cho những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện của giới trẻ. Và người ta đã ghi lại được một lời cầu nguyện bộc phát của một chị thiếu nữ như sau:
"Lạy Chúa,
Xin cho chúng con trở thành đôi mắt của Chúa,
Để chúng con diễn tả được tình yêu của Chúa.
Xin biến chúng con trở thành đôi tay của Chúa
Để chúng con nâng đỡ phục vụ anh chị em.
Xin cho chúng con trở thành đôi chân của Chúa,
Để chúng con sẵn sàng đến với tha nhân.
Xin biến chúng con trở thành con tim của Chúa,
Để chúng con biết thật sự yêu thương mọi người."
THỨ TƯ TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 9,38-40
Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta,
vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ,
rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc 9,39)
Hôm qua, Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay, Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác.
Chúng ta thấy phương châm của thế gian thường là "Ai không theo ta tức là nghịch với ta".
Còn phương châm của Chúa Giêsu là: "Ai không chống đối Ta tức là ủng hộ Ta” (Mc 9,40).
1. Chúng ta đã biết Gioan là ai rồi! Gioan đã một lần đòi khiến lửa từ trời xuống để thiêu rụi một làng Samaria, khi họ không chịu tiếp đón Chúa và các môn đệ qua đó để lên Jêrusalem. Gioan tự phong cho mình là "người môn đệ được Chúa Giêsu thương yêu", thế nhưng tinh thần của Gioan vẫn còn khác xa với tinh thần của Chúa. Con người tự nhiên của Gioan là như thế, vẫn còn rất hẹp hòi và có nhiều hạn chế. Thế nhưng, nhờ tình thương của Chúa mà sau này Gioan được trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác.
Nhìn gương của Gioan chúng ta sẽ không thất vọng về bản chất xấu xa của mỗi người chúng ta, nhưng thêm tin tưởng hơn vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
Phải nói rằng, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để nhìn người khác với cặp mắt nghi kỵ và khắt khe. "Họ không ủng hộ chúng ta tức là họ chống đối chúng ta". Những cái nhìn như thế, chẳng những không đem lại niềm vui nào cho cuộc sống mà còn gây ra những hậu quả nhiều khi rất nặng nề làm cho cuộc sống trở nên như một hỏa ngục!
2. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải có một cái nhìn bao dung và lạc quan "Ai không chống đối các con là ủng hộ các con” (Lc 9,50). Chắc chắn với cái nhìn này, cuộc sống của chúng ta sẽ vui tươi hạnh phúc và làm việc thoải mái hơn.
Người ta kể lại: hôm ấy một bác nông phu nọ đang cày ruộng, tình cờ có một người khách qua đường dừng lại hỏi.
- Thưa bác, người dân làng trước mặt tôi đây là người thế nào?
Không buồn dừng tay cày, cũng chẳng cần phải ngoảnh mặt lên nhìn người khách lạ, bác nông phu trả lời bằng một câu hỏi khác.
- Thế thì làng vừa đi qua ông đã gặp thấy những người như thế nào?
Người khách lạ vừa bâng quơ chỉ chỏ, vừa trả lời.
- Ôi thôi, toàn những người độc ác, ích kỷ, vô lương tâm.
Bấy giờ, bác nông phu mới dừng tay cày ngước mắt lên nhìn người khách lạ và nói.
- Rất tiếc, tôi cũng phải nói với ông rằng: những người trong làng trước mặt ông đây cũng y như thế thôi. Ông sẽ khám phá ra rằng, họ cũng là những người giống y như những người trong làng ông vừa mới đi qua.
Nghe vậy, người khách lạ bực mình phóng ngựa ra đi. Xế chiều hôm ấy, một người khách lạ khác cũng đi ngang qua lối ấy, thấy bác nông phu cày ruộng đang chuẩn bị ra về, khách qua đường dừng chân lịch sự hỏi:
- Những người dân sống trong làng gần đây thế nào?
Bác nông phu cũng đáp lại bằng một câu hỏi y như bác đã hỏi người khách lạ ban sáng.
- Những người trong làng ông vừa đi qua thế nào?
Người khách lạ vui vẻ đáp:
- Họ thực là những người tốt lành, niềm nở, hiếu khách, tôi rất tiếc là phải sớm từ giã họ.
Bác nông phu liền bỏ cày, bỏ cuốc, tiến lại gần người khách qua đường vừa bắt tay vừa nói:
-Tôi rất mừng vì những người ông đã gặp, ước chi ông sẽ gặp được những người như thế trong làng gần đây.
Khách qua đường thứ hai mỉm cười, lại vẫy tay chào bác nông phu rồi ra đi tiếp vào làng.
Câu chuyện trên đây trích từ sách chuyện cổ của những người thổ dân Châu mỹ Latinh. Câu trả lời của hai người khách qua đường cho chúng ta thấy cái lợi, cái hại từ cái nhìn của chúng ta đối với cuộc sống. Nó chẳng khác gì những cặp kính màu mà ta đeo trước mắt. Người đeo mắt kính tròng trắng sẽ thấy cảnh vật sáng sủa. Trái lại, với cặp kính màu hồng, cảnh vật cũng đượm màu hồng, nhưng với cặp kính đen, mọi sự sẽ ra u buồn đen tối.
Chúng ta thường nghe nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Bao nhiêu sự giằng co căng thẳng, bao nhiêu sự hiểu lầm cay đắng, bao nhiêu đổ vỡ đau thương trong các quan hệ xã hội đã bắt nguồn từ cái nhìn chủ quan, hạn hẹp, còn quá lệ thuộc vào những thành kiến ích kỷ này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta đừng quá dễ dàng để cho mình bị lôi cuốn vào những tình cảm, những xúc động của xác thịt làm lu mờ cả lý trí chúng ta và cho chúng ta biết quảng đại trong cách nhìn đối với tất cả mọi người để chúng ta thấy được những cái hay cái tốt của người khác hầu chúng ta có thể cùng nhau nắm tay xây dựng cho Chúa một xã hội tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa, xin đừng để trái tim con khép lại trên chính mình,
nhưng biết sống quảng đại như Chúa,
biết vươn lên cao, vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường
bằng một tâm tình bao dung tha thứ như Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 9,41-50
"Ai cho anh em uống một chén nước
vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô,
thì Thầy bảo thật anh em,
người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
(Mc 9,41)
Những lời giáo huấn của Chúa trên đây thật đơn sơ và dễ hiểu.
1. Trước hết, Chúa đề cao những việc làm vì bác ái yêu thương.
Một hôm, có một phóng viên báo chí đến quan sát công việc của mẹ tại Calcutta. Thấy mẹ làm những công việc ghê tởm: cúi mình trước những người hấp hối, người phong cùi. Ông nói với mẹ:
- Nếu có ai cho tôi một triệu Mỹ kim, tôi cũng không đủ can đảm làm những việc ghê tởm như vậy.
Mẹ trả lời: "Tôi không làm vì tiền bạc. Tôi làm vì tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa đau khổ nơi anh chị em tôi".
Trước cuộc sống, không ai mà không có những nhu cầu cần được giúp đỡ bất kể người đó là ai. Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rộng tay giúp đỡ rất nhiều người. Ngài giúp đỡ một cách hết sức thiết thực. Bây giờ thì Chúa đã lên chốn vinh quang và Chúa đã để lại việc này cho chúng ta.
Một nhà truyền giáo kể lại một câu chuyện đẹp sau đây: một chị giáo viên vừa dậy các học sinh cấp I người Phi Châu về việc nhân danh Chúa Giêsu mà cho người ta một chén nước lạnh. Hôm ấy, chị đang ngồi trước hiên nhà, thì thấy một đám phu khuân vác người bản xứ đi vào làng. Họ vác những kiện hàng thật nặng. Ai nấy đều mỏi mệt, khát nước và ngồi bệt xuống đất để nghỉ ngơi. Họ là người của bộ tộc khác, và nếu họ xin nước nơi những người thường dân không theo Kitô giáo, thì họ sẽ được trả lời ngay: hãy tự đi tìm lấy mà uống, vì có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi và các anh. Thế nhưng, đang khi những người mệt mỏi kia ngồi đó và chị đang nhìn họ, thì có một nhóm em gái nhỏ người Phi Châu từ trường học đi ra, mỗi em đội trên đầu một vò nước. Cả bọn đều rụt rè, sợ sệt. Các em tiến đến gần những người phu khuân vác đang mệt mỏi nọ và quì xuống, đưa các vò nước cho họ. Những người khuân vác kia ngạc nhiên, đưa tay nhận lấy và uống ngon lành rồi sau đó trả vò lại. Các bé vội vàng chạy đến cô giáo và nói:
- Chúng em vừa nhân danh Chúa Giêsu cho những người khát uống.
Các bé gái đã tiếp nhận lời dạy dỗ ấy theo nghĩa đen của nó. Ước gì cũng có nhiều người làm như vậy. Chính những việc làm đơn sơ tỏ ra lòng tử tế là những việc hết sức cần thiết. Mahomet đã nói: "Đặt người lạc lối vào đúng con đường, cho một người khát uống nước, mỉm cười với anh em mình. Đó là đức bác ái".
2. Giúp người thì sẽ được phần thưởng đời đời, nhưng còn việc làm gương mù gương xấu khiến cho một anh em yếu đuối vấp phạm thì sao? Chúa lên án với những lời hết sức nghiêm khắc.
Tại Palestine có hai loại cối: cối đá xay bằng tay mà phụ nữ dùng trong nhà. Và loại cối đá lớn đến nỗi phải cột một con lừa mới kéo nổi. Loại cối đá mà Chúa nói ở đây là loại lớn. Bị ném xuống biển với một thớt cối như thế cột vào người, chắc chắn không hi vọng trở về. Thật ra, đây là cách xử tử được áp dụng tại cả Rôma lẫn Palestine ngày xưa. Sử gia Josepthus kể rằng: lúc một số người Galilê thành công trong cuộc nổi dậy, họ bắt những người thuộc đảng Hêrôđê và ném họ xuống biển hồ theo cách này.
Tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp rồi, nhưng dạy kẻ khác phạm tội, lại càng tệ hại hơn. O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về chuyện ngắn đã sáng tác câu chuyện về một em bé gái mồ côi mẹ như thế này. Cha cô bé có thói quen mỗi khi đi làm về là ngồi ngay xuống ghế, mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Một lần kia con ông là một bé gái mở cửa bước vào. Em xin ông chơi đùa với em một lát vì em cảm thấy rất cô đơn. Lần này cũng như lần khác ông bảo ông mệt lắm, hãy để cho ông yên. Và ông bảo em hãy ra đường mà chơi. Thế là em đi ra chơi ngoài đường, và chuyện không tránh được đã xảy ra là em đã trở thành một cô gái đứng đường. Thời gian trôi qua, ông bố chết và cô cũng chết. Linh hồn cô được đưa lên Thiên Đàng. Thánh Phêrô vừa nhìn thấy cô liền thưa với Chúa Giêsu
- Thưa Thầy, đây là cô gái thật xấu nết. Con nghĩ phải đưa cô xuống hỏa ngục ngay.
Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp
- Không, hãy cho cô ấy vào.
Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị
- Và con hãy đi tìm người cha đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi nó ra thiên đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục.
Thiên Chúa không nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng sẽ hết sức nghiêm khắc đối với những kẻ khiến người khác sa vào tội lỗi, dù kẻ đó vô tình hay cố ý, đã đặt một tảng đá làm cớ vấp chân trên lối đi của một người anh em yếu đuối hơn mình.
THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 10,1-12
"Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.”
(Mc 10,9)
1. Những người Pharisêu phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị. Lập trường của những người Do Thái không thống nhất về vần đề này, đôi khi còn trái ngược nhau nữa:
* Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbit Hillel) cho phép ly dị vì những cớ tầm thường.
* Lập trường khắt khe (đứng dầu là Rabbit Shammai) chỉ cho ly dị trong những trường hợp ngoại tình.
Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu thì sao? Thưa là tuyệt đối không được ly dị: "Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy người ta cách để sống đời hôn nhân cho tốt đẹp: phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.
Án Tử, người nước Tề là một người nổi tiếng thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh tảo tần buôn bán để lấy tiền cho ông ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của vợ.
Một hôm, vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người phụ nữ ấy là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, vua mới đề nghị với Án Tử:
- Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự:
- Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp cốt để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái của vua.
2. Chúng ta thấy tình trạng ly dị ngày càng gia tăng. Tình trạng ly dị cho chúng ta hiểu rằng, sống chung thủy với một tình yêu là điều rất khó.
Báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 9.1998 có đăng những lời tâm sự của một người con nói về người cha của mình: Tên anh là Roberto Mc Donald
Tôi mồ côi mẹ từ lúc lên 6. Cha tôi vừa là người cha cũng lại vừa là người mẹ. Do vậy, khi cha tôi nằm xuống vì chứng ung thư xương vào tuổi 75, thì tôi đâm ra ngã lòng tuyệt vọng thật sự!
Khi còn nhỏ, một ngày nọ, tôi nghe cha tôi sai người chị cả của tôi vào phòng ông để lấy một ít tiền từ một chiếc hộp màu đen. Tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao tôi lại không được phép nhìn vào trong chiếc hộp ấy xem nó dựng cái gì mà có vẻ bí mật thế?
Năm tháng qua mau, tôi càng lớn lên thì cha tôi càng già yếu. Mái tóc ông bạc đi, khuôn mặt nhăn nheo và tấm thân bắt đầu gập lại. Tuy nhiên, nụ cười tươi vẫn cứ luôn đọng lại trong đôi môi của ông, và nó sẽ còn đó cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Khi dọn dẹp và lôi ra mọi thứ trong phòng ông, thật sự là tôi không còn nhớ đến chiếc hộp màu đen. Các thứ trong ngăn kéo đều đã được lấy đi, đồ đạc cũng được dọn bớt, căn phòng giờ đây trống vắng làm sao.
Khi mở đến chiếc tủ sau cùng, mắt tôi bỗng chạm phải chiếc hộp màu đen. Đó là một chiếc hộp dẹt bình thường bằng kim loại bọc da, các cạnh hộp đã rách và mòn đi rất nhiều. Nhẹ nhàng mở ra, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy mọi thứ bên trong.
Bên trong hộp chính là tất cả những gì thiêng liêng mà người cha thân yêu của tôi đã gìn giữ: Tờ hôn thú với chữ ký của mẹ, một tấm ảnh đẹp nhất của mẹ trong chiếc váy dài màu vàng mà cha thích nhất, một tấm ảnh chụp tôi lúc lên 5 với những lời đề tặng nguệch ngoạc của một đứa trẻ "Tặng ba và mẹ của con". Hóa ra, tôi đã có mặt ở bên trong chiếc hộp màu đen, mẹ tôi cũng thế!
Tôi hình dung ra cha tôi đã nhiều lần lặng lẽ lôi chiếc hộp ra nhìn ngắm mọi thứ. Ông đã mỉm cười và nói thầm một mình. Tôi nghĩ rằng, cha đã thường làm như thế nhiều lần trong bao nhiêu năm trời qua, vì mọi thứ đều cũ kỹ sờn rách...Giờ đây chiếc hộp ấy đã thuộc về tôi. Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, nó sẽ lại thuộc về các con tôi. Và ở bên trong, chúng cũng sẽ tìm thấy những gì thân thương nhất của tôi. Chúng sẽ có được một gia tài lớn ở bên trong chiếc hộp nhỏ màu đen, đó là tình yêu và niềm tin của tôi. Tôi tin chúng sẽ nhận ra rằng, điều quan trọng thật sự và duy nhất trong cuộc đời này chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau...
THỨ BẢY TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN
Mc 10,13-16
"Thầy bảo thật anh em:
Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa
với tâm hồn một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào.”
(Mc 10,15)
Trẻ con có hai đức tính nổi bật:
1. Trước hết là sự đơn sơ
Ông Tamba, một nhà trí thức tại Inđonesia và cũng là một tín hữu Kitô đã kể lại như sau:
- Tôi rất hãnh diện và tôi cho rằng, tôi là người tín hữu duy nhất trong giáo xứ Palembang có được bằng tiến sĩ đại học Siuydaia, mà còn là chủ tịch hội luật gia, đồng thời là chủ tịch hội trí thức trong tỉnh nữa. Với tất cả những danh hiệu và chức vụ này tôi tưởng như chẳng ai bằng tôi. Thế nhưng, tôi lại bê trễ việc đạo vì quá bận rộn. Tôi không còn quan tâm gì đến việc cầu nguyện nữa.
Lúc ấy, Chúa sai một người thầy đến dạy tôi. Người này là đứa cháu trai mới có hai tuổi. Tôi thường nói với cháu rằng, người tin Chúa phải cầu nguyện trước khi đi ngủ. Một hôm, cháu đến nhà tôi chơi và ở lại ngủ chung phòng với tôi. Khi tôi lên giường ngủ, cháu hỏi:
- Cậu ơi, sao cậu không cầu nguyện? Cậu cãi nhau với Chúa Giêsu rồi đấy à?
Câu hỏi ngây thơ của đứa cháu làm tôi tỉnh ngộ. Thật đúng là Chúa đã dùng một đứa bé mới có hai tuổi làm nhân chứng cảnh tỉnh tôi và nhắc nhở tôi. Tôi đã lập tức cầu nguyện ngay trước mặt đưa cháu. Và từ đó tới nay, tôi không bao giờ quên cầu nguyên trước khi đi ngủ nữa.
2. Thứ đến là tính thật thà. Có lần Chúa Giêsu đã dạy: Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37).
Nhà văn Pécaut, người Pháp, có kể lại một câu chuyện có thật và đầy xúc động, mà ông đã gặp một lần trong đời để rồi vẫn còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Câu chuyện như sau:
Một hôm, tôi vừa ra khỏi nhà thì một em bé trạc 12 tuổi chạy đến van nài tôi mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động lòng thương, tôi rút ví ra định mua, nhưng tôi lại chỉ có toàn tiền chẵn. Tôi đang ngần ngại thì thằng bé nói ngay:
- Không sao ông ạ, xin ông cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trở lại trả cho ông ngay.
Tôi nhìn thằng bé với một thoáng nghi ngờ. Nó vội nói:
- Thưa ông, cháu không phải là một thằng ăn cắp đâu ạ!
Quả vậy, gương mặt xanh xao của nó có vẻ thành thật đến mức tự hào. Tôi liền trao cho nó một đồng tiền vàng, và nó chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, tôi bắt đầu hồ nghi sự ngay thẳng của thằng bé. Và nửa giờ sau thì tôi hết kiên nhẫn, bỏ đi tiếp tục cuộc dạo phố, lòng thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu lổng đầu đường xó chợ như thế nữa...
Buổi trưa, khi về tới nhà, đúng chỗ ban sáng thì tôi lại thấy một đứa bé, bé hơn, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt giống "thằng ăn cắp" như tạc. Nó thổn thức nói với tôi:
- Thưa ông, có phải ông đã đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp. Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền. Cháu... cháu sợ rằng, anh cháu chết mất thôi..."
Tôi bàng hoàng vội hỏi thằng bé trong tiếng nghẹn ngào:
- Thế bây giờ anh cháu nằm ở đâu? Dắt bác đến gặp anh cháu ngay đi...
Chúng tôi rời khỏi những khu phố giàu sang để lách vào những con hẻm lầy lội tối tăm của một khu lao động nghèo khổ. Em bé dừng lại trước một căn lều xiêu vẹo. Trong một xó tối, tôi nhận ra thằng bé bán diêm quẹt ban sáng.
- Thưa ông, xin ông lại gần cháu hơn một chút với...
Tôi tiến lại gần, quỳ một chân, cúi xuống đỡ lấy bàn tay nhỏ bé và lạnh ngắt. Em nói với tôi, ánh mắt lấp lánh niềm vui ngây thơ:
- Em cháu đã đưa chỗ tiền lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa lừa gạt và ăn cắp. Cháu chỉ có mình nó là em ruột, cháu bị tai nạn thế này, rồi đây... Ôi trời ơi, rồi đây em cháu sẽ ra sao đây?
Tôi lặng lẽ cúi xuống hôn lên vầng trán bị giập nát vì vết thương của em, và tôi hứa với em rằng, tôi sẽ hết lòng chăm sóc thằng bé thay cho em.
Tội nghiệp thằng bé, tôi biết vết thương rất trầm trọng, không còn có thể làm gì để kịp cứu chữa cho em. Thằng bé có lẽ đã cố gắng thoi thóp sống chỉ cốt để gặp được tôi, trăn trối một lời cuối cùng. Bây giờ thì em không còn rên rỉ đau đớn nữa, đôi mắt em liếc nhìn đứa em thân yêu rồi chớp chớp nhìn tôi với một vẻ bình thản gần như hạnh phúc...
Đấy, người bạn bé nhỏ của tôi đã chết như thế đấy. Thằng bé đã cho tôi biết thán phục và thương cảm trước một tâm hồn trẻ thơ vô cùng trong trắng ngay giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ đến cùng cực...
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh