Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần IV mùa Phục sinh
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C
Ga 10, 27-30
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi.
Tôi biết chúng và chúng theo tôi" (Ga 10,27)
Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn, chỉ gồm có 3 câu, thế nhưng chỉ với ba câu đó chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đủ để phác họa nên một bức chân dung thật sống động về mối tương quan giữa Chúa và những kẻ tin vào Người. Chúa Giêsu tự coi mình như một mục tử và những kẻ tin vào Người như những con chiên cùng sống trong một ràn chiên của Chúa.
1. Người mục tử Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là người như thế nào?
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ: biết và cho và cũng chỉ với hai từ đó Chúa đã cho chúng ta thấy chân dung một người mục tử tốt là người như thế nào.
* Tôi biết chiên của tôi.
Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.
Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.
Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.
Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.
Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.
Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.
Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.
* Tôi cho chúng được sống đời đời.
Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.
Đó là chân dung người mục tử theo ý của Chúa.
2. Còn đâu là hình ảnh con chiên trong ràn của Chúa là hình ảnh như thế nào?.
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ để diễn tả: “nghe” và “theo”
* Trước hết "Chiên cuả tôi nghe tiếng Tôi."
Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.
Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như một hơi thở. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của sự từ bỏ chính mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến chỗ dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.
Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật thính, thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe
Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.
* Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.
Chiên thì phải theo Chủ.
Có một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy của mình đi ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
- Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là "Hãy theo ta! Hãy theo ta!")
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
- Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như mấy người kia kêu, xem các con chiên của anh có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu:"Men ah! Men ah!", nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
- Thế chiên của anh không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?
Người chăn Syrie trả lời:
- Ồ! có chứ! Nhưng đó là vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.
Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu.
Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.
Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống của mình vì người mình yêu.
Như thế, theo tức là yêu thương ở mức độ cao. Con chiên đi theo Chúa phải hoàn toàn chủ động và nhất là phải thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ của mình.
Vâng! Kính thưa anh chị em
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Nhiều con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống đang xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ mọi người trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giê su Kitô, Chúa chúng ta. Amen.
THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,1-10
"Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)
Hôm nayChúa Giêsu tự xưng mình:“Ta là cái cửa” (Ga 10.9).
Cửa là lối vào. Qua Chúa người ta có thể bước vào một xã hội mới.
1. "Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10,7).
a/ Chuồng chiên bên đông phương là một khu đất rộng, chung quanh có tường hoặc rào bao bọc. Chuồng chiên không bao giờ có mái che ở trên.
- Thường thì mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa duy nhất. Đó là lối ra vào của chiên. Không bao giờ chiên trèo tường hay leo rào để ra vào.
- Cửa chuồng chiên chỉ là một khoảng cách giữa hai bên bờ tường hay bờ rào. Nó chỉ là một khoảng trống. Nó khác hẳn với hình ảnh về một cái cửa mà chúng ta thường thấy trong xã hội hôm nay.
- Khi Chúa tự ví mình như cái cửa, Chúa đã muốn nói với mọi người về lối vào của một xã hội mới Ngài thiết lập. Xã hội như một đàn chiên. Bất cứ ai muốn gia nhập thì phải qua Ngài. Ngài là cửa dẫn vào đoàn chiên. Không qua Ngài mà vào thì là kẻ cướp.(Ga 10,1)
b/ Nhưng làm thế nào để có thể gọi là “qua Ngài”. Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người mù mới được Chúa chữa khỏi. Khi được sáng mắt chắc là anh đã vui mừng. Nhưng niềm vui của anh chưa được bao lâu thì nó đã biến thành nỗi sầu. Chỉ vì bênh vực cho sự thật mà anh bị loại trừ ra khỏi hội đường. Phải nói đây là hình phạt đáng sợ nhất đối với người Do Thái. Nhưng rất may cho anh, Chúa đã đón nhận anh. Bằng một lời tuyên xưng, anh đã bước vào xã hội mới của Chúa. Vâng, đó là cách chúng ta “qua Chúa” để vào xã hội của Ngài. Mỗi người chúng ta đã làm như thế ngày chúng ta được chịu phép Rửa tội. Giờ đây, chúng ta đang ở trong xã hội đó. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này.
2. Tới đây tôi chợt nhớ tới một câu chuyện của Hầu tước (Sir) George Adam Smith. Một hôm ông đi du lịch bên Đông Phương. Ông thấy một mảnh đất có tường bao quanh như tôi vừa nói. Nhưng ông không dám nghĩ đó là một chuồng chiên. Cũng may là lúc ấy có một người chăn chiên đang ở gần đó.
Ông hỏi anh ta: “Cái đó có phải là chuồng chiên không?”
Người chăn chiên xác nhận: "Dạ phải.”
Ông thắc mắc: “Sao, tôi thấy chỉ có một lối đi vào”.
Người chăn chiên giải thích: “Vâng, chỗ đó là cái cửa”.
Ông ngạc nhiên thắc mắc tiếp: “Nhưng chỗ đó tôi đâu có thấy cửa đâu?”
Chẳng cần phải suy nghĩ gì. Người chăn chiên trả lời ngay: “Tôi là cái cửa”
Ông càng ngạc nhiên hơn nữa, Ông hỏi tiếp: “Anh muốn nói gì khi anh bảo anh là cái cửa?”
Người chăn chiên đáp: “Khi chiên vào chuồng rồi thì tôi đến nằm ngang chỗ đó. Không một con chiên nào có thể đi ra và cũng không một con sói nào có thể đi vào mà không phải qua con người của tôi”
Có lẽ tới đây cũng đã đủ để chúng ta có thể hiểu được ý của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.
Xin Chúa cho chúng ta được tìm thấy hạnh phúc khi chúng ta được ở trong Giáo Hội, tức là đoàn chiên của Chúa. Trong Giáo Hội chúng ta có Chúa bảo vệ chúng ta. Trong Giáo Hội, bằng các bí tích Chúa lo lắng cho chúng ta. Cũng chính trong Giáo Hội mà chúng ta nhận được lương thực hằng sống là Mình và Máu Thánh Chúa hằng ngày.
Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em lời của Đức Hồng Y Marty, nguyên là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trước đây: “Tôi yêu Giáo Hội từ khi mẹ tôi dạy tôi làm dấu Thánh Giá cũng như lúc cuộc đời tôi đã xế bóng.
Tôi đã vào Giáo Hội khi tôi được sinh ra ở một làng quê. Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa khi tôi nhìn mẹ tôi và cha tôi đọc kinh cầu nguyện.
Tôi đã sống trong Giáo Hội trước khi tôi ý thức được Giáo Hội là gì. Tôi đã yêu mến Giáo Hội như tôi yêu mến mẹ tôi. Tôi đã sống trong Giáo Hội ngay từ trước khi tôi biết gọi tên Giáo Hội, cũng như đứa trẻ đã biết yêu trong gia đình của nó trước khi biết đến tên Tình yêu.
Tôi yêu Giáo Hội. Giáo Hội đã vỡ lòng cho tôi về Thiên Chúa, đã cho tôi lớn tiếng đọc sứ điệp của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Trên con đường dài của cuộc đời tôi, như những môn đệ Emmau, tôi đã bước đi trong bụi bặm, nhưng bên cạnh luôn có Người cùng đi và dẫn giải cho tôi Lời Kinh Thánh, và tôi đã luôn luôn nhận ra sự hiện diện của Người bên bàn chia sẻ Lời và Bánh.”
Lạy Cha từ ái,
cảm tạ Cha đã ban cho chúng con
ơn nhận biết và tin vào Ðức Giêsu Con Cha,
và được lớn lên trong lòng Giáo Hội.
Cha muốn chúng con noi gương Ðức Giêsu
chu toàn thánh ý Cha trong cuộc sống.
Xin cho chúng con mỗi ngày
biết múc lấy ánh sáng và sức mạnh
từ những phút giây trầm lặng bên Cha.
Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ,
chúng con lại được cùng sống bên Cha
và bên nhau trong Nước Trời. Amen.
THỨ HAI TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,11-18
"Chúng sẽ nghe tiếng tôi.
Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,16)
Chúng ta bước sang một đề tài mới: sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành.
1. “Tôi là mục tử tốt lành.” (Ga 10,11)
Hình ảnh người mục tử mà Tin Mừng nói là một hình ảnh khá xa lạ đối với chúng ta. Những hình ảnh được bày bán ở nhiều nơi đôi khi làm cho chúng ta có những quan niệm rất giả tạo và sai lầm về người mục tử. Người ta thường vẽ người mục tử tóc quăn, đầu mềm mại gục xuống, làm chỗ dựa cho con chiên bệnh hoạn quấn quanh cổ mình...Thực ra thì người mục tử ở vùng thảo nguyên Phương Đông không phải như thế. Họ là một con người cứng cáp, có khả năng đi bộ không biết mệt mỏi và ngủ ngoài trời qua những đêm nhiều khi rất lạnh, một con người dũng cảm táo bạo, có sức mạnh để bảo vệ đàn chiên chống lại chó sói, chồn, và xưa kia là sư tử; một người tài tình có khả năng tìm ra những đồng cỏ và nơi trú ẩn thích hợp cho đàn chiên. Như vậy, điều lý tưởng cho một đàn chiên không phải là một vòng rào vững chắc, mà là một người mục tử đích thực biết yêu thương, đặt cho chiên những cái tên mà chúng nhận ra, và không muốn mất đi một con nào, dù có phải hy sinh mạng sống.
Như vậy, khi chọn hình ảnh để nói về mình, rõ ràng Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta hiểu rằng, Ngài không phải là một Thiên Chúa cao vời cách xa, mà là một Thiên Chúa gần gũi yêu thương, như một Mục tử sống sát và yêu thương đàn chiên của mình.
2. “Khi đã cho chiên đi ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,4). Trong mục Daily Bread 16.5.2000 có đăng một câu chuyện có thực như sau:
Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Robert đang chuẩn bị một cuộc diễu binh đón chào ông bộ trưởng Quốc Phòng. Nào là các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào là các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa, nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng.
Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta sắp duyệt binh... Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng ban tặng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn.
Đúng lúc ấy, đoàn xe mô-tô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại. Làm sao bây giờ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi.
Toàn bộ đạo quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao? Bỗng, chiếc xe Jeep của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Robert phóng đến, và từ trên xe, Linh Mục Tuyên Úy Michael nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay hàng, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc!
Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta nghe được tiếng sáo của người mục tử mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh...
Chỉ cần một tiếng sáo mục tử du dương nhè nhẹ ấy thôi, cũng đủ để kêu gọi cả đàn chiên đi lạc hướng quay trở về, trả lại khung cảnh trang nghiêm cần thiết cho buổi lễ duyệt binh.
Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của người mục tử.
Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt.
Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc phút giây trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng (The Sound of Silence), nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người?
Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta?
"Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử” (Ga 10,14-16).
THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,22-30
"Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không
bao giờ chúng phải diệt vong
và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” (Ga 10,28)
Chúng ta suy niệm tiếp về đề tài Chúa Giêsu là mục tử:
1. Chúa Giêsu nói: "Tôi biết chiên của tôi.” (Ga 10,14).
Biết theo thánh Gioan là yêu thương.
Thánh Tôma Aquinô nói: "Nhiệm vụ của mục tử nhân lành là yêu mến. Vì thế, Người nói: mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Cần phải biết là có khác biệt giữa mục tử tốt và mục tử xấu: mục tử tốt nhắm đến lợi ích của đoàn chiên, còn mục tử xấu thì chỉ lo cho lợi ích riêng mình."
Đây lời tiên tri Êzêchiel: "Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm, như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34,11-16)
Có lẽ không có lời nào nói lên tấm lòng yêu thương của vị mục tử đối với chiên của mình hay hơn thế!
2. Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27).
Khi nhìn đám đông quần chúng theo mình, Chúa Giêsu cảm động và thương xót họ. Dưới mắt Ngài, họ như chiên không có kẻ chăn. Ngài ngụ ý gì khi nói như thế? Thưa:
a. Một con chiên không có người chăn sẽ không tìm được đường đi. Nếu bị bỏ mặc một mình, chúng ta sẽ bị lạc lõng trong cuộc sống. Thi sĩ Dante có một câu nói rằng: “Tôi tỉnh dậy giữa rừng và trời tối đen, trước mặt tôi chẳng thấy có con đường nào trống trải cả”. Cuộc đời có thể khiến chúng ta bối rối lạc lõng như vậy. Chúng ta có thể gặp một ngã tư đường mà không biết phải đi lối nào. Chỉ khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta mới theo Ngài, tìm ra lối đi.
b. Một con chiên không người chăn sẽ không tìm được đồng cỏ và thức ăn. Sống trên đời này, chúng ta phải tìm kế mưu sinh, chúng ta ra khỏi chính mình và vượt cao hơn cả chính mình. Nếu chúng ta tìm nó ở những nơi khác, tâm trí chúng ta sẽ chưa thỏa mãn, tấm lòng chúng ta chưa được yên nghỉ, linh hồn chúng ta cũng chưa được no đủ. Chúng ta chỉ có thể tìm được sức lực của đời sống từ nơi Đấng vốn là Bánh Hằng Sống.
c. Một con chiên không có người chăn sẽ không được ai bảo vệ chống lại những nguy hiểm đang đe dọa nó. Nó không thể tự vệ cả với bọn trộm cướp lẫn với đám thú rừng. Nếu có gì cuộc đời dạy khôn chúng ta thì đó là chúng ta không thể sống một mình. Không ai có thể tự vệ đối với những cám dỗ, với điều ác của thế gian luôn luôn vây hãm mình. Chỉ khi nào chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể bước đi trong thế gian và luôn giữ được áo xống mình khỏi sự ô uế của đời này. Không có Ngài, chúng ta sẽ không thể tự vệ, với Ngài chúng ta được an toàn.
3. "Tôi cho chúng được sự sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất” (Ga 10,28).
Mục tử tốt lành là mục tử luôn lo cho đoàn chiên.
Đây là lời cầu nguyện của thánh Grêgôriô:
Lạy Đấng Mục Tử nhân lành, Đấng mang cả đoàn chiên trên vai. Xin chỉ cho con chỗ nghỉ ngơi, xin dẫn con đến đồng cỏ xanh mà bổ dưỡng; xin gọi con đích danh, để con được nghe tiếng Chúa, vì con là chiên của Chúa.
Xin cho con biết Chúa đang chăn chiên ở đâu, để con tìm thấy đồng cỏ cứu độ và được đầy no lương thực bởi trời.
Xin cho con biết chạy đến nguồn suối mà múc lấy của uống thần linh, của uống chính Chúa ban như dòng nước từ nguồn mạch chảy tuôn cho những người đang khát. Chúa đã tuôn đổ dòng nước này từ cạnh sườn Chúa khi lưỡi đòng khai mạch. Ai nếm hưởng nước này thì trở nên mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.
Xin Chúa cho con biết phải làm gì để được nghỉ ngơi bồi dưỡng! Phải theo đường nào để tới chỗ nghỉ trưa. Xin đừng để con vì không biết sự thật mà rời xa bàn tay Chúa dắt dìu, nhập đoàn với những bầy chiên xa lạ, không phải là đoàn chiên của Chúa. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 12,44-50
"Tôi là ánh sáng đến thế gian,
để bất cứ ai tin vào tôi,
thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46)
Chúng ta bước sang đề tài mới: Chúa Giêsu là ánh sáng.
1. Chủ đề ánh sáng là chủ đề lớn trong Tin Mừng Gioan.
David L. Weatherford đã viết rất hay: "Ta thích hơi ấm bởi ta đã biết thế nào là giá lạnh. Ta trân trọng ánh sáng bởi ta từng trải qua bóng tối. Và cũng như thế, ta thấm thía được niềm vui bởi ta đã nếm mùi đau khổ."
Là Kitô hữu, ta phải tập quen hành động theo sự sáng.
Một vị đạo sĩ nọ một lần kia hỏi các học trò của mình như thế này:
- Bằng cách nào người ta có thể xác định rõ, lúc nào là lúc chấm dứt đêm tối và bắt đầu ánh sáng ban ngày?
Một học trò đáp:
- Đó là lúc mà ta nhìn một con vật ở đàng xa và ta có thể biết đó là một con cừu hay một con chó.
- Không đúng - Vị đạo sĩ trả lời.
Một học trò khác thưa:
- Đó là lúc mà ta nhìn một cây lớn ở đàng xa và có thể biết đó là một cây vả hay một cây đào!
Một lần nữa vị đạo sĩ cũng lắc đầu và nói:
- Không phải.
- Thưa thầy, vậy thì đó là lúc nào? - Các học trò xôn xao hỏi.
Vị đạo sĩ giải đáp:
- Đó là lúc mà bạn nhìn lên khuôn mặt của bất cứ ai, bạn cũng nhận ra người ấy là anh em của mình. Vì nếu bạn không nhận ra như vậy thì bất luận đó là giờ nào, đó cũng là bóng tối thôi.
2. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều thứ bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại.
Mới đây, một bệnh viện thuộc trường đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một người chuyên chụp ảnh ở tiểu bang California. Khi chăm sóc cho người cha ruột của mình trong bệnh viện, ông đã chứng kiến cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần nhà của phòng hồi sức. Nhìn lên trần nhà ấy người ta chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ ở đấy cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ ra những triệu chứng của bệnh tâm thần.
Nhưng rồi với những cánh cửa sổ nhân tạo được ráp mới, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 65 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa.
Những bệnh nhân tuy nằm trong phòng hồi sức nhưng vẫn cảm thấy mình như gần gũi với thiên nhiên. Họ thấy bớt cô đơn và nhờ đó mà họ mau bình phục.
Trong tương lai gần đây, người ta cũng có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như những vì sao lấp lánh trên khung cửa.
3. Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải vì ích lợi cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tối tăm. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vòm sao trên bầu trời”.
Chúa Giêsu nói: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh cha của anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5,16).
Tại nhà thờ nọ, trong một buổi tối giảng tĩnh tâm, có hàng ngàn tín hữu đến tham dự, nhằm khuyến khích con cái Chúa biết chiếu sáng lòng tốt của mình ra cho mọi người, linh mục thuyết giảng ra lệnh cho tắt hết các đèn trong nhà thờ.
Trong giây lát, bóng tối phủ trùm. Cha nói:.
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Tất cả những ai nhìn thấy ánh sáng của que diêm này, xin hô to lên rằng mình thấy nhé!
Cả nhà thờ to lớn, song chỉ ánh sáng một que diêm nhỏ, ai cũng nhìn thấy nên đồng thanh hô to:
- Thấy!
Cha liền giải thích:
- Bất cứ một hành động nào của lòng tốt cũng đều tương tự như thế. Một nguồn sáng dù nhỏ cũng có thể chiếu sáng ra giữa muôn ngàn tội lỗi xấu xa của nhân loại.
Một hành động của lòng tốt dù thật nhỏ, cũng vẫn được phơi bày trước Chúa và loài người.
Kế đến, linh mục cho phân phát đến mỗi người một que diêm và bảo:
- Bây giờ mỗi người hãy đốt que diêm lên!
Trong giây lát, bóng tối trong nhà thờ đã nhường chỗ cho ánh sáng tỏa ra từ những que diêm li ti khiến nhà thờ tràn ngập những ánh sáng lung linh một cách kỳ diệu.
Vị linh mục kết luận:
- Hãy coi đó, dù nghèo nàn về phần thiêng liêng, chúng ta cũng có thể đánh bại bóng tối tăm của tội lỗi và chiếu sáng cả thế giới bằng tình yêu và sự thánh thiện của mình.
THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 13,16-20
"Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)
Chủ đề hôm nay là sự đón nhận.
Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu gia nhập vào một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào?
Đón tiếp hay tiếp nhận đòi hỏi phải hy sinh và nhất là phải biết tôn trọng người khác. Không muốn hy sinh và tôn trọng người khác sẽ không có sự đón nhận thực sự, hoặc là đón nhận thì cũng chỉ đón nhận cách thờ ơ lãnh đạm.
Đây là câu chuyện có thực. Tuy câu chuyện xảy ra mãi tận bên Mỹ nhưng là chuyện của con người. Edith và Kelo lấy nhau đã hai mươi ba năm nhưng họ vẫn không có con. Dầu vậy tình yêu giữa hai người luôn đằm thắm. Mỗi lần đi công tác, người chồng luôn viết thư và gửi quà về cho vợ. Tháng 2/1950, Kelo được gửi đi công tác tại Nhật Bản. Lần này, Kelo không gửi quà về cho vợ nữa. Người vợ nghĩ rằng, chồng cần dành tiền để mua một ngôi nhà mới chăng.
Tháng ngày trôi qua, cứ mỗi lần người vợ mong chồng về nhà thì bà lại nhận được một lá thư, trong đó, người chồng báo tin là sẽ nán ở lại một vài tuần nữa. Vài tuần rồi một tháng, thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn và những cánh thư cũng bắt đầu thưa dần.
Bẵng đi một thời gian, người vợ nhận được một lá thư trong đó chỉ có vỏn vẹn vài chữ. Như một hồi chuông báo tử, người chồng cho biết ông muốn được ly dị để cưới một cô gái Nhật Bản tên là Aikô, mười chín tuổi. Chờ cho những cảm xúc ban đầu lắng dịu, Edith bắt đầu hồi tâm lại, bà nghĩ rằng, chồng bà không vượt qua được nỗi cô đơn vì xa vợ quá lâu, nhưng ông đã tỏ ra thành thực và can đảm xin ly dị để cưới cô gái hơn là lợi dụng cô.
Bà Edith xây dựng cuộc sống còn lại trên sự cảm thông cao độ ấy. Thế là bà viết thư cho chồng và xin ông đừng cắt đứt liên lạc với bà. Không bao lâu, bà nhận được tin của người chồng cũ, ông cho biết ông đã có được hai đứa con gái. Bà Edith liền gửi quà mừng.
Trong những lá thư sau, Kelo kể đủ mọi chuyện cho người vợ cũ của mình biết: nào là về gia đình ông, nào là vợ ông đã tiến bộ trong việc học Anh ngữ, nào là ông đã giảm ký và đứa con gái nhỏ của ông đã mọc thêm mấy cái răng.
Nhưng rồi một ngày kia một lá thư khủng khiếp nhất đã đến tay bà: Kelo cho biết ông đang chờ chết vì bệnh ung thư phổi. Những lá thư cuối cùng của ông đầy nước mắt, không phải cho ông mà là cho Aikô và hai đứa con gái của ông. Ông đã dành dụm đủ tiền để gửi con sang Mỹ học, nhưng bệnh tật đã ngốn hết số tiền ấy.
Sau khi Kelo qua đời, Edith viết thư ngỏ ý bảo lãnh hai đứa con gái riêng của ông sang Mỹ. Edith đón nhận hai đứa con của người chồng cũ như chính con của mình.
Mãi đến tuổi năm mươi, bà mới biết thế nào là làm mẹ. Giờ đây, sau khi tan sở, bà có đủ lý do để vội vã về nhà. Trong khi đó, vì thương con, Aikô cũng thường xuyên liên lạc với Edith. Edith chợt hiểu rằng, người mẹ này hẳn cô đơn vì nhớ con, bởi thế nên Edith quyết định bảo lãnh cho Aikô sang Mỹ.
Tháng 8/1957, Aikô nhận được giấy nhập cảnh. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế New Yord, tự nhiên Edith cảm thấy lo sợ: bà sợ bà không vượt qua được sự thù ghét đối với người đàn bà ngoại quốc đã cướp mất chồng bà. Vị hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay là một người thấp bé, mảnh khảnh đến độ Edith tưởng chỉ là một cô bé. Bà gọi tên Aikô và người đó chạy đến ngả vào cánh tay của bà. Hai người ôm ghì lấy nhau thật lâu. Ý nghĩ phi thường chợt đến với Edith:
"Tôi đã cầu nguyện cho Kelo trở về với tôi, giờ đây chồng tôi đang hiện diện trong hai đứa con gái nhỏ và người đàn bà dịu dàng mà ông đã từng yêu thương. Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương người đàn bà này".
Có lẽ trong thực tế của cuộc sống, chúng ta khó có thể tìm được một câu chuyện nào đẹp như thế. Nhưng đây là một câu chuyện đã xảy ra....ngay trên trái đất này. Tuy ở một nơi thật xa chúng ta nhưng nó cũng cho chúng ta thấy được một phần nào Lời của Chúa đã rơi vào những mảnh đất mầu mỡ có thể sinh hoa kết quả.
Mẹ Têrêsa Calcutta nói: "Yêu thương thật sự là yêu thương cho đến khi nào cảm thấy bị tổn thương".
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp trên đời là một sứ giả Chúa gửi đến. Khi làm như thế chắc là Chúa mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương.
Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp, để mọi người được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata).
THỨ SÁU TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 14,1-6
"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Chúa Giêsu tự ví mình như một con đuờng: Thầy là đường (Ga 14,6).
1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dùng những lời rất thân tình, tha thiết để tâm sự với các môn đệ. Ngài bảo cho họ biết là Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi rất lạ mà họ chưa bao giờ được biết. Nhưng rồi Ngài lại hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường đi?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,5-6).
Khi nói như thế, ít nhiều Chúa đã muốn cho mọi người biết: mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính là con đường dẫn ta đến đích điểm đó.
2. Vâng! Đời là một cuộc hành trình, mà hành trình phải có một điểm tới. Trong cuộc hành trình đến một nơi tôi chưa từng biết, nếu tôi tự hướng dẫn thì rất dễ lạc đường. Nếu tôi đi theo sự hướng dẫn của người khác thì có thể khá hơn; nhưng không gì bảo đảm bằng hành trình theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu: Bởi vì Ngài là
Đấng từ trời xuống “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người Đấng đã từ trời xuống”. (Ga 1,13).
Một Kitô hữu già cả sắp chết. Một người đến nói:
- Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh Kinh ngọt ngào nhất nhé!
- Vâng.
- Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ…Ta đi dọn chỗ cho các con.(Ga 14,2)
- Không, đó không phải là câu ngọt ngào nhất, đọc tiếp đi.
- Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu thì con sẽ ở đó với Ta.(Ga 12,26)
- Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi cần không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt).
Jules César, một tướng lĩnh lừng danh của Rôma thời xưa...khi vượt biển sang Phi Châu, lúc đặt chân lên đất đã bị trượt chân và bị té ngã. Cảm giác đầu tiên là ông sợ hãi nên đâm ra lo lắng...sợ rằng, đây là một điềm xấu gì chăng. Thế nhưng, sau đó, César đã bình tĩnh lại ngay, ông giơ tay lên và kêu to như để thức tỉnh chính mình.
- Hỡi Phi Châu! Ta ôm lấy mi!
Và cuối cùng, vì cái té ngã bất ngờ đó mà ông đã chiến thắng và được hiển vinh.
Chúa Giêsu đã quả quyết “Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được” (Mt 11,12)
3. Để đạt được vinh quang trần thế mà ta còn phải trả giá thì huống chi để được gặp Thiên Chúa và chiêm ngắm tôn nhan vinh hiển Người, thì con người còn cần một ý chí sắt đá cao hơn là dường nào. Con đường về thiên quốc là con đường không dưới vạn dặm và còn là con đường hẹp nữa.
Khi mời gọi chúng ta bước vào con đường đó, Chúa còn đòi hỏi ta phải bỏ mình, vác lấy Thập Giá mà đi theo Ngài.
Theo Ngài như thế, chúng ta được bảo đảm Ngài tới đâu chúng ta sẽ tới đó. Trong vinh quang của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chiêm ngưỡng dung nhan rạng ngời của Thiên Chúa, tràn đầy hoan lạc và hạnh phúc vô biên.
Năm l796, chiến tranh giữa Pháp và Liên Minh Ý-Áo, Đại tướng Bonaparte của Pháp đã đưa quân đội đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến của địch.
Khi trận chiến đã đến hồi quyết định, Bonaparte hô quân tiến qua cầu, nhưng không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô to:
- Ai yêu tổ quốc thì theo ta.
Lịch sử kể lại rằng, lúc đó trên cầu người ta thấy chỉ có một mình ông với lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Rất may sau đó có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ thấy vậy liền tràn theo qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh.
8 năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã xin nghỉ phép để về đưa đám tang mẹ. Napoléon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến tận huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp:
- Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!
Ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu rỗi.
Lạy Chúa, nhiều khi con lo lắng về tương lai, không biết đời con sẽ về đâu. Chúa bảo “lòng con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tương lai hãy để Chúa dẫn dắt. Chúa dạy con hằng ngày hãy sống như con cái Thiên Chúa và anh em của mọi người. Đó là con đường mà nếu con đi thì chắc chắn con đường đó sẽ dẫn con đến nhà Cha trên trời. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 14,7-14
"Anh em hãy tin Thầy:
Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy;
bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” (Ga 14,11)
Chủ đề hôm nay: Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha.
1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi người, nhất là người tín hữu. Môisen xưa đã có lần khao khát được nhìn thấy dung nhan Chúa. Thánh Augustinô có lần đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải và còn khắc khoải mãi cho đến khi được nhìn thấy Chúa”.
Nhưng làm sao để được nhìn thấy Chúa thì Chúa Giêsu đã cho chúng ta một phương thế. “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy” (Ga 14,9). Muốn thấy Thiên Chúa, con người phải nhìn qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân sống động của Thiên Chúa Cha. “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30). Nhìn qua Chúa Giêsu ta có thể biết
Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẻ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
2. Nguyên tắc thì là như thế, nhưng trong thực tế có rất nhiều người hầu như chẳng bao giờ thấy được Chúa. Tại sao thế? Tại vì họ thiếu lòng khao khát.
Một môn đệ nọ đến trước mặt sư phụ mình và cung kính xin sư phụ của mình chỉ cho anh biết cách tìm thấy Chúa. Vốn là một học giả uyên thâm, ông thầy chỉ mỉm cười mà không nói gì cả. Một hôm, nhân lúc trời nóng bức, thầy trò liền rủ nhau ra sông tắm. Môn đệ nhảy xuống sông, vùng vẫy, bơi lội thoải mái giữa giòng nước trong. Ngắm nhìn đệ tử một lát, rồi sư phụ cũng nhảy xuống, bơi đến cạnh người môn đệ. Bất chợt ông nắm tóc anh dìm xuống dưới nước hồi lâu. Người môn đệ hốt hoảng, vùng vẫy cho đến lúc thầy mình buông ra, anh vội trồi đầu lên thở hít mạnh. Sư phụ hỏi:
- Lúc thầy dìm con dưới nước, con khao khát cái gì hơn hết?
Môn đệ ngạc nhiên, trả lời:
- Lúc đó, con chỉ khao khát khí trời mà thôi.
Sư phụ lại hỏi:
- Vậy thì con có khao khát Chúa như vậy không? Nếu con khao khát Chúa nồng nhiệt như thế, thì con sẽ tìm thấy Ngài. Bằng không, thì dù con có miệt mài suốt cuộc đời trên sách vở, thì cũng chẳng ích gì. Con không thể nào tìm thấy Chúa nếu con không khao khát Chúa như khao khát khí trời để sống. (MV).
3. Thứ đến là phải thay đổi lối nhìn của mình. Bằng cặp mắt thịt thì chúng ta chỉ nhìn thấy những gì là vật chất. Thiên Chúa là Thần Khí, là Tinh Thần cho nên muốn thấy
Người chúng ta phải dùng cặp mắt đức tin.
Trong tập truyện biến ngôn, Linh mục Guillemetre đã kể lại câu chuyện sau đây:
Có một người đàn bà đạo đức nọ, suốt đời chỉ nuôi một nỗi khát khao duy nhất, đó là được xem thấy dung nhan Chúa trước khi chết.
Một đêm nọ, trong giấc mơ của bà, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội trong đêm mai.
Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đã sửa soạn nhà cửa và chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón tiếp và đãi "Vị Thượng Khách".
Người đàn bà chờ đợi mãi mà vẫn không thấy Chúa đến. Đêm về khuya, buồn ngủ quá, bà đã thiếp đi trong sự chán nản. Bỗng có tiếng gọi. Bà tỉnh dậy và thấy Chúa bảo:
-Tại sao Cha đến mà con không tiếp đón Cha?
Người đàn bà đã giải thích là bà đã ngồi chờ đợi Chúa suốt buổi tối ở trước cổng nhà.
Rồi Chúa cho bà biết Chúa đã đến nhà bà bằng cổng sau. Rồi Ngài hẹn đêm sau đó Ngài sẽ đến.
Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đạo đức lại chuẩn bị một lần nữa với hy vọng chắc chắn lần này thế nào Chúa cũng cho được gặp Ngài. Chuẩn bị xong bà lại ngồi chờ Chúa, bà chờ mãi cho đến tối, cứ chạy ra cổng trước, rồi chạy vào cổng sau, nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi một vị khách nào cả.
Lần này cũng trong giấc mơ, Chúa lại hiện ra và trách bà. Ngài cho biết Ngài đã đến qua cửa sổ. Thế rồi lần này Ngài lại hẹn ở tại một giếng nước trong vùng.
Nghe đến đây, người đàn bà chợt nhận ra trò chơi "cút bắt" của Chúa và ngay lúc đó Ngài giải thích:
- Nếu con chỉ muốn thấy Cha ở một nơi nào đó mà thôi, thì con sẽ không bao giờ thấy Cha được ở mọi nơi. Cha cho con thấy Cha, không phải là một lần trước khi con chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc đời của con. Và điều kiện để con có thể thấy Cha, là con hãy từ bỏ khát vọng được xem thấy Cha bằng con mắt trần tục, vì con mắt ấy quá hữu hạn không thể nhìn thấy sự vô biên của Cha. Con chỉ có thể xem thấy Cha bằng con mắt của con tim mà thôi.
Vâng! Con người chỉ có thể thấy Thiên Chúa bằng chính đôi mắt của con tim và đôi mắt của con tim chính là đôi mắt đức tin, mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho con người mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho con được thấy Chúa luôn đồng hành với con trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)