Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần V Mùa Chay
THỨ HAI TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga 8,12-26
Đức Giêsu nói:
Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!
Thôi chị cứ về đi,
và từ nay đừng phạm tội nữa!”
(Ga 8,11)
1. Rõ ràng là có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người Pharisêu và của Chúa Giêsu. Nhóm Pharisêu thì muốn kết tội, còn Chúa Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm Pharisêu chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui khi quyền hành được dùng để kết tội. Ngài muốn quyền hành là để tha thứ.
Khi Chúa Giêsu nói với người đàn bà xấu nết: "Hãy đi, đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11) thì ít nhất Chúa đã muốn cho mọi người thấy: Chúa tin vào con người. Phương pháp của Chúa không phải là vạch trần những điều xấu xa và làm cho người có tội phải cúi sát đầu của mình xuống đất, chấp nhận mình là tội nhân khốn nạn, nhưng là ban cho tội nhân một cơ hội để họ tự khám phá ra một điều mà trước đó họ chưa hề nghĩ tới, đó là họ có một khả năng tiềm ẩn có thể giúp họ làm lại cuộc đời và trở thành những thánh nhân. Chúng ta còn nhớ thật rõ câu chuyện của Lêvi-Matthêô, của Maria Mađalena, của Augustinô v.v.
Victor Grignard vì được bố mẹ nuông chiều, không thích học, chỉ biết ham chơi. Lớn lên, Grignard trở thành một anh chàng tuấn tú, cuộc sống xa hoa, đi khắp nơi tán tỉnh các cô gái, trở thành kẻ chơi bời trác táng ai ai cũng biết.
Trong một buổi dạ hội, Grignard nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, đoan trang. Anh hí hửng đi tới trước mặt cô gái và mời cô khiêu vũ. Thật không ngờ, cô gái ấy lại trách mắng anh: "Tôi không bao giờ khiêu vũ với những kẻ chơi bời trác táng, vô công rồi nghề, hãy tránh xa tôi ra". Câu nói ấy chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào đầu. Anh cảm thấy vô cùng xấu hổ. Một người bạn thân đã bước lại, nói với Grignard: "Cô gái này chính là nữ bá tước đến từ Paris". Grignard xin lỗi nữ bá tước.
Thế là Grignard quyết định bỏ nhà ra đi, thay đổi môi trường sống.
Grignard đến Lyon, dùng thời gian hai năm để học lại những bài học mà mình bỏ lỡ, sau đó theo học trường đại học Lyon. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư, Grignard bắt đầu học tập và nghiên cứu.
Năm 1901, Grignard phát hiện thuốc thử Grignard. Năm 1912, ông được trao giải Nobel Hóa học. Về sau Grignard nhận được một bức thư. Bức thư chỉ có một câu: "Tôi mãi mãi yêu kính ngài". Người viết bức thư ấy chính là nữ bá tước năm xưa.
2. Rồi nếu đọc chuyện trên dưới góc cạnh tâm lý, chúng ta còn thấy thêm rằng, xét đoán người khác là một cám dỗ thường xuyên và kết án người khác nhiều khi cũng là một thứ khoái lạc. Bởi đó, có rất nhiều người thích xét đoán và kết án người khác.
Chúa Giêsu thì không như thế. Có lần Chúa đã dạy: "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán lại như vậy" (Mt 7,1-2). Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha". (Lc 6,37)
Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa nói với người đàn bà có tội "Tôi không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).
Vào thời Vua Henry VII của Anh, ở Luân Đôn nạn trộm cắp thật nhiều. Quan Chương ấn Thomas More nhận thấy vị thẩm phán già hay khiển trách những người đến khiếu nại vì bị móc túi ngoài đường, ông quan tòa già quả quyết rằng nếu mấy nạn nhân đó cẩn thận giữ túi tiền của mình thì làm sao mà mất được.
Nhân một cuộc họp các thẩm phán, Thomas More bí mật cho gọi một tên móc túi chuyên nghiệp đang ở tù và dặn rằng:
- Ta sẽ thưởng cho nhà ngươi, nếu ngươi móc được túi tiền của ông quan tòa già kia.
Tên móc túi xin phép được tới nói chuyện với vị quan tòa già và đưa tay khéo léo móc được túi tiền của ông ta rồi hiên ngang về chỗ ngồi .
Thomas More bấy giờ mới lên tiếng xin các vị thẩm phán làm phúc bố thí cho một người nghèo ở đó. Vị nào cũng rờ túi tiền của mình. Vị quan tòa già kia giật mình vì không thấy túi tiền mình đâu nên la lớn:
- Bớ ăn cắp! Có tên nào ăn cắp túi tiền của tôi rồi!
Thomas nói:
- Sao? Ông nói chúng tôi ở đây đã ăn cắp túi tiền của ông sao?
Ông quan tòa mặt đỏ bừng vì giận. Bấy giờ Thomas More mới gọi tên lưu manh kia và bảo trả lại túi tiền cho đương sự. Thomas nói với vị thẩm phán già:
- Tôi khuyên ông hãy bớt nghiêm khắc với những người đã bị móc túi ngoài đường phố, vì chính ông cũng đã để cho người ta cuỗm mất túi tiền ngay giữa đại hội như thế!
Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa có quyền xét đoán; xin Chúa hãy đoán xét con đời này, để tha xét đoán con trong ngày công phán. Amen.
THỨ BA TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga 8,21-30
"Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.
Các ông thuộc về thế gian này;
còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.”
(Ga 8,23)
1. Chúa Giêsu nói với những người Do Thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai” (Ga 8,28). Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
Vậy, khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng nếu biết nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ “được” cứu độ. Ngược lại, ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.
Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:
Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên Thập Giá, tôi dừng lại và đề nghị:
- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi Thập Giá
Nhưng người ấy trả lời:
- Hãy để cho tôi yên. Hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi. Hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập Giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.
Tôi liền hỏi người ấy:
- Ông muốn tôi làm gì cho ông?
Người ấy trả lời:
- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: "Có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá".
Vâng, có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá. Người đó chính là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
Trong thư thứ nhất gửi cho Giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô đã nói về Thập Giá rất hay: “Thật thế, lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng tôi là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1Cr 1,18)
Thánh Phêrô cho biết thêm: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương để anh em được chữa lành.” (1Pr 2,24)
2. Nhìn lên Thập Giá, ta có thể thấy rất nhiều điều:
Thấy tội lỗi của mình.
Thấy tình thương của Chúa.
Thấy giá trị của đau khổ.
Thấy ơn cứu độ.
Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ
Thánh Phanxicô Assisi đã nói rất hay về vấn đề này: “Không phải quỉ dữ đã đóng đinh Ngài trên Thập Giá; chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Ngài vào Thập Giá; và còn đang đóng đinh Ngài nữa, nếu bạn cứ thích thú ở mãi trong thói xấu và tội lỗi của bạn.” (T.Phanxicô Assisi, khuyến dụ 5,3).
Trong tuyển tập ngụ ngôn của hai anh em người Đức vào thế kỷ thứ 19, người ta đọc được câu chuyện có nội dung như sau:
Hai cha con nọ đã thỏa thuận ngầm với nhau là người con được tự do làm bất cứ điều gì nó muốn. Chỉ có điều là mỗi khi nó làm một hành động xấu thì nó phải đóng một cây đinh vào cánh cửa. Ngược lại, khi làm được một hành động tốt thì nó có quyền nhổ một cây đinh đi.
Chưa đầy một năm, cánh cửa không còn một chỗ nào trống để đóng đinh vào được nữa. Người con chợt nhận ra cuộc sống quá xuống dốc của mình. Nó mới hồi tâm và quyết định tu sửa. Không đầy một năm sau, mọi cây đinh đều lần lượt được gỡ ra khỏi cánh cửa. Ngày cây đinh cuối cùng được tháo gỡ khỏi cửa người cha sung sướng chạy đến ôm lấy đứa con của mình. Ông vui mừng đặt trên trán đứa con những nụ hôn hạnh phúc. Thế nhưng, thật là lạ lùng, không những đứa con không tỏ ra một cảm xúc vui sướng nào mà còn đẩy người cha ra và khóc òa lên. Người cha ngạc nhiên thốt lên:
- Tại sao con khóc? Tất cả mọi cây đinh đã được nhổ ra khỏi cánh cửa, con không cảm thấy hạnh phúc vì đã sống tốt đẹp hơn sao?
Đứa con thổn thức:
- Thưa cha đúng thế, nhưng cho dầu những cây đinh đã nhổ đi rồi, nhưng chúng vẫn còn để lại những cái lỗ trên đó.
Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng như thế. Chúng ta đã chạy đến tòa cáo giải. Chúng ta đã tin là Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta không thể vượt qua được những “Mặc cảm tội lỗi”. Chính những mặc cảm này nhiều khi dày vò chúng ta. Mỗi lần như thế chúng ta hãy nhớ lại tình thương của Chúa.
Lạy Chúa,
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.Xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.(Mẹ Têrêxa Calcutta)
THỨ TƯ TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga 8,31-42
"Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,
thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật,
và sự thật sẽ giải phóng các ông."
(Ga 8,31-32)
Lời Chúa hôm nay nói về vấn đề “giải thoát”:
Ba thiếu niên Sidrach, Misach và Abdênagô bị ném vào lò lửa, nhưng kêu xin Thiên Chúa và Người đã giải thoát các em.
Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phải làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do.
Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do là nghe Lời Chúa để biết Sự Thật, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32).
Tạp chí kinh tế Viễn Đông mới đây có ghi lại chuyện tự nộp mình rất đáng khâm phục của một tên cướp như sau: Một đêm nọ, vì quá mỏi mệt với cuộc sống chui lủi, tên cướp khét tiếng đã ra đầu thú. Trước thái độ hồ nghi của viên công an trực, tên cướp đã chỉ vào vết sẹo để khẳng định rằng, chính mình đã từng bị lực lượng an ninh tầm nã trong mấy tháng qua. Mặc dầu làm thế nhưng viên công an vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhất định không cho anh vào khám, còn kẻ cướp thì dứt khoát không chịu bỏ đi. Phải đợi đến sáng hôm sau, các viên chức công lực mới nhận diện được người mà họ đã truy nã trong mấy tháng qua. Tên cướp cho biết, anh đã kiệt sức vì cuộc chạy trốn. Hằng đêm anh không thể ngủ yên. Dù chỉ là tiếng chó sủa, hay ngay cả tiếng gà gáy cũng làm anh phải giật mình. Bước vào phòng giam, tên cướp nhìn vào viên công an trực của đêm hôm trước với vẻ đắc thắng.
Muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều như nhà văn Shakespeare nói: "Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại." Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan.
Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời “Con chẳng có tội gì”.
Hồi tôi học ở Đại Chủng Viện, cha giáo Phụng vụ của tôi có kể cho chúng tôi một câu chuyện có thật. Một người thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh ta nói:
- Con chẳng có tội gì.
Ngài hỏi có đi chơi gái hay không. Anh ta trả lời cách tỉnh bơ:
- Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.
Ngài nói:
- Anh có biết đó là tội lỗi điều răn thứ sáu hay không?
Anh ta cãi lại:
- Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà!
Hãy tập cho mình có thói quen biết nhìn nhận những yếu đuối bất toàn của mình và biết sống khiêm nhường. Chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể có được cuộc sống thanh thản và bình an, không bị thế gian, ma quỉ và xác thịt quậy phá.
Đời Chiến Quốc, có vua nước Sở là Chiêu Vương gặp loạn phải trốn ra nước ngoài. Lúc ấy có người hàng thịt dê tên Duyệt chạy theo.
Khi Chiêu Vương trở về lấy lại được lãnh thổ, nhà vua tưởng thưởng cho những người đi theo, trong đó có cả anh hàng thịt dê nữa.
Trong lúc ai cũng vui mừng nhận lãnh, thì anh chàng bán thịt dê lại từ chối. Anh khiêm nhường tâu với vua rằng:
- Khi đức vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay đức vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là đủ rồi, đâu dám mong thưởng gì hơn nữa.
Chiêu Vương cố ép, người bán hàng thịt dê lại cố từ.
- Đức vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Đức vua lấy lại được nước, không phải là do công của tôi, nên tôi không dám nhận phần thưởng.
Chiêu Vương bảo:
- Vậy thì để ta sẽ đến chơi nhà ngươi.
Người hàng thịt dê nói:
- Theo phép nước, người nào có công to thì mới được trọng thưởng, vua mới đến nhà. Nay tôi tự xét mình không đủ trí mưu giữ được nước, không đủ dũng cảm để làm cho giặc phải lui. Quân giặc vào nước, tôi phải lánh nạn chạy theo vua, như vậy đâu phải chủ ý theo vua. Nay vua bỏ phép nước đến nhà tôi, tôi e thiên hạ chê cười chăng?
Chiêu Vương nghe nói, ngoảnh lại bảo quan đại phu Tư Mã Tử Kỳ:
- Anh này tuy làm nghề ti tiện mà giải bày nghĩa lý rất cao. Nhà ngươi làm thế nào mời được anh ta ra nhận chức Tam Công cho ta.
Thấy vậy người bán hàng thịt dê nói:
- Tôi biết chức Tam Công là quý, quý hơn cửa hàng thịt dê, bổng lộc lại nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê, nhưng tôi đâu dám nhận để nhà vua mang tiếng gia ơn không phải nghĩa. Vậy xin cứ cho tôi được giữ nghề cũ. Nói xong, người bán hàng thịt dê lui ngay.
Lạy Chúa, xin cho con được biết con và biết Chúa, biết con chẳng là gì và biết Chúa là tất cả để con biết luôn sống khiêm nhường và tin tưởng nơi Chúa. Xin cho con biết tự hạ, để chỉ nghĩ đến Chúa mà thôi. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 5 CHAY
Ga 8, 51-59
Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông:
trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”
(Ga 8,58)
1. Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu về Ngài. Trong đoạn Tin Mừng này, Ngài nói hơi xa xôi: "Khi người Do Thái hỏi: Chẳng lẽ ông lại lớn hơn Cha chúng tôi là Abraham sao?" (Ga 8,53), Ngài đáp “Khi Abraham chưa sinh thì đã có Ta rồi.” (Ga 8,58) Ý Ngài muốn cho họ hiểu Ngài là Thiên Chúa. Nhưng chẳng những họ không hiểu mà họ còn định lấy đá ném Ngài.
Như vậy, chúng ta thấy lúc Chúa Giêsu muốn mặc khải rõ hơn về thân thế của Ngài, thì với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm của một con người xác thịt, người Do Thái vẫn không nhận ra Chúa: “Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông là người bị quỷ ám.” (Ga 8,52)
Nhiều người thời nay cũng vậy. Họ không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó có cả những thành kiến do những kẻ có đạo tạo nên.
2. Làm sao cho con người nhận ra được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, điều đó không phải dễ.
Ngày nọ, Đức Giám Mục John Selwyn thấy con trai của một người bản địa cư xử thô bạo với kẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những cậu ta không chịu nghe, mà còn vung tay tát vào mặt vị Giám mục một cái nảy lửa. Mọi người thấy vậy định phản ứng. Nhưng vị Giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng lại và lặng lẽ bỏ đi.
Nhiều năm trôi qua, một vị truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi ông muốn lấy tên thánh là gì. Ông đáp: “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dạy cho tôi biết Đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài”. (Góp nhặt).
Vâng, John Selwyn đã làm cho một người được biết Chúa không phải do lời ngài giảng, cũng không phải do tài năng của ngài nhưng là do chính cuộc sống của mình. Chính cách cư xử tử tế quảng đại, không oán giận, không trả thù đối với một kẻ đã đánh ngài đã làm cho kẻ đó phải suy nghĩ và rồi cuối cùng ông ta đã trở về với Chúa.
Và còn một yếu tố này nữa: Chúng ta không thể tự mình nhận biết được Thiên Chúa. Đức tin là một hồng ân nhưng không Ngài ban cho. Đôi khi nó có tính cách rất bất ngờ.
Thời Giáo Hội sơ khai, người Rôma thường đem các nghi thức của Giáo Hội ra làm trò đùa, và dĩ nhiên có những người chuyên làm trò cho thiên hạ cười.
Một bữa tối nọ, hoàng đế Dioclétiano đến một quảng trường để tham dự những trò đùa phạm thánh này. Lúc đó có một tên hề nổi tiếng tên là Ghênesiô. Anh đã cùng với các bạn của mình chuẩn bị một nghi lễ rửa tội để trình diễn cho hoàng đế xem. Khi bắt đầu, Ghênesiô hô lớn:
- Hỡi các bạn, xin hãy đến giúp tôi. Tôi muốn trở thành Kitô hữu.
Tức khắc, một tên hề khác mặc phẩm phục linh mục bước ra, và tên thứ ba đem nước đến. Bắt chước công thức quen thuộc của Giáo Hội, họ hỏi Ghênesiô:
- Hỡi Ghênesiô, ngươi muốn xin gì ở chúng tôi?
Ghênesiô bập bẹ nói:
- Thưa xin phép rửa.
Nhưng kìa, khi tên hề Ghênesiô chưa đọc dứt câu, thì bỗng như có sức mạnh vô hình nào đó uốn lưỡi anh, bắt anh phải đọc trọn cả một câu: "Thưa, tôi xin phép rửa để được lãnh nhận ơn của Đức Giêsu Kitô”.
Tên hề đóng vai linh mục không chút nghi ngờ, bèn đổ nước trên đầu của Ghênesiô và đọc công thức của bí tích Rửa tội.
Hoàng đế Dioclétiano và cử tọa vỗ tay hoan hô màn kịch. Thế nhưng, tiếng vỗ tay chưa dứt thì Ghênesiô đã đứng lên ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi trịnh trọng tuyên bố:
- Tâu hoàng đế và quí vị vừa xem tôi. Chúng ta đến đây để cười nhạo những người Kitô hữu bằng những nghi thức phạm thánh của chúng ta, nhưng xin quí vị biết cho rằng: nước vừa đổ trên đầu tôi, đã biến tôi thành một Kitô hữu thực sự. Giờ đây, tôi đã là một tín hữu Kitô, và tôi tin Đức Giêsu Kitô là "Con Thiên Chúa".
Khi Ghênesiô vừa dứt lời thì đám đông nhốn nháo lên. Tức giận, vị hoàng đế ra lệnh trói chân tay Ghênesiô lại cho đánh đòn và phân xẻo thân thể anh. Trong cơn đau đớn cùng cực, Ghênesiô không ngừng lập đi lập lại:
- Tôi là người Kitô hữu, tôi tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa độc nhất của chúng ta.
Để cho anh câm miệng, hoàng đế đã ra lệnh chém đầu anh.
Lạy Chúa,
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng !
Bấy giờ Chúa ở trong con,
vậy mà con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.Chúa đã gọi con, đã gọi thật to
và phá tan sự điếc lác,
và xua đi sự mù lòa của con.Giờ đây con hối hả quay về với Chúa.
Xin cho con luôn được ở gần Ngài. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga 10,31-42
"Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng:
Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." (Ga 10,38)
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu Ngài là ai. Thế nhưng, người Do Thái đã không những đã không chịu hiểu mà còn lấy đá định ném Ngài. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói trắng ra “Tôi là Con Thiên Chúa” (Ga 10,36). Lần này, họ kết tội là Ngài phạm thượng.
Nhìn thấy sự khó tin của người Do Thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà đức tin của chúng ta dễ dàng quá: ngay từ khi mới sinh ra chúng ta đã được biết Chúa và tin Chúa.
Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả một năm sau mới gia nhập đạo. Trong một buổi phục vụ, người da trắng hỏi:
- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế? Người thổ dân đáp:
- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử kia hứa cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình và tự nhủ: Áo mình còn đẹp, để mai hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm áo cũ kỹ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới ngay. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt)
Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho chúng ta và xin Ngài gìn giữ đức tin ấy khỏi bị lạc mất.
2. Chúng ta tin Chúa nhưng Chúa là gì đối với chúng ta? Trả lời được câu hỏi này không phải là dễ.
Trong tập thơ "Cát và sóng", một thi sĩ nọ đã viết một bài thơ về Chúa Giêsu với nội dung như sau:
Cứ mỗi trăm năm,
Chúa Giêsu của thành Nazareth lại gặp Chúa Giêsu của người Kitô hữu.
Hai bên đàm đạo với nhau thật lâu giờ.
Và cứ mỗi lần gặp gỡ như thế, Chúa Giêsu Nazareth lại từ giã Chúa Giêsu của người Kitô hữu bằng những lời thật buồn như thế này:
"Này bạn, tôi sợ rằng, chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý với nhau".
Chúa Giêsu, con người của lịch sử đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm tại Nazareth. Con người đã từng sống và chết như một con người ấy, lại cũng chính là Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: Làm sao Ngài có thể vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người được?
Xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội và của thế giới, đã không thiếu những người thắc mắc như thế.
Thế nhưng, đọc lại Tân Ước, chúng ta thấy Chúa đã quả quyết rất rõ: Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người. Tiếng La tinh đã có một kiểu diễn tả rất hay về việc này: Homo-Deus. (Người-Chúa)
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết rằng: Ngài cao trọng hơn Abraham, tổ phụ người Do Thái, lớn hơn Môisen, người lãnh đạo cuộc giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Ngài còn tự cho mình có quyền tha tội và là quan xét tối cao của người sống, kẻ chết. Ngài tuyên bố mình là Đấng sẽ sai Thánh Thần đến và ban sự sống vĩnh cửu. Ngài muốn người ta tin nhận Ngài như tin vào Thiên Chúa. Ngài đòi hỏi con người phải yêu mến Ngài đến hy sinh mạng sống mình. Ngài quả quyết Ngài và Thiên Chúa là một. Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Chúa Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần Tính của Ngài.
Là Thiên Chúa thật, nhưng Chúa Giêsu cũng là một con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên. Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi. Dù vậy, Ngài luôn luôn tỏ ra cương quyết và chín chắn, hoàn toàn làm chủ được lời nói và hành động của mình. Thêm vào đó, Ngài cũng để lộ một trí thông minh vượt bực, nhưng dĩ nhiên Ngài cũng phải học biết dần dần nhờ các cơ năng cảm giác và óc lý luận. Thu nhận được những hiểu biết trong đời sống thường ngày của người Do Thái, Chúa Giêsu đã biết lợi dụng những hiểu biết đó để diễn tả tư tưởng của Ngài cho dễ hiểu hơn.
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha F. Lelotte
Lạy Chúa, xin cho con một lòng trung tín mạnh hơn cả cái chết,
hơn những sự hăng hái chóng qua, ngắn ngủi,
hơn những việc làm hay một thành công sáng tỏ nào đó.Ước gì sức toàn năng của Chúa
thổi vào và làm cháy đỏ lên trong con
lòng nhiệt thành và làm bừng lên những ngọn lửa sáng,
giữa những sự tối tăm bên ngoài.Lạy Chúa, Vua của con, xin ban cho con ngọn lửa thánh,
một đức tin mạnh như vũ bão, một nguồn sống dồi dào,
để con có thể sống như một chứng nhân
cho sự hiện diện của Chúa giữa cuộc sống này. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga 11,45-56
"Thà một người chết thay cho dân còn hơn là
toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,50)
1. Bài Tin Mừng: các thượng tế và Pharisêu hạ quyết tâm giết Chúa. Thượng tế Caipha nói: “Thà một người chết thay cho dân” (Ga 11,50).
Vâng! Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho người khác qua đó rõ ràng là Chúa muốn cho chúng ta thấy một hành động lý tưởng mà sự khôn ngoan của chúng ta không nghĩ tới được.
Ngày kia giáo trưởng Alihamet dõng dạc tuyên bố với các đệ tử của ông:
- Ta thấy đã đến lúc chúng ta lại phải lên đường. Ta không biết những gì sẽ xảy ra. Các ngươi hãy tuân giữ những điều ta đã truyền dạy. Và các ngươi hãy nhớ kỹ điều này: Trong bất cứ cảnh huống nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: "Tôi chết thay cho thầy tôi!".
Đám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một lệnh truyền điên rồ như thế. Tất cả đều rút lui. Chỉ có một người dám chấp nhận và quyết tâm đi theo thầy.
Hai thầy trò lên đường và không biết sẽ đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Bạo chúa này đã ra lệnh cho binh lính: "Các ngươi phải bắt tên du thủ du thực đầu tiên nào mà các ngươi gặp và điệu tới cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này”.
Thế là, khi vừa đặt chân tới cổng thành, người đệ tử của vị giáo trưởng liền bị lính bắt và điệu tới trước mặt bạo chúa.
Lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu thì vị giáo trưởng mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn:
-Thưa ngài, xin hãy giết tôi. Vì chính tôi đã dụ dỗ người thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống cuộc đời lang thang như tôi.
Nói xong, ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của thầy mình, người đệ tử liền hô lên:
- Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi.
Nghe thế, bạo chúa lấy làm lạ, ông mới hỏi các viên cố vấn:
- Chúng là ai mà lại sẵn sàng chết thay cho nhau như thế?
Các cận vệ đều ngơ ngác nhìn nhau. Bấy giờ bạo chúa đòi điệu giáo trưởng đến và yêu cầu giải thích lý do.
Vị giáo trưởng bình thản trả lời:
- Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng, bất cứ ai bị giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Vì thế mà thầy trò chúng tôi đã hăm hở tới đây để được chết.
Nghe thế, bạo chúa mỉm cười và ra lệnh thả tự do cho hai người. Cũng lúc ấy, người đệ tử chợt hiểu rằng, ai dám hy sinh mạng sống vì người khác thì sẽ tìm lại được.
2. Và câu chuyện có thật sau đây còn kỳ diệu hơn.
Bác sĩ Duan Cortez viết một bức thư cho tờ báo y học Medimundo ở Nam Mỹ.
- Tôi không thể giải thích được hiện tượng này, tôi đã khám nghiệm và tuyên bố đứa bé đã chết, nhưng vài giờ sau em bé này đã sống lại và mẹ em đã chết, cứ như là bà ta đã hút căn bệnh ung thư ra khỏi xác chết của con gái qua cơ thể bà.
Bé Argelina sống ở thành phố Darila, Argelina, đã can đảm chấp nhận chịu đựng chứng bệnh ung thư bao tử hơn hai năm nay (trường hợp ung thư rất hiếm xảy ra cho người dưới 30 tuổi). Sau nhiều cuộc giải phẫu và nhiều cách điều trị với tất cả mọi cố gắng, Bác sĩ Cortez đã phải báo tin buồn cho bà Maria rằng: ông ta đã bó tay và bé Argelina đã chết!
Theo lời Bác sĩ Cortez, bà Maria đã hóa điên cuồng khi nghe tin. Bức thư viết tiếp:
"Bà không cho bất cứ ai đụng đến thi thể con gái, bà chỉ quỳ bên giường đứa bé đã chết và cầu nguyện. Chúng tôi nghe bà cầu nguyện xin Thượng Đế để cho bà chết thay cho con. Tôi nghĩ nên tránh đi một lát để mặc bà một mình với đứa bé đáng thương đó. Tôi bảo các y tá cùng ra khỏi căn phòng với tôi, khi trở lại tôi không tin vào mắt mình nữa: Argelina đang đứng cạnh giường, trông rất rực rỡ và khỏe mạnh. Bà mẹ đang gục đầu trên giường, hầu như không thể cử động! Bà thều thào nói với tôi:
- Thưa Bác sĩ, Thượng Đế đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi.
Bác sĩ Cortez nửa kinh ngạc, nửa hoài nghi. Ông cho khám nghiệm bé Argelina và thấy rằng, cô bé hoàn toàn khỏe mạnh, không dấu vết nào của bệnh ung thư còn sót lại trong cơ thể. Một loạt những xét nghiệm tiếp theo, ông thấy bà Maria sắp chết vì chứng bệnh ung thư bao tử mà nó đã giết chết con gái bà. Các thân nhân của bà Maria cũng kinh hoảng, họ đến bên giường để trấn an bà, hứa sẽ nuôi nấng dạy dỗ bé gái nên người. Bà Maria chết sau đó vài giờ.
Bác sĩ Cortez nói:
- Tôi không thể giải thích hiện tượng này trên phương diện y học. Thực sự đây là một phép mầu, vì rõ ràng là bé Argelina đã chết. Có lẽ, tôi chưa hiểu hết sức mạnh của tình mẫu tử hoặc một thế lực siêu-tự-nhiên nào đó!
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu lời thánh Phanxicô:
"Chính lúc chết đi là khi vui sống muốn đời". Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh