Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXIX Mùa Thường Niên
TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
Mc 16,15-20
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ
mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.
Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ;
còn ai không tin thì sẽ bị kết án."
(Mc 16,15-16)
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày Chúa Nhật Thế Giới cầu nguyện cho việc Truyền Giáo, một trong những ngày quan trọng trong chu kỳ phụng vụ trong năm, quan trọng vì mối tương quan giữa ngày lễ này với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với mọi Kitô hữu. Để nhận thức đúng mức tầm quan trọng của Ngày Quốc Tế Truyền Giáo, chúng ta phải đặt mình trong cái nhìn, trong tư tưởng và tâm tình của Chúa Kitô. Vì như lời Người đã nói với ông Simon Phêrô: "Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16.17)
Vì thế, dưới ánh sáng của Chúa Cha, chúng ta hãy suy niệm về sứ vụ truyền giáo.
I. LÝ DO PHẢI TRUYỀN GIÁO
Chúa Cha đã sai Tôi (Ga 12.49)
Chúa Giêsu vẫn tự xưng mình là người được Chúa Cha sai. Hàng chục lần, Người đã sử dụng danh xưng này. Người "được sai đi để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó" (Lc 4,43), "để cứu độ trần gian" (x. Ga 3,17), "để hoàn thành những việc Chúa Cha giao phó" (x. Ga 5.36). Người là tông đồ, là thừa sai, là nhà truyền giáo của Chúa Cha. Tông đồ có nghĩa là được sai đi ; và suốt đời, Người đã làm công việc này. Từ ngày nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, Người đã mang niềm vui đến thăm gia đình bà Elisabeth (x. Lc 1,44) cho đến mệnh lệnh cuối cùng của Người trước khi về trời (x. Mt 28,19), tất cả cuộc đời của Người đều hướng về việc truyền giáo. Theo các thánh sử, thì Người đã đi khắp miền Galilê (x. Mc 1,39), Jêrusalem, Samaria, Tyro và Sidon (Mt 15,21) và cả miền Thập Tỉnh (Mc 5,20). Người đã đi khắp các thành thị và làng mạc. Người đã rao giảng cho dân chúng ở miền duyên hải, trên núi đồi, trong các hội đường và cả những nơi hoang địa. Người đã nói: "Thầy ra đi cốt để rao giảng Tin Mừng" (Mc 1,39). Tông huấn loan Tin Mừng của Đức Phaolô VI đã viết: "Chính Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa là nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngài đã rao giảng đến cùng: nghĩa là đến mức hoàn hảo, đến hy sinh cả cuộc sống dương thế của Ngài" (số 6). Truyền giáo là sứ vụ hàng đầu của Chúa Giêsu, đấng được Chúa Cha sai.
Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20,21)
Được sai đi loan Tin Mừng, Chúa Giêsu đã sai lại các môn đệ. Người đã thiết lập một Giáo Hội tông truyền, tức là được xây dựng trên nền tảng những người được sai đi (tông đồ) để loan Tin Mừng (truyền giáo) cho mọi người. Mệnh lệnh truyền giáo của người đều được 4 thánh sử ghi lại
"Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy" (Mt 28,19).
"Hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15).
"Hãy rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội" (Lc 24,47).
"Như Cha đã sai Thầy đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (Ga 20,21).
Chúa Giêsu đã tuyển chọn và đào tạo các môn đệ, để họ "ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3,14).
Tông huấn loan Tin Mừng viết: "Rao giảng Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng" (số 14).
Công đồng Vaticanô II cũng đã dạy như vậy: "Tự bản tính, Giáo Hội luôn hành phải truyền giáo" (TG 2). Vì thế, chỉ có Giáo Hội truyền giáo mới là Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô.
Bởi vậy không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn.
* Mệnh lệnh truyền giáo cũng là di chúc của Chúa Giêsu trước khi về trời, là "hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mt 16,15). Mệnh lệnh này liên quan đến mọi tín hữu - vì như Công đồng Vaticanô II đã dạy: "Ơn gọi làm kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ" (TĐ số 20).
Nhưng làm rao đi được khắp tứ phương thiên hạ - hay đến tận cùng trái đất (Mt 28,19). Chúng ta không đi được, nhưng có người đi thay cho chúng ta. Là người Á châu, chúng ta không trực tiếp truyền giáo được cho Phi châu. Nhưng là chi thể trong một Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta vẫn có thể làm được: bằng lời cầu nguyện, sự hy sinh, đời sống chứng tá và sự dâng hiến cho việc truyền giáo những của lễ thiêng thiêng và vật chất.
II. PHẦN CHÚNG TA
1. Chúng ta sẽ truyền giáo trước tiên bằng cầu nguyện.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu nay là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.
2. Bằng những hy sinh đóng góp cho việc truyền giáo. Hằng năm các Đức Thánh Cha vẫn nhắc nhớ cho chúng ta điều đó. Ở VN chúng ta thì xem ra vấn đề đề này còn rất yếu. Các nước Tây Phương họ ý thức rất rõ về vấn đề này.
3. Ngoài những lời cầu nguyện ra ngày hôm nay người nói rất nhiều đến đời sống chứng tá.
+ Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng Chúa được lan rộng. Họ nói về sự tuyên truyền, về lài liệu và những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ XX này.
Một cô gái Phi Châu nói:
- Khi muốn truyền đạo cho một làng của chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo tốt đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu.
+ Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phải phủ Hoa Kỳ tập trung ở một nhà ga xe lửa tại Chicago để chào đón người được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1953 trở về.
Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông cao lớn, tóc quăn, có một chòm râu mép dài. Các máy ảnh chớp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố giang rộng tay đón chào vị thượng khách.
Người được giải Nobel hòa bình cám ơn mọi người rồi rồi đưa mắt nhìn về một một chỗ xa xa ở trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng đó. Mọi người tưởng ông để quên hành lý nào đó. Ông băng qua đám đông, trực chỉ đến một người đàn bà da đen lớn tuổi đang khệ nệ với hai va ly nặng trên tay. Ông đưa tay xách cả hai va ly, rồi đưa người đàn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe xong, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì đã bắt mọi người chờ đợi.
Người được giải thưởng hòa bình năm 1953 ấy không ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho người nghèo tại Phi Châu.
Chứng kiến cử chỉ của ông, một người thuộc ủy ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó nói với các ký giả: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy được một bài giảng biết đi"
+ Một thương gia giàu có xin nhập đạo. Khi được hỏi lý do, ông đáp:
- Nhờ gương một công nhân của tôi. Đôi lúc tôi nổi nóng, quát mắng, nhưng anh không hề tỏ ra giận ghét tôi, đù tôi biết anh rất đau khổ. Có khi tôi đối xử thô bạo với anh, anh không bao giờ thốt lên nửa lời. Thái độ của anh làm tôi, dù là cấp trên, đem lòng cảm phục. Sự thực, anh chẳng bao giờ nói với tôi về đạo, nhưng đời sống đạo của anh đã chinh phục tôi. Giờ tôi không còn nghi ngờ gì nữa và tôi hy vọng Chúa Giêsu Kitô sẽ ban cho tôi sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu xin biến chúng con thành những người đi loan báo Tin Mừng cho Chúa. Amen.
THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,13-21
"Anh em phải coi chừng,
phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam"
(Lc 12,15)
1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh giành gia tài.
Đức Cha Tiamer Toth trong cuốn sách viết cho giới trẻ có khuyên các bạn trẻ như thế này: "Thưa bạn, tôi muốn nói rằng, bạn phải có con mắt tinh tường để nhận xét giá trị đồng tiền. Đành rằng, không có tiền, ta không sống nổi, nhưng chỉ sống vì tiền thì thật là không xứng với con người một tí nào. Tiền bạc chỉ là phương tiện để tìm cho ta những thứ cần dùng cho đời sống của ta. Ngày xưa, con bò vàng được người Do Thái thờ lạy giữa đám sa mạc, ngày nay người ta cũng chỉ biết kính trọng những người có ô-tô bóng nhoáng, có những đồn điền phì nhiêu, những cửa hàng lộng lẫy, những bộ quần áo đỏm dáng. Hỡi bạn, tôi xin bạn hãy nhìn những con người theo phẩm giá của họ mà thôi! » Rồi ngài nói tiếp:
Ngày kia, một nhà tỷ phú trên giường chết đã phải tuyên bố:
- Trong 40 năm trời, tôi đã làm việc như người nô lệ để chất đống của cải lên; sau đó tôi lại phải coi giữ như một thám tử và tất cả những của cải đó đã cho tôi cái gì? Thức ăn, nhà ở và quần áo, chỉ có thế chứ không còn gì hơn nữa.
Thánh Bernard đã nói:
- Người ta kiếm tiền một cách vất vả, giữ nó một cách lo lắng, rồi người ta mất nó một cách đau đớn.
Tiền tài, danh vọng, xa hoa không đem lại hạnh phúc cho ta được. Cũng như một đại dương mênh mông không có giá trị bằng dòng suối nhỏ trước mắt người khát nước.
2. Vậy ta phải xài tiền như thế nào?
Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:
a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình; kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời.
Tại một Hội Thánh Tin Lành kia, đến Chúa Nhật, vị mục sư quyết định mở một cuộc lạc quyên để sửa lại mái nhà thờ, các rui mè đã mục nát, các viên ngói hay rớt xuống, sợ nguy hiểm cho các tín hữu.
Sau khi trình bày, ông chọn một người để "khai sổ". Để có người làm gương cho những người khác, mục sư liền mời một tín đồ vốn là một thương gia giàu có đang ngồi ẩn mình phía sau một cây cột. Ông này giàu nhưng nổi tiếng keo kiệt, ông đứng lên hứa:
- Tôi xin dâng 5 đô-la.
Vị mục sư thật buồn quá, ông nhà giàu này mà "Mở hàng" như thế thì chắc cuộc lạc quyên hôm nay sẽ chẳng được bao nhiêu. Thình lình, một viên ngói trên mái rơi xuống trúng ngay đầu ông tín đồ giàu mà keo kiệt. Tưởng bị Chúa phạt, ông vội la lớn:
- Không, tôi xin hứa dâng 500 đô-la.
Người ta nghe tiếng cầu nguyện tha thiết vang lên trong nhà thờ:
- Rớt nữa đi Chúa, rớt nữa đi Chúa!
b/ Dùng tiền để "làm giàu trước mặt Chúa": kết quả là đời này được bình an và đời sau có sự sống đời đời được bảo đảm.
Đời nhà Châu có người họ Doãn, chỉ chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà vất vả, thức khuya, dậy sớm, khó nhọc vô cùng.
Có một tên đầy tớ già, sức yếu, nhưng lại phải làm nhiều, ban ngày làm không kịp thở, ban đêm mệt đừ người, ngủ say không biết đầu đuôi. Nhưng đêm nào cũng nằm mộng thấy mình làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, ở lầu son gác tía ăn toàn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, sung sướng không ai bằng! Sáng bừng mắt thì vẫn hoàn là tên tớ già, làm không kịp thở... Có người thấy lão vất vả quá, lời an ủi:
Lão nói:
- Đời người trăm năm có ngày có đêm. Ta ban ngày, chỉ là một tên tớ già, kể ra cũng khổ thực! Nhưng ban đêm lại làm vua một nước, vui sướng không ai bằng! Vậy thì, còn ân hận gì nữa?
Họ Doãn trái lại ban ngày là một tay giàu có, nhưng lại lo lắng ruột tan, gan nát, mệt cả tâm thần; đến đêm mệt ngủ, thì lại nằm mộng thấy mình đi làm tôi tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại còn gặp chủ cay nghiệt, hành hạ đủ điều. Thức dậy, lòng thổn thức, bèn đem chuyện kể với bạn.
Bạn bảo:
- Được cái địa vị như anh, giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết bao, đêm đến là nằm mơ đi làm đầy tớ người ta. Như vậy thì sướng khổ đắp đổi nhau. Nếu lúc thức, lúc ngủ đều muốn được sướng cả, thì thế nào được!
Họ Doãn nghe bạn nói tỉnh ngộ. Từ hôm đó không còn hà khắc tôi tớ trong nhà nữa. Và nhờ vậy mà bớt lo, bớt nghĩ, lòng thấy nhẹ nhàng. Và bệnh mỗi ngày một bớt lần.
Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này:
"Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con xin chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa... Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài... Nhưng lạy Chúa Giêsu, con không muốn chết để chạy trốn đau khổ... Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho mãi đến muôn đời. Amen"
THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,35-38
"Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức,
thì thật là phúc cho họ." (Lc 12,37)
Dụ ngôn chúng ta vừa nghe nói về sự tỉnh thức:
1. Theo thánh Phêrô thì tỉnh thức: "đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em". (1 Pr 1,13-16).
Tại sao phải tỉnh thức? Thưa, vì "Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài.
La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn sau:
Một cụ già cuốc đất trồng cây. Chợt ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói:
- Cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây…Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa.
Ông cụ trả lời:
- Chắc gì lão chết trước, chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu. Trẻ với già có khác chi nhau về phương diện đó.
Thời gian qua, ba cậu vì công việc, đi lính, kinh doanh, hoặc vì ngộ nạn, đều chết cả.
Cụ già được tin buồn, khóc thương ba trẻ.
Chúng ta vẫn thường nghe nói: tre già, măng mọc, nhưng cũng nhiều khi tre già khóc măng non.
Lá vàng đeo đẳng trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời?
Trời hay, Trời biết hết chứ. Nhưng có điều Trời cho xảy ra như vậy để con người không ai biết giờ mình chết. Có như thế con người mới lo tỉnh thức.
Bởi thế, thái độ cơ bản của người Kitô hữu, là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng, mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
2. Tỉnh thức còn là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca: "Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ".
Chuyển kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: "Tận cùng chân trời của trái đất là nước, trời với đất gặp gỡ nhau".
Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được.
Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với niềm hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những đói khát, giá rét không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.
Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy có chỗ nói thêm rằng: "Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau thì sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ là cánh cửa sẽ mở ra và người sẽ gặp thấy Thiên Chúa".
Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng, thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.
Thật sự ta không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả. Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là ta có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không?
Chúng ta biết, tỉnh táo và luôn sẵn sàng là thái độ của người đầy tớ trung tín, và khôn ngoan. Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm các công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.
Giáo Hội như người mẹ hiền luôn nhắc nhở con cái là những người có lòng tin, phải sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước khi nào giờ nào. Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa Kitô sẽ trở lại, bởi vì nếu biết thời điểm đích xác chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tác hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.
Để được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng, đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.
THỨ TƯ TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,39-48
"Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng,
vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến." (Lc 12,40)
1. Đoạn Tin Mừng này gồm 2 dụ ngôn nhỏ:
* Dụ ngôn thứ nhất nói về một chủ nhà tỉnh thức (Lc 12,39-40): Dụ ngôn này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và tên trộm đến đều bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức.
Ý chính của dụ ngôn này là tỉnh thức.
* Dụ ngôn thứ hai nói về một người quản gia trung thành (Lc 12,41-48). Dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Theo Luca thì người lãnh đạo là một người được Chúa trao cho việc coi hay nói theo từ ngữ mà Luca thích dùng đó là người "quản lý" giáo đoàn (Lc 16,1.3.8). Vì được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ lãnh đạo cho nên người đó phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa quang lâm. Nếu trung thành sẽ được trọng thưởng. Trái lại, nếu nghĩ rằng, Chúa chậm quang lâm, rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến ngày Chúa quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chức vụ càng cao thì hình phạt càng nặng.
Ý chính của dụ ngôn này là phải trung thành trong nhiệm vụ được giao.
2. Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Một linh mục chính xứ kia, được Chúa Giêsu báo cho biết trước là Ngài sẽ đến thăm giáo xứ vào Chúa nhật tới. Nghe tin đó, mọi người trong giáo xứ đều háo hức tề tựu ở nhà thờ để chào đón Chúa. Khi Chúa đến, ai cũng muốn được nghe những lời giảng dạy của Ngài, thế nhưng Chúa chỉ gật đầu mỉm cười mà không nói một lời nào. Dĩ nhiên là sau đó linh mục chính xứ đã mời Ngài vào nghỉ tại nhà xứ, nhưng Chúa Giêsu cho biết là Ngài chỉ thích ở lại trong nhà thờ mà thôi.
Sáng hôm sau, mọi người cũng tới nhà thờ để tiếp tục chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã biến mất từ lúc nào không ai biết. Nhưng có một sự việc mà cả linh mục cũng như giáo dân đều kinh ngạc, đó là trong nhà thờ chỗ nào cũng thấy hai chữ "coi chừng" được viết ở khắp nơi. Từ cửa sổ, trần nhà, bàn ghế và ngay cả quyển Kinh Thánh và Nhà Tạm, nơi nào cũng thấy hiện lên hai chữ "coi chừng" được viết bằng đủ mọi màu sắc. Nhưng "coi chừng" điều gì thì không ai biết. Và vì là chữ viết của Chúa Giêsu cho nên không ai dám xoá.
Thế rồi mọi người không ai bảo ai, mỗi khi bước vào nhà thờ ai cũng cảm thấy mình bị đánh động bởi hai chữ "coi chừng", và họ cảm thấy mình phải sống ý tứ hơn. Và thật là một điều hết sức kỳ diệu. Từ đó, mỗi người thấy phải coi chừng đối với việc lắng nghe Lời Chúa. Họ không còn lắng nghe một cách hời hợt, nhưng nghe để rồi đem ra thực hành trong cuộc sống. Họ cũng coi chừng đối với việc lãnh các Bí tích. Họ không còn dám lãnh các bí tích như một thói quen, nhưng đã cố gắng lãnh các bí tích một cách ý thức hơn.
Cả linh mục chính xứ cũng thế. Ngài cũng đã phải coi lại cách sống của mình để biết sống khiêm tốn, dấn thân hơn trên con đường phục vụ dân Chúa. Nguời người ai cũng coi chừng, coi chừng cung cách cầu nguyện, coi chừng đối với cả cách họ vẫn nghĩ xưa nay về Thiên Chúa. Thiên Chúa mà họ phải tôn thờ không phải là Thiên Chúa chỉ ở trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải nhận biết Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc sống nữa. Cuối cùng, nhận thấy ý nghĩa và ích lợi quá lớn của hai chữ coi chừng mà Chúa Giêsu đã viết trong nhà thờ, người ta còn cho bắt thêm những ngọn đèn điện lớn được xếp thành hai chữ "COI CHỪNG" trên nóc giáo đường để mọi người thấy rõ hơn.
3. Câu chuyện chúng ta vừa nghe chỉ là một câu chuyện giả tưởng nhưng quả thực nó cũng có một ý nghĩa nào đó cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng phải biết coi chừng.
Trong bài giảng nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm được bầu vào chức vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, Đức Gioan Phaolô II đã làm một cử chỉ chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội, đó là ngài đã khiêm tốn làm một cuộc tra vấn lương tâm trước mặt mọi người. Ngài nói như sau:
- Sau hai mươi năm phục vụ trên quan tòa Phêrô, hôm nay tôi không thể không tự đặt ra cho mình một số câu hỏi:
a. Ngươi có làm tròn sứ vụ được giao phó không?
b. Ngươi có chuyên cần và tỉnh thức trong chức vụ thầy dạy đức tin của Giáo Hội không?
c. Ngươi có cố gắng đưa con người ngày nay đến gần công cuộc vĩ đại của Công đồng Vaticanô II không?
d. Ngươi có quan tâm đến những chờ đợi của các tín hữu trong Giáo Hội, cũng như nỗi khát khao chân lý trong thế giới bên ngoài Giáo Hội không?
Ước gì mối quan hệ và trách nhiệm đối với tha nhân luôn là điểm xét mình hàng ngày của chúng ta. "Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn".(Ep 4,26) Amen.
THỨ NĂM TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,49-53
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!"
(Lc 12,49)
1. Đoạn này có hai ý:
Bằng hai hình ảnh "lửa" và "phép rửa", Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50):
- "Lửa" ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.
- "Phép rửa" ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới: việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.
Bằng hai hình ảnh "hòa bình" và "chia rẽ", Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53). Nhiều người nghĩ rằng, Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng, đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ "Hoà bình" có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng, Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Như vậy, hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng "chia rẽ":
Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh chân Lý Á Châu, đã có lần cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.
Thế nhưng ngày kia, niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công giáo của người con trai duy nhất của ông.
Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.
Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công giáo và cũng xin đi tu.
Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công giáo, đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.
Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị chỉ biết cầu nguyện, để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhậm lời. Vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.
2. "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!" (Lc 12,49).
Vâng, lửa phải cháy bùng lên.
Một bữa tối tại sân vận động trường Los Angeles – Mỹ, một diễn giả nổi tiếng – ông Keller- được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:
- Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn sáng trong sân vận động này.
Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông Keller nói tiếp:
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to: "Đã thấy!".
Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: "Đã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông Keller giải thích:
- Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên:
- Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên! Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông Keller kết luận:
- Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hoà bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Cách tốt nhất để xây dựng hoà bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và cái ác. (Theo The Love and Life)
THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,54-59
"Những kẻ đạo đức giả kia,
cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét,
còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?"
(Lc 12,56)
1. Những lời chúng ta vừa nghe là những Lời Chúa Giêsu nói cho những người Do Thái thời của Ngài. Ngài muốn khuyên họ hãy sáng suốt để nhận ra những dấu chỉ thời đại.
Ca dao Việt Nam có rất nhiều những câu tiên đoán về thời tiết, chẳng hạn như:
Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi.
Hay:
Ráng vàng thì nắng
Ráng trắng thì gió
Ráng đỏ thì mưa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nêu lên khả năng tiên đoán thời tiết rất chính xác của người Do Thái, nhưng Ngài lại chê họ vì họ không biết sử dụng những khả năng ấy vào một lãnh vực cao hơn. Ngài nói: "Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?" (Lc 12,56).
2. Vâng! Hãy cố mà hiểu những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta. C.S. Lewis: "Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài la lớn trong những cơn đau đớn của chúng ta".
Công Đồng Vaticanô II nói: "Dân Thiên Chúa, nhờ Đức tin mà tin rằng, mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao trùm vũ trụ hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện và ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và mọi ước mong mà họ dự phần với những người đương thời" (G.S. 11).
Hãy cố mà "nhận biết" thời đại ta đang sống! Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và đang đưa dẫn lịch sử đến chỗ vẹn toàn của nó. Hôm nay, Người vẫn đang hoạt động!
Vậy thì thay vì than phiền trong sự tiếc nuối Giáo Hội hôm qua, thay vì mất giờ mơ mộng về Giáo Hội ngày mai, tốt hơn, theo lời mời gọi của Đức Giêsu, ta cần nhận biết thời đại ta đang sống.
Thời đại mà tôi đang sống là thời gian duy nhất, thực sự có tính quyết định đối với tôi.
3. Chúa bảo phải "Tự mình xét xem"... không ai, không một ai khác ngoài tôi có thể thay thế tôi trước sự lựa chọn cơ bản này.
Tác giả nổi tiếng về giáo dục nhân cách là ông Norman Vincent Pearle, người Mỹ, có kể lại kinh nghiệm sau:
Một hôm, có một người đàn ông tìm đến với ông, vẻ mặt thiểu não, chán chường; người đàn ông cho biết ông ta không còn muốn sống nữa. Tác giả Norman Vincent Pearle mới đề nghị với kẻ chán đời một liều thuốc:
- Sáng mai, khi thức giấc, ông hãy tự nhủ đây là ngày cuối cùng, trong đời ông, ông hãy vươn vai và tự nhủ: đây là lần cuối cùng ta bước ra khỏi chăn êm nệm ấm; ông hãy đi chuẩn bị thức ăn sáng và nhớ rằng, đây là bữa điểm tâm cuối cùng. Ông hãy xin vợ ông chuẩn bị cho ông những món mà ông thích nhất; đừng đọc báo, như ông vẫn có thói quen khi ăn điểm tâm, nhưng ông hãy nói chuyện với vợ ông cứ như đó là lần cuối cùng trong đời; trên đường đi đến ga xe lửa, ông hãy đi chậm rãi và nhìn kỹ đến ngôi nhà của ông cũng như thành phố, hãy nhìn đến những người hàng xóm của ông lần cuối cùng. Ngồi trên xe lửa, ông hãy nghĩ đây là chuyến đi cuối cùng của ông, hãy nhìn những gì ông không ưa thích, bởi không bao lâu nữa, ông sẽ chẳng còn thấy lại những thứ ấy.
Người đàn ông lắng nghe những lời khuyên của tác giả Norman Vincent Pearle, ông hứa sẽ làm theo lời khuyên của tác giả và sẽ kể lại kết quả. Thế nhưng, ông không chờ đến ngày mai, ngay tức khắc ngồi trên chuyến xe lửa trở về nhà, thay vì đọc báo như thường lệ, ông ta nhìn qua cửa sổ, ánh sáng ban đêm của đô thị và cảnh vật ban đêm chung quanh tự nhiên thu hút ông, ông ta cảm thấy chuyến đi vô cùng lý thú. Ra khỏi xe lửa, ông đi chậm rãi để ngắm trăng và bầu trời trong sáng. Về đến nhà, thay vì dùng chìa khóa để mở cửa ra, người vợ đã từng sống với ông bao nhiêu năm qua xuất hiện trong một ánh sáng kỳ diệu và với một nụ cười khó tả; và kẻ đã từng chán đời kết luận: từ lúc đó, tôi quyết định phải sống và sống cho tới ngày Chúa còn cho tôi được sống.
Mỗi ngày, mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho một thời lượng như nhau. Từ Đức Giáo Hoàng cho đến một người ăn mày, mỗi người cũng chỉ được Chúa ban cho 24 tiếng đồng hồ, không ai được hơn một giây, không ai kém ai một tích tắc. Muốn được hạnh phúc mỗi người phải biết tận dụng những giây phút Chúa thương ban.
Người Roma hồi xưa có một câu nói rất hay để diễn ý này. Đúng ra là hai tiếng "Carpe diem" phải hiểu là "Vui ngày hôm nay đi". Phải nắm lấy ngày hôm nay và tận hưởng cái thú của nó đi.
Thi hào Horace 30 năm trước Thiên Chúa giáng sinh đã viết:
"Ai kia sung sướng suốt đời.
Vững lòng nói được "Của tôi ngày này"
Ngày mai, mặc kệ: mai ngày,
Vì tôi đã sống hôm nay, đủ rồi". Amen.
THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lc 13,1-9
"Tôi nói cho các ông biết: nếu các ông không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13,5)
1. Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối:
Sám hối là một chủ đề rất quan trọng trong Kinh Thánh. Khi đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy từ đầu tổ tông loài người đã phạm tội. Suốt thời gian Cựu Ước, các tiên tri thường xuyên mời gọi ăn năn sám hối. Lịch sử cứu độ là một bi kịch giữa sự phản bội của dân và sự tha thứ liên tục của Thiên Chúa. Đọc Tân Ước, chúng ta thấy thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đã rao giảng, mời gọi mọi người sám hối. Chúa sai các môn đệ đi rao giảng sự ăn năn, kêu gọi mọi người sám hối. Vì thế, ta thấy được việc sám hối là quan trọng biết chừng nào, bởi lẽ Chúa và Giáo Hội hằng quan tâm đến như vậy.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người ăn năn thống hối tội lỗi mình. Nhưng tại sao lại phải ăn năn thống hối? Có nhiều người bỏ xưng tội lâu năm; khi có ai đó khuyên họ đi xưng tội, họ thường trả lời rằng: tôi chẳng có tội gì cả: không trộm cướp, không giết người, không tà dâm..., có tội gì đâu mà phải xưng tội? Họ đâu có nghĩ rằng, sống bất hòa bất thuận trong gia đình là có tội, sống ích kỷ là có tội, không chia sẻ giúp đỡ là có tội, sống không có ích như cây vả không trái là có tội…
Người Do Thái xưa thường quan niệm rằng, mọi tai họa là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ.
Chúa Giêsu đã không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Philatô hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để "duyệt xét lại đời sống" của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con của Chúa.
2. Gương thống hối.
Khi thánh Phanxicô Assisi cư ngụ tại Rivo-Torto, thì có một con chó sói to lớn hung dữ xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc sợ hãi cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai cũng phải trang bị khí giới để sẵn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà.
Ngày nọ, thánh Phanxicô quyết định đến chạm trán với con chó sói. Ngài làm dấu Thánh Giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến đến trước mặt con thú. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân vẫn không lùi bước, ngài lại gần, làm dấu Thánh Giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó:
- Này anh sói, lại đây, nhân danh Chúa Kitô, tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.
Như một phép lạ, con sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và đến quấn quít bên chân thánh nhân. Thánh nhân tiếp tục bài thuyết giảng:
"Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho vùng này, anh đã giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép của Ngài, không những anh đã sát hại súc vật, mà còn giết cả con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người. Ai cũng ca thán rên la về anh, nhưng tôi, tôi muốn giảng hòa giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa".
Thánh nhân vừa nói xong những lời đó, con chó sói vặn mình vẫy đuôi ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của ngài. Thánh nhân nói tiếp:
- Này anh sói, hẳn anh thích làm hòa với mọi người, tôi hứa rằng, bao lâu anh còn sống, anh sẽ không còn phải đói khát nữa. Anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không?
Con vật cúi đầu như đoan hứa. Thánh nhân đặt tay lên nó và long trọng cam kết điều ngài vừa hứa với nó.
Truyện kể tiếp rằng, con chó sói đã sống hai năm tại Rivo-Torto, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không còn hãm hại ai và cũng chẳng ai làm hại nó.
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Và đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh