Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXVIII Mùa Thường Niên
TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Mc 10,17-30
"Vì đối với Thiên Chúa
mọi sự đều có thể được."
(Mc 10,27)
Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe là một trong những bài gây nhiều ấn tượng nhất trong Tân Ước. Vì thời giờ có hạn cho nên tôi chỉ xin được gợi lên một vài hình ảnh để chúng ta cùng suy nghĩ. Với bài Phúc Âm hôm nay thánh Marcô ghi lại cho chúng ta 3 cái nhìn của Chúa Giêsu. Ba cái nhìn nói lên ba thái độ của Ngài.
1. Cái Nhìn Thứ Nhất Là Cái Nhìn Đầy Yêu Thương.
Chúa dành cái nhìn này cho người người thanh niên đến với Chúa. Nhưng anh ta là một con người như thế nào?- Là một con người có địa vị - có thế lực - và nhất là anh ta có nhiều của cải tiền bạc.
Một con người như thế đối với nhiều người thì có lẽ đã là quá đủ. Nhưng đối với người thanh niên này thì chưa đủ. Anh ta còn muốn một cái gì hơn thế nữa. Chính vì thế mà anh ta mới tìm đến với Chúa.
Đến với Chúa anh ta tỏ ra một thái độ rất khiêm nhường. Phúc Âm ghi rõ: anh "quì" xuống trước mặt Chúa. Cách anh xưng hô cũng nói lên điều đó: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời"
Chúa nhẹ nhàng kéo anh về với quá khứ, một quá khứ có lẽ chính Chúa cũng đã thấy là tốt đẹp rồi. Chúng ta thấy ở đây Chúa không đả động gì đến bổn phận của con người đối với Chúa. Chúa chỉ đề cập đến những gì mà giới răn Chúa đòi buộc trong mối tương quan giữa những con người với nhau.
Phải nhận rằng trong mối tương quan giữa người với người thì người thanh niên này đã sống thật tốt: "Lạy Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở bé"
Phúc Âm ghi: Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng yêu thương.
Vâng! Chúa chăm chú nhìn người ấy và đem lòng yêu thương. Một thái độ hết sức tốt đẹp.
2. Cái Nhìn Thứ Hai Là Cái Nhìn Cảnh Giác.
Sau khi người thanh niên giàu có bỏ đi, Chúa Giêsu nhìn chung quanh (circumspiciens = look around) và nói với các môn đệ: "Người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao" và để tăng thêm sức mạnh cho ý nghĩa những lời vừa nói, Chúa nói thêm: "Thầy bảo thật các con, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên đàng" .
Chúng ta không có mặt lúc Chúa nói những lời như thế này. Chúng ta không thấy hết được sự ngỡ ngàng đến phát sợ của các môn đệ. Đây là những lời cảnh cáo hết sức nghiêm trọng Chúa đưa ra để dạy dỗ những môn đệ của Người. Câu truyện vừa mới xảy ra là một bằng chứng rất cụ thể về sự nguy hiểm của cuộc sống khi mà người ta đặt tiền bạc lên trên tất cả… cả sự sống đời đời.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời Chúa kêu gọi người thanh niên: "Anh chỉ còn thiếu có một điều. Hãy về bán tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo khó… anh sẽ có một kho báu ở trên trời… rồi đến mà theo ta."
Anh đã không chấp nhận điều kiện cho nên anh đã không đạt tới mục đích. Cơ hội để trở thành môn đệ của Chúa đã ở ngay tầm tay nhưng anh đã để cho nó vuột mất. Lý do rất rõ rệt là bởi vì anh có nhiều của cải quá.
Của cải đáng lý ra phải là một trợ lực để giúp con người thăng tiến thì ngược lại nó lại trở thành một trở lực cản bước tiến của con người. Đó là mối nguy hiểm mà Chúa muốn cảnh giác các môn đệ của Ngài. Người ta dễ biến tiền bạc thành mục đích hơn là biết dùng nó như một phương tiện. Hoàn cảnh ngày xưa đã là như thế… ngày nay sự thế lại càng đúng hơn.
3. Cuối Cùng Là Cái Nhìn Có Tính Cách Quyết Đáp.
Sau khi Chúa mạnh mẽ cảnh giác về mối nguy cơ do tiền bạc đem lại và cũng như những khó khăn trên con đường vào nước trời thì các môn đệ xem như không còn kiên nhẫn thêm được nữa. Họ đã phản ứng và phản ứng của họ thật rõ rệt: "Như vậy thì ai sẽ được cứu độ". Phúc Âm ghi tiếp: Chúa Giêsu nhìn thẳng, một cái nhìn hướng thẳng vào những đối tượng được chọn lựa (look at) Chúa nhìn thẳng vào các môn đệ, một cái nhìn trực diện vào những đối tượng Chúa muốn dạy cho một bài học nhưng đây cũng là một cái nhìn hoàn toàn thông cảm trước lòng tin tưởng còn yếu kém của các ông và rồi Chúa nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa". Qua lời những lời đó chẳng cần nói chúng ta cũng thừa biết Chúa muốn nói đến điều gì rồi: vấn đề ơn thánh… ơn của Chúa.
Lời quả quyết của Chúa hẳn phải làm cho các môn đệ và cả chúng ta phải suy nghĩ. Làm gì có truyện con lạc đà to lớn cồng kềnh lại có thể chui qua lỗ kim. Vậy thì việc một con người vào nước Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Tự sức của con người thì họ chẳng có thể làm được việc gì… nhất nữa việc đó lại là việc có liên quan đến vận mạng đời đời của con người. Như vậy vấn đề còn lại là ơn của Chúa và việc con người có biết hợp tác với ơn Chúa hay không .
Người thanh niên giàu có đến với Chúa để xin Ngài chỉ cho anh một con đường để anh có thể có được sự sống đời đời. Chúa đã mở ra cho anh ta một con đường thế nhưng anh đã từ chối. Anh đã làm mất đi một cơ hội để anh có thể trở thành những con người được lưu danh muôn thuở.
Ngược lại với người thanh niên này là thái độ quảng đại của các tông đồ. Sau khi người thanh niên bỏ đi Phêrô đại diện cho anh em thưa với Chúa: "Lạy Thầy chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”
Thực ra cái mà Phêrô gọi là "mọi sự" đối với Chúa cũng chẳng là bao thế nhưng ở đây chúng ta thấy Chúa đã tỏ ra thật quảng đại. Charles Erdman khi chú giải về đoạn Phúc Âm này đã đưa ra một lời nhận định rất hay như sau: "Chính sự thỏa mãn tràn ứ trong tâm hồn của những người theo Chúa đã là phần thưởng gấp trăm gấp ngàn lần những cái mà họ từ bỏ" và sau đó Chúa còn hứa một phần thưởng rất to lớn hơn gấp bội lần những phần thưởng ở đời này đó là sự sống đời đời… điều mà mọi người ở mọi thời đều mong ước.
Để kết thúc tôi xin được kể một câu truyện vui. Một Linh mục nọ qua đời và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để được Ngài thẩm vấn:
- Ở dưới thế cha làm được điều gì nào?
- Dạ thưa Thánh cả, con xây được một ngôi thánh đường rộng lớn.
Thánh nhân lấy bút cho một điểm rồi Ngài hỏi tiếp:
- Cha còn làm được gì nữa?
- Dạ con còn xây được một ngôi trường cho 1.000 học sinh.
Thánh Phêrô cho thêm được một điểm nữa.
- Và còn gì nữa?
Linh mục bắt đầu suy nghĩ rồi trả lời:
- Dạ con làm rất nhiều công tác xã hội và từ thiện.
Ngài nhìn rồi cho thêm một điểm.
- Còn gì nữa? Ngài hỏi tiếp.
- Dạ thưa Thánh cả… bao nhiêu điểm thì được vào Thiên đàng?
Thánh nhân vui vẻ trả lời: 1000 điểm.
Nghe nói thế linh mục cảm thấy chột dạ… tự nghĩ trong lòng: Không biết làm sao cho đủ được 1000 điểm bây giờ… Rồi linh mục bắt đầu cảm thấy lo lắng không còn tự tin như trước nữa. Đang lúc đó thì Thánh Phêrô lại muốn được biết kết quả ngay nên Ngài hối:
- Cha còn làm được điều gì nữa… cứ kể hết đi!
Với một giọng đầy lòng khiêm tốn cộng một chút lo sợ, linh mục thưa:
- Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con còn làm thêm được ít việc nho nhỏ nữa.
Vừa nghe xong thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: 1000 điểm. Rồi Ngài vui vẻ nói với linh mục:
- Thế là cha đã được 1003 điểm. Cha dư điểm vào Thiên đàng rồi đấy… mời cha vào.
Vâng tất cả là nhờ ơn của Chúa.
THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,29-32
"Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào,
ngoài dấu lạ ông Giôna."
(Lc 11,29)
1. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói về dấu chỉ.
Công Đồng Vaticanô II cũng nhắc lại và nói nhiều đến vai trò các dấu chỉ trong đời sống hằng ngày.
Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ, bỗng thấy phía trước có đèn đỏ, người đó dừng lại. Đèn đỏ là một dấu chỉ.
Một người bước vào một ngôi nhà thấy hình một điếu thuốc lá bị cắt ngang bởi một gạch chéo. Hình đó là một dấu chỉ. Dấu chỉ đó ngầm nói: Không được hút thuốc ở chỗ này. Những dấu chỉ chúng ta vừa nói là những dấu chỉ "nhân tạo". Ngoài những dấu chỉ nhân tạo ra, chúng ta còn thấy những dấu chỉ "của thiên nhiên" nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu chỉ báo cho ta biết là trời sắp mưa.
Xét như thế thì còn rất nhiều những dấu chỉ khác. Thí dụ như những trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v.
2. Vấn đề là làm sao để chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được ý nghĩa của những dấu chỉ Chúa nói với chúng ta hằng ngày như thế? Thưa, phải có cặp mắt đức tin và nhất là phải có lòng yêu mến.
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề: "Ánh sáng đô thị". Cuốn phim thuật lại một câu chuyện tình giữa một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỉ phú trong rừng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô gái bán hoa tưởng là người tỉ phú. Thế là một giấc mộng đã sớm chớm nở nối kết hai linh hồn. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa cho nàng.
Nhưng sau đó, chẳng may vì một sự ngộ nhận, chàng bị cảnh sát bắt giam. Sau một thời gian bị cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù bán hoa, nhưng không thấy. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái mù đó đã được chữa lành và hiện đang đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng cúi xuống nhặt. Người con gái thấy vậy thì cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười rất quen nên chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát:
- Cô đã thấy được rồi sao?
Người con gái nhận ra tiếng nói rất quen thuộc của chàng. Nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc:
- Anh đấy sao?
Thế là cả hai bên đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Một giọng nói quen thuộc của một người trước kia mới chỉ nghe thấy giọng nói chứ chưa một lần được nhìn thấy bằng mắt, vậy mà qua giọng nói họ đã nhận ra nhau.
Trong Tân Ước, chúng ta có rất nhiều bằng chứng về vấn đề này. Maria Mađalêna khi gặp thấy Chúa lúc Người sống lại, lúc đầu cứ tưởng là người giữ vườn, thế nhưng chỉ sau một lần Chúa gọi là Maria đã nhận ra Chúa ngay. Gioan cũng như thế: Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự Phục Sinh, vì ông nhớ lại lời Thánh Kinh: "Ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy" và phép lạ "Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm" (Gn 2,1).
Trên bãi biển Galilê, khi các tông đồ khác chưa ai nhận ra Chúa thì Gioan đã nhận ra. Ông nhận ra nhờ mẻ cá lạ mà người khách lạ đang đứng ở trên bãi biển truyền lệnh cho các ông. Tại sao thế? Tại vì ông tin và yêu mạnh hơn những tông đồ khác. Như vậy chúng ta thấy, chính Thánh Kinh đã soi sáng và hướng dẫn cho con người nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:
- Bằng dấu chỉ nào mà các người khác nhận ra các con là người Công giáo?
Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại nhiều lần câu hỏi và lần cuối cùng ngài kín đáo vẽ một dấu Thánh Giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời. Bất chợt một ứng viên trả lời:
- Đó là "Tình yêu".
Vị Giám mục rất ngạc nhiên! Khi định mở miệng nói "Sai", nhưng rất may ngài kịp thời ngậm miệng lại.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra ý của Chúa qua những dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày và nhất là xin cho mỗi người chúng ta biết trở thành những dấu chỉ để qua đó mọi người có thể nhận ra được Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người.
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,37-41
"Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoai
lại đã không làm ra cái bên trong sao?"
(Lc 11,40)
1. Một người Pharisêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Đây là một người Pharisêu có cảm tình với Chúa và thường nghe Chúa giảng dạy. Chúa không rửa tay trước khi ăn. Người Pharisêu tỏ vẻ ngạc nhiên. Là người Do Thái, Chúa Giêsu thừa biết luật lệ buộc phải rửa tay trước khi ăn, nhưng tại sao hôm nay Chúa lại không làm như thế? Có người nghĩ rằng, Chúa cố ý tạo ra một cơ hội để dạy cho gia đình người Pharisêu này cũng như những người đồng bàn hôm nay một bài học về lối sống giả hình mà họ ưa chuộng. Chúa nặng lời chê trách họ bởi vì họ chỉ biết sống cái mã, cái giả dối bên ngoài, còn bên trong thì họ chẳng để ý tới.
Truyện kể lại rằng, có một linh mục kia hay trò chuyện với một người đàn bà đẹp, và trò chuyện cả ở những nơi công cộng nữa. Nhà dòng đều lấy làm vấp phạm về điều này.
Cuối cùng, Giám mục gọi ngài lên trách mắng và yêu cầu giải thích sự việc. Vị linh mục nói:
- Thưa Đức Cha, con luôn quan niệm rằng, thà nói chuyện với một người đàn bà đẹp với những ý tưởng hướng về Thiên Chúa, còn hơn là cầu nguyện với Chúa mà có những tư tưởng hướng về người đàn bà đẹp.
Thánh Phêrô đã viết cho các tín hữu của mình như thế này: "Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói dèm pha. Như trẻ thơ, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ." (1 Pr 2,1-2)
Truyện kể rằng: Ngày kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả.
Nhận được hai bó hoa, nhà vua bèn mở cửa sổ cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.
Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.
Những kẻ giả hình cũng như thế: nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chỉ nói suông mà không có thực hành. Họ dung túng cho mình nhưng lại nghiêm khắc với kẻ khác.
Người giả hình có nhiều tật xấu khác mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích. Chẳng hạn, tính khoe khoang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là "thầy".
Phần chúng ta thì sao kính thưa anh chị em?
Giả như có ai đó nói chúng ta giả hình, chắc là chúng ta sẽ buồn lắm, nhưng khi đối diện với chính mình, thành thực mà nói nhiều lúc chúng ta cũng thấy mình có ít nhiều giả dối. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tháo gỡ đi những thứ mặt nạ mà bấy lâu nay đã làm cho khuôn mặt chúng ta biến dạng, để chúng ta không còn sống đánh lừa Chúa, đánh lừa nhau và đánh lừa chính mình. Xin Chúa dạy cho chúng ta luôn biết sống chân thành trước mặt Chúa và mọi người.
2. Rồi khi chỉ trích những người Pharisêu quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra "Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục".
Vào một đêm trời lạnh năm 1980, thanh niên Paul Keating 27 tuổi đang đi bộ trong khu Greenwich Village, bỗng thấy có hai tên cướp có súng tấn công một sinh viên trẻ tuổi.
Paul Keating là một người hiền lành, thợ chụp ảnh cho tuần báo Time, có đủ lý do để tránh đi cho khỏi vạ lây. Anh ta không hề quen biết chàng sinh viên đó, lại cũng chẳng ai thấy việc gì xảy ra. Hơn nữa, anh ta chỉ có một thân một mình, can thiệp vào chẳng được lợi gì mà còn có thể bị hại. Nhưng Paul Keating vẫn xông vào đánh hai tên cướp. Nhờ đó nạn nhân thoát được và đến một cửa hiệu gần đó kêu cứu. Vài giây sau, hai tiếng nổ vang lên trong đêm tối, hai kẻ cướp chạy mất, bỏ lại Paul Keating nằm chết trên vũng máu.
Thành phố New York về sau đã truy tặng huy chương anh dũng cho Paul Keating. Thị trưởng Edward Koch trong buổi lễ nói:
- Đêm hôm ấy không ai thấy Paul Keating cả. Cũng không ai thúc đẩy anh ta phải xông pha vào lúc nguy biến. Anh ta đã can thiệp vì con người anh ta là như vậy, và chỉ có Thiên Chúa, Ngài biết rõ bên trong tâm hồn của anh ta.
Can đảm đúng là sự biểu lộ con người thật của chúng ta. Những hỗ trợ bên ngoài có thể tạm làm cho ta an tâm, nhưng chỉ có đức tính thật bên trong mới tạo ra sự quả cảm. Người tin vào Chúa phải chứng thực được lòng tin của mình bằng sự can đảm cao thượng.
THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,42-46
"Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương,
và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công binh
và lòng yêu mến Thiên Chúa." (Lc 11,40)
1. Chúa Giêsu nêu đích danh 3 điều lầm lạc của nhóm Pharisêu:
a/ Quan tâm đến việc nộp thuế thập phân, về những rau cỏ tầm thường vốn không có ghi trong những bộ luật xưa (Nkm 13,10-13) mà lại bỏ quên những nhân đức rất lớn như công bình và yêu thương.
b/ Thích danh vọng bề ngoài, bằng cách chọn ghế đầu trong hội đường. Việc những người Pharisêu được ngồi như thế chưa phải là đáng trách; điều đáng trách là họ "thích" và nhất là họ không xứng đáng mà lại thích như thế.
c/ Thích được chào ở nơi công cộng.
Và Ngài đúc kết: họ giống như những nấm mồ.
Cuộc sống mà chỉ căn cứ vào những vẻ bên ngoài như thế thì sớm muộn gì cũng xảy ra những điều không tốt không hay.
Ngày xưa ở Hoàng Châu, có người chuyên đi buôn cam. Anh ta có tài để dành cam lâu ngày mà không ung, không thối, để lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng trông vẫn tốt, vẫn đẹp như cam mới hái. Anh đem ra chợ bán. Thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy cũng ham!
Nhưng rồi có một người tên Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Lưu Cơ liền chạy ra chợ tìm gặp người bán cam và trách móc:
- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng của lễ, đãi tân khách hay là chỉ để làm choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm!
Người buôn cam mỉm cười:
- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua, chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Thật ông chẳng nghĩ cho đến nơi đến chốn. Hãy thử xem, người đeo hộ phù, da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có được như Ngô Khởi, Tôn Tần thuở xưa không? Người đội mũ cao, đóng đai vàng, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Cao Dao, Y Doãn không. Giặc nổi lên, không biết dẹp, dân khổ, không biết kêu vào đâu. Quan lại thì tham nhũng, không biết trừng trị. Pháp đô hỏng không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương chẳng biết xấu hổ... thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, hách dịch vô cùng!... Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong chẳng hôi xác xơ như bông nát là gì? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế mà lại đi xét quả cam tôi?
2. Chúa phê bình người Pharisêu như vậy mà họ vẫn không tự ái, vẫn im lặng không lên tiếng. Trong lúc đó, có một người thông luật không nhịn nổi nữa cho nên đã phản ứng lại:
- Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! (Lc 11,45)
Đang ngon trớn, với giọng phẫn nộ, Chúa Giêsu phê bình luôn cả những người thông luật: "Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật. Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn các người thì, dù một ngón tay cũng không động vào!" (Lc 11,46)
Bắt người khác làm mà mình không làm …đó cũng là cách sống giả hình, ích kỷ.
Thánh Giacôbê khẳng định: "Ðức tin không có việc làm là Ðức tin chết" (Gc 2,26).
Ðức Giêsu không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện trước. Người dạy các môn đệ tránh xa thứ men giả hình của Pharisêu, tránh thái độ "ngôn hành bất nhất", "nói mà không làm". Đã có lần Chúa tuyên bố: "Không phải mọi kẻ nói với Thầy; Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy" (Mt 7,21).
Buổi tối hôm đó trời thật lạnh.
Một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước cửa hàng. Đứa bé không có giày, còn quần áo chỉ là những miệng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt màu xanh u uất của nó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn em vào tiệm và mua cho em đôi giày và bộ quần áo ấm. Họ trở lại phố và thiếu phụ nói với cậu bé:
- Bây giờ cháu có thể về nhà và hưởng một ngày nghỉ vui vẻ nhé!
Đứa bé ngước nhìn thiếu phụ và hỏi:
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé và trả lời:
- Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi!
Lúc đó cậu bé nói:
- Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Ngài mà!
Một lần kia, có một nhà quí tộc triệu phú khi quan sát những nữ tử thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa chăm sóc và rửa những vết thương cho các bệnh nhân tại một trại phong cùi, ông đã buột miệng phát biểu:
- Cho tôi một triệu mỹ kim tôi cũng không làm được những việc này.
Nghe nói thế, Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời:
- Nếu cho chúng tôi một triệu mỹ kim để bảo chúng tôi ngưng làm những việc này, chúng tôi vẫn tiếp tục.
THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,47-54
"Các người đã không vào,
mà những kẻ muốn vào,
các người lại ngăn cản." (Lc 11,52)
Bài Phúc Âm hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Chúa Giêsu khiển trách các thầy luật sĩ về tội giả hình.
Chúa khiển trách họ về hai tội:
- bách hại các tiên tri (Lc 11,47)
- và tội độc quyền về tri thức (Lc 11,49).
1. "Khốn cho các người..."
Kiểu nói "khốn" ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, nhưng một lời thương tiếc than trách. Chúa buồn vì thấy luật sĩ lo xây mộ cho các tiên tri xưa, để tỏ ra bất đồng với cha ông trước kia về việc họ đã giết các tiên tri.
Quả thực, nhiều tiên tri và những người công chính đã bị sát hại. Lịch sử Do Thái từ vụ sát hại Abilê được ghi ở đầu Sách Thánh đến vụ sát hại ngôn sứ Giacaria ở cuối sách (St 4,8-10; 2 Dcr 24,20-22) đã nói lên rằng lịch sử của họ là lịch sử nhuốm máu.
Thái độ của những người Do Thái thời của Chúa thật là mâu thuẫn vì đang khi họ hết lòng tôn kính các tiên tri ngày xưa bằng cách xây mộ, dựng bia cho các ngài thì họ lại bắt bớ và giết hại các tiên tri còn sống. Họ hết lời khen ngợi và ca tụng các tiên tri đã chết, nhưng khi gặp một đấng tiên tri còn sống thì họ lại tìm cách giết đi. Ngay trong thời của Chúa Giêsu bài học lịch sử cũng đã lặp lại. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã không nhìn nhận những người mà Thiên Chúa sai đến với họ: họ đã từ chối không nhìn nhận Gioan Tẩy Giả (Lc 7,30); Hội đồng Tối cao Do Thái sai đại biểu đến hạch sách quyền hành của Chúa Giêsu (Lc 20,l-8) trước mặt quan tổng trấn Philatô, các đầu mục Do Thái đã xin quan lên án xử tử Chúa (Lc 9,15), rồi sau đó họ lại tiếp tục bách hại các Tông Đồ của Chúa, đúng như Lời Chúa tuyên bố với họ hôm nay (Lc 11,47-49).
2. Và Chúa bảo: "... thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu..." (Lc 11,50) và quả đúng như thế.
Lịch sử còn ghi lại: Năm 66, người Do Thái đã tàn sát những binh lính Rôma trong đồn binh Antônia. Lập tức, hoàng đế Néron gởi tướng Vespasiano với một đạo binh hùng hậu đến Giuđê. Giữa chiến dịch thì Néron chết và Vespasiano lên ngôi hoàng đế. Ông này trao quyền chỉ huy quân đội cho con là Titus. Titus vây hãm thành vào lễ vượt qua năm 70. Jêrusalem, lúc đó đang có khoảng một triệu rưỡi người Do Thái tụ họp lại nhân ngày lễ, bị vây hãm kín mít. Chẳng bao lâu, đói kém xảy ra và mỗi ngày có cả ngàn người chết đói.
Titus trả thù bằng cách cho đóng đinh 300 người Do Thái tại chân núi Sọ, sau đó mỗi ngày lại cho đóng thêm gần 500 người Do Thái. Nhiều người bị mổ bụng vì lính Rôma nghi họ nuốt vàng. Khi đã làm chủ được tình hình, người Rôma cho đốt thành phố lẫn đền thờ. Jêrusalem bốc cháy hai ngày hai đêm. Ngày thứ ba nó chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn. Hơn 200.000 người bị chôn vùi dưới đó. 97.000 người bị bắt làm nô lệ ở Rôma, và bị bán với giá rẻ mạt cho hí trường để đánh nhau với thú dữ hoặc chiến đấu giết nhau làm trò vui cho người Rôma. 2.000 nhà quí tộc Do Thái phải dự buổi khải hoàn của Titus ở Rôma. Họ phải mặc áo trắng, phải vác lấy chiến lợi phẩm lớn lao mà người chiến thắng đem về từ Jêrusalem. Khi đến đền Chiếm Thần, thì họ bị giết và đó là lễ đăng quang của cuộc chiến đẫm máu được trả giá bằng mạng sống của hơn một triệu người Do Thái. Sử gia Josephus, một nhà biên niên sử thời đó, người đã kể lại sử truyền này, đã cho rằng những điều kinh tởm của cuộc vây hãm thành Jêrusalem kinh khủng đến nỗi thế giới sẽ không bao giờ chứng kiến những điều như vậy.
Thật là một điều hết sức lạ lùng: Những người Do Thái bị trừng phạt năm 70 giống như cách tội ác họ đã phạm, vì:
1- Chúa Giêsu bị gia hình vào lễ Vượt Qua, thì cũng chính vào vào lễ Vượt Qua mà họ bị tàn phá.
2- Những người Do Thái đã dùng lính Rôma để đóng đinh Chúa Giêsu thì chính những người lính Rôma lại thực hiện cuộc trả thù như Lời Chúa báo trước.
3- Những người Do Thái đã bắt Chúa Giêsu tại vườn Cây dầu và đóng đinh Ngài trên nói Sọ, thì cũng chính tại vườn cây dầu này, mà Titus đóng đại bản doanh và cũng chính tại núi Sọ, mà người Rôma đã đóng đinh hàng trăm người Do Thái.
4- Chúa Kitô bị bán với giá 30 đồng, thì Titus đã bán 30 người Do Thái với giá 1 đồng.
5- Chúa Giêsu bị trùm áo trắng trong cuộc tử nạn thì vào cuộc khải hoàn của Titus, 2.000 người Do Thái bị mặc áo trắng để cho người Rôma chế giễu.
6- Trước mặt Philatô, người Do Thái đã kêu to: "Ước gì máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cháu chúng tôi". Lời ước này đã được thực hiện cách khủng khiếp năm 70. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nói: "Vì các ngươi đong bằng đấu nào thì cũng sẽ được đong bằng đấu ấy." (Lc 6,38)
Lạy Chúa,
Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,1-7
"Anh em phải coi chừng men Pharisêu,
tức là thói đạo đức giả.
Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết."
(Lc 12,1-2)
Chúa Giêsu muốn cảnh giác ta hai điều:
1. Điều thứ nhất là hãy coi chừng thói giả hình của người Pharisêu.
Chúa coi thói giả hình như một thứ "men": Men Pharisiêu. Các môn đệ hãy coi chừng đừng để mình bị lây nhiễm vào thói xấu đó vì nếu bị nhiễm thì đến phiên họ,họ cũng sẽ lây nhiễm sang nhiều người khác trong Giáo Hội.
Người môn đệ của Chúa phải luôn luôn biết sống thật với lòng mình. Chúa bảo: "Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết". (Lc 12,2)
Ông Dung là chủ một nhà giữ xe và sửa xe rất lớn. Hôm ấy, có người lái chiếc xe Cam-nhông ghé vào vì cần được sửa chữa đôi chút.
Xong việc, ông chủ tiệm trao cho anh tài xế xe Cam-nhông tờ hóa đơn để trả tiền.
Xem xong người tài xế trao lại cho ông chủ tiệm và đề nghị ông lấy thêm tiền cho vài dịch vụ khác nữa, dầu sao thì công ty cũng sẽ trả hết, như thế phần thặng dư sẽ chia đôi giữa người tài xế và ông chủ tiệm.
Vốn là người liêm chính, ông Dung từ chối thi hành lời đề nghị gian dối ấy.
Như không muốn bỏ mất cơ hội tốt đẹp, ông tài xế năn nỉ thêm và hứa sẽ trở thành khách hàng thường xuyên đến với ông.
Tại sao lại không lợi dụng cơ hội tốt như thế này? Nào có ai biết gì đâu?
Một lần nữa, ông Dung thẳng thắn từ chối và nói thêm:
- Ðó không phải là cách làm việc của tôi.
Người lái xe năn nỉ thêm và cố tình thuyết phục ông chủ.
Ông chủ trả lời cách dứt khoát:
- Nếu ông muốn làm những chuyện gian tham đến như thế, xin ông hãy đi đến nơi khác, ở đây chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ hình thức gian dối nào cả.
Trước cử chỉ anh dũng của ông chủ, bấy giờ người tài xế lịch sự nói với giọng đầy thán phục:
- Thưa ông, tôi đây chính là chủ hãng xe Cam-nhông, tôi chỉ muốn thử và tìm xem đâu là nơi sửa xe đáng được tín nhiệm nhất.
Hãy nhớ "Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết".(Lc 12,2)
2. Điều thứ hai là hãy đặt mình vào hàng ngũ "các ngôn sứ và các tông đồ" để lo cho công việc rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và sẵn sàng chịu bách hại vì sứ mạng đó. Đừng sợ sự thù nghịch của thế gian.
Chúa muốn cho các môn đệ Chúa hiểu rằng:
- Muốn theo Chúa, người môn đệ cũng phải chịu đồng một số phận như Chúa. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời" (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
Hơn nữa, Chúa còn đưa ra những lý do để cho các môn đệ an tâm. Chẳng có gì phải sợ vì: Các quan quyền thế gian cùng lắm thì chỉ giết được thân xác của ta chứ không giết được sự sống thật của ta.
- Không sợ thôi không đủ, mà còn phải biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa nữa.
Một giáo sư thực vật học tay cầm một hạt giống nhỏ màu nâu và nói với cả lớp rằng.
- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.
Một học sinh đứng lên hỏi.
- Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?
Giáo sư trả lời
- Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc nhiệm mầu mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.
Hạt giống là một cái gì chứa đựng sự sống. Con người, với sự tài giỏi của khoa học có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, song không thể nào tạo ra sự sống được. Quyền sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa mà thôi.
Mẹ Têrêsa nói: "Hãy để Chúa Giêsu dùng bạn mà không cần phải hỏi ý kiến của bạn. Chúng tôi để Ngài lấy những gì Ngài muốn nơi chúng tôi. Như thế, hãy nhận bất cứ gì Ngài cho và hãy trao ban bất cứ gì Ngài lấy với nụ cười thật tươi. Hãy nhận những quà tặng của Thiên Chúa và chân thành biết ơn. Nếu Ngài ban cho bạn một tài sản lớn, hãy tận dụng tài sản đó, cố chia sẻ cho người khác, nhất là với những người không có gì cả. Hãy luôn luôn chia sẻ cho người khác bởi vì ngay cả một chút giúp đỡ đó cũng có thể giúp họ khỏi chán nản".
THỨ BẢY TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,8-12
"Thầy nói cho anh em biết:
phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy
trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa." (Lc 12,8)
Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những lời khuyên cho các môn đệ mình. "Hãy mạnh dạn sống và rao giảng Phúc Âm, đừng sợ." Ngài cũng tiếp tục đưa ra những lý do để họ luôn được an tâm:
1. Lý do thứ nhất vì trong ngày phán xét chính Chúa sẽ nhận những người dám can đảm làm chứng cho Ngài.
Sách Đường Hy Vọng dạy: "Ðừng nhát sợ! Hãy xem Công Vụ Các Thánh Tông Ðồ: đói khát, rách rưới, trộm cướp, roi đòn, đắm tàu, vu vạ, tù ngục, chết chóc... Nếu con sợ, đừng làm tông đồ". (Số 167)
Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi.
Triều đình Hoàng Ðế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu vì ngài đã thẳng thắn khiển trách bà Hoàng Hậu.
Kế hoạch I: Bỏ tù.
- "Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn."
Kế hoạch II: Lưu đầy.
- "Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa."
Kế hoạch III: Tử hình.
- "Ông sẽ được tử vì đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng ông: được về với Chúa."
"Tất cả kế hoạch I, II và III không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận."
Kế hoạch IV: "Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm tội không được!"
Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con. (Đường Hy Vọng số 991)
Một vị tuyên úy người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một Thánh lễ tại một giáo đuờng ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: "Hãy tự hào về Đức tin Công giáo của bạn: Đừng xấu hổ khi phải tuyên xưng nó".
Một người lính thuỷ nghe và cảm thấy hết sức xúc động nên sau Thánh lễ người này đã chận vị tuyên úy lại ngay trước cửa giáo đường và hỏi:
- Thưa Cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?
Vị tuyên úy trả lời:
- Tôi rất hạnh phúc được nghe anh xưng tội.
Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường. Vị tuyên úy vội nói:
- Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!
Chàng lính thủy đáp lại:
- Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.
Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi người phải chết cho niềm tin, nhưng Ngài đòi hỏi phải tuyên xưng có nghĩa là phải làm cho cuộc sống của mình trở thành những chứng từ. Ngày nay, chúng ta ít thấy hay khó mà tìm ra được những cuộc bách hại đạo công khai, nhưng những khó khăn về mọi mặt mà Kitô hữu đang phải trải qua trong cuộc sống, cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử vì đạo. Ngược lại, nếu họ khước từ sống theo những cam kết của đức tin thì phải kể họ là những người chối đạo. (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Lý do thứ hai là sẽ có Thánh Thần soi sáng để họ có thể ăn nói và ứng phó mà không ai có thể bắt bẻ được.
Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu) các nghị phụ đã khắng định: "Chúa Thánh Thần tác động trên xã hội loài người, trên các nền văn hóa, bằng cách biến đổi và tái tạo tâm trí con người. Ngài là nguồn gốc của những lý tưởng cao thượng, những công trình mang lại lợi ích cho nhân loại. Thánh Thần Thiên Chúa có khả năng nhìn xa trông rộng tuyệt vời đang điều khiển dòng lịch sử và đang canh tân bộ mặt trái đất" (RM số 28).
Dạo tháng 2/1996, cùng với phái đoàn của Hội đồng Giám mục Pháp, một linh mục ký giả là cha Daniel, đã đến thăm một số giáo phận tại Việt Nam. Trong một bài ký sự được đăng trên một tờ báo Công giáo Pháp, cha Daniel đã gọi Việt Nam là đất thơm mùi máu các thánh tử vì đạo.
Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của các xứ đạo ở vùng quê, tác giả đã ghi lại từng chi tiết mà người dân Tây Phương ngày nay chỉ có thể ngỡ ngàng mà thôi: bốn giờ sáng chuông nhà thờ đổ hồi. Bốn giờ mười lăm phút, mọi người từ trẻ đến già lũ lượt đến nhà thờ. Bốn giờ ba mươi phút đọc kinh. Năm giờ, Thánh lễ hoặc tham dự phụng vụ Lời Chúa.
Tại một nhà thờ chính tòa nọ, tác giả đã sửng sốt khi chứng kiến năm ngàn người đứng chật ních nhà thờ trong Thánh lễ bốn giờ ba mươi phút mỗi ngày trong tuần.
Tác giả nhận định về thời khóa biểu tôn giáo này như sau:
"Rõ ràng là ở đó, người ta chỉ sống cho Thiên Chúa, cho niềm vui con người, ở đó Thiên Chúa là niềm vui của người nghèo."
Còn Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, sau những ngày làm việc của ngài tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 10/1996, Ngài nói như sau:
"Con người có thể đặt ra những giới hạn cho sinh hoạt của Giáo Hội, nhưng không thể ngăn chặn tác động của Chúa Thánh Thần".
Vâng, Giáo Hội tại Việt Nam đang có những sức sống đáng tự hào nhưng không phải vì đó mà chúng ta tự mãn. Hãy cố mà giữ lấy những hồng ân Chúa ban.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh