Suy niệm Lời Chúa: Thánh lễ 3 ngày TẾT NGUYÊN ĐÁN
LỄ GIAO THỪA
Anh chị em thân mến
Năm cũ đang dần dần khép lại và năm mới đang dần dần mở ra cho chúng ta. Năm cũ đang lui dần vào quá khứ và năm mới đang từ từ dẫn chúng ta vào tương lai. Quá khứ - Tương lai - không nằm ở trong tay chúng ta. Một giây qua đi chúng ta không thể nào tìm lại được. Một phút chưa tới chúng ta cũng chẳng có cách nào để có được nó trong tay. Thời gian không nằm trong tay của con người nhưng nằm trong tay của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là chủ của thời gian nhưng Thiên Chúa lại ban thời gian đó cho con người để con người sử dụng. Con người sử dụng thời gian để làm gì thì Sách Giảng Viên đã có những gợi ý rất hay:
Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
có thời để chào đời, có thời để lìa thế;
có thời để trồng cây, có thời để nhổ cây;
có thời để giết chết, có thời để chữa lành;
có thời để phá đổ, có thời để xây dựng;
có thời để khóc lóc, có thời để vui cười;
có thời để than van, có thời để múa nhảy;
có thời để quăng đá, có thời để lượm đá;
có thời để ôm hôn, có thời để tránh hôn;
có thời để kiếm tìm, có thời để đánh mất;
có thời để giữ lại, có thời để vất đi;
có thời để xé rách, có thời để vá khâu;
có thời để làm thinh, có thời để lên tiếng;
có thời để yêu thương, có thời để thù ghét;
có thời để gây chiến, có thời để lm hồ.
Vì mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi.
Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt.
Điều gì đang có, xưa kia đã có,
điều gì sẽ có, xưa đã có rồi.
Người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử.
Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc.
(GV 3,1-8;14-15)
Vâng quả đúng như vậy: mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời và thời giờ đi thật mau.
Dù ta muốn hay không muốn,
bằng lòng hay không bằng lòng,
vui hay buồn,
sướng hay khổ,
thời giờ vẫn cứ đi, luôn luôn đi về phía trước.
Trong một bài thơ cổ, người ta đọc thấy những dòng chữ này:
Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười tôi khóc
thì lúc đó thời gian bò tới
Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn
thì thời gian đi bộ
Khi tôi trưởng thành, tôi là người chững chạc
thì thời gian chạy
Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già
thì thời gian bay
Chẳng bao lâu nữa là tôi chết
Thì thời gia đi mất
Ôi lạy Chúa, khi cái chết đến
thì ngoài Chúa ra, không còn gì là quan trọng nữa.
Trong đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội nhắc cho mọi người biết: Thời gian là của Chúa. Đó là một sự thật vô cùng quan trọng, rất quan trọng đối với mọi sinh vật được sinh ra trên hành tinh này. Thế nhưng đã có rất nhiều người vô tình hay cố tình quên đi điều hết sức quan trọng đó. Thời gian là của Chúa.
Nữ hoàng Êlizabeth bên Anh sẵn sàng trả giá cả hàng triệu mỹ kim cho bất cứ một ai có thể kéo dài cuộc đời của bà thêm 5 phút để bà giải quyết nốt những việc còn lại, nhưng chẳng ai làm được việc đó.
Vậy tôi phải sử dụng thời giờ Chúa ban cho tôi như thế nào?
Vào một ngày cuối năm khi những giờ phút cuối cùng của năm cũ đang dần dần lui vào quá khứ, và giờ phút giao thừa đang dần dần đi tới với tất cả những huyền bí của thời gian.
Trong một túp lều tranh nhỏ bé, một bác nhà quê đang ngồi lim dim, lẻ loi một mình trong cô quạnh. Trí khôn bác đang dồn dập những ý tưởng mơ hồ viển vông về ngày Tết đang tới.
Tết tới những gia đình bác quá nghèo thành thử chẳng thấy được hương vị gì của của ngày tết.
Đang khi tâm hồn của bác còn phảng phất trong trong cõi mông lung vô hạn, thì bỗng tự trên ngọn tháp nhà thờ đồng hồ buông xuống 12 tiếng chuông vàng, thanh trong hoan hỉ. Giây phút linh thiêng của đêm giao thừa vừa mới bắt đầu, thì đột nhiên bác ta thấy một chàng thanh niên lạ mặt xô cửa bước vào, đi thẳng tới, nặng nề đặt xuống trước mặt bác một gói gì nằng nặng. Sau đó người thanh niên nhìn chằm chằm vào đôi mắt còn đang ngỡ ngàng của bác và nói:
- Đây một túi vàng. Túi vàng này ngươi hãy dùng cho khôn ngoan, rồi ngươi sẽ gặp được hạnh phúc.
Nói xong người thanh niên lạ mặt ấy nhún chân một cái rồi bay thẳng lên nóc nhà và biến đi trong đêm tối vào cõi thanh không.
Trước cảnh tượng vừa lạ lùng vừa đột ngột đó bác nhà quê cảm thấy rất sửng sốt và hoang mang. Bác đưa tay lên dụi mạnh vào mắt xem mình còn thức hay đã ngủ,
- Tôi mơ chăng?
Không! Bác không mơ. Hay có thể nói một giấc mơ đã trở thành sự thật.
Tâm hồn bác dần dần chấn tỉnh lại và thấy đây không phải là một giấc mơ mà là một sự thật, một sự thật hoàn toàn hiển nhiên.
Sau một vài phút suy nghĩ, bác liền nghiêm chỉnh tự nói với chính mình:
"Vàng này, một phần tôi sẽ dùng để trả nợ.
Còn dư bao nhiêu, tôi phải tiêu xài cho thật khôn ngoan."
Kính thưa anh chị em
Câu chuyện trên đây là câu chuyện của tôi, của anh chị em, của mỗi người chúng ta. Một năm mới nữa lại sắp tới. Đây là thời gian Chúa ban chúng ta. Chúng quí hơn túi bạc túi vàng. Thánh Bernađinô nói: "Thời giờ quí bằng Thiên Chúa"
Thời giờ quí hơn vàng hơn bạc. Vàng bạc mất đi chúng ta có thể có lại. Vàng bạc mất đi chúng ta có thể tìm thấy. Nhưng một giây một phút qua đi là qua đi mãi mãi. Cho dù có là thần là thánh đi nữa chúng ta cũng không thể nào tìm lại được một giây một phút đã qua đi.
Thời giờ quí giá hơn vang bạc. Vậy tôi phải bắt chước bác nhà quê kia. Một mặt tôi dùng thời giờ Chúa ban cho tôi trong năm mới này để trả nợ những gì tôi mắc nợ Chúa. Trong suốt một năm qua, Người đã ban cho tôi muôn vàn ơn cao qui: Ơn Bình an, ơn trung thành, ơn được sống trong ơn thánh. Chúa chăn nuôi tôi như mục tử chăn dắt đoàn chiên. Thế nhưng trong suốt năm qua, rất nhiều lần tôi đáp lại bằng những thất tín nặng nề. Trước thềm năm mới, tôi xin dâng lên Chúa Xuân những lời cáo lỗi chân thành.
Mặt khác, tôi sẽ dùng năm mới này cho khôn ngoan, lợi dụng từng giây từng phút mà góp công chuộc tội.
Nếu trong năm mới này hình ảnh Chúa Xuân trong hồn tôi được thêm tốt đẹp, thì năm mới này sẽ là một năm hồng ân và cuộc đời tôi sẽ ngập tràn hạnh phúc.
LỄ TÂN NIÊN
CẦU BÌNH AN
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng hay nhất của sách Tin Mừng. Cá nhân của tôi đã đọc đoạn Tin Mừng này không biết bao nhiêu lần và lần nào khi đọc xong tôi cũng cảm thấy một cảm giác thật phấn khởi.
Chọn bài Tin Mừng này để đọc vào thời điểm chúng ta bắt đầu một năm mới tôi cho là một chọn lựa tuyệt vời. Đây không phải là một đoạn Tin Mừng chỉ đòi đòi hỏi chúng ta phải rà lại cách sống của chúng ta trước mặt Chúa mà nó còn là một đoạn Tin Mừng giúp chúng ta định hướng cho những ngày chúng ta sắp sống trong một tương lai đang đi tới của chúng ta.
Đây là một việc làm rất cần thiết. Nó quyết định cho sự thành - bại, vui tươi hạnh phúc - hay bất hạnh của cuộc đời mỗi người chúng ta.
Đọc cả đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu Chúa của chúng ta là một con người rất thực tế. Ngài biết thật rõ cuộc đời của mỗi con người. Ngài biết thật rõ cuộc đời không chỉ toàn là mầu hồng mà bên cạnh đó còn có cả những khốn khó gian nan và những khốn khó gian nan này thì hầu như ngày nào cũng có. Bởi vậy khi phác họa ra một thái độ sống cho mỗi ngày như trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ muốn nhắm tới một mục đích là giúp cho mỗi người chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
1. Đừng lo:
Dale Carnegie cắt nói thêm:"Đừng lo không có nghĩa là đừng nghĩ. Bạn cứ việc nghĩ tới ngày mai đi, cứ cẩn thận suy nghĩ, cứ dự tính, cứ sửa soạn, nhưng đừng lo lắng gì hết"
Đừng lo lắng gì hết bởi vì con người dù có lo lắng đến đâu đi nữa, như Chúa Giêsu nói, cũng chẳng có thể kéo dài cuộc đời của mình dù là chỉ thêm vài gang tấc.
Đàng khác lo lắng còn là thái độ của một người không có lòng tin. Nếu thực sự con người biết tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn họ sẽ không có gì phải lo lắng.
Chúa Giêsu nói thật rõ: "Cha chúng con biết chúng con cần gì" Nói thế không có nghĩa là Chúa bảo chúng ta chẳng cần phải làm gì cả. "Tình phụ tử của Thiên Chúa không phải là chính sách phụ mẫu, nghĩa là một sự che chở đầy ủy mị, bao bọc khỏi mọi may rủi bất trắc của cuộc đời. Một người cha biết yêu con không phải bao giờ cũng có ý tránh cho con mình khỏi mọi thử thách, đau khổ hay chiến đấu. Nhưng theo sức của ông, ông sẽ biến đau khổ thử thách thành kinh nghiệm có ích lợi cho đứa con" Tình yêu như thế mới là tình yêu thật sự.
Hơn nữa khi tin vào Thiên Chúa con người cũng còn phải biết phó thác tất cả cho Người. Phải tin vào giá trị của mình cũng như phải tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chim chóc hoa cỏ mà còn được Chúa để ý chăm nom thì huống chi là con người. Bởi thế nói theo kiểu của Thánh Phaolô thì "ngay cả khi ta phục vụ Thiên Chúa mà ta vẫn bị đói rách hay bị chết chóc thì ta vẫn không phải là kẻ bị quyền năng Thiên Chúa tử bỏ (Rom 8,28; Mt 10,28-31) mà đó còn là một cái phúc.(Mt 5,3-12) Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu hết được những sự tốt lành mà Ngài làm cho các con cái của Người.
Hoài Nam Tử có thuật lại một câu truyện như sau: có một ông lão ở gần cửa ải có một con ngựa tự nhiên bỏ sang nước Hồ. Láng giềng biết tin đó đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
- Mất ngựa thế mà biết đâu lại là cái phúc.
Cách mấy tháng con ngựa của ông tự nhiên quay trở về, lại về với một con ngựa khác. Láng giềng nghe tin đến mừng. Ông lão nói:
- Được ngựa thế biết đâu lại là một mối họa.
Từ khi có con ngựa hay, đứa con ông lão ngày ngày mải mê tập dượt. Một hôm chẳng may bị té ngã và què mất một chân.
Láng giềng nghe tin lại đến chia buồn.
Ông lão nói:
- Con tôi què thế nhưng biết đâu lại là một cái phúc.
Một năm sau bỗng có giặc Hồ xâm lăng, nhà vua hạ lệnh tổng động binh. Con ông lão vì què chân cho nên được miễn nhập ngũ. Trận chiến ác liệt chưa từng thấy. Tướng sĩ lâm trận mười phần tử trận mất chín. Nhờ được ở nhà mà con ông lão thoát được hiểm nguy chết chóc và nhờ đó mà hai cha con vẫn còn được sống bên nhau.
2. Vậy trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người... Còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho"
Đây là câu nói thật quan trọng và cũng là điều kiên tất yếu mà khoa Thần học gọi là điều kiện "sine qua non" có nghĩa là điều kiện không thể không có để cho một điều gì đó được thành sự hay được xẩy ra.
Theo bản văn Thánh Kinh hôm nay thì việc "trước hết phải tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người" là điều kiện để Chúa thực hiện lời hứa "Còn các điều khác sẽ được ban thêm cho"
Việc tìm kiếm nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là sự tìm kiếm giống như tìm kiếm một đồ vật nhưng là thái độ gồm cả ý chí, nỗ lực và hành động hướng về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa chi phối và điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của mình sao cho những hành động đó thể hiện được thánh ý của Người. Làm được như vậy là con người đã làm được điều mà bài Tin Mừng hôm nay gọi là tìm kiếm nước Thiên Chúa .
Và sau đó chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa cho chúng ta.
Câu truyện số 33 trong Góp nhặt B kể lại một biến cố rất đặc biệt xẩy ra trong Công đoàn các chị nữ tu Bác ái của Mẹ Têrêxa thành Calcutta. Kể câu truyện này để anh chị em thấy việc Thiên Chúa làm lạ lùng như thế nào. Mỗi ngày tại Calcutta hội dòng phải chăm sóc cho khoảng chừng 7000 người một số người bằng cả giáo xứ Bùi Phát của chúng ta - rồi còn phải lo cung cấp thực phẩm cho họ nữa. Vào một ngày thứ sáu nọ, chị nữ tu coi sóc nhà bếp đến thưa với mẹ:
- Thưa mẹ, trong nhà không còn gì ăn cho hôm nay và ngày mai nữa.Tốt hơn hết là chúng ta nên bo cho họ biết điều đó.
Nghe điều đó, mẹ không biết phải trả lời cho chị phụ trách nhà bếp như thế nào. Cả 7000 ngàn người ăn chứ đâu phải ít.
Thế nhưng vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó không hiểu vì lý do gì mà chính quyền Ấn độ tuyên bố đóng cửa tất cả các trường công lập. Thế là số bánh mì làm sẵn cung cấp cho các học sinh không có chỗ sử dụng và chúng được chở thẳng tới cho mẹ Têrêxa.Và tất cả 7000 người từ nhỏ tới lớn có đủ bánh mì ăn trong hai ngày và hơn nữa còn được ăn no nê hơn cả những lần khác.
Chẳng ai hiểu được lý do. Nhưng mẹ Têrêxa thì thấy thật rõ. Mẹ nói: "Đó chính là dấu chỉ của Tình thương Thiên Chúa. Người là người Cha giầu lòng yêu thương đối với con cái mình"
Thánh Phanxicô Assisi khi trình bản nội qui lên Đức Thánh Cha để xin Ngài chuẩn y. Sau khi Đức Thánh Cha đọc xong, ngài hỏi Phanxicô Assisi:
- Các tu sĩ của con sẽ sống bằng cái gì.
- Tâu Đức Thánh Cha, Thiên Chúa là một người Cha đầy uy quyền, nhưng Người cũng là một người Mẹ nhân từ." (?!)
Một hôm đang trên con đường vào Giêricô Chúa Giêsu nghe thấy có một tiếng than từ xa xa vọng lại:
- Lạy Ngài Giêsu, con Vua Đavid, xin thương xót con.
Chúa Giêsu dừng chân lại:
- Con muốn xin gì đây?
- Lạy Thầy, xin cho con được sáng mắt.
Thấy anh ta mạnh tin, Chúa hiền từ đáp:
- Được lắm. Lòng tin của anh đã cứu anh." (Lc 18,35)
Lòng tin vào Chúa quan phòng là con đường giải thoát rực rỡ huy hoàng cho mọi người nhất là trong thời đại này.
MỒNG HAI TẾT
CẦU CHO ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Anh chị em thân mến
Hôm nay là ngày mồng hai tết. Giáo Hội Mẹ của chúng ta muốn chúng ta dùng ngày đầu năm đặc biệt này để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta. Tôi cũng như anh chị em không ai trong chúng ta mà không có cha có mẹ. Tục ngữ từ ngàn xưa đã nói: cây có cội, nước có nguồn. Người ta sinh ra đều có tổ tiên Ông Bà cha mẹ.
I. Công ơn của Tổ tiên Ông Bà cha mẹ thật không sao mà kể cho hết, như trời như biển. Công cha chẳng khác gì núi Thái - Nghĩa mẹ chẳng khác gì như nước trong nguồn.
Chẳng làm sao mà kể cho hết công ơn của các ngài.
Sách Kinh Thi xưa có câu: "Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao" (Thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc).
Sách còn kể ra 9 điều khó nhọc của cha mẹ:
Sinh : sinh đẻ
Cúc : nâng đỡ
Phủ : vuốt ve
Xúc : cho bú
Trưởng : Làm cho lớn
Dục : Dạy dỗ
Cố : đoái thương đến
Phục : Săn sóc
Phúc : dạy bảo
+ Có rất nhiều câu truyện cảm động về những lo lắng của cha mẹ dành cho con cái. Nhưng câu truyện về Mạnh Tử là một trong những câu truyện hay nhất. Thầy Mạnh Tử lúc còn nhỏ đã may mắn có được một người mẹ hết lòng lo lắng dạy dỗ cho mình. Truyện kể rằng hồi đó nhà Thầy Mạnh Tử ở gần nghĩa địa. Mẹ thầy Mạnh Tử thấy con bắt chước người ta đào bới rồi lăn ra khóc. Bà liền dời nhà đến gần chợ. Tại đây bà lại thấy con bắt chước người ta sống nghịch ngợm và gian dối. Bà cho đây không phải là chỗ thích hợp cho con của bà. Bà lại dời nhà đi nơi khác.Lần này thì chuyển nhà của bà đến ở gần trường học. Ở đây Mạnh Tử thấy các bạn trẻ cùng lứa tuổi đua nhau tập lễ phép và học chữ nghĩa thì cậu cũng bắt chước. Bà mẹ thấy như vậy mừng quá và bà quyết định ở lại đây luôn.
Một hôm Mạnh Tử thấy người ta làm thịt heo, Mạnh Tử thắc mắc hỏi mẹ:
- Mẹ ơi người ta giết heo làm gì thế?
Bà nói đùa với con: Để cho con ăn đó.
Vừa dứt lời bà cảm thấy hối hận vì đã nói dối con và ngay lập tức bà đi mua thịt heo về cho con ăn.
Rồi lại một hôm Mạnh Tử đang học tự nhiên bỏ về nhà chơi. Lúc đó bà đang ngồi dệt cửi, vừa trông thấy con về bà cầm ngay lấy dao cắt đứt tấm vải đang dệt trước mặt con. Mạnh Tử tỏ ý thắc mắc bà liền giải thích:" Con đang học mà bỏ về thì cũng chẳng khác gì tấm vải mẹ đang dệt mà bị cắt đứt ra làm hai vậy"
Mạnh Tử hiểu được ý của Mẹ và từ đó về sau không bao giờ dám làm như vậy nữa.
Và chính vì thế mà sau này Mạnh Tử đã nên người. Ông đã trở thành một trong những con người được kính trọng nhất trong Lịch sử loài người chúng ta.
+ Tin Mừng không nói cho chúng ta nhiều về việc Thánh Giuse và Đức Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu như thế nào, nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Đức Mẹ giáo dục thật kỹ. Điều này quả không ai còn có thể hoài nghi.
II. Nếu công ơn của tổ tiên Ông Bà Cha mẹ lớn lao như thế thì con cái phải làm gì để đền đáp?
Trong bức tâm thư gửi các gia đình nhân dịp năm quốc tế gia đình năm 1994 số 18 Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô đã viết như sau: "Hãy thảo kính cha mẹ bởi vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối ngươi là những người đại diện của Chúa, những người đã ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hóa. Sau Thiên Chúa các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là đấng tốt lành, nếu chỉ mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó ngươi hãy thảo kính Cha mẹ ngươi".
Đó là những lời của vị cha chung của chúng ta. Có lẽ khó có mà có thể tìm được những lời mạnh mẽ hơn để nói về bổn phận của những kẻ làm con trong việc phải thảo kính cha mẹ mình như thế.
Bằng cách nào kính thưa anh chị em?
Có nhiều cách nhưng tôi chỉ xin được đề cập một vài cách cụ thể này:
a- Trước hết là phải biết ơn ông bà cha mẹ tổ tiên mình
Biết ơn là một trong những giá trị nền tảng cao quí nhất của cuộc sống làm người và đồng thời nó cũng là biểu hiện rõ rệt nhất của một con người biết sống với tư cách làm người của mình.
Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã dùng cả một giới răn để nói về vấn đề này. Đó là giới răn thứ tư. “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”
Rồi nếu chúng ta đọc kỹ Tin Mừng chúng ta sẽ lại thấy một trong những tâm tình nổi bật nhất và đậm nét nhất của Chúa Giêsu còn được ghi lại đó là tâm tình tạ ơn. Có thể nói cả cuộc sống của Ngài là một bài ca tạ ơn liên lỉ: Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi một con số thật đông người trong đồng vắng. Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi phục sinh Lazarô từ cõi chết. Ngài cầm bánh và dâng ly rượu lên để tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi lập Bí tích Thánh thể để rồi từ đó Bí tích này được gọi là Bí tích tạ ơn.
Ngược lại vô ơn là thái độ đáng lên án. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn "Nói với chính mình" có viết những lời rất nặng như sau: "Người ta cho con chó một cái gì nó còn ngoáy ngoáy cái đuôi để tỏ lòng biết ơn. Con người mà không có lòng biết ơn thì không bằng con chó." Hơi nặng một chút nhưng thật là thấm thía.
Dân gian có một câu truyện đã được truyền lại từ đời này qua đời kia như thế này. Có một đôi vợ chồng kia làm ăn khá giả nhưng lại cư xử rất keo kiệt với những người trong gia đình. Trong nhà có một ông bố già. Vì già - đã trên 80 tuổi - cho nên mắt đã mờ, sức đã yếu tay chân không còn được khoẻ mạnh như hồi còn trẻ. Chính vì vậy mà mỗi khi ăn uống ông thường đánh rơi ly chén xuống đất làm bể rất nhiều ly chén. Người con dâu thấy như vậy nên cứ cằn nhằn hoài với chồng. Người cha tuy mắt đã mờ nhưng tai còn rất thính. Ông rất buồn nhưng không thế làm cách nào khác hơn. Ngồi ăn mà không cầm được nước mắt. Rồi một hôm khi chị ta xúi chồng đẽo cho cha một cái chén bằng gỗ để tiện cho việc ăn uống của người cha.
Câu truyện tưởng như thế là suôn sẻ nhưng thật không ngờ là một ngày kia khi hai vợ chồng có việc phải đi xa trở về. Khi vào trong nhà thì nghe thấy có tiếng gì như những tiếng đục đẽo vọng ra từ ở một góc nhà. Hai vợ chồng lại gần thì thấy đứa con trai cưng của mình đang cầm một cái chén bằng gỗ đã được làm gần xong. Bà mẹ tò mò hỏi thì đứa con ngây thơ trả lời:
- Con làm cái chén này để mai sau ba má có chén mà dùng giống như chén ba má đẽo mà ông nội đang dùng vậy đó.
Ngạn ngữ từ bao thế hệ đã có câu này: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó - Vâng sóng trước đổ đâu thì sóng sau sẽ đổ ở đó" anh chị em.
Đó là điều thứ nhất.
b- Điều thứ hai là phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
* Cách hiếu thảo tốt nhất là vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ nhất là khi còn trẻ.
Tin Mừng tóm gọn cả cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nagiareth bằng những lời như thế này: "Ngài vâng lời và chịu lụy hai ông bà"
Tại tiệc cưới Cana vì Đức Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ.
* Tiếp đến là hãy biết làm vui lòng cha mẹ. Đời nhà Hán bên Trung hoa có một người nổi tiếng là có lòng hiếu thảo với cha với mẹ. Đó là Bá Du. Hồi còn nhỏ mỗi khi làm điều gì sai quấy mà bị mẹ đánh thì Bá Du luôn tươi cười vui vẻ nhận lỗi, không bao giờ dám cãi. Nhưng một ngày nọ sau khi bị mẹ sửa phạt bằng roi thì Bá Du oà lên khóc. Thấy thế bà mẹ thắc mắc hỏi:
- Bao nhiêu lần mẹ đánh con để dạy con mà con không khóc thế thì tại sao lần này con lại khóc?
Bá Du lễ phép trả lời:
- Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm thế nhưng con không khóc vì con thấy sức của mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau bằng những lần trước nhưng con lại khóc vì con thấy sức mẹ không còn khoẻ như xưa…mẹ đã già yếu. Con khóc vì thương mẹ chứ không phải vì giận hờn.
* Cuối cùng nếu có thể được thì phải lo phụng dưỡng cho cha mẹ để cha mẹ được sống an vui khi tuổi đã xế chiều. Một trong những hình ảnh đẹp nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu là cảnh Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan ở dưới chân cây Thập giá. Trước khi nhắm mắt Chúa còn cẩn thẩn gửi gấm người mẹ của mình cho người môn đệ yêu quí nhất để Gioan thay cho Chúa mà lo cho Đức Mẹ. Thật hiếm có một việc làm nào đẹp như thế.
MỒNG BA TẾT
THÁNH HÓA LAO ĐỘNG
Ngày mồng ba Tết, chúng ta cầu nguyện cho việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt, đồng thời cũng xin Chúa thánh hóa chúng ta qua cuộc sống lao động hằng ngày.
I. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện cho việc làm ăn?
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật, nhiều người tưởng rằng mình đã chiếm được chỗ đứng của Thiên Chúa. Có một thời chúng ta thường nghe thấy người ta nói: Thằng trời xếp lại một bên, để cho nông hội tiến lên làm Trời! Hoặc những câu như biến sỏi đá thành cơm gạo, thay trời làm mưa.
Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu Chúa không cho thì chúng ta chẳng làm được gì. Cơn động đất và sóng thần cũng như dịch cúm gà vừa qua là bài học rất quí giá cho chúng ta. Chính vì thế mà người xưa dã có câu: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Người nông dân ý thức được thân phận của mình nên đã cầu xin: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp.
Về vấn đề bày thánh Phaolô viết rất hay: Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Vì thế ngày mồng ba tết chúng ta cầu nguyện cho việc cày cấy làm ăn là phải lẽ, vì không có Thiên Chúa thì: người lính canh đêm cũng hoài công.
Một vị linh mục nọ qua đời, và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để làm một thẩm tra. Thánh Phêrô hỏi:
- Ở dưới thế cha làm được điều gì?
Vị linh mục nhanh nhẹn và tự hào trả lời:
- Thưa thánh Phêrô, con xây được một ngôi thánh đường lớn.
Thanh nhân lấy bút ghi trên giấy: Một điểm.
- Cha còn làm được gì nữa?
- Dạ, con còn xây một trường học cho một ngàn học sinh.
Thánh Phêrô ghi tiếp: một điểm.
- Và gì nữa?
Vị linh mục bắt đầu suy nghĩ, rồi trả lời:
-Dạ, con công tác nhiều vào các công việc xã hội, từ thiện.
Thánh Phêrô ghi thêm: một điểm.
- Còn gì nữa? Thánh Phêrô hỏi tiếp.
Lần này vị linh mục lo lắng hỏi thánh Phêrô:
- Dạ thưa thánh cả Phêrô, được bao nhiêu điểm thì vào thiên đàng?
Thánh Phêrô vui vẻ trả lời: một ngàn điểm.
Nghe nói thế, vị linh mục bỗng chột dạ, nghĩ thầm: "Chết mình rồi, làm sao có được chừng ấy điểm đây?" Nếu có moi óc kể tất cả các sự việc mình làm ở dưới thế e cũng không đủ…"
Và vị linh mục bắt đầu lo sợ, rồi thất vọng, không còn tự tin.
Trong lúc đó, thánh Phêrô nhắc lại:
- Cha còn làm được điều gì nữa, cứ kể hết đi!
Với giọng nói nhuốm màu sắc khiêm tốn và lo sợ, vị linh mục nói:
- Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con cũng làm được đôi ba việc nhỏ.
Nghe vậy, thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: một ngàn điểm.
Ngài nói:
- Thế là cha được một ngàn lẻ ba điểm rồi đấy. Cha đã dư được ba điểm. Mời cha vào!
Phải! Tất cả là nhờ ơn Chúa.
II. Những giá trị của lao động.
Chúa Giêsu đã nói: Cha Ta hằng làm việc, và Ta cũng vậy. Khi quả quyết như thế Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: lao động làm việc là qui luật của tình yêu và cũng là qui luật của sinh tồn.
* Làm việc là qui luật của Tình yêu
Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ hoàn hảo mà Người đã chỉ dựng nên một vũ trụ còn dang dở. Người muốn con người cộng tác với Người để làm cho công trình của Người càng ngày càng hoàn hảo hơn. Trong bài đọc (sách sáng thế), tác giả nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn”. Như thế làm việc là sứ mạng cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi mới tạo dựng nên nó và khi làm việc là con người thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Nếu con người không làm việc thì quả họ đã không chu toàn được sứ mạng của mình. Điều này chính mỗi người phải quyết định cho mình. Nếu không muốn làm việc thì con người có muôn vàn cái cớ để thoái thác. Nhưng nếu đã muốn làm việc thì họ chẳng sợ bất cứ một trở ngại nào.
Một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.
Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, nguyện lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi mới cưa, thế là anh ta nghỉ.
Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.
Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn. anh cũng đi nghĩ.
Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Anh ta cũng nghỉ.
Người thứ năm: hôn nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời hãy cưa. Anh ta cũng nghỉ.
Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.
Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đó cũng nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công các được giao.
Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)
Vâng! Dù ở vườn địa đàng, Ađam cũng vẫn phải “canh tác”. Cuộc sống ở địa đàng rất hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ấy con người phải “canh tác”, nghĩa là phải ra tay kiến tạo. Chính trong lúc làm việc con người mới cảm thấy hạnh phúc. Ngôi vườn hạnh phúc con người phải “giữ gìn” bằng việc làm của mình.
* Đàng khác làm việc còn là qui luật của sinh tồn.
Lao động ngoài mục đích giúp ta thánh hóa cuộc sống, nó còn có mục đích giúp bảo tồn cuộc sống của chúng ta.
Trong Kho tàng những câu chuyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm con lừa bị rơi xuống giếng và đau đớn kêu la thống thiết. Sau khi cẩn thận đánh giá tình hình, dù rất thương cảm cho con lừa, nhưng người nông dân cũng phải quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa với ông.
Lúc đầu con lừa bị kích động vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng xuổng từng xuổng đất tiếp theo nhau rơi trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên:
- Cứ mỗi lần xuổng đất rơi xuống đè lên vai, mình sẽ lắc cho đất rơi xuống và bước lên trên.
Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một.
- Hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên – con lừa lặp đi lặp lại để tự cổ vũ mình.
Mặc cho sự đau đớn phải chịu sau mỗi xuổng đất. Mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa liên tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, và tiếp tục theo đúng phương châm "hất nó xuống và bước lên trên".
Không mất nhiều thời gian, cuối cùng con lừa già, dù bị bầm dập và kiệt sức, đã hoan hỉ và đắc thắng bước ra khỏi cái giếng. Những gì tưởng như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó… đều là nhờ cái cách mà con lừa đối diện với nghịch cảnh của mình.
Cuộc sống là như vậy đó. Nếu chúng ta đối mặt với những vấn đề của mình một cách tích cực, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự thương hại…, những nghịch cảnh tưởng như chôn vùi chúng ta sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới. Hãy "Hất nó xuống và bước lên trên", để bước ra khỏi cái giếng mà bạn đang gặp phải. (Nước Biếc)
Cuộc đời đâu phải là thiên đàng. Đâu có phải lúc nào cuộc đời cũng trải thảm đỏ để chào đón chúng ta. Cuộc đời là một bãi chiến trường. Nó đang chờ đợi chúng ta bước vài với tinh thần chiến đấu. Hãy can đản đối đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống đừng lẩn tránh. Thái độ lẩn tránh chẳng khác gì thái độ đầu hành. Khi nói về việc Giêsu vác Thánh Giá lên đỉnh đồi Golgotha, một nhà văn hào của Pháp đã nói: Đồi Calvê ở đầu đường và vinh quang cũng xuất hiện ở đó” Hãy hất xuống và bước lên trên cuộc sống cuả chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020