Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường:
MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI
(1) “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Gioan 1,1)
(2) “Con ở trong họ và Cha ở trong con,...” (Gioan 17,23)
(3) “...ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”.
1/ NHẬP ĐỀ
Một người bạn của tôi trong Ban Biên Tập đã khẩn khoản tôi viết một bài có tính tóm lược liên quan đến buổi mạn đàm của nhóm bạn chúng tôi vào đầu năm nay về đề tài “Vấn Nạn Môi Trường Toàn Cầu”. Tôi đã rất muốn tham khảo nhiều người trước khi gởi bản thảo cho Ban Biên Tập, nhưng không thực hiện được vì thời hạn khá sát và vì tôi ở vào thế miễn cưỡng phải nhận. Tôi phải nói điều này vì sự phức tạp của vấn đề và để mong độc giả có thể xem xét với sự châm chước rộng rãi hơn bình thường.
Trọng tâm của buổi mạn đàm đã nói là Bài Tham Luận[1] của cô bé Severn Cullis Suzuki, 12 tuổi, trong Earth Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh Địa Cầu) do Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 1992 tại Rio De Janeiro, Brazil. Để tham khảo thông tin liên quan về video của bài phát biểu (phụ đề tiếng Việt), quý độc giả có thể google search “cô bé Severn Suzuki 12 tuổi” và đọc, chẳng hạn bài tại link sau đây: http://kenh14.vn/kham-pha/co-gai-khien-the-gioi-im-lang-va-trai-dat-sau-20-nam-2011102010364611.chn
Chúng tôi có kèm theo dưới đây bản dịch dựa theo phụ đề của Bài Tham Luận trong PHỤ LỤC 1 [*].
Tôi trình bày những suy nghĩ của tôi không phải với tính cách là bên “độc quyền chân lý”. Chính tôi cũng đang lo lắng không biết những suy nghĩ của mình là đúng, sai ở chỗ nào; tôi nghĩ điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện được Thánh Thần soi sáng, và đó là một đặc quyền không nên từ bỏ của những người không tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”. Với những ai quan tâm đến vấn đề, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ sau đây như là những thắc mắc, có thể được dùng làm những đối tượng để suy tư nếu muốn; và như đã nói, điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện, và chờ đợi được Thánh Thần soi sáng.
2/ MỜI GỌI SUY TƯ
(1) Liên quan đến thảm trạng môi trường toàn cầu, các nội dung từ Bài Tham Luận đã “chẩn bệnh” và nêu ra phương thức “điều trị” như thế nào?
(2) Các nội dung từ bài phát biểu có nhất quán với đạo lý của Phúc Âm không? Hay nói cách khác: (a) Các nội dung từ bài phát biểu có thuộc về “Sự Thật, Ánh Sáng, Con Đường, và Sự Sống” không? Và (b) Những điều mà Bài Tham Luận “lên án” có thuộc về “Cám Dỗ, Bóng Tối, Sự Dữ, và Sự Chết” không?
(3) Việc “chẩn bệnh và điều trị” như Bài Tham Luận nêu ra có đúng không? Làm sao để chứng minh thỏa đáng cho tất cả mọi người tin theo? Làm sao để thực hiện?
Sau đây là tóm lược nội dung Bài Tham Luận theo nhận định của tôi. Việc này được làm nhằm mục đích giúp cho độc giả có thể được thuận tiện hơn khi muốn suy nghĩ về 3 điều đã nêu trên.
Bài Tham Luận nhân danh Công Lý/Công Bằng liên địa phương, và đặc biệt là Công Lý/Công Bằng liên thế hệ[2] để đấu tranh và lên tiếng chống lại Văn Hóa/Chính Trị Bóng Tối (Văn Hóa/Chính Trị Satan, Văn Hóa/Chính Trị Ác Thần) trong lãnh vực môi trường.
Căn cứ vào diễn biến ngày càng nghiêm trọng và bức xúc hơn của mối họa môi trường, đến nay có thể nói là ở mức rất nguy hiểm, Bài Tham Luận cho rằng căn cơ là do:
– Sự phát triển trào lưu hưởng thụ không giới hạn trong văn hóa: Con người ngày nay khát vọng hưởng thụ, hưởng thụ vượt xa mức cần thiết, và ngày càng lãng phí.
– Sự thống trị của các loại ý thức hệ ích kỷ: Đại đa số con người không thông cảm và tự đặt mình trong cảnh ngộ khốn khó của người khác. Để thỏa mãn tham vọng vô giới hạn, họ đã vô cảm, không ý thức, hoặc có ý thức nhưng bị tham vọng làm mờ lương tri, bất chấp Công Lý/Công Bằng, liên tục tạo ra những tác hại và hậu quả, âm thầm nhưng khốc liệt mà họ không thể phục hồi, cho môi trường, sinh thái, cho đồng loại đương thời và các thế hệ tương lai.
– Sự thống trị của các ý thức hệ đạo đức giả trong xã hội, đặc biệt là trong giới thượng tầng xã hội[3]
3/ CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Từ ngữ thì đơn sơ, ý nghĩa thì sâu sắc.
Tôi xin thông qua phần dẫn chứng liên quan đến những điều mà Bài Tham Luận đã “lên án” vì những điều đó là quá tầm thường. Tôi không thấy sự “oan sai” trong các sự “lên án” đã nói. Chúng đã và đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc chung quanh chúng ta, khiến cho chúng ta vô cảm như thể là tự bịt tai che mắt, đến độ một số người cho rằng cuộc sống vốn dĩ phải như thế, một số người lại cho rằng chúng cấn thiết cho sự tồn tại và phát triển cho quyền lực và quyền lợi của họ.
Tôi cũng thông qua phần lý giải từ đầu đến đuôi tại sao những nhân tố mà Bài Tham Luận đã nêu lại là các căn cơ dẫn đến mối họa môi trường vì làm như thế bài sẽ quá dài; và tôi xin mời gọi độc giả tự suy tư về điều này.
Các ý kiến của Bài Tham Luận là nhất quán với đạo lý Phúc Âm: Lên án khát vọng hưởng thụ vô độ, các loại ý thức hệ ích kỷ, các loại ý thức hệ đạo đức giả. Kêu gọi từ bỏ “Cám Dỗ, Bóng Tối, Sự Dữ, Sự Chết” quay trở về với “Sự Thật, Ánh Sáng, Con Đường, Sự Sống”. Không khó để chúng ta tham khảo lại những đề tài này trong Phúc Âm.
Trong các nội dung đã nêu, tôi có cảm nhận đặc biệt với nội dung về đạo đức giả; tôi cho rằng việc lên án các loại ý thức hệ đạo đức giả là nội dung cơ bản mà Bài Tham Luận nêu ra.
Để cho phần nào trực quan hơn, tôi nêu ra một vài kiểu hành vi tiêu biểu của các ý thức hệ đạo đức giả:
– Tỏ ra, nhân danh, và sử dụng đạo đức để phục vụ cho các mục đích phi đạo đức, để phục vụ cho quyền lực của “Ác Thần”, nói một đằng làm một nẻo. Nói tổng quát: Đội lốt bên “Ánh Sáng” để bí mật phục vụ cho bên “Bóng Tối”
– Kêu gọi (rất nhiều khi thực ra là cưỡng chế) mọi người phải sống đạo đức (ví dụ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thượng tôn luật pháp, v.v…), bề ngoài chính họ cũng tỏ ra như vậy nhưng trong “Bóng Tối” thì rất ngược lại.
– Hứa hẹn (thực ra là lừa bịp, cám dỗ) những công ích cực tốt cho mọi người, hoặc có khi cũng giả vờ thực hiện để làm mồi, nhưng thực ra là để phục vụ quyền lực, quyền lợi ích kỷ cá nhân hay phe nhóm của họ một cách không chính đáng.
– v.v…
Tôi đặc biệt mời gọi quý độc giả tìm hiểu thêm, càng nhiều càng tốt, đề tài đạo đức giả, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Dù không nói ra một cách trực tiếp với đầy đủ chi tiết, tôi tin rằng Bài Tham Luận có ngụ ý, hay nói cách khác, Bài Tham Luận đã đánh động trong tôi những suy nghĩ sau đây:
– Lỗi chính yếu nằm ở giới thượng tầng xã hội, tức là giới ảnh hưởng quan trọng, có thể nói là quyết định, đến việc định hình xã hội. Lỗi đó là sự thống trị của các loại ý thức hệ đạo đức giả trong giới thượng tầng xã hội,
– Đạo đức giả, đặc biệt là của giới thượng tầng xã hội, đã khiến cho
- Nhân loại lâm vào đủ các thảm trạng: bất công xã hội, tệ nạn xã hội, thảm họa chiến tranh, thảm họa môi trường, v.v…
- Mối họa môi trường ngày càng tệ hại hơn, gánh nặng đặt trên vai các thế hệ tương lai ngày càng nặng hơn, bất chấp các nỗ lực và lời kêu gọi trong sáng, các định chế, hội nghị, hiệp ước, chính sách, luật pháp về môi trường, v.v… đã có. Vậy thì những gì đã âm thầm xảy ra trong “Bóng Tối”? Phải chăng các định chế, hội nghị, hiệp ước, chính sách, luật pháp, v.v… trong nhiều trường hợp chỉ đóng vai trò lớp sơn bên ngoài của ngôi nhà mồ?
- Một phần quan trọng công sức của nhân loại bị hướng vào việc phục vụ Ác Thần, phục vụ Sự Dữ, phục vụ Thần Chiến Tranh. Chúng ta thử hình dung: Khi đại chiến hạt nhân xảy ra, tất cả các nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu trong nhiều thập kỷ sẽ tan biến trong vài giờ.
Như vậy, chừng nào mà Văn Hóa/Chính Trị đạo đức giả còn thì không chỉ riêng mối họa môi trường, mà kể cả các mối họa khác của nhân loại, vẫn còn phát triển.
Giải pháp mà Bài Tham Luận đề xuất không phải là “pháp trị” (legalism) đơn thuần, tức là chỉ dựa vào các hiệp ước, định chế, chính sách, luật pháp, được dẫn xuất từ khoa học môi trường. Giải pháp đó xem “đạo trị” làm chính yếu, tức lấy đạo đức/luân lý làm nền tảng, và “pháp trị” chỉ là thứ yếu. Giải pháp đó yêu cầu có lương tri trong sáng, lòng thông cảm vị tha chân chính, lòng chân thành trong lời nói và hành động. Giải pháp đó yêu cầu giới thượng tầng xã hội, đặc biệt là giới chính trị, phải thực sự quang minh chính đại, sáng ngời chính nghĩa, nói gì làm đó mà không có mưu đồ bí mật nào khác kèm theo.
Việc “chẩn bệnh và điều trị” như bài phát biểu nêu ra có đúng không? Làm sao để chứng minh thỏa đáng cho tất cả mọi người tin theo? Làm sao để thực liện?
Việc chúng ta đơn thuần tin những điều gì đó là đúng hoặc sai là không đủ; chúng ta phải hiện thực hóa giá trị đúng hoặc sai của chúng.
Nếu chúng ta tin rằng những giải pháp của Bài Tham Luận là sai, chúng ta phải chứng minh bằng cách hiện thực hóa thật đúng những điều ngược lại; nghĩa là nhân loại, hay ít ra là một phần không nhỏ của nhân loại, phải sống với ham muốn vô độ, rất ích kỷ, và rất đạo đức giả. Điều này lịch sử nhân loại đã làm sẵn cho chúng ta, và đã phủ nhận niềm tin như thế của chúng ta.
Nếu chúng ta tin rằng những giải pháp của Bài Tham Luận là đúng, chúng ta cũng phải hiện thực hóa chúng thật đúng để chứng minh. Tuy nhiên, trường hợp này có sự éo le, ngang trái: Lịch sử nhân loại cho thấy có quyền lực bí ẩn đã và đang “chỉ muốn” làm sẵn cho chúng ta điều ngược lại.
Lòng ham muốn vô độ, lòng ích kỷ vô cảm, và đặc biệt là các ý thức hệ đạo đức giả, có thể nói đó là những tay sai đắc lực do “Ác Thần” điều khiển bằng cám dỗ, là những điều mà Ngôi Lời, cách đây hơn hai ngàn năm, đã lên án triệt để nhất. Hình ảnh của Ngôi Lời trên thập giá cũng là lời hiệu triệu nhân loại diệt trừ những tay sai đắc lực cho “Ác Thần” nói trên. Cách đây hai mươi bốn năm, cô bé Sever Cullis Suzuki, đại diện cho Tổ Chức Môi Trường của Trẻ Em, lại một lần nữa lên án những điều đó. Đến hôm nay, các tay sai đó vẫn tồn tại, và do những tiến bộ khoa học kỹ thuật, sức phá hoại của chúng hiện nay đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bất chấp những nỗ lực vô cùng to lớn của nhân loại, các mối họa vẫn phát triển gần như vô hình, mọi nơi, mọi lúc, như mối đục lâu đài gỗ, âm thầm nhưng hứa hẹn hậu quả vô cùng khốc liệt.
Các lời hiệu triệu vừa nói trên mà Ngôi Lời đã thuyết giảng cách đây hơn hai ngàn năm cho đến nay vẫn chưa thực sự được đáp ứng. Câu trả lời cho các vấn đề vừa mới nêu trên vẫn vô nghiệm. Tại sao? Câu trả lời tạm thời của tôi là: Vì Thế Gian vẫn còn đang “chuộng Bóng Tối hơn là Ánh Sáng”, vẫn còn đang chuộng “sa chước cám dỗ”. Cuộc chiến giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, cuộc chiến cho “Nước Cha trị đến”, cho “Ngôi Lời được thể hiện ở dưới Đất cũng như ở trên Trời” vẫn còn đang tiếp diễn trong trạng thái mới.
4/ LỜI KẾT
Tôi trình bày những suy nghĩ của tôi không phải với tính cách là bên “độc quyền chân lý”. Chính tôi cũng đang lo lắng không biết những suy nghĩ của mình là đúng, sai ở chỗ nào. Với những ai quan tâm đến vấn đề, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ trên như là những thắc mắc, có thể được dùng làm những đối tượng để suy tư nếu muốn; theo tôi, điều này cũng bao hàm sự cầu nguyện, và chờ đợi được Thánh Thần soi sáng, và đó cũng là một đặc quyền không nên từ bỏ của những người không tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”.
PHỤ LỤC 1[*]
Hãy khẩn cấp cứu lấy môi trường cho thế hệ mai sau
Bản dịch Bài Phát Biểu của Severn Cullis Suzuki (theo nguyên văn phụ đề trong video liên quan trên internet)
“Xin chào! Tôi là Severn Suzuki, đại diện cho ECO – tổ chức Trẻ em vì môi trường. Chúng tôi là nhóm trẻ em từ 12 đến 13 tuổi, đang cố gắng tạo nên vài thay đổi, và chúng tôi đã tự quyên tiền đi hơn 8.000 km đến đây để nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi.
Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như mất chiếc ghế trong bầu cử, hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào.
Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng, rồi biến mất mãi mãi. Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn thừa thời gian và các biện pháp hữu hiệu.
Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng, chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng đã thành sa mạc giờ xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.
Các vị ở đây có thể là đại biểu chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, nhà báo hay chính trị gia. Nhưng thực ra các vị là bố mẹ, là anh chị, cô chú… và tất cả các vị đều là những người con. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỷ người. Thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều có phần trách nhiệm, và nên cùng hợp tác hành động hướng về mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi. Cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu có khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo ngay cả khi thừa thãi chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi… Ít nhất là cho đến hai ngày trước đây. Hai ngày trước, ngay tại Brazin này chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này, “Tớ ước mình thật giàu có. Nếu được vậy, tớ sẽ cho tất cả những đứa trẻ đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình yêu thương nữa”. Trong khi một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế? Tôi không thể không nghĩ rằng “những đứa trẻ này chỉ bằng tuổi tôi thôi”. Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế?
Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Favellas, Rio [BBT: nhà ổ chuột tại thành phố Rio de Janeiro, Brazin]. Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Somalia, một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi tới các hiệp ước thì trái đất này sẽ tuyệt vời tới nhường nào.
Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách ứng xử đúng mực. Các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau. Phải cố gắng tìm ra các giải pháp. Tôn trọng mọi người. Sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Không làm hại các sinh vật khác. Phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam… Vậy tại sao các vị lại làm những việc chính các vị dạy chúng tôi không nên làm?
Xin đừng quên lý do các vị dự hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “đây không phải là ngày tận thế đâu”, và “bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể”. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị nữa không?
Bố tôi thường nói, “Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói”. Vâng, nhưng những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói.
Xin cám ơn!”
[1] Trong suốt bài này, cụm từ “Bài Tham Luận” (viết hoa) chỉ về bài tham luận đã nói.
[2] Công Lý/Công Bằng liên thế hệ: Công Lý/Công bằng được xem xét theo thời gian qua nhiều thế hệ.
[3] Giới thượng tầng xã hội: Ở đây chúng tôi muốn nói đến giới có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các thiết chế và người điều hành các chính sách của xã hội; ví dụ: chính trị gia, doanh nhân, chính phủ, quốc hội, tòa án, truyền thông, ngành giáo dục, v.v…; trong đó các chính trị gia là chủ yếu.
bài liên quan mới nhất
- Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si'
-
ĐTC Phanxicô: Không thể im lặng khi trái đất bị cướp phá -
Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) trong mùa đại dịch -
Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội cử hành Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) -
7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng -
Đức Thánh Cha mời gọi hành động chống biến đổi khí hậu -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Giáo xứ Nam Hòa: Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho môi trường -
Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si' -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước -
Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) trong mùa đại dịch