Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2012 (tiếp theo)
Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi
nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
(1 Cr 15, 51-58)
Do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu
và Ủy Ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội
đồng soạn thảo và phát hành
DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2012
Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi nhờ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (1 Cr 15, 51-58)
Tập tài liệu được đề nghị cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2012 này do một nhóm các vị đại diện của Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hội Chính thống, các cộng đoàn Giáo hội Công giáo cổ và Tin lành ở Ba Lan thực hiện.
Sau những lần trao đổi dài với nhau, các vị đại diện của nhiều nhóm đại kết khác nhau ở Ba Lan đã đi đến quyết định tập trung vào chủ đề có liên sức mạnh biến đổi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, một chủ đề rất có liên hệ với những lời chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, là Thân mình Chúa Kitô. Chủ đề này đặt nền tảng trên giáo huấn của thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn Côrintô nói về tính hữu hạn trong cuộc đời hiện tại của con người (với những ảo vọng của “chiến thắng” và “thất bại”) so với hồng ân mà Chúa Kitô tặng ban nhờ chiến thắng trong mầu nhiệm Vượt qua của Người.
Lý do chọn chủ đề theo thể loại này?
Lịch sử đất nước Ba Lan được ghi dấu bằng một chuỗi dài những thất bại và chiến thắng. Đất nước này đã phải gánh chịu vô số những cuộc xâm lăng, chia cắt và đàn áp do các thế lực ngoại bang và các hệ thống thù địch trong nước gây ra. Nhưng lịch sử Ba Lan cũng được ghi dấu bởi cuộc chiến đấu trường kỳ nhằm chiến thắng tất cả các cuộc xâm lăng và khao khát tự do. Chính cuộc chiến đấu trường kỳ và lòng khao khát tự do này đã giúp cho đời sống quốc gia có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cuộc chiến thắng nào cũng giả thiết có những người thất bại. Những người thất bại này không thể chia sẻ niềm vui và chiến thắng với những người chiến thắng.
Chính lịch sử riêng của đất nước Ba Lan này đã giúp các nhóm đại kết soạn thảo tài liệu cầu nguyện đại kết năm nay suy tư sâu xa hơn về ý nghĩa đích thực của “thắng” và “bại” nhất là ý thức hơn về từ “chiến thắng” mà người ta vẫn thường hiểu là sự thành công vinh thắng. Nhưng Chúa Kitô lại giới thiệu cho chúng ta cái nhìn hoàn toàn khác!
Năm 2012, giải vô địch bóng đá châu Âu sẽ được tổ chức tại Ba Lan và Ucraina- trước đây điều này khó có khả năng xảy ra. Đối với nhiều người, đây là dấu hiệu cho thấy Ba Lan sẽ “chiến thắng” bởi vì họ có hàng trăm triệu cổ động viên đang nóng lòng chờ đợi để được xem các đội chiến thắng sẽ tranh tài với nhau trong đất nước mình. Ví dụ này có thể giúp chúng ta suy nghĩ về cái khó khăn của những người không chiến thắng và không chỉ trong lãnh vực thể thao mà còn trong đời sống cá nhân và cộng đoàn: ai còn nhớ đến những người thua trận, ai còn nhớ đến người thường xuyên thất bại, những người mà vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ biết đến chiến thắng? Cạnh tranh không chỉ là đặc tính thường xuyên trong lãnh vực thể thao mà còn trong cả lãnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa và cả trong Giáo hội.
Sự việc các môn đệ Đức Giêsu tranh cãi với nhau xem “ai là người lớn nhất” (Mc 9,34) đã cho thấy sự cám dỗ ghê gớm của động lực này. Nhưng phản ứng của Đức Giêsu lại rất đơn sơ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Chiến thắng mà Đức Giêsu đề cập đến ở đây, được thể hiện qua sự phục vụ, tương trợ, nâng đỡ nhau để những người “rốt hết”, những người bị lãng quên, những người bị loại trừ được tôn trọng đúng với nhân vị của họ. Đối với mỗi người Kitô hữu, Chúa Giêsu đã thể hiện tinh thần phục vụ khiêm nhường cách hoàn hảo nhất khi Ngài chiến thắng sự chết và đã sống lại. Chính qua cuộc đời, qua các hoạt động, qua những lời giáo huấn, qua sự đau khổ, qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu mà ngày nay, chúng ta biết phải sống tinh thần chiến thắng như thế nào, một tinh thần được thể hiện qua việc sống dấn thân vào xã hội bằng tinh thần khiêm hạ, phục vụ và trung tín với Tin mừng. Và khi Đức Giêsu đã biết Ngài sắp phải chịu đau khổ và chịu chết, Ngài đã cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một để thế gian tin vào Ngài. Cuộc “chiến thắng” này chỉ là một trở lại nhờ một sự biến đổi thiêng liêng. Như vậy, dường như những suy niệm của chúng ta đang đề cập đến lời giáo huấn của vị Tông đồ Dân ngoại. Mục đích là làm sao đạt được chiến thắng, một chiến thắng mà tất cả các Kitô hữu đều được tham dự qua việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Chính nhờ lời chúng ta cầu nguyện và nhờ những cố gắng chúng ta làm hầu đạt tới sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội mà chính chúng ta -và các truyền thống của chúng ta- được biến đổi và được trở nên giống Chúa Kitô. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin có lẽ đòi hỏi chúng ta phải đổi mới một số cách sống trong Giáo hội mà chúng ta đã quá quen thuộc. Đó là lòng nhiệt thành; nhưng chính lòng nhiệt thành cũng có thể làm cho chúng ta khủng khiếp! Chúng ta không cầu xin một sự hiệp nhất chỉ mang tính tình cảm bạn bè và một hợp tác “cùng có lợi”. Nhưng chúng ta cầu xin một sự hiệp nhất trong đó nó đòi hỏi chúng ta phải tự nguyện từ bỏ mọi canh tranh với nhau. Chúng ta phải cởi mở với nhau, trao tặng cho nhau và đón nhận quà tặng mà chúng ta trao cho nhau để có thể thực sự đi vào đời sống mới mà Đức Giêsu, đấng là chiến thắng duy nhất đích thực mong ước.
Mỗi người đều có chỗ đứng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua cái chết và sự sống lại của mình, Đức Giêsu đã ôm ấp tất cả mọi người, không còn chuyện thắng hay thua, “để bất cứ ai tin vào Ngài đều được sự sống đời đời”(Ga 3,15). Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được tham dự vào chiến thắng của Ngài! Đơn giản, chúng ta hãy tin vào Ngài và chúng ta sẽ dễ dàng chiến thắng sự dữ bằng sự lành.
Tám ngày suy niệm về sự biến đổi của chúng ta trong Chúa Kitô
Trong suốt Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất của năm 2012 này, chúng ta được mời gọi luôn luôn tin tưởng sâu sắc hơn rằng chính chúng ta cũng sẽ được biến đổi nhờ chiến thắng của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Toàn bộ các bài đọc Kinh thánh, các bài suy niệm, các lời nguyện và các câu hỏi gợi ý suy tư, đều đào sâu các khía cạnh khác nhau cần thiết cho đời sống người Kitô hữu và cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trong và cho thế giới ngày nay. Chúng ta bắt đầu bằng việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô phục vụ và con đường chúng ta đi sẽ dẫn chúng ta đến cuộc cử hành cuối cùng là cuộc cử hành triều đại Chúa Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Ngày thứ nhất
Được biến đổi nhờ Chúa Kitô, Người tôi tớ phục vụ
Con Người đến để phục vụ (x. Mc 10,45)
Hôm nay chúng ta được gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đi đến chiến thắng bằng con đường phục vụ. Chúng ta sẽ thấy Ngài chính là: “Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Cũng vậy, Giáo hội Chúa Kitô là một cộng đoàn phục vụ. Khi chúng ta dùng những khả năng khác nhau của mỗi người để phục vụ lợi ích chung của nhân loại lúc đó chúng ta làm cho sự hiệp nhất của chúng ta vào Chúa Kitô thực sự trở nên hữu hình.
Ngày thứ hai
Được biến đổi nhờ kiên nhẫn chờ đợi Chúa
Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính (Mt 3,15)
Hôm nay chúng ta chú tâm đến việc kiên nhẫn chờ đợi Chúa. Bất kỳ việc thay đổi nào, nếu muốn thành công, chúng ta đều phải kiên nhẫn chờ đợi. Việc cầu xin Chúa biến đổi, dù là xin biến đổi về điều gì, cũng đều là hành vi của đức tin và phó thác vào lời Chúa hứa. Tin tưởng và chờ đợi lời Chúa hứa là nền tảng để tất cả những người cầu xin cho sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội trong Tuần này. Mọi hoạt động đại kết đòi hỏi phải có thời gian, đòi hỏi các bên quan tâm đến nhau và phải hành động chung với nhau. Tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết các tín hữu.
Ngày thứ ba
Được biến đổi nhờ Người Tôi Trung chịu khổ đau
Đức Kitô đã chịu đau khổ vì chúng ta (1 P 2,21)
Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về sự đau khổ của Chúa Kitô. Là những người tiến bước theo Chúa Kitô Người Tôi Trung chịu đau khổ, các tín hữu được mời gọi liên đới với những anh chị em chịu khổ đau. Càng tiến lại gần thập giá Đức Kitô, chúng ta càng đến gần nhau hơn.
Ngày thứ tư
Được biến đổi nhờ Chúa Kitô chiến thắng sự ác
Hãy lấy thiện mà thắng ác (Rm 12,21)
Ngày hôm nay chúng ta được dẫn đi xa hơn trong cuộc chiến chống lại sự ác. Chiến thắng của Chúa Kitô vượt trên tất cả những gì đã làm tổn thương công trình tạo dựng của Thiên Chúa và vượt lên tất cả những gì làm cho con người chia rẽ nhau. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống mới của Ngài, cùng với Ngài chống lại sự ác trong thế giới chúng ta và đặt niềm tin tưởng mới và niềm vui sâu xa vào những điều tốt đẹp. Bao lâu chúng ta vẫn còn chia rẽ thì bấy lâu chúng ta không đủ sức mạnh để chiến thắng sự dữ trong thời đại chúng ta.
Ngày thứ năm
Được biến đổi nhờ ơn bình an của Chúa Phục sinh
Đức Giêsu đứng giữa các môn đệ và nói: Bình an cho anh em! (Ga 20,19)
Hôm nay chúng ta suy niệm về ơn bình an của Chúa Phục sinh tặng ban. Đấng Phục sinh là Đấng chiến thắng sự chết và thế giới bóng tối. Trong lúc các môn đệ đang lo âu sợ hãi, Ngài đã quy tụ họ lại. Và Ngài mở ra cho họ những viễn tượng mới về sự sống và hoạt động cho Vương quốc của Ngài đang đến. Chúa Phục sinh đã liên kết và tăng sức mạnh cho các tín hữu. Bình an và hiệp nhất là dấu hiệu chúng ta được biến đổi nhờ sự phục sinh của Chúa Kitô.
Ngày thứ sáu
Được biến đổi nhờ tình yêu không lay chuyển của Thiên Chúa
Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta (1 Ga 5,4)
Hôm nay, chúng ta dành thời gian chú tâm vào tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho con người. Mầu nhiệm vượt qua tỏ lộ cho chúng ta thấy tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tiến bước trên con đường mới của đức tin. Đức tin này giúp chúng ta chiến thắng sự sợ hãi và giúp chúng ta mở trái tim mình ra cho sức mạnh Thánh Thần hoạt động. Nó cũng mời gọi chúng ta sống tình thân với Chúa Giêsu và dĩ nhiên với những người anh chị em mình.
Ngày thứ bảy
Được biến đổi nhờ Người Mục Tử Tốt Lành
Hãy chăm sóc chiên của Thầy (Ga 21,17)
Các bản văn Kinh thánh hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu tăng cường sức mạnh cho đàn chiên. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi giúp nhau nên vững mạnh trong tình yêu Chúa, nâng đỡ và khích lệ những người yếu đuối và lầm lạc. Chỉ có một Vị Mục Tử còn chúng ta là đoàn chiên của Ngài.
Ngày thứ tám
Quy tụ trong Vương quốc Đức Kitô
Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta (Kh 3,21)
Trong ngày cuối cùng của Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này, chúng ta cử hành Triều đại Chúa Kitô. Chiến thắng của Chúa Kitô làm cho chúng ta hướng về tương lai với niềm hy vọng. Cuộc chiến thắng này loại bỏ những gì ngăn cản chúng ta chia sẻ sự viên mãn của cuộc đời mình với Đức Giêsu và với tha nhân. Những người Kitô hữu chúng ta biết rằng hiệp nhất trước hết là hồng ân của Chúa. Hiệp nhất có được nhờ chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô trên tất cả những gì là chia rẽ.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19