Tầm quan trọng của sự thiện và các nhân đức

Tầm quan trọng của sự thiện và các nhân đức

Phỏng vấn ông Antonio Da Re, giáo sư luân lý đạo đức kiêm triết gia, về tầm quan trọng của sự thiện và các nhân đức trong đời sống con người.

Trong thời gian qua ông Antonio Da Re, giáo sư luân lý đạo đức kiêm triết gia thuộc đại học Padova Bắc Italia, đã cho xuất bản cuốn sách mới tựa đề ”Các lời của luân lý đạo đức”. Cuốn sách tìm hiểu đề tài sự thiện và các nhân đức trong cuộc sống con người. Giáo sư Da Re cũng là thành viên của Ủy ban luân lý sinh học Italia, và là tác giả nhiều sách và các bài khảo luân có giá trị.

Trong số các sách ông đã xuất bản có các cuốn như ”Thuật chú giải của Gadamer và triết lý thực hành” (1982), ”Luân lý đạo đức giữa hạnh phúc và bổn phận. Cuộc thảo luận hiện nay về triết lý thực hành” (1987), ”Sự trở lại của luân lý đạo đức trong tư tưởng hiện đại” (1989), ”Sự khôn ngoan có thể. Các lý lẽ và giới hạn của luân lý đạo đức” (1994), ”Giữa cái cũ và cái tân tiến. Nicolai Hartmann và luân lý vật chất của các giá trị” (1996), ”Triết lý luân lý. Lịch sử, lý thuyết, đề tài” (2003), ”Các lộ trình của luân lý đạo đức” (2007).

Giáo sư Da Re cũng là người phối hợp việc xuất bản nhiều sách như: ”Nhân đức, bản chất và tính cách điều lệ” (2004), “Luân lý đạo đức và các hình thức sống” (2007). Ngoài ra, giáo sư cũng là tác giả của 33 khảo luận có giá trị liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau như: luân lý đạo đức và triết lý, tương quan giữa hạnh phúc và nhân đức, giữa tự do và ý chí, giữa sự thiện và nhân đức, ý niệm phẩm giá cuộc sống con người, tư tưởng văn hóa và cuộc khủng hoảng lương tâm luân lý trong xã hội phức tạp ngày nay, lý do và bổn phận của luân lý, bản chất và văn hóa, nhân đức giá trị và lý trí thực hành, ý niệm về thiện ích chung, luân lý đạo đức áp dụng, giá trị và xung khắc giá trị trong luân lý đạo đức hiện tượng học, khát vọng cuộc sống tốt lành, việc tái khám phá ra các nhân đức trong nền luân lý đạo đức ngày nay vv...

Hỏi: Thưa giáo sư Da Re, ngày nay đề cập tới nền luân lý đạo đức ngoài môi trường đại học cho người ta cảm tưởng nó ám chỉ các giai thoại vô luân công cộng khuấy động dư luận, mà quên rằng có một nền luân lý từ thời triết gia Platone cho tới ngày nay, luôn luôn mời gọi từng người trong các tập tục và thói quen trong cuộc sống của mình. Đâu là các từ của luân lý đạo đức mà chúng ta phải bắt đầu đánh giá trở lại?

Đáp: Tôi xin chọn hai từ trong rầt nhiều từ khác đáng được nhắc tới và được đào sâu trong sách: đó là từ sự thiện và nhân đức. Tôi thường nói với các sinh viên của tôi như là một khẩu hiệu rằng: từ đầu tiên của luân lý đạo đức không phải là bổn phận, điều lệ hay sự bắt buộc, nhưng là sự thiện. Từ kinh nghiệm đầu tiên nền tảng của sự thiện, từ khát vọng có cuộc sống tốt lành người ta có thể tìm thấy sự hiểu biết thích đáng về điều lệ bắt buộc. Điều lệ bắt buộc cũng nằm trong kinh nghiệm luân lý đạo đức. Từ điển các nhân đức, do suy tư hiện đại đề nghị trở lại, ám chỉ các đường nét của tính tình. Qua việc thực hành và lập đi lập lại chúng trở thành thói quen. Các thái độ sống đó được gọi là các nhân đức nếu các hành động tốt, hay được gọi là các thói xấu, nếu chúng là các hành động xấu.

Qua đề tài các nhân đức người ta lôi kéo sự chú ý trên tầm quan trọng của việc săn sóc chính mình và săn sóc việc đào tạo con người mình. Đối với tôi, đây là một trong các bổn phận nền tảng của luân lý đạo đức.

Hỏi: Chương đầu tiên trong sách tựa đề ”Hai bổn phận của luân lý”. Giáo sư muốn bênh vực điều gì trong chương này?

Đáp: Trong viễn tượng của tôi, luân lý đạo đức bao gồm 2 bổn phận nền tảng: thứ nhất là việc phân tích phê bình và suy tư về luân lý đạo đức, được hiểu như là tổng thể cung cách hành xử, kiểu hành động, các tập tục, các thói quen.

Nhiệm vụ thứ hai liên quan tới việc săn sóc chính mình và việc đào tạo luân lý đạo đức, được hiểu như tính tình của chủ thể. Và luân lý đạo đức trong một bối cảnh như thế lại càng được mời gọi giải thích với óc phê bình hơn nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong sách giáo sư đã đưa ra một thí dụ rất cụ thể, hầu như là ”chính trị” đó là việc quốc hội Italia phê chuẩn các biện pháp ”an ninh” hồi năm 2009, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, trong dịp đó đã có sự đối chiếu và đụng độ giữa hai loại luân lý: loại luân lý nhân danh việc bảo vệ an ninh công cộng áp đặt trên các bác sĩ và bắt buộc họ phải tố cáo các người di cư lén lút yêu cầu các cơ cấu y khoa săn sóc sức khỏe cho họ, và loại luân lý đạo đức truyền thống hơn bắt nguồn từ thời Ippocrate, là người tín thác cho bác sĩ một sứ mệnh đại đồng: đó là chữa trị cho bất cứ ai. Như đã biết, văn bản cuối cùng của luật được quốc hội Italia phê chuẩn, đã chú ý tới các ý kiến của các bác sĩ và chuẩn chước không bắt buộc các bác sĩ phải tố cáo các người di cư lén lút xin được săn sóc sức khỏe. Cả khi đây là điều không thể nói với bất cứ nghề nghiệp nào khác như các nhân viên xã hội chẳng hạn.

Đây là sự đối chiếu xung khắc có tính cách rất mạnh mẽ giữa các loại luân lý đạo đức khác nhau. Theo thiển ý tôi, luân lý đạo đức ở đây có nhiệm vụ cho thấy sự thích đáng của luân lý đạo đức mà Ippocrate đã đưa ra cho các bác sĩ, đứng trước thứ luân lý đạo đức muốn biến các bác sĩ trở thành cảnh sát, mặc dù có các đòi hỏi có thể hiểu được là để bảo vệ an ninh.

Hỏi: Nhưng nhiệm vụ phản hồi của luân lý đạo đức lại không có nguy cơ qúa yếu ớt và vô hiệu, cả dưới ánh sáng của bầu khí tồi tệ mà người ta hít thở trong cuộc sống công cộng tại Italia này hay sao, thưa giáo sư?

Đáp: Thật ra, sự phản hồi của luân lý đạo đức không đủ. Vì thế trong sách tôi nói tới một loại phản hồi hai mặt, sự phản hồi của luân lý đạo đức và sự phản hồi của chủ thể. Để vẫn ở trong lãnh vực thí dụ liên quan tới luân lý đạo đức của ông Ippocrate, nó không thể tiếp tục tồn tại, khi chỉ giới hạn trong việc thừa nhận pháp lý, mặc dù nó là điều đáng kể, nó cần phải được liên tục hỗ trợ và nuôi dưỡng bởi các ý nghĩa và các lý do cá nhân nữa. Vì thế điều nền tảng là vai trò của các chủ thế riêng rẽ, của sự phản hồi của họ, của khả năng lượng định gía trị của họ, và như thế của cả việc săn sóc chính họ nữa.

Liên quan tới tính cách thời sự của nó, thì thật là điều đáng buồn, khi chúng ta thấy trong các tuần qua những chuyện liên quan tới thói quen và cung cách sống của các người có các trách nhiệm cao trong cuộc sống công cộng. Ngoài ra chúng ta cũng lo âu vì một loại dửng dưng nào đó, một thói quen nào đó và một sự thất vọng nào đó nổi lên trong dư luận công cộng. Nó minh chứng cho một sự lạc hướng luân lý đạo đức và sự cần thiết tái xây dựng nền luân lý đạo đức, để tránh nguy cơ của một cuộc suy sụp luân lý.

Hỏi: Thưa giáo sư, xem ra cuộc thảo luận hàn lâm từ từ bị thống trị bởi loại phân tích kiểu anglosaxon. Làm thế nào để canh tân đề nghị một nền luân lý đạo đức kitô được linh hứng?

Đáp: Trong sách tôi tìm đối chiếu với truyền thống triết lý luân lý đạo đức của lục địa Âu châu, trong đó tôi đã được đào tạo, nhưng không quên tầm quan trọng của việc phân tích. Trong lãnh vực phân tích này, tôi đã tìm cách đánh giá các nghiên cứu của các tư tưởng gia như bà Elizabeth Anscombe và bà Iris Murdoch. Cả hai là môn sinh của học giả Wittgenstein, ngoài ra cả hai đều là các tín hữu kitô. Chẳng hạn như tôi nhấn mạnh tính cách trung tâm của sự chú ý trong tư tưởng của bà Iris Murdoch, hầu như là muốn nói rằng cuộc sống luân lý đạo đức đòi hỏi trước tiên việc tinh luyện thái độ sẵn sàng lắng nghe và chờ đợi đối với thực tại và đối với tha nhân. Trái lại, sự ích kỷ, đối với bà Murdoch, thúc đẩy con người khép kín trong chính mình, bởi vì nó ”không chú ý” tới thực tại và tha nhân. Như thế, hành động tùy thuộc nơi kiểu người ta nhìn thực tại. Trong các viễn tượng lý thuyết đó người ta nhận ra sự tự trị của luân lý đạo đức, cả khi sự tự trị này, một cách thuận tiện, không được coi như là tuyệt đối đi nữa. Và người ta thừa nhận tầm quan trọng của chính kinh nghiệm đức tin, là điều phong phú trên bình diện linh hứng và các lý do cá nhân. Trái lại, một đức tin ”dậy đời” trong một nghĩa nào đó nằm bẹp trên các lo lắng về điều luật của luân lý đạo đức, thì sẽ kết thúc với việc không tôn trọng sự tự trị, và tệ hại hơn nữa, là để gây hại cho giá trị ngôn sứ và chiều kích cuối cùng là các đặc thái của luân lý đạo đức.

(Avvenire 27-2-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top