TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót
WGPSG -- “Gia đình là nơi mà chúng ta cảm nghiệm về tình yêu và Lòng Thương Xót sớm nhất, bền bỉ nhất và đích thực nhất”. Đấy là nhận định của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - được đưa ra trong Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2017, cử hành vào chiều Chúa Nhật 23.04.2017, tại khuôn viên Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Saigon (TGP).
Đại lễ này do Ban Chấp hành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP lãnh trách nhiệm tổ chức, trong bối cảnh Năm Mục vụ Gia đình của Giáo hội Việt Nam.
Khoảng 6.000 người đã đến tham dự, ngồi chật kín khuôn viên Trung tâm Mục vụ, trong đó có rất đông các nữ tu dòng Thánh Phaolô, dòng Đa Minh Tam Hiệp, Mân Côi Chí Hòa và các Hội dòng khác, cùng các Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót đến từ các giáo phận: Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Bà Rịa, Phú Cường, Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên…
Chương trình đã khởi động lúc 14g30 với âm thanh rộn rã của đội trống giáo xứ Tân Thái Sơn và khúc “Hành Trang Tuổi Trẻ” sôi động của đội kèn tây giáo xứ Gò Mây. Kế tiếp, mọi người hiện diện đã cùng các nữ tu dòng Đa Minh Tam Hiệp hân hoan múa cử điệu bài ca “Lòng Thương Xót Chúa”.
Đại lễ sau đó đã diễn ra với bốn phần chính: Cầu nguyện tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, Diễn nguyện, Huấn từ về Lòng Chúa Thương Xót, và Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Phần I: Cầu nguyện tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót
Lời kinh tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đã nhịp nhàng vang lên trong một cơn mưa ngắn - mưa như những ân sủng từ trời đổ trên con cái Chúa. Qua từng câu kinh, cộng đoàn sốt sắng cầu nguyện và suy gẫm về Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.
Phần II: Diễn nguyện
Phần diễn nguyện là một tiểu phẩm mang tên “Lòng Thương Xót Chúa trên những thảm họa môi trường”, do các em thiếu nhi giáo xứ Tân Phước và các đệ tử Dòng Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa thực hiện, với nội dung: Dù con người có sa đọa đến đâu đi nữa, Thiên Chúa vẫn không bao giờ bỏ rơi họ. Ngài luôn mong chờ con người biết sám hối trở về và tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa, để rửa sạch muôn tội lỗi của họ và ban cho họ muôn hồng ân.
Phần II: Huấn từ về Lòng Chúa Thương Xót
Khởi đầu phần Huấn từ về Lòng Chúa Thương Xót, Cha Giuse Đào Nguyên Vũ đã trình bày cùng cộng đoàn về sức mạnh của Lòng Chúa Thương Xót. Ngài nhắc lại ý tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhân loại sẽ không tìm được bình an nếu không hoàn toàn tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cha giải thích: “Lòng Chúa Thương Xót không cất đi khỏi thế gian mọi đau khổ, mọi sự dữ; nhưng nhờ tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, giữa mọi giông bão cuộc đời, ta không những luôn có được bình an, mà còn làm cho đau khổ trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót, để biết cảm thông và nâng đỡ mọi người. Như vậy, Lòng Thương Xót chính là sức mạnh phát xuất từ tình yêu. Không có tình yêu, không thể biết thương xót được”.
Để kết thúc, Cha Giuse mời gọi cộng đoàn sống Lòng Thương Xót Chúa trong cuộc sống hàng ngày bằng những cử chỉ nho nhỏ, bằng hững hành vi bảo vệ môi trường, làm cho thế giới mỗi ngày một xanh hơn, đẹp hơn…
Tiếp theo, Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng - Tổng Linh hướng Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Saigon - trình bày với cộng đoàn về đề tài “Lòng Thương Xót của Chúa giúp chúng ta có con tim giống như Chúa.”
Ngài nhận xét: “Không ai trong chúng ta phủ nhận sự lớn mạnh của phong trào Lòng Chúa Thương Xót vì ai cũng cần được Chúa xót thương và tha thứ. Lòng Chúa Thương Xót chính là tâm điểm sứ vụ của Đức Giêsu”.
Ngài nhấn mạnh: Ngoài việc đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót giúp ta cầu nguyện tốt hơn, chúng ta cần sống Lòng Thương Xót - là nhận ơn tha tội và đổi mới cuộc sống thêm mãi.
Phần III: Thánh lễ
Trước Thánh lễ , anh Gioan Baotixita Maria Nguyễn Thế Vịnh - Trưởng ban tổ chức - đã dâng lên Chúa những ý lễ và xin khấn của cộng đoàn.
Đầu lễ là kiệu cung nghinh tượng Chúa Thương Xót, đi đầu là Thánh giá nến cao, đội kèn Tây giáo xứ Gò Mây, đội trống giáo xứ Tân Thái Sơn, cờ cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP và các giáo hạt, đoàn viên đại diện cho cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót các giáo hạt, Ban Chấp hành, Thừa tác viên, và Đoàn đồng tế.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có 14 linh mục.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phêrô nhận định rằng: Lòng Chúa Thương Xót đã được Kinh Thánh diễn tả bằng những hình ảnh của đời sống gia đình. Ngài nhắc đến cụm từ “Lòng Thương Xót”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Dạ của người mẹ”. Đức cha Phêrô kể lại câu chuyện tiên tri Hôsê cưới cô gái điếm, đặt cho con cái mình những tên lạ thường (“không-được-thương”, “không-phải-dân-Ta”), chuộc vợ về khi nàng bỏ ông mà theo nghề cũ, để cho thấy Thiên Chúa cũng thương xót tha thứ cho con người như thế khi con người phản bội Ngài. Đức Giám mục Phêrô cũng lập lại lời ngôn sứ Isaia: “Có người mẹ nào có thể quên đứa con mà bà đã cưu mang chín tháng. Mà giả như người mẹ quên con đi nữa thì Ta không quên ngươi đâu!”. Đức cha chủ tế đặc biệt nói đến dụ ngôn “Người con hoang đàng”, trong đó, người cha trong dụ ngôn có cách ứng xử vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, khiến cho có người muốn đổi tên dụ ngôn này thành dụ ngôn “Người cha phung phí (phung phí tình thương)”.
Đức cha Phêrô kết luận: “Gia đình là môi trường, là nơi chúng ta cảm nghiệm về tình yêu và Lòng Thương Xót sớm nhất, bền bỉ nhất và đích thực nhất. Quy tụ ở đây để tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta được mời gọi để sống Lòng Thương Xót, bắt đầu từ chính gia đình của mình, chứ không phải nơi nào xa lạ”.
Sau lời cám ơn của Ban Tổ chức và phép lành cuối lễ, Thánh lễ đã kết thúc lúc 19g10. Mọi người hân hoan ra về với lời nhắn nhủ của Đức cha Phêrô như còn văng vẳng bên tai: “Hãy bắt đầu sống Lòng Thương Xót Chúa từ chính gia đình của mình. Ước gì Thánh lễ hôm nay trở thành động lực thúc đẩy chúng ta xây dựng gia đình của mình thành nơi thể hiện Lòng Thương Xót Chúa, nơi làm chứng Lòng Thương Xót và nơi loan báo Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người. Được như thế, thì cuộc quy tụ này không phải là cuộc quy tụ mang tính hình thức và biểu dương, nhưng là cuộc quy tụ có chiều sâu làm thay đổi trái tim chúng ta, thay đổi gia đình chúng ta theo tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa.”
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020