TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa 2012
WGPSG -- “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”
Nhân dịp Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, khoảng 20.000 người đã tham dự Thánh lễ Lòng Thương Xót Chúa do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận TP.HCM (TGP) - chủ sự vào lúc 17g30 ngày 15/4/2012, tại Trung tâm Mục vụ TGP (TTMV), số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Đồng tế với ngài có Đức cha Antôn Vũ Huy Chương - Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh - Tổng Linh hướng Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP, quý cha Hạt trưởng và quý linh mục trong và ngoài TGP.
Đến tham dự còn có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục Giáo phận Thanh Hóa - Phó chủ tịch HĐGMVN, quý tu sĩ nam nữ và giáo dân đến từ khắp nơi trên cả nước.
Để chào mừng, đội trống của giáo xứ Tân Thái Sơn, hạt Tân Sơn Nhì trong trang phục cổ truyền đã làm náo động sân TTMV bằng tiếng trống của mình. Sau đó, lại vang lên một hồi trống mạnh mẽ để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa trước khi đại lễ chính thức khai mạc.
Bắt đầu từ 13g00, chương trình lần lượt diễn ra:
Cầu nguyện: Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót suy niệm 05 mầu nhiệm Mân Côi mùa Mừng với 50 kinh Kính Mừng, sau đó là kinh Kính Lòng Thương Xót Chúa thật sốt mến. Trong khi đọc kinh, tại nhà truyền thống, trước hang đá Đức Mẹ, nhiều người đã được nhận bí tích Hòa Giải.
Diễn nguyện: Sau khi đọc kinh cầu nguyện, để tạo bầu khí vui tươi cho ngày kính Lòng Thương Xót Chúa, trên khán đài đã lần lượt diễn ra những điệu múa diễn tả những tác phẩm “Năm xưa trên cây sồi”, “Chuyện người đàn bà 2000 năm”, “Xin đừng bỏ con”, “Gặp Chúa trên quê hương”, và những bài đơn ca hát về Chúa thật sâu lắng, làm rung động tâm hồn.
Tham gia diễn nguyện là những người đến từ TGP, trong đó có các ca sĩ Hoàng Hiệp, Diệu Hiền, Gia Ân. Đặc biệt có quý xơ dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, tỉnh Bến Tre cách TTMV trên 100 cây số.
Chia sẻ: Sau khi diễn nguyện, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ với cộng đoàn. Trước hết, ngài chào mừng quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em thành viên con cái của Lòng Thương Xót Chúa. Sau đó, Đức cha tâm sự về sự phát triển của phong trào Lòng Thương Xót Chúa, nhất là ở giới trẻ. Đức cha cho rằng đây là một sự kỳ diệu của Lòng Thương Xót Chúa, và là bằng chứng cho chúng ta thấy Thiên Chúa có thể thực hiện được tất cả những gì Ngài muốn.
Trong bài chia sẻ, chủ yếu Đức cha nói về tiểu sử của Thánh nữ Faustina cho đến 03 giờ chiều, đó là lúc Chúa tắt hơi thở cuối cùng, giờ của ân sủng, giờ được ơn tha thứ, giờ nhắc nhở chúng ta hãy chia sẻ những đau đớn và cuộc khổ nạn cũng như cái chết của Chúa, giờ có thể thay đổi con tim của chúng ta, làm cho chúng ta giầu có phong phú hơn, cũng là lúc chúng ta chia sẻ và hợp tác với Chúa để thay đổi bộ mặt của gia đình, xã hội và nhân loại.
Đức cha nhắn nhủ: Mỗi lần chúng ta cầu nguyện trước ảnh Lòng Thương Xót Chúa là chúng ta đang được Lòng Thương Xót Chúa tuôn trào trong cuộc đời của mình.
Cuối phần Diễn nguyện và Chia sẻ, cộng đoàn cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Tin Kính. Sau đó, ông đại diện Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa TGP dâng lên Chúa những lời chúc tụng, cảm tạ, tâm tình sâu lắng của tất cả những người đang hiện diện, những ý nguyện của những người xin khấn.
Sau đó, cộng đoàn vang lên bài Xin Vâng: “Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ …”
Xem video: Đại lễ kính lòng Chúa thương xót tại TTMV (1)
Đại lễ kính lòng Chúa thương xót tại TTMV (2)
Thánh lễ: Đây là phần trọng tâm của ngày đại lễ. Trước Thánh lễ, Cha Gioan Thiên Chúa Nguyễn Thái Minh - chánh xứ giáo xứ Phước Khánh, Giáo phận Xuân Lộc - đã nói lên niềm hân hoan khi cùng với Mẹ Giáo Hội long trọng mừng đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Cha nhắc lại lịch sử, ý nghĩa, ngày sùng kính Lòng Thương Xót Chúa qua Thông Điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót” của Chân phước Gioan Phaolô II năm 1980.
Cha chia sẻ một số hình thức giúp cho chúng ta sùng kính Lòng Thương Xót Chúa mà chính Chúa mặc khải cho Thánh nữ Faustina: (1) Tôn kính linh ảnh Lòng Thương Xót Chúa với lời cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, Con Tín Thác Vào Chúa”. (2) Lần chuỗi thương xót. (3) Tôn kính giờ tử nạn của Chúa vào lúc 3 giờ chiều. (4) Bí tích Hòa giải. (5) Bí tích Thánh thể. (6) Mừng kính đại lễ Lòng Thương Xót Chúa.
Sau đó là cung nghinh linh ảnh Lòng Thương Xót Chúa lên lễ đài. Đoàn rước có Thánh giá đèn hầu, cờ của Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa TGP cùng các hạt Tân Sơn Nhì - Gò Vấp - Tân Định, đội trống giáo xứ Tân Thái Sơn, đoàn đồng tế, kiệu linh ảnh Lòng Thương Xót Chúa. Trong khi đoàn rước tiến lên lễ đài, cộng đoàn chào mừng cách hùng hồn bằng vũ điệu sống động với lời ca “Chào mừng, chào mừng hoan hô…” và tung hô: Chúa ơi – con yêu Chúa, Chúa ơi – con tin Chúa, Chúa ơi – con tín thác vào Chúa.
Dẫn vào Thánh lễ, Đức cha Phêrô nói: Hôm nay, khi đến đây để chia sẻ về tiểu sử của Thánh nữ Faustina, Đức cha Phó chủ tịch HĐGMVN đã bày tỏ sự ngỡ ngàng khi chứng kiến sự hiện diện hết sức đông đảo của anh chị em. Sự hiện diện đông đảo đó, tự nó đã diễn tả tấm lòng của anh chị em, đặc biệt với Chúa Giêsu, hình ảnh của Lòng Thiên Chúa Thương Xót. Chúng ta đến đây để bày tỏ tâm tình yêu mến, tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ. Cùng với tâm tình ấy, chúng ta đến đây để học lấy Lòng Thương Xót của Chúa, để cho dòng chảy của Lòng Thương Xót qua mỗi người chúng ta được chảy vào trong đời sống hằng ngày của con người. Những tâm tình ấy, chúng ta cùng dâng lên Chúa trong Thánh lễ đặc biệt chiều hôm nay.
Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức cha Phêrô tâm tình: Thánh Gioan kể lại, khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Người hiện đến và sau khi nói với các môn đệ: “Bình an cho các con”, Chúa Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn. Hai lần, Thánh Gioan đều nhắc đến chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người. Như vậy chắc hẳn những thương tích trên thân mình của Đấng Phục Sinh phải mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
Đức cha Phêrô tâm tình: Những thương tích trên thân mình của Đấng Phục Sinh là bằng chứng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá và Đấng Phục Sinh chỉ là một, của Lòng Thương Xót, của tình yêu liên đới.
Những thương tích trên mình Người là hậu quả của tội lỗi, của sự độc ác của con người, trong đó có cả chúng ta đã gây ra. Nhưng Lòng Thương Xót của Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
Vì thế, trong ngày lễ hôm nay cũng như trong mỗi ngày, vào lúc 3 giờ chiều mà anh chị em tụ họp lại để làm việc kính Lòng Chúa Thương Xót. Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì hãy khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình và khám phá ra Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn tội lỗi của mình để đón nhận ơn tha thứ.
Đức cha nói tiếp: Khi ta đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, xin Chúa hãy mở lòng chúng ta để mình biết chia sẻ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình bằng những cử chỉ nhỏ bé nhất, một lời cầu nguyện, một tâm tình chia sẻ, một sự hiện diện để nâng đỡ, và nếu có thể là những hành động lớn hơn nữa.
Kết thúc chia sẻ Tin Mừng, cộng đoàn cùng hát kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa từ nhân xin…”
Phục vụ cho Thánh lễ là ca đoàn Thiện Chí, giáo xứ Bình Thuận, hạt Tân Sơn Nhì. Với tiếng hát du dương, thánh thót, mạnh mẽ đã góp phần làm cho Thánh lễ thêm phần trang trọng và sốt mến.
Sau phần Phụng vụ Thánh thể, Đức cha Phêrô đã làm phép ảnh tượng mà tất cả mọi người cầm trên tay. Sau đó, ông đại diện Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa TGP đã dâng lên hai Đức cha, quý cha đồng tế lời tri ân cảm tạ; ông cũng cám ơn những đơn vị, cá nhân đã giúp đỡ cho buổi lễ tốt đẹp; đặc biệt cám ơn những người từ khắp miền đất nước, không kể đường xá xa xôi, đã đến đây cùng dâng Thánh lễ.
Trước khi hai Đức cha cùng ban phép lành toàn xá, cộng đoàn cùng dâng lên Chúa kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính.
Thánh lễ kết thúc, hai Đức cha, quý cha đồng tế chụp hình lưu niệm với Ban Chấp hành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP, mọi người ra về trong trật tự và bình an.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020