TGP Sài Gòn: Lễ giỗ lần thứ 9 Đức cố Hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận

TGP Sài Gòn: Lễ giỗ lần thứ 9 Đức cố Hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận

WGPSG -- Ngày 16/9/2011, tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Tôi Tớ Chúa Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nhân kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 9 của Người.

Trước khi dâng Thánh lễ, linh mục phụ tá Giuse Vương Sĩ Tuấn, nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, công bố đôi dòng về Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Sau đó, quý tu sĩ, quý cộng đoàn Dòng Ba Cát Minh, các anh chị em trong nhà thờ cùng đọc kinh xin ơn với Đức Hồng y.

Thánh lễ giỗ do Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế. Đồng tế với ngài có các linh mục Trưởng ban Mục vụ Ơn gọi, Trưởng ban Mục vụ Gia đình và linh mục phụ tá nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn.

"Hôm nay, chúng ta dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa, vì Chúa ban cho Giáo phận chúng ta một mục tử tốt lành, là Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta xin Chúa ban cho tiến trình tuyên phong Chân phước cho Ngài, được tiến hành một cách nhanh chóng và tốt đẹp. Không phải vì cá nhân Ngài, mà vì Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được loan báo rộng rãi trên thế giới", Đức cha Phêrô đã nói trong lời mời gọi đầu lễ.

(Xem tin bài liên quan: Lá thư đặc biệt nhân lễ giỗ ĐHY Phanxicô)

Trong bài giảng, Đức cha Phêrô nói sơ nét về đời sống của Đức cố Hồng y: Ngày 14/9, lễ Suy tôn Thánh giá, nhắc chúng ta chân lý căn bản trong Kitô giáo, Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng sức mạnh tình yêu, một tình yêu đi đến tận cùng là chết trên Thập giá. Ngày 15/9, lễ Đức Mẹ Sầu Bi, làm nổi bật hình ảnh của Mẹ Maria, một người phụ nữ đã tích cực cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng cả tấm lòng yêu thương, tấm lòng của người Mẹ dành cho Chúa Giêsu là Con của Ngài, và cũng là tấm lòng của người Mẹ dành cho Hội Thánh. Ngày 16/9, chúng ta tưởng niệm Đức cố Hồng y mà nay gọi là “Tôi Tớ Chúa”. Ngài có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt, noi gương Đức Mẹ và cùng với Đức Mẹ, Ngài bước đi trên con đường Thánh giá của Chúa Giêsu. Đức cố Hồng y có tấm lòng yêu thương, tha thứ. Chính thái độ sống đó, làm cho Ngài trở thành người đáng kính phục trước mặt mọi người. Là con cái của Ngài, chúng ta được mời gọi noi theo chứng tá đời sống yêu thương của Ngài.

Thánh lễ kết thúc, Đức cha Phêrô, quý cha đồng tế, và những người tham dự lần lượt thắp nhang tưởng nhớ Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

1- Đôi dòng tiểu sử Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:

- Sinh ngày 17/4/1928, tại Phú Cam, Tổng Giáo phận Huế, là con trưởng trong một gia đình có 8 người con (3 trai và 5 gái).
- Gia nhập chủng viện An Ninh (Cửa Tùng – Quảng Trị) năm 1940.
- Ngày 11/6/1953, lãnh nhận chức linh mục tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam.
- Năm 1956, cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbania, Roma.
- Năm 1957, cha Tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật.
- Từ Rôma về Giáo phận Huế, cha được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện Hoan Thiện, rồi Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế vào năm 1964.
- Ngày 13/4/1967, cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, khi 39 tuổi, và chọn khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng”.
- Ngày 24/4/1975, Đức cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.
- Ngày 9/4/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình
- Ngày 24/11/1994, ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn, để phục vụ tại Giáo triều Rôma.
- Ngày 24/6/1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình, thay thế Đức Hồng y Roger Etchegaray.
- Mùa Chay năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời ngài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo hoàng và Giáo triều Rôma.
- Ngày 21/01/2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ngài vào Hồng y Đoàn.
- Vào lúc 18 giờ, ngày 16/9/2002, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Đức Hồng y qua đời, Đức cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh vừa qua đời.”

2- Án phong Chân phước

Ngày 17/9/2007, trong dịp tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chào mừng việc khởi sự mở án phong Chân phước cho vị Tôi Tớ Chúa, và nói: “Tôi vui lòng nhân cơ hội này, một lần nữa, nêu bật chứng tá đức tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám mục Phanxicô Xaviê – như ĐHY thường tự giới thiệu – đã được gọi về nhà Cha vào mùa Thu năm 2002, sau một thời gian dài chịu bệnh trong sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa.

Trong thời gian trước đó, Người đã được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, rồi trở thành chức vị Chủ tịch. Đức Hồng y đã khởi sự tiến trình công bố “Toát yếu Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh.” Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người. Làm sao không nêu lên khả năng của Đức cố Hồng y trong việc đối thoại và trở nên người thân cận với mọi người.

Chúng ta nhắc nhớ Đức cố Hồng y với tất cả lòng ngưỡng mộ, trong khi chúng ta nhớ đến những viễn tượng đầy hy vọng đã linh hoạt Đức Hồng y và Đức Hồng y biết đề nghị những viễn tượng ấy một cách dễ dàng và đầy sức thuyết phục; sự dấn thân hăng hái của Đức cố Hồng y trong việc phổ biến Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh nơi người nghèo trên thế giới, lòng khao khát đối với công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại đại lục của người Á Châu, khả năng phối hợp các hoạt động từ thiện và thăng tiến nhân bản mà Đức Hồng y đã cổ võ và nâng đỡ ở các miền hẻo lánh nhất của trái đất.”

Đức Giáo hoàng nói thêm rằng: Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Đức Hồng y gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần.

3- Tiến trình đạt được trong án phong Chân phước

Cho đến nay, Ủy ban Điều tra Án phong thánh đã lấy lời khai 120 người, là những người đã được biết đến Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận.
Ủy ban Lịch sử đã tham gia vào công tác có ý nghĩa của việc nghiên cứu, và biên mục các tài liệu có thể được thu thập và liên quan đến đời sống của Tôi Tớ Chúa. Dự án này chưa được hoàn thành đầy đủ.

Dự án di chuyển hài cốt của Tôi Tớ Chúa từ nghĩa trang Verano vào thánh đường Santa Maria Della Scala, nhà thờ Hiệu tòa của Đức Hồng y, đang được tiến hành.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top