Thách đố lớn không phải là chủ nghĩa vô thần, nhưng là sự dửng dưng

Thách đố lớn không phải là chủ nghĩa vô thần, nhưng là sự dửng dưng

WHĐ (26.03.2011) – Theo sáng kiến của Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, chương trình Sân Chư dân, cuộc hội thảo giữa các tín hữu và những người không tin, đã được tổ chức tại Paris trong hai ngày 24-25 tháng Ba 2011. Nhân dịp này, báo La Croix đã có cuộc trao đổi với Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

La Croix: Tại sao Giáo hội cần đối thoại với những người không tin?

Đức Hồng y Gianfranco Ravasi: Giáo hội không còn thấy mình là một hòn đảo bị cô lập trên thế giới. Giáo hội ở trong thế giới. Vì thế đối với Giáo hội, đối thoại là vấn đề nguyên tắc. Bởi vì trong xã hội của chúng ta dù tự hào là thế tục, người ta vẫn thấy có những nhu cầu cơ bản, thể hiện qua sự quan tâm đến điều thánh thiêng, Thời đại Mới, cả đến siêu nhiên và phép thuật ... Để đáp ứng tính cấp bách này, những mô hình văn hóa và tôn giáo lớn xuất hiện một cách chính đáng.

Hơn nữa, chúng ta muốn nói với xã hội đương thời rằng đức tin và thần học thuộc về các phương thức chuyển tải kiến thức và văn hóa lớn, có vị trí và thế giá riêng của mình. Cuộc đối thoại này phải diễn ra ở mức độ cao nhất mà không đẩy lùi các tín hữu về thời kỳ đồ đá!

Cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng thách đố lớn không phải là chủ nghĩa vô thần, nhưng chính sự dửng dưng còn nguy hiểm hơn nhiều. Tất nhiên, có một chủ nghĩa vô thần mỉa mai của một Michel Onfray*, nhưng sự dửng dưng có thể được minh họa bằng câu nói đùa này: “Nếu ngày nay Thiên Chúa ra đường, Ngài sẽ bị hỏi giấy!”

– Dầu vậy, “Sân chư dân” chẳng phải là nơi truyền giáo sao?

– Chắc chắn là không. Chúng ta cũng giống như Phaolô đứng trước hội đồng Areopagus ở Athens. Chúng ta nói với những người không tin những gì chúng ta tin, và chúng ta lắng nghe họ. Ngay cả khi chúng ta biết rằng mọi kiến giải lớn của văn hóa và tôn giáo không chỉ có tính thông tin mà còn mang tính hiệu quả: chúng dẫn đến hành động. Đọc Dostoyevsky, Pascal, Dante, Nietzsche là đủ thấy ...

– Về sâu xa, Giáo hội muốn nói gì với người không tin?

– Tôi lấy lại sự phân biệt mà nhà thần học Tin lành người Đức Dietrich Boenhoeffer đã đưa ra, giữa “những thực tại áp chót” và “những thực tại tối hậu”. Tự bản chất, Kitô giáo là tôn giáo nhập thể có sứ điệp dựa trên một thực tại lịch sử. Với tính cách nhập thể này, Kitô giáo phải hành động trong xã hội, khi đối thoại với các chính sách hay hành động cho công lý và tình liên đới.

Nhưng chúng ta không chỉ là một “tổ chức phi chính phủ”. Bổn phận của chúng ta là phát biểu về “những thực tại tối hậu”. Qua đó, tôi không chỉ muốn nói về Thiên Chúa, về Lời Ngài, về siêu việt, nhưng còn về các vấn đề lớn của đời sống: sự sống, tình yêu, cái chết..., đó chính là nội dung của chương trình Sân chư dân.

Về các mặt này, Giáo hội quả quyết mình nắm giữ chân lý. Một quả quyết ít nghe thấy trong thời đại của sự dửng dưng.

Đây là vấn đề lớn. Đối với Kitô hữu, quả thật, Sự Thật có trước chúng ta, nơi con người Đức Kitô. Trong khi theo nhãn quan nền văn hóa đương đại, mỗi người chúng ta tạo ra chân lý. Từ khác biệt này phát sinh những quan niệm khác nhau về thiện và ác, về tự do, công lý.

Chúng ta biết rằng ngày hôm nay, mọi sự thật thay đổi tùy bối cảnh, mỗi người có thể tạo ra chân lý của riêng mình. Cuối cùng, một hành động tội phạm lại có thể được coi là phù hợp với sự thật. Một tác giả đã từng nói: “Sự thật sẽ không làm cho bạn được tự do.” Ngược lại, Musil quả quyết: “Sự thật không phải là viên đá quý ta mang trong túi, nhưng là biển khơi nơi ta đắm mình bơi lội.”

– Chúng ta nghĩ rằng việc đề cao Sự Thật là cấp bách. Liệu có thể bằng lòng với một xã hội chỉ hình thành bởi những ứng xử của các cá nhân được điều chỉnh, mà không cần nhìn nhận những chuẩn tắc chung?

– Đối với Kitô giáo, tự do được điều hướng, được hướng tới một mục tiêu, không chỉ với ý nghĩa của “tấm giấy thông hành” hiện đại, vốn tự hạn chế vì sự tự do của người khác.

– Có phải là vấn đề thống nhất đức tin và lý trí?

– Một mặt, người ta thừa nhận chủ nghĩa duy lý đã đi quá lố, nhưng người ta cũng thấy phát sinh những biểu hiện của bất hợp lý và cảm tính. Trong bối cảnh này, nếu phải nhắc lại quyền tự do cần thiết của đức tin và lý trí, thì cũng phải nhớ rằng con người là một, đức tin và lý trí cần phải đối thoại với nhau trong con người ấy.

– Về các chủ đề này, chẳng phải là mọi chuyện đã được giải quyết rồi sao?

– Chắc chắn, chúng ta là thiểu số. Cách nhìn của chúng ta có thể bị coi là khiêu khích, gây chướng tai gai mắt. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ lẽo đẽo theo đuôi đám đông?

– Đến mức tạo ra một nền văn hóa nghịch chiều?

– Trong thực tế, tín hữu là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Văn hóa hiện đại, do truyền thông đại chúng tạo ra, nhắm đến việc đồng nhất hóa tư tưởng. Bất cứ ai nghĩ khác đi sẽ bị coi là ngông cuồng. Bổn phận của chúng ta, cùng với người khác, là thực hiện một công việc cần thiết và khó khăn: tìm kiếm sự thật, sự thiện, nhận ra cái giả, cái ác.

– Trên cơ sở này, ngài mong đợi kết quả gì từ các cuộc gặp gỡ của Sân chư dân tại Paris?

– Chúng tôi muốn ném một hòn đá xuống ao, khuấy động suy tư và đối thoại, rồi xem điều gì xảy ra. Trong phiên họp đầu tiên tại Đại học Bologna, chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Trong bốn người đọc tham luận (một nhà khoa học, một luật sư, một nhà triết học, một nhà văn), hai người là tín hữu, và hai không phải là tín hữu. 2000 người đã tham gia, thảo luận, nghe các bài nói chuyện về Nietzsche, Pascal, thánh Augustine. Tất cả đều tuyệt đối im lặng, tôn trọng lẫn nhau và rất chú tâm. Sau Paris, chúng tôi sẽ đến Stockholm do phái Luther của nhà nước bảo trợ, rồi đến Tirana và Prague, những nơi nổi tiếng của chủ nghĩa vô thần nhà nước.

(Theo Frédéric MOUNIER, La-Croix)

––––––––––––––––––––––––
* Michel Onfray (sinh năm 1959) là nhà triết học đương đại người Pháp, theo chủ nghĩa khoái lạc, vô thần và vô chính phủ. Ông tự cho mình là người vô thần kiên định và cho rằng không thể biện minh cho tôn giáo. (Chú thích của người dịch)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top