Thần học bối cảnh và huấn giáo tại Việt Nam

Thần học bối cảnh và huấn giáo tại Việt Nam

WGPSG -- Buổi Sinh hoạt Chuyên đề tháng 4: “Thần học bối cảnh và huấn giáo tại Việt Nam” đã diễn ra vào lúc 8g30 thứ Bảy ngày 5.4.2014, tại hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn (6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp.HCM). Hiện diện trong buổi sinh hoạt có quý cha: Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Roco Nguyễn Kim Duy, Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Antôn Hà Văn Minh, Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Sr. Mai Thành, cùng quý giảng viên, học viên và các giáo lý viên.

Trong phần khai mạc, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc đã giúp cộng đoàn thánh hóa buổi sinh hoạt bằng bài hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần”.

Bài thuyết trình đầu tiên của cha Phaolô Vũ Chí Hỷ đã giúp các tham dự viên biết lý do có sự chuyển biến khung não trạng trong thần học là để Tin Mừng được khai mở phát triển dựa trên những điều kiện văn hóa ngày nay. Thần học bối cảnh giúp con người hiểu mình và mọi người để thăng tiến nhân sinh qua sáu mô hình kiểu mẫu: Chuyển ngữ, Nhân học, Thực hành, Tổng hợp, Nghịch văn hóa và Siêu nghiệm. Những đóng góp của thần học bối cảnh cho Huấn giáo bao gồm: Một khởi điểm mới từ bối cảnh; Một chất liệu thần học mới; Với Ngôn ngữ và những Ý niệm mới; Với chia sẻ cảm nghiệm như một phương thức. Mỗi phương thức đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Qua đó, giáo lý viên có nhiều khả năng chọn lựa phương thức thích hợp nhất cho hoàn cảnh của mình. (xin nghe audio)

Trong phần trao đổi, cha Phaolô đã giúp học viên biết để trở thành nghệ nhân phải học và hiểu văn hóa, nhất là phải có lòng yêu mến Tin Mừng và Đấng mà ta muốn rao giảng. Con người là một chủ thể suy tư nên có thể loan báo Kinh Thánh trong thân phận con người.

Cha Roco Nguyễn Duy với bài hát “Phó thác” diễn tả sự vâng phục Chúa Cha đến cùng của Chúa Giêsu, đã đưa các tham dự viên vào giây phút lắng đọng suy tư.

Qua phần hai, cha Antôn Hà Văn Minh với đề tài: “Thần học bối cảnh và Huấn giáo”, đã cho thấy những nỗ lực hội nhập văn hóa và xã hội của Hàng Giáo phẩm Việt Nam qua việc đối thoại với dân tộc, đối thoại với văn hóa truyền thống của dân tộc, và đồng hành với dân tộc. Đại hội Dân Chúa 2010, với Thư Chung của Hội đồng Giáo mục VN, đã đưa ra những bước đột phá phù hợp với bối cảnh xã hội. Hàng Giáo phẩm VN đang làm người ta nhận ra hình ảnh của Đức Kitô qua những việc dấn thân phục vụ của mình. Tuy nhiên, để cho mọi người thấy được hình ảnh đích thực của Chúa Giêsu vẫn còn là một thách đố. (xin xem bài đính kèm)

Trả lời các câu hỏi về các việc lễ nghi tế tự hay những việc có tính cách dị đoan, cha Antôn đã viện dẫn thông báo của HĐGMVN về vấn đề này: Việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã) hay lạy nơi dành cho tế tự thì không được thi hành. Nếu những việc làm không tuyên xưng tín ngưỡng của tôn giáo khác mà biểu lộ tâm tình tự nhiên không trái với đức tin Công giáo thì được tham dự.

Ý kiến của một chị giáo lý viên về việc quý linh mục nên đọc những tài liệu về Công đồng Vatican II để có hướng hoạt động tích cực, và quý chủng sinh nên được đào tạo về thần học bối cảnh để áp dụng vào thực tế, được quý cha ghi nhận và kính chuyển đến quý vị hữu trách.

Cha Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền đúc kết: Từ năm 1965-1969, Giáo Hội Việt Nam đã suy tư về vấn đề này nên từ 1977-1991 đã đặt giáo lý dưới cái nhìn loan báo Tin Mừng. Hiện nay, chúng ta nên thay đổi não trạng trước, vì suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động.

Kế tiếp, cha Phêrô thông báo ngày sinh hoạt chuyên đề sắp tới là ngày 3 tháng 5 với hai đề tài: “Thần học bối cảnh đối thoại với thế giới” và “Thần học về cái đẹp”.

Hai đại diện cộng đoàn đã lên tặng hai cha thuyết trình viên hai bó hoa tươi thắm với lòng biết ơn trước khi buổi sinh hoạt kết thúc vào lúc 11g45.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top