Thăng tiến đời tu
KHOÁ THĂNG TIẾN ĐỜI TU
Thời gian: từ ngày 23-27/11/2009
Địa điểm: Toà Tổng Giám Mục Tp. HCM
WGPSG -- Đây là năm thứ 12, những khoá học được tổ chức liên tục cho tu sĩ, những năm đầu mỗi năm 2 khoá, hiện nay mỗi năm 1 khoá, nhằm nâng cao kiến thức về đời tu cũng như giúp các tu sĩ đào sâu thêm về đời sống tâm linh.
Khoá học Thăng tiến đời tu lần này quy tụ trên 200 nam nữ tu sĩ, thuộc nhiều dòng, đa số đã có bề dày kinh nghiệm sống và chiều dài phục vụ trong đời thánh hiến, tuỳ theo linh đạo của mỗi dòng.
Trong lãnh vực đời sống tu trì, để thực sự thăng tiến đời tu đòi hỏi người tu sĩ phải thăng tiến về nhiều chiều kích: thể lý, nhân bản, tâm lý, mục vụ và tâm linh.
Không thể có một thăng tiến đích thực về đời tu, nếu chưa tôn trọng những đòi hỏi căn bản về mặt nhân bản và tâm lý. Khi hành động ngược với nhân phẩm và nhân quyền thì khó có thể nói đến một thăng tiến về tu đức và tâm linh. Chiếu kích nhân bản là mảnh đất tự nhiên trên đó sẽ đâm bông tâm linh.
Từ quan điểm của Kitô giáo, yếu tố tự nhiên và nhân bản là nền tảng căn bản, nhưng tự nó chưa đủ để giúp ta trở thành người tu sĩ tốt. Chúng ta chỉ thực sự trở nên tu sĩ khi được Chúa mời gọi và được ân sủng Ngài biến đổi. Nếu chưa được ân sủng của Đức Kitô tác động và biến đổi thì chúng ta chưa được thăng tiến, chưa thật sự đạt tới một cuộc sống tu trì an vui, hạnh phúc.
Tin Mừng của Đức Kitô luôn đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn luật tự nhiên và chiều kích nhân bản. Thật vậy, những đòi hỏi tự nhiên của công bằng thường được xác định rõ rệt… Trong khi đó, những đòi hỏi của Tin Mừng thì vô hạn hay nói rõ hơn, giới hạn của một tình yêu được Tin Mừng hướng dẫn là vô giới hạn. Nói theo ngôn ngữ của Đức Kitô, không phải chỉ tha thứ 7 lần, mà là 77 lần 7.
Tình yêu mở ra một chân trời vô biên. Nhiều khi nó giống như đường chân trời hay đường tiệm cận trong toán học. Chẳng bao giờ chúng ta có thể đạt đến đích điểm, vì chính khi ta vừa bước tới một bước, thì chân trời cũng đã lùi xa ta một bước. Chính vì vậy, có những trường hợp, xét về phía công bằng ta đã chu toàn, nhưng chẳng bao giờ có thể nói là đã hoàn thành nghĩa vụ của liên đới, yêu thương…
Thông thường niềm tin không giúp ta giải quyết mọi vấn đề hay biến đổi hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, niềm tin luôn giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự đời người thế và khám phá ý nghĩa mới của sự kiện. Rất có thể, với người có niềm tin, cái đau thể lý vẫn còn đó, nhưng nỗi đau tinh thần đã vơi nhẹ, hoặc đã biến mất, vì ta đã khám phá ra ý nghĩa cuả nó.
Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã khai mạc khoá học bằng việc nêu lên sự cần thiết của việc học. Việc học có thể ví như con đường đi đến chân trời vô định; dù đi tới đâu ta vẫn thấy chân trời còn xa thăm thẳm! Con đường đó không bao giờ cùng.
Cũng một cách ví von nhưng theo hình ảnh khác, Sr. Giồng xem khoá học này như là thời gian để “đánh xi”. Mỗi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, người tu sĩ còn được tô điểm đặc biệt hơn bằng ân huệ của đời Thánh hiến. Tuy nhiên, vì thời gian, do bụi trần mà nét đẹp Thiên Chúa ban cho con người đã bị che phủ đi. Trong khoá Thăng Tiến Đời Tu, mỗi người có dịp làm công việc “đánh xi”, để trả lại nét đẹp thuở ban đầu Thiên Chúa đã ban cho mình.
Trong suốt khoá học, các thuyết trình viên thay phiên nhau trình bày những đề tài cần thiết cho việc thăng tiến đời tu.
Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thuyết trình những đề tài
- Đâu là đóng góp của tu sĩ cho thế kỷ tâm linh?
- Sống hạnh phúc và viên mãn đời tu
- Sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam
Ba yếu tố không thể thiếu trong việc thăng tiến đời tu: nhân bản, tâm lý và ân sủng.
Trưởng thành về nhân bản và tâm lý mà thôi chưa đủ để là tu sĩ tốt; cần phải có ân sủng để được biến đổi mỗi ngày.
Nữ tu Thécla Trần Thị Giồng với những đề tài
- Một cuộc sống lành mạnh
- Thế nào là yêu mình và thế nào là quên mình?
- Đời sống tình cảm: Đâu là giới hạn? Đâu là lành mạnh/lệch lạc?
- Những phương thế thăng tiến đời tu (về mặt tâm lý)
Bản chất con người là tốt vì đã dược dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: “Chúa dựng nên con người không kém thần linh là mấy…”. Tuy nhiên, vẻ đẹp của con người đã bị bụi tội lỗi bao phủ. Vì thế, Thăng tiến đời tu mời gọi mỗi người “đánh xi” bản thân, loại bỏ lớp bụi, để hình ảnh Thiên Chúa được toả sáng trở lại.
Nữ tu Elizabeth Trần Như Ý Lan thuyết trình về
- Khủng hoảng môi sinh thế kỷ 21 và vũ trụ quan
Hội Thánh Công giáo Rôma thúc đẩy việc lành mạnh hóa môi sinh không chỉ bằng hành động cụ thể, mà sâu xa hơn, khẩn thiết hơn là tái xây dựng một tương quan đúng đắn với Đấng Tạo Hóa, đó là tôn trọng Thiên chúa và các tạo vật của Ngài. Tháng 6 năm 2009, Ủy ban Công lý, Hòa bình và Tính Toàn vẹn của vạn Vật đưa ra “Hiến Chương Trái Đất”
Chúng tôi, đứng trước thời điểm quan trọng trong lịch sử của Trái Đất, một thời điểm mà nhân loại phải tìm cho mình một tương lai.
Khi thế giới trở nên mong manh và phụ thuộc lẫn nhau, tương lai cùng lúc mang hứa hẹn lớn lao, nhưng cũng có mối hiểm họa to lớn. Để tiến lên phía trước chúng ta phải thừa nhận rằng, ở giữa sự khác biệt kỳ diệu của các nền văn hóa và hình thức sự sống, chúng ta là một gia đình nhân loại, và một cộng đoàn Trái Đất với một vận mệnh chung.
Chúng ta phải nối kết cùng nhau, để phát triển một xã hội toàn cầu, xây dựng trên sự tôn trọng thiên nhiên, các thụ tạo, nhân quyền, công bằng kinh tế, và một nền văn hóa của hòa bình.
Chúng ta, những dân tộc của Trái Đất, phải công bố trách nhiệm của chúng ta đối với nhau, đối với cộng đồnng rộng lớn hơn của đời sống, và đối với các thế hệ tương lai.
Trong 5 ngày lắng nghe, sống với, sống cho, sống vì, các tham dự viên một phần nào đã nhận ra sự phong phú của người khác. Mỗi người bổ sung cho nhau để trở thành một con người duy nhất trong Đức Giêsu Kitô. Từ đó, con người duy nhất này có trăm mắt để nhìn đời dưới mọi góc độ, tránh chủ quan, phiếm diện; có trăm tai để lắng nghe bao nỗi khốn khổ của anh chị em chung quanh mình; có trăm chân để mau mắn đến với tha nhân; có trăm tay để băng bó vết thương đồng loại; có trăm khuôn mặt để đóng nhiều vai, đáp ứng nhu cầu chung quanh; có trăm quả tim để ôm lấy tất cả, chia sẻ tình yêu với mọi người.
Theo chương trình định trước, kết thúc khoá học sẽ có Thánh Lễ, nhưng vì lý do khách quan, chương trình phải thay đổi. Sau agape, các thành viên mau lẹ trở về để còn kịp đến tham dự Lễ Khai Mạc Năm Thánh của TGP TP. HCM sẽ diễn ra vào lúc 18g30 tối nay.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12