Thanh đạm và liên đới như kiểu sống giúp đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chánh
Một số nhận định của ông Piergiorgio Bellocchio, chuyên viên phê bình văn chương
Từ hai năm qua cuộc khủng hoảng tài chánh đã khiến cho số người nghèo trên thế giới từ 850 triệu vọt lên hơn 1 tỷ người. Nó cũng đã khiến cho hàng chục triệu người mất công ăn việc làm, và biết bao nhiêu gia đình, kể cả tại các nước giầu tây âu, rơi vào cảnh khó khăn, phải thắt lưng buộc bụng vì không đủ tiền chi tiêu cho tới cuối tháng.
Tuy trong các ngày qua tổng thống Barack Obama tuyên bố sự suy thoái kinh tế bắt đầu giảm, nhưng tình hình công ăn việc làm bên Hoa Kỳ vẫn thê thảm. Các chuyên viên kinh tế lạc quan cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ chấm dứt, nhưng không ai biết chắc chắn khi nào. Và trong khi chờ đợi nền kinh tế tái đi lên, nhiều giới chức đề nghị phải thay đổi kiểu sống. Có người cho rằng phương thế tốt nhất giúp chống lại cuộc khủng hoảng tài chánh này là tập sống thanh đạm hơn và loại trừ những gì là thừa thãi không cần thiết.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Piergiorgio Bellocchio, nhà văn, chuyên viên phê bình văn chương, viết khảo luận và kể chuyện.
Nhà văn Bellocchio sinh năm 1931 tại Piacenza, trung bắc Italia. Năm 1962 ông thành lập nguyệt san ”Tuyển tập Piacenza” và làm giám đốc cho tới năm 1984, khi Tuyển Tập ngưng xuất bản. Trong các năm 1977 đến 1980 ông là giám đốc nhà xuất bản Gulliver. Năm 1985 cùng với nhà văn Alfonso Berardinelli ông thành lập tam nguyệt san Diario Nhật Ký. Ông cũng là tác giả của nhiều sách như: ”Các đầy tớ dễ chịu”, ”Đứng về phía sai lỗi”, ”Một cách tình cờ”, ”Mưu mô của các đam mê”, ”Đồ vật thất lạc”, ”Bên dưới sự đụng độ hỗn loạn”.
Hỏi: Thưa văn sĩ, để chống lại cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế đang khiến cho bao nhiêu người bị điên đảo ngày nay, có người đề nghị phải sống thanh đạm và liên đới hơn. Văn sĩ nghĩ sao?
Đáp: Thanh đạm và liên đới là các gía trị khác nhau. Người ích kỷ cũng là người thanh đạm. Tuy nhiên ai lựa chọn sống thanh đạm và loại bỏ những gì thừa thãi cũng phải tập phát triển một sự chú ý đặc biệt tới những người thiếu thốn cả những gì tối thiểu nhất. Như thế, đối với tôi xem ra sự thanh đạm là một điều kiện thuận lợi giúp sống tình liên đới.
Hỏi: Thưa văn sĩ, cách đây nửa thế kỷ cuộc sống của chúng ta đơn sơ chứ đâu có giống như bây giờ. Tại sao chúng ta đã lại lựa chọn kiểu sống chạy theo tiền bạc và quyền bính, lúc nào cũng muốn tự khoe mình và chiếm hữu, một cách thiếu óc phê bình và thái qúa vô lý như vậy?
Đáp: Nếu tôi quay ngược trở về thời thơ ấu và thanh niên của tôi cách đây 60 năm hay hơn nữa, thì sự thanh đạm là điều kiện sống bắt buộc đối với người nghèo, nhưng nó cũng là sự lựa chọn chính xác của các giới trung lưu. Khuynh hướng phô trương của những người giầu mới lên rất khan hiếm trước cuộc bùng nổ kinh tế, và hồi đó nó bị phê bình chỉ trích một cách nghiêm khắc. Các cụ già thì lắc đầu tự hỏi: làm sao mà họ có thể tự cho phép mình sống phô trương phung phí như thế? Trước sau gì thì cũng đến lúc sụp đổ thôi. Dầu sao đi nữa, khoe khoang giầu sang như vậy đã bị coi là một sự tầm thường xoàng xĩnh. Khi tôi nghe ông chủ tiệm, hay bạn học cùng trường nói rằng tôi là con gia đình giầu, tôi hỏi cha mẹ tôi: ”Có thật là nhà mình giầu không thưa ba má?” thì cha mẹ tôi phản đối ngay: ”Giầu cái gì mà giầu... Ai nhồi sọ cho mày như thế? Nhà mình chỉ có một chút hơn sự cần thiết thôi chứ giầu cái nỗi gì”. Đàng sau phản ứng đó là nỗi sợ hãi nếu con cái nó biết gia đình giàu, thì chúng nó sẽ ỷ lại, sống lười biếng không muốn làm việc hay học hành gì nữa.
Hỏi: Đó không phải là một sự sợ hãi có lý do hay sao thưa văn sĩ?
Đáp: Dĩ nhiên đa số là có lý do chứ... Một đôi khi tôi cũng đổ quạu vì thấy mình phải khước từ một cái gì đó, nên tôi tố cáo cha tôi là hà tiện, thì ông cụ chống chế ngay: ”Ba không hà tiện, ba tiết kiệm”.
Hỏi: Ngày nay xem ra lớp người tiết kiệm đã biến đâu mất hết. Ít nhất là họ bị các hoàn cảnh bắt buộc. Văn sĩ giải thích sự kiện này ra sao?
Đáp: Vào thời đó sự tiết kiệm không chỉ liên quan tới các việc mua bán thường ngày, mà nó là một kiểu sống. Kiểu sống đó tôi đã chịu đựng như là một người trang nghiêm và giả hình, nhưng giờ đây tôi lại nuối tiếc nó. Ngày nay khuynh hướng tiêu thụ đã xâm lấn mọi lãnh vực cuộc sống. Chúng ta đang chứng kiến một sự buông thả toàn diện: từ thế giới chính trị cho tới thế giới của giải trí, thường bị đồng hóa với giới truyền thông, báo chí, phim ảnh và truyền hình, cho tới mọi tương quan nhân loại.
Hỏi: Sự buông thả đó đã bắt đầu với ai và khi nào thưa văn sĩ?
Đáp: Nó đã bắt đầu bên hữu và cũng nhanh chóng lan sang bên tả nữa.
Hỏi: Thưa văn sĩ, sự buông thả đó đã len lỏi vào ngay cả trong công ăn việc làm, trong cuộc sống thường ngày, bằng một cách hay một hình thức nào đó trong kiểu diễn tả rườm rà hay thái qúa, có đúng thế không?
Đáp: Vâng đúng thế. Khi đọc lại một số các bài viết đó đây của tôi, tôi thường bất đồng ý kiến với giọng văn của mình, và ngạc nhiên nhận ra những cái thừa thãi, nặng nề, qúa đáng. Đáng lý ra chỉ cần dùng ít từ hơn để diễn tả một ý niệm, một ý kiến, nhưng tôi đã dùng qúa nhiều tính từ vô ích... Trong nghề viết văn người ta không bao giờ thanh đạm đủ. Bớt di, chặt đi, diễn tả một cách chính xác hơn và hiệu qủa hơn luôn khiến cho chúng ta được lợi hơn.
Hỏi: Theo văn sĩ, Giáo Hội có là một mẫu gương của sự thanh đạm hay không?
Đáp: Giáo Hội rao giảng sự thanh đạm và nhiều tín hữu thực hành sống thanh đạm. Nhưng tôi thấy sự thanh đạm là một giá trị đời, tự tại, mà không cần phải dựa trên sự siêu việt nào cả.
Hỏi: Thế nhưng mà ai là những người sẵn sàng từ bỏ sự sang trọng và sự thừa thãi đây? Ai sẽ nghe theo lời mời gọi sống thanh đạm, chữa lành các thái qúa và có các cung cách hành xử liêm chính, không có những cái rườm rà qúa đáng và hữu hiệu hơn đây?
Đáp: Liên quan tới điểm này thì tôi bi quan. Có thể có một số người ý thức rằng một số các tiện nghi dễ dãi, mà cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế thế giới và cảnh nghèo đã bắt buộc họ phải khước từ, thật ra không cần thiết cũng không gây thích thú hay ích lợi gì cả. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó, cả khi tôi cầu mong là có nhiều người biết nghĩ như thế. Tuy nhiên muốn từ bỏ các tật xấu thì phải đi qua con từ bỏ ấy. Nó là một sự cần thiết cam go.
Hỏi: Thưa văn sĩ Bellocchio, ”hạnh phúc và ước mong điều mình có” như một biểu ngữ của ông Charles Schulz, người đã tạo ra nhân vật nổi tiếng Charles Brown, có đúng thế không?
Đáp: Đây là nguyên tắc khôn khoan cần khích lệ giúp chống lại ý chí thoáng qua, chống lại các làn khói ảo ảnh, chống lại khuynh hướng thời thượng đua đòi. Thí dụ như trường hợp những người cảm thấy xấu hổ vì nguồn gốc của mình, về cha mẹ mình, về đất nước mình và về tiếng nói của mình.
Tuy nhiên, việc chống lại sự thay đổi có thể khuyến khích người ta sống chịu trận và bất động. Hơn là yêu thích cái mình có, cần phải biết trân trọng chứ đừng khinh rẻ nó. Chấp nhận nó mà không chỉ hài lòng với nó. Chúng ta càng ít đổ tội cho người khác bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy có trách nhiệm đối với vận mệnh của chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có nhiều khả năng lớn lao để cải tiến bấy nhiêu.
Và tôi muốn kết thúc câu trả lời với câu chuyện triết gia khắc kỷ Diogene đi quanh co ngoài chợ ngắm các thứ hàng hóa, bánh trái, thực phẩm và kêu lên: ”Có biết bao nhiêu thứ tôi không hề cần đến!”
(Avvenire 29-7-2009)
Linh Tiến Khải