Thánh Giuse, cha của những ai có lòng trông cậy

Thánh Giuse, cha của những ai có lòng trông cậy

Nếu như Abraham được Kinh Thánh gọi là tổ phụ của những người tin, thì thánh Giuse thật xứng đáng trở thành cha của những ai có lòng trông cậy.

Thánh Giuse, vị cha nuôi của Đức Giêsu, là một nhân vật đặc biệt trong sứ mạng Thiên Sai của Đấng Cứu Thế. Kinh Thánh không nhắc nhiều đến Ngài. Nếu như Tin Mừng còn ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria, thì tuyệt nhiên hoàn toàn thinh lặng về những lời phát biểu của thánh Giuse. Nhưng chúng ta biết được một chi tiết rất quan trọng trong Mt 1,19: thánh nhân là người công chính. Tức là một người hết mực cậy trông nơi Chúa và tuân giữ, thi hành mọi điều thánh ý Thiên Chúa bày tỏ.

Ngay giữa lúc được thiên thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về việc Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, thánh Giuse xem chừng cũng không nói một lời nào. Tuy nhiên, tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngài, Ngài đều thực hiện một cách mau chóng và hoàn trọn. So sánh một chút với ơn gọi và sứ mạng của một số nhân vật trong Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận xét rằng: niềm trông cậy của thánh Giuse là một niềm cậy trông không tính toán.

Với tổ phụ Abraham, mặc dù được gọi là tổ phụ của những ai tin, bởi niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn phải nhắc đi nhắc lại lời hứa sẽ trở thành tổ phụ một dân đông đảo như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển (Dn 3,36) và không ngừng bày tỏ lời chúc phúc ấy ra trong cuộc sống thường nhật nơi gia đình tổ phụ.

Với Môsê, người tôi trung đã được Chúa sử dụng để dẫn đưa dân của Người từ Ai Cập trở về, Thiên Chúa cũng phải “vất vả” để thuyết phục ông. Ngay từ cuộc thần hiện trên núi Khorep trong bụi gai bốc cháy[1] cho đến khi đưa dân về gần đất hứa, biết bao phen ông đã trách móc Thiên Chúa hay tự trách mình, biết bao lần Thiên Chúa đã phải “tạm ứng trước” lời hứa của mình bằng các phép lạ đi kèm và bằng cả vật bảo đảm là cây gậy thần. Sau cùng thì Môsê mới chấp nhận ngoan ngoãn tuân theo ý Chúa.

Với các ngôn sứ, ý muốn của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng được thi hành mau chóng và hoàn trọn. Có vị đã “trả treo” với Chúa và có vị còn cả gan “chống lại” ý Người. Ngôn sứ Giêrêmia chẳng hạn, ý muốn của Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã không được hăng hái đón nhận. Từ việc từ chối khéo: “Ôi, lạy Đức Chúa, con đây còn quá trẻ, con chẳng biết ăn nói”[2] cho đến buông xuôi, chán nản: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”[3]. Trường hợp ngôn sứ Giôna, ông luôn tìm cách “tránh nhan Đức Chúa”[4] và làm ngược lại ý muốn của Người. Người sai ông đi Ninivê thì ông lại đáp thuyền đi Tácsít, Người không giáng phạt dân như lời ông tuyên sấm thì ông bực tức bỏ ra ngoài thành. Để rồi, cuối cùng, bằng tình thương hải hà của mình, Chúa đã chinh phục được ông.

Còn đối với thánh Giuse, chúng ta không được chứng kiến nhiều ý định của Thiên Chúa nơi cuộc đời Ngài, nhưng nơi các biến cố chỉ được tỏ bày qua giấc mộng, chúng ta thấy chân dung một người tin không tính toán, so đo.

Đang ngủ thánh Giuse được lệnh nhấp nhận Đức Maria, Ngài thức dậy và Tin Mừng bảo rằng Ngài đã đón Maria về nhà của mình[5]. Rồi khi Chúa Giêsu mới được sinh ra, cũng lại ban đêm thánh nhân nhận được lệnh phải đem Đức Chúa và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập, thế là đang đêm Ngài cất bước lên đường[6]. Rồi đang yên ổn ở bên Ai Cập, thánh Giuse lại được báo mộng ở trong giấc mơ. Ngài cũng lại thức dậy và lại lên đường[7]. Cứ như thế, cuộc đời của thánh Giuse chỉ biết thai hành thánh ý Chúa bằng tất cả niềm tin.

Nhìn lại đời sống đạo của các tín hữu ngày hôm nay, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một điều: những gì chúng ta nói với Chúa chỉ là những đòi hỏi, yêu sách theo ý chúng ta hơn là phục vụ theo ý muốn của Chúa. Chúng ta đang tính toán quá nhiều đối với Chúa trong niềm tin của mình. Chúng ta hãy học nơi thánh cả Giuse, lắng nghe tiếng Chúa, tìm ra thánh ý Chúa và chỉ biết im lặng thi hành như một người đầy tớ trung thành, thì mới mong sẽ có ngày được hợp đoàn với các thánh trên quê trời.

Thạch Vịnh, OP

(CSTMHĐGDĐM tháng 3.2012)

-------------------
[1] Xc. Xh 3,5

[2] Xc. Gr 1,6

[3] Xc. Gr 20,9

[4] Xc. Gn 1,3

[5] Xc. Lc 1,18-25

[6] Xc. Lc 2,13-14

[7] Xc. Lc 2,19-23

Top