Thánh lễ cầu nguyện hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

Thánh lễ cầu nguyện hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

Đức Hồng y Pietro Parolin: Hòa bình mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt qua khỏi những kỳ vọng thế tục; hòa bình mà không có thập giá và thử thách thì không phải hòa bình của Chúa Kitô.

Tối 17.10, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã cử hành Thánh lễ cầu cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một tín hữu Công giáo, và phu nhân đã tham dự Thánh lễ cùng với nhiều tín hữu Hàn Quốc, các vị giám mục, linh mục và đại diện ngoại giao đoàn của Tòa Thánh.

Trong bài giảng, Đức Hồng y Parolin chia sẻ rằng ngài cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt là tại bán đảo Triều Tiên, để sau nhiều năm căng thẳng và chia rẽ, từ “hòa bình” cuối cùng có thể vang lên. Hòa bình được xây dựng bởi những lựa chọn hằng ngày, bởi sự cam kết thiết thực trong việc phục vụ công lý và tình liên đới, bởi việc thúc đẩy nhân quyền và phẩm giá con người, và đặc biệt là sự chăm sóc cho những người yếu thế nhất. Nhưng trước hết, con người phải tin rằng hòa bình là một món quà đến từ Thiên Chúa.

Hòa bình là những trải nghiệm thực tế mỗi ngày, như Đức Thánh Cha thường nói “một hòa bình giữa những thử thách”. Hòa bình mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt qua khỏi những kỳ vọng thế tục. Đây không phải là kết quả của một sự thỏa hiệp đơn giản, mà là một thực tế mới, bao gồm tất cả các chiều kích trong cuộc sống. Ngài nhận định rằng, hòa bình mà không có thập giá và thử thách thì không phải hòa bình của Chúa Kitô.

Đức Hồng y Parolin cũng nhắc về thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong thông điệp của ngài nhân “Ngày thế giới vì hòa bình” lần đầu tiên vào năm 1968, trích dẫn lời thánh Gioan XXIII: “Chúng ta phải luôn nói về hòa bình. Thế giới phải được giáo dục để yêu thương, xây dựng và bảo vệ hòa bình”.

Ngài mời gọi mọi người cùng khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn sủng để thực hiện sứ mạng đích thực trong thế giới ngày nay, tin tưởng vào sức mạnh của thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Với ân sủng của Thiên Chúa con đường của sự tha thứ trở nên khả thi, sự chọn lựa tình huynh đệ giữa các dân tộc trở thành hiện thực, hòa bình trở nên một nhận thức được chia sẻ trong sự đa dạng của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: Vatican News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top