THÁNH THẦN TRONG CHỨNG NGHIỆM TÂM LINH THỜI ĐẠI
Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần,
thì cũng hãy nhờ Thánh Thần mà tiến bước.
(Gl 5,25)
Trước khi trở thành tín điều trong kinh Tin Kính, Thánh Thần đã là một chứng nghiệm sống trong Giáo Hội nguyên thủy. Chứng nghiệm tâm linh này chưa bao giờ ngừng lại trong lịch sử và ngày nay chứng nghiệm ấy vẫn còn làm sống động tất cả những gì mang dấu vết Thiên Chúa trong Giáo Hội. Nhìn nhận Thánh Thần hiện diện khắp nơi, không có nghĩa là chúng ta không truy xét được một thứ hiện diện đặc biệt khi sự kiện xảy đến, và phân định được những gì mà sự kiện ấy biểu hiện. Trong tinh thần đón nhận hoạt động hoàn toàn tự do của Thánh Thần, tôi muốn nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng của việc canh tân trong Thánh Thần. Tôi xin mô tả vắn gọn nguồn gốc công cuộc canh tân, đồng thời tìm hiểu các chứng từ và sau đó thử phân tích về chứng nghiệm tâm linh ấy trong thời đại hiện nay.
1. NGUỒN GỐC
Phong Trào Canh Tân phát sinh giữa lòng Giáo Hội Công Giáo vào năm 1967, trong môi trường sinh viên đại học Duquesne ở Pittsburgh, Hoa-Kỳ. Khi đất nầy và toàn thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng về xã hội và tôn giáo, một vài thanh niên ý thức được rằng con người vốn bất lực không thể giải quyết được cơn khủng hoảng ấy. Vì thế, họ đã tự động gặp nhau trong một buổi tĩnh tâm cuối tuần để cầu nguyện, ăn chay, khẩn cầu Thánh Thần.
Những thanh niên ấy là ai?
Đó là những sinh viên, giáo sư đại học, phần lớn dấn thân vào những hoạt động tông đồ hay xã hội khác nhau, như phong trào phụng vụ và đại kết, tranh đấu cho các quyền dân sự, khởi xướng việc ủng hộ hòa bình trên thế giới. Anh chị Ranaghan cho biết, dù thực sự sống đời sống Kitô hữu, giới trẻ «vẫn cảm thấy trống rỗng, thiếu động lực, mất sức mạnh trong đời sống cầu nguyện và hành động, cứ như là đời sống Kitô hữu của họ là chuyện tự mình tưởng tượng ra, cứ như là sinh hoạt tôn giáo chỉ là chuyện riêng tư do nơi ý chí và khả năng của mỗi người. Và họ nhận ra được rằng cuộc sống Kitô giáo đích thực không thể là một sáng kiến thuần túy do con người».25 Những cơn đau để Giáo Hội lớn lên như hiện thân nơi cuộc sống hằng ngày của các bạn trẻ nầy. Đó là bối cảnh của sự kiện.
Biến cố mà người ta sẽ nhận ra như một lễ Hiện Xuống mới kỳ thực đã có những bước chuẩn bị từ trước. Nhiều người trong họ đã đọc tác phẩm của David Wilkerson: La Croix et le poignard (Thập Giá và Dao Găm), từng được in ra hàng nghìn bản, kể lại câu chuyện có một vị mục sư ở Nữu Ước nhờ tin vào Thánh Thần mà thay đổi được một “băng đảng” thanh niên ở tù ra.
Họ cùng nhau đọc lại các thư Phaolô và sách Công Vụ Tông đồ. Suốt một năm, ngày nào họ cũng cầu nguyện bằng câu đáp ca tuyệt vời của tuần bát nhật lễ Hiện Xuống: «Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến».
Họ ôm ấp kỷ niệm về lễ Hiện Xuống mà Đức Gioan XXIII hôm trước ngày khai mạc Công Đồng đã mời gọi người ta nhớ lại. Tất cả điều ấy gây hứng khởi và làm phong phú lời nguyện cộng đoàn của họ xin Thánh Thần canh tân bộ mặt Giáo Hội và trái đất, trong buổi tĩnh tâm cuối tuần ấy.
Lời đáp trả của Thánh Thần là một sự canh tân trên họ như đã từng xảy ra cho các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu trong nhà Hội ( nhà tiệc ly) tại Giêrusalem. Tâm hồn họ được biến đổi lạ thường. Họ nói rằng họ cảm nhận được một lối nhìn mới về tình yêu Thiên Chúa, một ước muốn lạ lùng hướng đến cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa, một sự say mê khác thường đối với Thánh Kinh, một sức mạnh từ bên trong thúc đẩy họ làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh... Họ nói đến «phép Rửa trong Thánh Thần» mà không hề xem điều ấy thay thế cho bí tích Rửa tội và Thêm Sức. Về điểm này, có người trong nhóm ấy sẽ giải thích chuẩn xác: «Sự việc xảy ra như một sự xác quyết lại, một lối cảm nhan mới và trưởng thành về các bí tích, cánh cửa lòng chúng ta mở ra đón nhận tất cả các ân sủng của các bí tích ấy ».26
Câu chuyện phần tiếp theo hết sức đơn giản. Những bạn trẻ ấy vừa cảm nhận những điều kỳ diệu của Chúa đều có bạn bè tại các đại học khác. Họ đến chia sẻ với các bạn bè ấy một cách hết sức tự nhiên về những điều đã xảy ra trong tâm hồn họ. Vì thế đại học Notre Dame ở South Bend (Indiana), đại học Ann Arbor (Michigan), các đại học New Orleans, Los Angeles đều theo đà ấy và đều chứng kiến được những hiện tượng ân sủng y như thế.
Chính tôi đã gặp những nhân chứng trực tiếp của các biến cố ấy tại các đại học trên. Nhiều người trong họ lại đã trở thành bạn của tôi. Và không thể phủ nhận rằng những lời chứng ấy làm tôi xúc động và tôi nghĩ là khả tín .
Chẳng bao lâu «những nhóm cầu nguyện» xuất hiện, không những ở trong các khuôn viên đại học mà cả trong các giáo xứ, các tu viện, đan viện, trước tiên ở Hoa Kỳ và sau đó lan tràn khắp năm châu. Hội nghị quốc gia đầu tiên vào năm 1967 quy tụ khoảng một trăm người. Tháng 6 năm 1974, hội nghị lần thứ hai mang tính quốc tế được tổ chức tại South Bend – tôi có đến tham dự – có khoảng 30.000 người tham dự đến từ 35 quốc gia, với khoảng 700 linh mục và 15 giám mục.
Những nhóm cầu nguyện nho nhỏ tự phát ấy đã phát triển thành những hội cầu nguyện lớn hơn, qui tụ đều đặn hàng trăm thành viên, trong khung cảnh có hoặc không cử hành thánh thể. Người ta thấy phát sinh những «cộng đoàn» ổn định và dấn thân hơn – gọi là những gia đình hay tổ ấm27 – hỗ trợ mọi mặt cho các nhóm cầu nguyện, nhất là cho các nhóm dấn thân hoạt động xã hội. «Những nhà cầu nguyện» mọc lên, một cách nào đó giống như những chủng viện bồi dưỡng tâm linh mà mọi người đều có thể đến được. Tại đây, một số rất đông người đã được khai tâm để bước vào đời sống Kitô hữu mà mà họ mới khám phá qua một luồng ánh sáng mới.
2. CHỨNG NGHIỆM
Chứng nghiệm sống đầu tiên của những sinh viên đại học này nhanh chóng vượt khỏi khung cảnh sống của họ. Các chứng từ ngày càng phong phú xuất phát từ những môi trường hết sức đa dạng: thợ thuyền, người trong tù ra, giáo sư đại học, tu sĩ chiêm niệm hay hoạt động thuộc đủ mọi dòng tu.
Điều kỳ lạ là dù không có dịp tiếp xúc với nhau, nhưng tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới dường như Thánh Thần đã khơi dậy những chứng nghiệm nếu không đồng nhất thì ít ra cũng tương tự nhau. Đúng là các đoàn sủng chân thực như kêu gọi nhau và nối kết nhau trong nguồn mạch chung là Thánh Thần.
Một linh mục lớn tuổi viết: «Trong khoảng mười lăm ngày, tôi được an ủi tràn trề và ý thức một cách mới mẻ sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi khóc và biểu lộ niềm vui một cách tự phát. Tôi cảm thấy khao khát được thanh tẩy, muốn đọc Thánh Kinh và thấy hứng thú khi cầu nguyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ».
Một người khác chia xẻ rằng ơn ích của canh tân thấm nhập tâm hồn như một động lực mới: các câu
Thánh Kinh, những lời nói, những gương sáng tự nhiên xuất hiện trong trí óc anh khiến anh ngạc nhiên. Anh còn nói: «Ngày xưa tôi có viết một quyển sách, nhưng đến bây giờ những lời nói và các ý tưởng chứa trong đó mới trở thành thực tế sống động».
Tóm lại, điểm chung là mọi người cảm nhận được sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, và chuyển biến về cung cách cầu nguyện: «Lời cầu nguyện của tôi bớt dùng tới trí não mà trở nên đơn sơ xúc cảm hơn, có nhiều lời chúc tụng hơn». Nhiều người còn làm chứng về những thành quả thiêng liêng mà họ cảm nhận đươc khi cầu nguyện bằng tiếng lạ.
Những người khác nói về sự thay đổi trong nhận thức của họ về sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa trong nội tâm, trong hoạt động tông đồ hoặc trong lời rao giảng của họ, sự hiện diện này được Thánh Thần làm sống động từ bên trong. Họ cũng nói về điểm tựa tâm linh mà họ khám phá ra khi cầu nguyện theo nhóm; hoặc về việc họ mạnh dạn cởi mở một cách sâu xa với những người cùng nhóm vốn trước đó vẫn e dè với nhau.
Cũng có những người làm chứng về sự thay đổi thái độ đối với bí tích hòa giải mà họ coi là bí tích chữa bệnh tâm linh.
Phần tôi, tôi chỉ muốn thêm rằng có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã chia sẻ với tôi cũng những chứng nghiệm như thế. Những chứng từ này đầy dẫy ở châu Mỹ: tôi nhận thấy những chứng từ ấy vang dội sang nhiều nước trên thế giới. Những chứng từ ấy càng ngày càng nhiều lên trong các châu lục khác nhau. Cần phải tích lũy những chứng từ này nhiều hơn nữa để có cái nhìn sâu sát hơn về chứng nghiệm này.
3. THỬ PHÂN TÍCH MỘT CHỨNG NGHIỆM
Xác nhận chứng nghiệm là một chuyện, còn phân tích chứng nghiệm ấy lại là chuyện khác.
Sự đáng tin của các nhân chứng buộc tôi phải chú ý. Nhưng nói lên tình trạng đáng tin nầy không hàm ngụ việc giải thích thần học cho những gì họ đã sống và vẫn còn đang cảm nghiệm.
Ở đây chúng tôi chỉ thử phân tích chứng nghiệm tâm linh khởi thủy về sự hoán cải và thấm nhuần ơn Thánh Thần mà chúng ta thường gọi là «Phép rửa trong Thánh Thần». Phải hiểu vấn đề này như thế nào?
«Phép rửa trong Thánh Thần» là gì?
Về chứng nghiệm sống, chúng ta có thể và phải thán phục những tín đồ phái Ngũ Tuần trong việc tin vào tác động của Thánh Thần. Nhưng về mặt tín lý và minh giải, như mọi người đều biết, người Công Giáo chúng ta không thể đồng ý với họ về cách giải thích «phép rửa trong Thánh Thần», cũng như về ơn «nói tiếng lạ» mà họ xem như dấu chỉ để nhận ra tính chân thực của phép rửa này. Đối với chúng ta cũng như đối với phần lớn các Giáo Hội Kitô giáo, phép rửa bằng nước và phép rửa trong Thánh Thần không phải là hai thứ khác nhau. Thực ra đó chỉ là một phép rửa duy nhất, là một bí tích. Phép rửa trong Thánh Thần không phải là một phép rửa siêu hạng về tâm linh, bổ sung cho phép rửa bí tích mà ta đã lãnh nhận, và sẽ trở thành trụ cột mới của đời sống Kitô hữu.28
Cùng với thánh Phaolô, chúng ta tin rằng do lòng nhân từ nhưng không của Thiên Chúa, Ngài «cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng» (Tt 3,5-7).
Phép rửa duy nhất ấy vừa phát xuất từ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô vừa do ơn Chúa Thánh Thần29. Ngay bây giờ, để tránh mọi ngộ nhận, tốt hơn không nên dùng từ ngữ «Phép rửa trong Thánh Thần» mà nên dùng một từ ngữ khác.
Chứng nghiệm về Thánh Thần và đoàn sủng
Như vậy, làm sao định nghĩa và xác minh chứng nghiệm ban đầu về Thánh Thần một cách rõ ràng và chính xác hơn? Tự nguyên tắc, Thánh Thần vượt khỏi các phạm trù của chúng ta, thế thì mô tả hành động của Ngài quả là một công việc tế nhị! Hơn nữa, chúng ta hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn một khi nói về việc tái lãnh nhận Thánh Thần nhưng đồng thời lại ý thức là Thánh Thần đã được ban cho chúng ta trong phép rửa. Vậy việc tái lãnh nhận này có một tính chất đặc biệt, đó là việc Thánh Thần vốn đã hiện diện rồi lại đến lần nữa, là sự lãnh nhận Thánh Thần từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Điều này khiến ta nghĩ tới câu nói của Đức Giêsu: «Ai khát, hãy đến với tôi mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Ai tin vào tôi thì từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống» (Ga 7,37-38). Và thánh sử chép Tin Mừng ghi chú: «Đức Giêsu muốn nói về Thánh Thần mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận» (Ga 7,39). Ở đây nói đến sự trào vọt lên, sự triển nở, là hành động của Thánh Thần muốn khai thông và giải phóng các năng lực tiềm ẩn bên trong. Đó là ý thức sâu sắc hơn về sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần.
Cha Phanxicô A. Sullivan, dòng Tên, một thần học gia giáo sư đại học Thánh Gregôriô ở Roma, đã mô tả việc lãnh nhận Thánh Thần là «một chứng nghiệm tâm linh dẫn con người đi theo một ý nghĩa hoàn toàn mới về sự hiện diện toàn năng của Thiên Chúa và về hành động của Ngài trong đời sống mình, hành động này thường bao hàm một hay nhiều đoàn sủng».30
Khi dò dẫm tìm từ ngữ thích đáng, người ta cảm thấy thật khó khăn phải diễn tả điều không thể diễn tả. Ví dụ phải nói tới cảm nghiệm cụ thể về các ân huệ đã thụ lãnh: như được giải phóng bởi Thánh Thần, biểu hiện của phép rửa, ơn linh hoạt Thánh Thần ban khi chịu phép thêm sức, sự mở rộng lòng đón nhận Thánh Thần. Ai được ân huệ ấy đều cảm thấy đó là ơn đặc biệt: một đời sống được đổi mới, một tâm hồn được an vui như chưa từng chứng nghiệm, một sự phục hoạt
những ân sủng đã được lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, phép thêm sức, hay những bí tích khác như hòa giải, thánh thể, hôn phối, truyền chức. Sự đổi mới này được coi là sự tuôn trào những tiềm năng của Thánh Thần, Đấng muốn đưa mỗi người đến chỗ thực hiện trọn vẹn ơn gọi riêng của mình, dù là tu sĩ hay giáo dân. Người thụ nhận chứng nghiệm một ý thức mới, được biến cải nên mạnh mẽ hơn, về chân tính Kitô hữu đích thực của mình, mà chỉ có đức tin mới làm chúng ta thấy được. Chân tính Kitô hữu ấy làm cho đức tin trở nên sống động, thiết thực và hăng say truyền giáo. Chúng ta thử làm sáng tỏ hơn phần phân tích trên qua ba minh định bổ sung.
a) Liên hệ giữa Thánh Thần và các đoàn sủng
Theo tôi, trước tiên phải ghi nhận rõ ràng liên hệ giữa Thánh Thần và những biểu hiện của Ngài, rồi tập trung chú ý không phải vào các ơn huệ mà vào Đấng ban ơn. Thánh Âu Tinh đã cầu nguyện: «Lạy Chúa, không phải các ơn Chúa ban mà là chính Chúa!». Các ơn huệ chỉ là những tia sáng của Thánh Thần, và chính Thánh Thần là một ơn huệ tối cao, tuyệt vời, là ơn huệ hàm chứa mọi ơn huệ khác. Cần phải gắn bó với chính Thánh Thần trong thực tế sống động và toả sáng của Ngài. Những biểu hiện của Thánh Thần chính là Thánh Thần đang hoạt động. Hành động hay sinh hoạt này của Thiên Chúa thật vô cùng mềm dẻo, âm thầm và hoàn toàn tự do. Thánh Thần muốn thổi ở đâu, khi nào và cách nào tuỳ ý Ngài. Bằng mọi giá chúng ta không được «vật thể hóa» các ơn huệ, không được biến các ơn ấy thành những đồ vật, những món quà mà người ta phân phối như khi chia một gia tài, người này món nọ, người nọ món kia. Các ơn huệ thuộc về Đấng ban ơn, cũng như các tia nắng thuộc về mặt trời: chúng không phải là mặt trời nhưng lại gắn liền với mặt trời.
Thánh Thần không thể tách rời khỏi các ơn huệ Ngài. Khi nhận lãnh Thánh Thần là ta nhận lãnh trọn vẹn thiện ích Ngài ban; sự trọn vẹn ở đây phải được hiểu theo nghĩa năng động chứ không phải nghĩa tĩnh. Điều đó không hàm ý rằng tất cả các ơn huệ được lãnh nhận nơi cùng nguồn mạch của chúng đều hiển lộ ra, hay không hiển lộ ra cùng một lúc hoặc cùng một cách. Việc chúng ta thấy được các ơn huệ ấy, lối tác động của chúng không những khác nhau giữa người này và người kia, mà ngay cả nơi mỗi người chúng ta, việc làm của Thánh Thần cũng có thể khác nhau. Tôi không sở hữu các ơn huệ ấy như sở hữu những đồ vật trong hộc tủ. Thật ra, tôi được Thánh Thần chiếm hữu, Ngài thúc đẩy và dẫn dắt tôi theo tình yêu vô biên của Ngài và theo mức độ tin cậy mến của tôi. Có thể hôm nay Thánh Thần cảm hứng tôi hoàn thành sứ mệnh này, nhưng ngày mai có thể Ngài lại giao cho tôi một sứ mệnh khác. Ngài cũng có thể tự biểu lộ nơi tôi không chỉ bằng một ơn mà nhiều ơn, hoặc đồng thời hoặc lần lượt ơn trước ơn sau. Phải không ngừng sửa đổi cung cách phàm nhân của chúng ta trong việc suy nghĩ, tính toán, hay sử dụng các ơn huệ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô liệt kê các đoàn sủng một cách rất phóng khoáng; ngài liệt kê theo nhiều cách khác nhau, vì ngài chẳng cho cách nào là dứt khoát hay nói lên được tất cả. Nếu ngài trình bày các ơn huệ như thể mỗi người chỉ lãnh nhận được một ơn duy nhất để mình góp phần phục vụ thiện ích chung, thì cũng không nên gò bó xoay quanh hình ảnh mang tính cách phân phối này; hình ảnh này không diễn tả được mọi sắc thái trong hoạt động đa dạng của Thánh Thần. Thánh Phaolô quan tâm trước tiên tới việc thiết lập trật tự trong các cộng đoàn phụng vụ ở Côrintô, chứ không quan tâm mô tả tác động sâu kín của Thánh Thần nơi mỗi người. Câu Kinh Thánh này tổng hợp được tư tưởng của ngài: «Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung» (1Cr 12,7). Các ơn huệ đều cùng hướng về mục đích xây dựng Giáo Hội.
b) Thánh Thần hiện diện từ ban đầu
Một nhận xét quan trọng thứ hai liên quan tới điều mà tôi muốn gọi là thứ ngôn ngữ hướng đến tương lai của chúng ta. Khi bàn về Thánh Thần đến lần nữa trong tâm hồn người đã được rửa tội, chúng ta phải nói đến sự kiện đó trong lối nhìn của điều «đã được lãnh nhận rồi». Nói cách khác, phải đi từ sự kiện nền tảng là khi chịu phép rửa tội, người Kitô hữu đã lãnh nhận Thánh Thần một cách trọn vẹn. Ngài không cần phải đến nữa. Ngài đã hiện diện một cách nền tảng ngay từ khi ta bắt đầu sống đời Kitô hữu, cho dẫu ta chỉ ý thức về thực tế ấy sau này, khi ta trở thành người lớn có khả năng xác định được những đòi hỏi của phép rửa tội mà ta đã lãnh nhận như Giáo Hội mong đợi. Thánh Thần ở trong ta; lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện; người được rửa tội thành nơi cư ngụ của Ba Ngôi chí thánh. Do đó, sự thánh thiện không phải là một cái thang hướng về một đỉnh xa, không đi tới được. Sự thánh thiện Kitô hữu đã được ban cho chúng ta ngay từ đầu. Nói một cách chuẩn xác, chúng ta không phải trở nên thánh, mà vốn là thánh, chúng ta phải trở nên cái chúng ta hiện đang là. Chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần của sự thánh thiện ở trong chúng ta như bảo chứng và hoa trái đầu mùa. Chúng ta phải trung thành khai mở những kho tàng tiềm ẩn, những tiềm năng, những năng lực «hạt nhân» của Thánh Thần ấy ở ngay trong chúng ta.
Trong suốt cuộc đời Kitô hữu, mỗi bí tích đều tỏa ra ánh sáng của tác động Chúa Thánh Thần, và ngày càng thấm nhuần con người và hành động của chúng ta hơn. Nguồn mạch phép rửa tội là nguồn mạch đầu tiên, từ đó phát sinh hệ thống “dẫn thủy nhập điền”, hệ thống tưới nước nuôi dưỡng cuộc sống Kitô hữu. Đó là một quá trình tiệm tiến nhằm Kitô hóa lần hồi người tín hữu .
Khi trẻ nhỏ chịu phép thêm sức, chúng ta phải nói với em cùng một lúc cả hai câu này: «Con sắp nhận lãnh Thánh Thần…» và «Con đã lãnh nhận Thánh Thần rồi!». Phép thêm sức không bổ sung cho phép rửa, mà xác nhận phép rửa.
Khi tấn phong giám mục, vị chủ phong vừa đặt tay lên vị giám mục tương lai vừa nói: «Hãy nhận lấy Thánh Thần...» Đây là nghi thức thụ phong, nó đánh dấu ảnh hưởng của Thánh Thần – mà trước đây vị tân chức đã lãnh nhận rồi – trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này cũng đúng trong trường hợp phong chức phó tế hay linh mục.
Phụng vụ mùa Vọng cũng có nhiều lời kinh nguyện xin Chúa Cha gởi Con của Ngài đến với chúng ta làm như Con Ngài chưa nhập thể vậy. Trong phụng vụ lễ Hiện Xuống, khi chúng ta nài xin Thiên Chúa «gởi Thánh Thần sáng tạo của Ngài» đến, thì chúng ta giả định trước rằng Thánh Thần đã hiện diện rồi, vì trong cùng lời kinh ấy, chúng ta đã nói về Thánh Thần như vị khách tuyệt vời khôn tả của tâm hồn mình. Không hề có sự lầm lẫn hàm hồ nào khi tuyên xưng những thực thể đức tin trong lối cầu khẩn.
Cần phải giải thích ngôn ngữ đoàn sủng tương tự như thế. Chúa Thánh Thần không phải từ đâu bên ngoài vụt đến để hoàn tất từng đợt công việc của Ngài. Chúng ta rất dễ bị cám dỗ cho rằng Thiên Chúa đang làm một điều lạ lùng, tuyệt đối mới mẻ, dành riêng cho thời đại chúng ta. Như thế là cho rằng Thiên Chúa hành động một cách gián đoạn, tùy tiện. Phải nghĩ rằng Thiên Chúa hành động liên tục và trung thành với chính Ngài. Chẳng hạn, đừng nói rằng chính Đức Giêsu đã chọn ngày hôm nay để ban Thánh Thể cho chúng ta; ơn huệ của Ngài lúc nào cũng có sẵn và chúng ta có bổn phận đến với Ngài. Cũng vậy, Thánh Thần là một ân huệ ở trong chúng ta, chúng ta phải để “ý muốn và hành động” của Ngài tác động trong chúng ta. Bằng cách kết hợp ân sủng và tự do, chúng ta phải tạo cho Ngài một điều kiện mới mẻ để hành động, một tâm thức càng ngày càng có khả năng chiến thắng những trở ngại, những xiềng xích gông cùm, là tội lỗi, sự từ chối, thái độ ngập ngừng của chúng ta. «Anh em đừng dập tắt Thánh Thần, anh em đừng làm buồn lòng Thánh Thần»: đó là những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu.
Khi hoạt động của Thánh Thần gia tăng mạnh mẽ nơi chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thánh Thần thức dậy hay quay trở lại, giống như một núi lửa đột ngột hoạt động trở lại sau giấc ngủ dài; chính chúng ta phải thức tỉnh trước sự hiện diện của Ngài, dưới sự thôi thúc của ân sủng Ngài, bằng một đức tin ngày càng mạnh mẽ, một đức cậy ngày càng sống động, một đức mến ngày càng nồng nàn. Khi chịu phép rửa, tất cả chúng ta đều lãnh nhận Thánh Thần một cách trọn vẹn, giáo dân cũng như linh mục, giám mục, giáo hoàng. Chẳng ai lãnh nhận Thánh Thần nhiều hơn hoặc ít hơn, cũng như bánh thánh không tấm nào được thánh hiến nhiều hơn hoặc ít hơn. Mọi người đều lãnh nhận Thánh Thần để thi hành những sứ mệnh khác nhau, với những đoàn sủng thích hợp tùy theo sứ mệnh đã lãnh nhận.
c) Thánh Thần là năng lực thường hằng
Thánh Thần làm cho đời sống Kitô hữu sống động không những từ khởi thủy mà còn trong mọi biến cố của đời sống. Thánh Kinh chỗ nào cũng nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Thần là quyền năng, rằng chúng ta phải dám dựa vào sức mạnh có khả năng nâng chúng ta lên khỏi chính mình nếu chúng ta để cho sức mạnh ấy hoạt động.
Thánh Phaolô hoặc thánh Luca còn liên kết Thánh Thần với một sứ mệnh của Thiên Chúa mang lại quyền năng.
Thánh Luca viết về Đức Maria: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà». (Lc 1,35). Thánh sử cũng viết về các tông đồ như vậy khi các ông được Đức Giêsu hứa hẹn: «Này đây Thầy sẽ gởi xuống trên anh em điều Cha Thầy đã hứa. Vậy, anh em hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống» (Lc 24,49).
Và trong sách Công Vụ: «Anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần, Đấng sẽ ngự trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là nhân chứng của Thầy…» (Cv 1,8). Cần lưu ý rằng không phải các Tông Đồ là nhân chứng do tự mình, mà là nhân chứng dưới tác động của Thánh Thần. Các ông có thể tự mình làm chứng với tư cách là nhân chứng trực tiếp mắt thấy tai nghe một số biến cố liên quan đến sự phục sinh, nhưng chỉ nhờ Thánh Thần các ông mới có thể chứng thực ý nghĩa của biến cố ấy. Nhờ ánh sáng ngôn sứ lãnh nhận từ Thánh Thần, các ông mới có thể cắt nghĩa những biến cố của ơn cứu độ: sức mạnh trong lời các ông nói nằm ở đó. Lời chúc lành cuối thư mà thánh Phaolô gửi tín hữu Roma thấm nhuần niềm tin tưởng vào Thánh Thần: «Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng». (Rm 15,13). Và trong thư gởi tín hữu Côrintô, ngài thổ lộ: «Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa» (1Cr 2,3-4).
Đức tin Kitô giáo được biểu lộ như thế đó. Quyền năng của Thánh Thần không dành riêng cho các Tông Đồ mà là một phần gia sản cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta dám thực sự tin vào quyền năng ấy, nó sẽ giúp chúng ta tiêu trừ khỏi mọi chán nản khi phụng sự Chúa. Nó cũng sẽ khiến chúng ta coi đời sống thiêng liêng, không chỉ như một nỗ lực khổ hạnh lâu dài mà chúng ta phải không ngừng thực hiện bằng những phương tiện riêng của mình, mà như công trình của Thánh Thần được thực hiện trong chúng ta và cùng với chúng ta, dựa vào sự hiện diện và quyền năng kiên vững của Ngài.
Nhiều người đã tuân theo những chuẩn mực mà các bậc thầy về linh đạo vạch ra, nhưng sau nhiều năm nỗ lực chân thành, họ buộc phải thú nhận rằng họ vẫn ở mức tầm thường. Họ không kiên trì cố gắng được, cũng chẳng có được năng lực cần thiết cho cuộc chiến đấu hằng ngày. Đối với họ, đỉnh núi trọn lành dường như quá cao xa và cái giá phải trả dường như quá lớn lao. Họ đã từ chối leo lên ngay từ những nấc đá, mô đất đầu tiên dẫn lên núi. Tin tưởng vào quyền năng của Thánh Thần có thể giúp những người nản chí hiểu rằng: nếu kỷ luật và ý chí là điều không thể thiếu để sống đời Kitô hữu đích thực, thì chúng vẫn không phải là khởi điểm và trọng tâm của đời sống tu đức. Đường hướng tu đức nào chỉ dựa trên sức mạnh của ý chí đều không thể dẫn chúng ta tiến xa. Tin vào quyền năng của Thánh Thần không có nghĩa coi ý chí là không cần thiết, mà đặt nó vào hàng thứ yếu. Niềm tin ấy cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện là tình trạng được đưa lên31 trước khi tiến bước đi lên 32 ; chính Thiên Chúa đưa chúng ta đến với Ngài. Đó là một bài học mà chúng ta cứ phải học đi học lại mãi.
bài liên quan mới nhất
- ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC
-
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Ghi chú tín lý về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 52. Khát vọng của tâm hồn -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 51. Đừng tham lam -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 50. Nghệ thuật, chân lý và cái đẹp -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 48. Sự trung thực -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 47. Trách nhiệm đối với tạo thành
bài liên quan đọc nhiều
- Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ
-
Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa -
Chân dung Satan -
ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC -
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân? -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Tuyên bố của Bộ Giáo lý đức Tin về vạ tuyệt thông dành cho bốn giáo sĩ Ukraina -
Thánh Thể trong Thần Học và Linh Đạo của Thánh Phaolô -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Bài giáo lý về Hội Thánh (1) - Thiên Chúa thiết lập một Dân