Thập Giá, biểu tượng của “Niềm Hy Vọng Bất Diệt”
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cử hành Thánh Lễ với các tu sĩ và các Phong Trào Công Giáo của Cipro.
Nicosia, thứ Bảy, 05.6.2010 (Zenit.org) – Huyền nhiệm Thập Giá
“Thập giá là một phương tiện để hành hình nhưng đồng thời cũng là một phương tiện để hóa giải mọi điều ác.” Đó là lời khẳng định của Đức Bênêđictô XVI vào chiều thứ Bảy 05.6.2010, trong Thánh Lễ với các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giảng viên giáo lý và thành viên của các phong trào Công Giáo tại Cipro. Thánh Giá Chúa Kitô là trung tâm của cuộc cử hành này, diễn ra trong Nhà Thờ Thánh Giá ở Nicosia.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng nhiều người có thể băn khoăn tự hỏi tại sao chúng ta, các Kitô hữu, lại tôn vinh một dụng cụ hành hình, một dấu hiệu của đau khổ và thất bại. Quả thực là Thập Giá có biểu lộ tất cả những ý nghĩa này. Tuy nhiên, Đấng bị treo lên Thập Giá vì ơn cứu độ chúng ta cũng cho thấy chiến thắng dứt khoát của tình yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự dữ của thế gian.
Thực tế, do chính hậu quả của tội lỗi mình, con người phải chết chứ không sống được. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ luân lý và thể lý. Và vì Ngài yêu thế gian quá đỗi, Ngài đã sai Con Một của Ngài không phải để lên án thế gian nhằm đòi lại công lý, nhưng là để nhờ Người Con này mà thế gian được cứu.
Cây Thập Giá, vì thế, đã trở thành phương tiện cứu chuộc chúng ta. Đau khổ và sự chết, vốn là hậu quả của tội lỗi, đã chuyển hóa thành chính phương tiện qua đó tội lỗi bị đánh bại.
Trong bối cảnh này, Thập Giá là một cái gì quá đỗi lớn lao và huyền nhiệm. Dẫu rõ ràng Thập Giá là một dụng cụ gắn liền với sự tra tấn, với đau khổ và thất bại, nhưng Thập Giá cũng cho thấy sự thay đổi hoàn toàn, sự hóa giải dứt khoát các sự dữ ấy, và đem lại niềm hy vọng tuyệt vời nhất mà thế giới này từng nhìn thấy.
Thập Giá lên lời với tất cả những ai phải chịu đau khổ – những kẻ bị ức hiếp, những người đau ốm bệnh tật, người nghèo, người bị bỏ rơi, những nạn nhân của bạo lực – và Thập Giá trao cho họ niềm hy vọng có thể biến đau khổ của họ thành niềm vui, biến tình trạng bị loại trừ của họ thành hiệp thông, biến cái chết của họ thành sự sống. Thập Giá trao niềm hy vọng cho thế giới đã bị sụp đổ của chúng ta.
Vì thế – Đức Thánh Cha nói tiếp – thế giới này cần Thập Giá! Một thế giới không có Thập Giá sẽ là một thế giới không có niềm hy vọng, một thế giới trong đó sự tra tấn và độc ác sẽ hoành hành, người yếu sẽ còn bị bóc lột và sự tham lam sẽ thống trị.
Những con người mang tin hy vọng
Ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ và các giảng viên giáo lý; Đức Thánh Cha nhắc lại rằng khi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh là ta đang thông chuyển “nguồn khôn ngoan, tình yêu, và công ơn cứu độ của Ngài.” Chúng ta biết rằng mình chỉ là những bình sành. Tuy nhiên, thật lạ lùng là chúng ta đã được chọn làm những người rao truyền chân lý cứu độ mà thế giới này cần được nghe.
Chúng ta sửng sốt mãi trước ân huệ phi thường này được ban cho mình. Ta vẫn luôn nhận ra rằng mình bất xứng, nhưng đồng thời ta phải luôn tự thúc bách mình trở nên bớt bất xứng hơn đối với ơn gọi cao quí ấy, để không vì những sai lầm và sa ngã của mình mà làm suy yếu đi tính khả tín của chứng từ mình trao.
Trong Năm Linh Mục đang sắp kết thúc đây, Đức Thánh Cha ngỏ lời cách riêng với các linh mục và những người đang chuẩn bị trở thành linh mục. Ngài khuyên họ “hãy bắt chước tình yêu vô cầu của Đấng đã trao hiến chính mình trên bàn thờ Thập Giá, Đấng là tư tế và đồng thời là hy lễ, Đấng mà chúng ta thay mặt Ngài để nói và hành động khi chúng ta thi hành tác vụ mà chúng ta đã nhận lãnh.”
Một suy nghĩ mà Đức Thánh Cha muốn chia sẻ cách riêng với nhiều linh mục và tu sĩ của vùng Trung Đông, đó là trong giai đoạn này họ đang kinh nghiệm một tiếng gọi đặc biệt để rập khuôn đời sống mình với mầu nhiệm Thập Giá của Chúa.
Trung Đông là nơi mà các Kitô hữu chỉ là thiểu số nhỏ nhoi, nơi mà họ phải chịu nhiều thiếu thốn do các căng thẳng chủng tộc và tôn giáo. Nhiều gia đình đi đến quyết định dời cư, cả các mục tử cũng thế. Tuy nhiên, trong tình cảnh như vậy, một linh mục, một cộng đoàn tu sĩ, một giáo xứ nếu vẫn trụ vững và tiếp tục trao chứng từ về Đức Kitô thì đó là một dấu hiệu phi thường của niềm hy vọng không chỉ cho các Kitô hữu mà còn cho bao người khác nữa đang sống trong vùng.
Đức Thánh Cha kết luận: “Chỉ sự hiện diện của họ thôi cũng diễn tả tuyệt vời Tin Mừng hòa bình, diễn tả quyết tâm của vị Mục Tử Tốt Lành chăm sóc mọi con chiên, và diễn tả sự dấn thân không lay chuyển của Giáo Hội vào cuộc đối thoại, hòa giải và ân cần đón nhận người khác. Bám chặt lấy Thập Giá được trao cho mình, các linh mục và tu sĩ của Trung Đông có thể thực sự chiếu giãi niềm hy vọng nằm ở trung tâm mầu nhiệm mà chúng ta cử hành.”
dịch từ “Benedetto XVI: la Croce, simbolo di ‘speranza senza limiti’”
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19