Thầy Rafael: Thánh Thiện trong Đời Thường
TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA GIỚI TRẺ SẮP ĐƯỢC PHONG THÁNH
Thầy Rafael Tìm Thấy Sự Thánh Thiện Trong Cuộc Sống Hàng Ngày
Roma ngày 22-07-2009 (Zenit. org). – Một thầy dòng Xitô - từng được ĐGH Gioan Phaolo II dùng làm tấm gương sáng cho giới trẻ - sẽ được phong thánh vào tháng 10 này.
Chân phước María Rafael Arnaiz Baron, thường được gọi là Thầy Rafael, sẽ được phong thánh cùng với bốn chân phước khác vào ngày 11-10. Ngài là người trẻ tuổi nhất trong số đó, đã từ trần vào năm 1938 ở tuổi 27.
Nữ tu Augusta Tescari (dòng Xitô), thỉnh viên của vụ án phong thánh này, kể cho Zenit về cuộc đời của Ngài, khẳng định rằng Thầy Rafael đã tìm thấy sự thánh thiện trong việc từ bỏ và hy sinh, cũng như niềm vui của cuộc sống chiêm niệm, “với phong cách và nét dung dị của một người trẻ.”
Nữ tu đó giải thích, “Ngài có một phong cách như tranh vẽ, vì Ngài diễn tả kinh nghiệm sống của mình, như thể Ngài đang vẽ tranh vậy. Đời sống tâm linh của Ngài rất giản dị, tập trung vào Bí tích Thánh Thể, là đỉnh cao tốt lành của Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa chiếm hữu cuộc đời của Ngài.”
Rafael Arnaiz sinh tại Tây Ban Nha vào năm 1911 và học tại một trường dòng Tên. Từ thuở nhỏ, Ngài đã thể hiện sự nhạy cảm khác thường với các chủ đề tâm linh, cũng như ham thích hội họa và nghệ thuật.
Tuy nhiên việc học của Ngài sớm phải dừng lại vì đau bệnh. Khi Ngài phục hồi vào năm 1922, thân phụ Ngài đã hiến dâng Ngài cho Đức Mẹ. Lúc 19 tuổi, Ngài bắt đầu theo đuổi một tấm bằng kiến trúc tại Madrid. Nữ tu Tescari lưu ý, “Đó là thời kỳ nhiễu nhương với sự rộ lên của phong trào chống đối giới tu sĩ.”
Vào năm 1932, Arnaiz phải tạm gác việc học một ít ngày để đi linh thao. Trong suốt thời gian tĩnh tâm đó, Ngài cảm thấy được mời gọi trở thành thầy dòng Xitô. Lúc 23 tuổi Ngài được nhận vào tu viện Thánh Isidro de Dueñas.
Khi vào nhà dòng, Ngài nói, “Không phải vì buồn bã, đau khổ, hoặc thất vọng hay vỡ mộng với thế giới này mà tôi thay đổi cuộc sống. Cuộc sống cho tôi điều gì, tôi đón nhận điều đó. Thiên Chúa vô cùng nhân hậu đã ban cho cuộc đời tôi hơn rất nhiều những gì tôi xứng đáng được hưởng.”
Cái nhìn từ trời cao
Sống giữa những giai điệu bình ca Gregorian và những bích họa của tu viện Trappist, Thầy Rafael cảm thấy rằng Ơn gọi ấy đã đáp lại những ước mong sâu thẳm của Ngài.
Ngài viết, “Cứ hát như họ hát, với hết cả tâm tình, thì Đức Mẹ không thể không nhận lời họ. Tôi tin rằng trong những phút giây ấy, Nữ Vương Trên Trời hẳn phải âu yếm đoái nhìn con cái của Người.”
Ngài đã bỏ ra nhiều giờ viết thư cho mẹ và cho chú bác của Ngài, là những công tước thành Maqueda; mẹ Ngài tìm được thư từ của Ngài trong một quyển sách sau khi Ngài mất đi.
Nữ tu Tescari kể lại rằng, khi đọc thư của Ngài, nhất là những thư viết cho chú bác của Ngài, xơ cảm thấy “Ngài giống như là vị linh hướng của họ. Ngài không còn là đồ đệ của các chú bác ấy, mà ngược lại, họ giống đồ đệ của Ngài hơn.”
Thầy Rafael viết, “Những ngày tháng sống trong tu viện, chuyện gì đã xảy ra? Tôi không nhìn thấy những điều vĩ đại, không chứng kiến những điều bất hạnh, không nhìn thấy tuyết, không nhận ra mặt trời. Thế giới được thu nhỏ thành một điểm, điểm ấy là tu viện, và trong tu viện, chỉ còn Thiên Chúa và tôi thôi.”
Cho dù rất mãn nguyện với cuộc sống trong tu viện, căn bệnh tiểu đường vẫn khiến Ngài phải rời khỏi nơi đó ba lần.
Vị nữ tu giải thích, “Điều này gần giống như bị Thiên Chúa phụ bạc, nhưng dần dần Ngài chấp nhận ý Chúa và ở lại nhà một năm rưỡi để dưỡng bệnh. Ngài lại yêu cầu được trở lại tu viện, (bây giờ) như một thầy trợ sĩ vì Ngài không thể thực hiện hết các luật dòng (…) Ngài được đón nhận như một vị khách. Ngài cảm nhận mạnh mẽ rằng Ngài có Ơn gọi ấy nên chính vì thế Ngài mới được đón nhận như vậy.”
Bên trong và bề ngoài
Tính giản dị và hài hước trong những lá thư của Thầy Rafael không hề làm mất đi chiều sâu thần học của chúng và chuyện kể về những trải nghiệm của Ngài trong tu viện, cũng như tình yêu của Ngài dành cho Chúa và Mẹ Maria.
Vào năm 1934, Ngài được mặc áo dòng trắng, Ngài đã kể lại cho mẹ với niềm hân hoan: “Con rất hạnh phúc (…) con mặc toàn đồ trắng, ít nhất là bên ngòai. Bây giờ con sẽ cố gắng để bên trong con cũng được như thế, điều này mới thật sự quan trọng.”
Những suy tư đan xen những chú thích của Ngài làm cho người đọc phải bật cười, Ngài viết: “Cái mũ trùm làm con thấy rất nóng nực. Hè đến, con thấy mình tan chảy ra từng chút một, và rồi một hôm mọi người đi tìm Thầy Maria Rafael sẽ chỉ thấy áo của Thầy.”
Bệnh tiểu đường đã lấy đi mạng sống của Ngài vào ngày 26-04-1938. Căn phòng nhỏ của Ngài trong tu viện được dành làm nơi cầu nguyện và tĩnh tâm cho các thầy tu trong cộng đoàn.
ĐGH Gioan Phaolo II đã lấy Thầy Rafael làm tấm gương sáng cho giới trẻ trong suốt kỳ Đại Hội Giới Trẻ tại Tây Ban Nha năm 1989. ĐGH đã tuyên bố Thầy sẽ được ban chân phước vào năm 1992.
bài liên quan mới nhất
- Đức Giê-su Ki-tô - Đường công chính
-
Tiếng hát giáo đường 2020: Bạn trẻ trao gửi yêu thương -
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ủy ban Giáo dục Công giáo Việt Nam: Trao học bổng Mầm Hy Vọng ngày 10-10-2020 -
Phân định và hành động theo DOCAT -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Nhãn quan Giáo hội về giới trẻ trong thế giới hôm nay -
Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao? -
Gợi ý phương pháp làm mục vụ giới trẻ theo Tông huấn Christus Vivit
bài liên quan đọc nhiều
- Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao?
-
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Các Thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ -
Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh nhân dịp Lễ Chúa Thăng Thiên 2020 -
Người trẻ và việc phân định: Ơn gọi Độc thân Thánh hiến hay Ơn gọi Hôn nhân -
Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ban Mục Vụ Giới Trẻ -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Đại hội Giới Trẻ mùa Chay 2019