THĐGM Trung Đông phiên họp thứ 2
Chiều thứ hai 11-10-2010 đã có 163 Nghị Phụ hiện diện trong phiên họp khoáng đại thứ hai, do Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương chủ sự, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Đã có 6 Nghị Phụ ghi danh phát biểu. Sau đây là một số ý chính các bài phát biểu nói trên.
Vị đầu tiên lên tiếng là Đức Hồng Y Polycarp Pengo, Tổng Giám Mục Dar-es-Salaam, người Tanzania, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar. Đức Hồng Y ghi nhận rằng mặc dù có các khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, vẫn có tương quan nội tại giữa Giáo Hội Phi châu với Giáo Hội vùng Trung Đông, đặc biệt qua trung gian Giáo Hội Ai Cập, là thành viên của cả hai bên. Một đàng vì các tình trạng áp bức tại một số nước vùng Trung Đông khiến cho các kitô hữu đi cư đi nơi khác sinh sống. Đàng khác vì lý do học hành, công ăn việc làm hay du lịch, nhiều người trẻ phi châu các nước miền nam sa mạc Sahara đi tới các nước miền Bắc như Âu châu và Vùng Trung Đông qua ngã Ai Cập. Nhiều người là các tín hữu kitô nên khi đến các nước có đa số dân theo Hồi giáo, họ gặp khó khăn vì không được tự do sống đức tin của mình. Lý do vì cách đây 50 năm Hồi giáo thống trị vùng đông duyên hải Ấn Độ dương. Nhưng nhờ thư của các thừa sai giới thiệu các người trẻ phi châu này đã được các giáo đoàn địa phương tiếp đón và hội nhập một cách dễ dáng hơn. Do đó sự cộng tác chặt chẽ giữa Giáo Hội miền nam sa mạc Sahara, với Giáo Hội miền Bắc Phi và Giáo Hội vùng Trung Đông luôn luôn quan trọng và cần thiết cho sự sống còn của Kitô giáo trong các vùng đất này.
Nghị Phụ thứ hai phát biểu là Đức Hồng Y Michael Mahony, Tổng Giám Mục Los Angeles, Hoa Kỳ. Đức Hồng Y cho biết tổng giáo phận của ngài đã tiếp đón và trợ giúp vật chất cũng như tinh thần cho tín hữu di cư thuộc tất cả các Giáo Hội Đông Phương: Siro, Canđê, Hy lạp, Melkít và Maronít. Đức Hồng Y đã thăm tất cả mọi cộng đoàn này và luôn luôn khích lệ các tín hữu duy trì căn tính riêng của họ.
Để đạt mục đích này, Hiệp hội mục vụ công giáo đông phương tổ chức các buổi họp hai tháng một lần cho hàng giáo sĩ thuộc các Giáo Hội công giáo đông phương để các vị cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp công tác mục vụ và nâng đỡ nhau.
Tuy nhiên, có một số thách đố thường xuyên không biết phải giải quyết làm sao để giúp các tín hữu công giáo đông phương duy trì được căn tính của họ. Chẳng hạn có nhiều tín hữu các Giáo Hội này lui tới các nhà thờ công giáo la tinh, và trở thành tín hữu công giáo latinh, chứ không tham dự các lễ nghi và sinh hoạt trong các cộng đoàn của họ nữa. Sự kiện này khiến cho họ không còn trung thành với căn tính riêng. Ngoài ra khi ghi danh cho con em của họ theo học tại các trường tiểu học công giáo họ đựơc giảm học phí là quy chế dành cho các giáo dân không phải là thành phần ích cực của giáo xứ. Vậy làm sao có thể giúp họ duy trì được tương quan sinh động với các cộng đoàn của họ, mà không bị thiệt thòi? Thêm vào đó có sự căng thẳng nảy sinh từ sự kiện nhiều Giáo Hội Đông Phương chấp nhận cho trẻ em rước lễ ngay từ khi mới được rửa tội. Khi họ tham dự thánh lễ công giáo latinh thì các trẻ em này lại không được rước lễ. Trong toàn vùng Bắc Mỹ có nhiều học viện hay cao học công giáo, nhưng các khóa đào tạo giáo lý viên, tu đức và phụng vụ cũng như thần học hầu như chỉ theo lễ nghi latinh roma, hay cũng có các khóa dậy các tôn giáo như Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, nhưng ít hay không có các môn thần học, phụng vụ, tu đức của các Giáo Hội Đông Phương.
Còn có một khó khăn lớn khác đó là làm sao giúp các kitô hữu đông phương đối thoại với Do thái giáo và Hồi giáo.
Đa số các kitô hữu Trung Đông đến Bắc Mỹ với các thái độ hay ý kiến không phù hợp với tinh thần Tin Mừng, dựa trên các kinh nghiệm tiêu cực họ đã có, nên họ khó chấp nhận tha thứ và chung sống hài hòa với các tín hữu do thái hay hồi giáo. Vì thế tuy tổng giáo phận Los Angeles tổ chức nhiều sinh hoạt đại kết và liên tôn, nhưng có rất ít kitô hữu Trung Đông tham dự.
Sau cùng Đức Hồng Y Mahony ghi nhận rằng, thách đố lớn nhất mà tổng giáo phận phải đương đầu với các người di dân công giáo vùng Trung Đâng hay người tị nạn Việt Nam hoặc Cuba phải bỏ nước ra đi, không phải là giúp họ sống mầu nhiệm hiệp thông giữa các kitô hữu và giữa các Giáo Hội Kitô với nhau, nhưng là giúp họ đáp trả lại ơn làm chứng tá cho Tin Mừng bằng cách tha thứ cho các kẻ thù đã khiến cho họ phải liều mạng xa rời quê cha đất tổ để kiếm tìm hòa bình và công lý.
Nghị phụ thứ ba lên tiếng trong phiên họp khoáng đại thứ hai chiều 11-10 là Đức Cha Orlando Quevedo, Tổng Giám Mục Cotabato, người Phlippines, Tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu. Đức Cha chia sẻ kinh nghiệm hiệp thông của 25 Hội Đồng Giám Mục Á châu bao gồm 28 nước, trải dài từ vùng Tây Kazakistan cho tới Bắc Mông Cổ, từ Tây Nhật Bản cho tới Pakistan và Nam Ấn Độ, từ Indonesia cho tới Đông Timor. Tuy có các tình trạng xã hội, kinh tế chính trị, văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhưng các Giám Mục Á châu đã đạt tới một mức độ hiệp thông, huynh đệ, liên đới và cộng tác tốt đẹp. Trong các Giáo Hội cũng có cũng có hai lễ nghi cổ của Giáo Hội đông phương là siro-malabar và siro-malankara. Tuy Kitô hữu chỉ chiếm 3% trên tổng số hơn 3 tỷ dân Á châu, nhưng bắt đầu từ năm 1974 tức từ hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu lần đầu tiên, các Giám Mục đã đẩy mạnh việc hội nhập Tin Mừng vào lòng văn hóa để Giáo Hội thực sự là Giáo Hội đia phương. Một cách cụ thể đó là đối thoại với các truyền thống sinh động, các nền văn hóa và các tôn giáo khác trong thái độ khiêm tốn và yêu thương, qua phương thức các cộng đồng cơ bản, qua đó mỗi giáo xứ và giáo phận trở thành một ”cộng đoàn hiệp thông”.
Dưới sự hướng dẫn của các văn phòng mục vụ, và do tác động của ơn thánh làn sóng theo đạo và canh tân hướng tới việc truyền giáo mới cũng như sống chứng tá môn đệ gia tăng.
Dĩ nhiên trước các nghi kỵ tôn giáo và các nhóm cuồng tín đôi khi gây chết chóc bạo lực, các kitô hữu có thể trở thành lo sợ hay nhút nhát, nhưng Lời Chúa củng cố và trao ban can đảm cho họ: ”Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ hãi”.
Ngoài ra, tại nhiều nơi bên Á châu không có tự do tôn giáo. Vì thế phương cách duy nhất loan báo Chúa Ktô là làm chứng tá bằng cuộc sống đức tin thinh lặng, nhưng sâu xa và tràn đầy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chứng tá đó thúc đẩy sự hiệp thông trong Giáo Hội giữa các Giám Mục với Đức Thánh Cha và các tín hữu để có thể đương đầu với nhiều thách đố hiện nay như: hiện tượng di cư, đôi khi được gọi là nô lệ mới, ảnh hưởng tiêu cực của sự toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa, các thay đổi khí hậu, nạn cuồng tín tôn giáo, bất công và bạo lực, tự do tôn giáo và các vấn đề luân lý sinh học, đe dọa sự sống con người còn trong lòng mẹ từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên.
Nghị phụ thứ tư phát biểu trong phiên khoáng đại thứ 2 chiều ngày 11 tháng 10 là Đức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest Hungari, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu. Đức Hồng Y ghi nhận phần đóng góp cao qúy của các Giáo Hội Đông Phương cho các các Giáo Hội Tây Phương, vì ánh sáng Tin Mừng đã do các thừa sai đông phương truyền bá bên tây phương, như kể trong sách Công Vụ.
Âu châu mắc nợ Trung Đông, vì thế các kitô hữu âu châu cũng phải duyệt xét lương tâm xem họ đã tiếp đón các kitô hữu Trung Đông di cư tới Âu châu như thế nào, và có ý thức được các nguyên nhân đã khiến cho hàng triệu kitô hữu phải rời bỏ quê cha đất tổ, nơi tiền nhân của họ đã sống gần 2.000 năm nay hay không. Họ đến gõ cửa con tim chúng ta và thức tỉnh lương tâm kitô của chúng ta. Sự hiệp thông phải thúc đẩy các kitô hữu âu châu di chuyển trong thế giới của ơn thánh, cũng như trong xã hội, làm việc, cầu nguyện và cố gắng chiến đấu để hiện diện hữu hiệu trong xã hội hữu hình, mặc dầu phải chịu các buồn thương, vỡ mộng, và kinh nghiệm tiệu cực, đôi khi các kỳ thị và áp lực. Trong các tình trạng đó kitô hữu càng phải ý thức hơn về ơn gọi của mình trong xã hội. Càng ý thức về điều đó, chúng ta càng có khả năng cho thấy sức mạnh của Tin Mừng. Kitô hữu Âu châu phải tự chữa lánh chính mình với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, để có thể tái phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô đã nhận được từ Đông Phương, và trao đổi qúa tặng với họ qua chứng tá của chúng ta.
Vị thứ năm là Đức Cha John Atcherley Dew, Tổng Giám Mục Wellingon, người Niu dilen, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Đại dương châu. Trên bình diện địa lý, Giáo Hội tại Đại dương châu không dính dáng gì tới vùng Trung Đông, vì chỉ bao gồm Australia, Papua Tân Guinea, Niu Dilen và Vùng Thái Bình Dương, bao gồm 6 triệu tín hữu. Tuy nhiên, cũng có ba giáo Hội Đông Phương chính là Melkít và Maronít, và Canđê. Chiến tranh đã khiến cho người Libăng, Palestine, Ai Cập, Irak, Kurde, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, kitô cũng như hồi giáo, di cư sang Đại dương châu. Gia tài văn hóa, tôn giáo của họ được đánh giá và trân trọng. Giáo Hội địa phương cũng liên đới với các khổ đau và nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện cũng như các trợ giúp vật chất và tinh thần.
Tuy các dấn thân đối thoại liên tôn tại Đại dương châu còn mới mẻ, nhưng các giáo hội địa phương có thể học được từ các kitô hữu Trung Đông nhiều điều hay đẹp và dấn thân đối thoại với người do thái và hồi giáo để cùng nhau chung xây hòa bình và thăng tiến các giá trị tinh thần cũng như sự thịnh vượng cho mọi người.
Nghị phụ thứ 6 phát biểu là Đức Cha Raymundo Damesceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida Brasil, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu Latinh và quần đảo Caraibi. Đức Cha nói lên lòng biết ơn của các Giáo Hội tại Mỹ châu La tinh và vùng Caraibi đối với các Giáo hội Trung Đông, vì gia tài Kinh Thánh cũng như các giáo huấn các công đồng và chứng tá sống đức tin của tín hữu Trung Đông. Sự toàn cầu hóa và tính cách đời của các chính quyền cai trị các dân tộc châu Mỹ Latinh nhiều khi dẫn tới chỗ kỳ thị vì lý do ý thức hệ chính trị cũng như ý thức hệ thần quyền khiến cho cuộc chiến đầu cho tự do tôn giáo và tự do lương tâm trở thành điểm gặp gỡ của hai bên.
Chính trong bối cảnh này, việc giáo duc và đào tạo gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, làm sao để các giá trị kitô và gia tài đức tin được duy trì và củng cố. Bên cạnh đó là việc đào tạo giáo dân cũng như giáo sĩ làm sao để các giáo xứ trở thành các cộng đoàn hiệp thông liên đới và huynh đệ. Để được như thế mọi thành phần dân Chúa phải hoán cải mỗi ngày để trở thành ”môn đệ của Chúa và là người truyền giáo”, đem Chúa Giêsu Kitô đến cho tha nhân, đăc biệt là giúp giới trẻ khám phá ra Chúa Kitô ”là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Tuy là con số ít ỏi, nhưng các kitô hữu Trung Đông cũng hiện diện tại nhiều nước Châu Mỹ Latinh, Đức Cha Damasceno Assis đặc biệt cầu mong các xung khắc giữa người Israel và Palestine mau chấm dứt, để cho hòa bình trở lại trên Thánh Địa là quê hương của Chúa Giêsu, và để cho hai dân tộc được sống trong an bình thịnh vượng.
(SD 12-10-2010)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19