Thứ Ba tuần 29 Thường niên (+video)
Lc 12, 35-38
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn,
thắp đèn cho sẵn”.
(Lc 12,35)
Dụ ngôn chúng ta vừa nghe nói về sự tỉnh thức:
1. Theo thánh Phêrô thì tỉnh thức: “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”. (1 Pr 1,13-16).
Tại sao phải tỉnh thức ? Thưa, vì “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn sau:
Một cụ già cuốc đất trồng cây. Chợt ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói:
- Cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây…Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa.
Ông cụ trả lời:
- Chắc gì lão chết trước, chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu. Trẻ với già có khác chi nhau về phương diện đó.
Thời gian qua, ba cậu vì công việc, đi lính, kinh doanh, hoặc vì ngộ nạn, đều chết cả.
Cụ già được tin buồn, khóc thương ba trẻ.
Câu cửa miệng vẫn nói: tre già, măng mọc, nhưng cũng nhiều khi tre già khóc măng non.
Lá vàng đeo đẳng trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời ?
Trời hay, Trời biết hết chứ. Nhưng có điều cho xảy ra như vậy để con người không ai biết giờ mình chết. Có như thế con người mới lo tỉnh thức.
Bởi thế, “Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng, mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Tỉnh thức còn là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca: “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ”.
Chuyển kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: “Tận cùng chân trời của trái đất là nước, trời với đất gặp gỡ nhau”.
Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được.
Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với niềm hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những đói khát, giá rét không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.
Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy có chỗ nói thêm rằng: “Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau thì sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ là cánh cửa sẽ mở ra và người sẽ gặp thấy Thiên Chúa”.
Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng, thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.
Thật sự không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả. Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không ?
Chúng ta biết, tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng là thái độ của mỗi người đầy tớ trung tín, chứ không phải là thái độ cần thiết của những người gác cổng mà thôi. Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm các công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.
Giáo Hội như người mẹ hiền nhắc nhở con cái là những người có lòng tin, phải sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại sau cùng của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước khi nào ngày giờ đó sẽ xảy đến. Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa Kitô sẽ trở lại, bởi vì nếu biết thời điểm đích xác chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tác hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.
Để được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng, đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)