Thứ Bảy tuần 17 Thường niên (+video)
Mt 14,1-12
“Vua muốn giết ông Gioan,
nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ.”
(Mt 14,5)
1. Cả hai nhân vật Gioan và Hêrôđê đều can đảm nhưng mỗi người hướng về những mục đích khác nhau: Gioan can đảm làm điều tốt cho dù phải hy sinh tính mạng. Hêrôđê can đảm dám phạm bất cứ tội lỗi nào.
Không riêng gì tính can đảm, mà nhiều khả năng khác của con người (như trí thông minh, sức mạnh, quyền lực…) cũng phải được định hướng cho đúng mới tốt được.
Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta những khả năng, quyền lực v.v… Nhưng xin dạy chúng ta biết sử dụng chúng cho đúng hướng.
Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma cho mời nhà quí tộc Rômanus đến. Vua muốn cùng một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.
Nhưng Rômanus tâu vua, mình hết lòng cám ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.
Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đàng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.
Sau một ngày, ông Rômanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Rômanus can đảm tâu vua:
- Dây hôn phối ràng buộc khanh với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.
Vua ra sức nài ép song vô ích.
Ông Rômanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.
Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.
2. “Vua muốn giết ông Gioan, nhưng sợ đám đông vì họ coi ông là ngôn sứ” (Mt 14,5).
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho đặc ân cao quý là có quyền tự do lựa chọn. Chúng ta được quyền chọn bất cứ điều gì, hành động ra sao, cư xử như thế nào. Nhưng chúng ta đừng quên cách chúng ta phải sử dụng quyền đó cho chính đáng. Vua Hêrôđê đã cho mình quyền “tự do” của một ông vua, nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Nhưng đâu biết rằng, chính lúc ông thực hiện quyền tự do ấy cũng là chính lúc ông bị ràng buộc bởi một sức mạnh khác. Đó là lời thề và danh dự của ông trước mặt các khách dự tiệc. Ngược lại, Gioan đã sử dụng những khả năng Chúa ban cho mình để bênh vực cho lẽ phải. Cho nên dù có bị giam cầm và bị chặt đầu nhưng lòng ông cũng thanh thản vì ông làm đúng lương tâm.
Tờ New York Times ngày 17.3.1994 có đăng câu chuyện có thật của một phạm nhân:
Ông Ricardo Caputo, một tội phạm nghiêm trọng của tòa án liên bang đã giết chết bốn người vợ trong thời gian 20 năm. Bằng nhiều thủ đoạn khéo léo, ông đã trốn thoát khỏi mọi mạng lưới pháp luật bao vây lùng bắt của tòa án liên bang. Tuy nhiên, sau 20 năm, ông ta đã tự ra đầu thú tại một sở cảnh sát ở Mineola, New York bởi vì lương tâm ông cắn rứt không còn chịu nổi. Khi ra đầu thú, ông cho biết, ông thà bị giam cầm trong ngục còn sướng hơn bị lương tâm cắn rứt và tội lỗi dày vò.
3. Chúng ta đừng coi thường tiếng nói của lương tâm vì đó là tiếng nói của Chúa.
Trong cuốn sách có tựa đề là “Chờ đợi Chúa” người ta đọc được câu chuyện này: Một người cha kia có hai người con. Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xép rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn nghề thợ rèn rồi vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi đến một ngôi làng khác. Một hôm, hai cha con đi ngang một cánh đồng, thấy một con bò đang gặm cỏ, người chăn ở đâu không thấy mà làng mạc thì xa. Đứa con nói với cha:
- Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn.
Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói:
- Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có công việc.
Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội lùa con bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà, thì hai cha con bắt tay vào việc làm thịt bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói:
- Ta hãy đoán xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt bò này.
Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt bò. Trong khi người cha ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật, người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích:
- Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm, còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm chẳng bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)