Thư gửi hàng linh mục Trung Quốc

Thư gửi hàng linh mục Trung Quốc

Nội dung thư Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi hàng Linh Mục Trung Quốc nhân Năm Linh Mục

Ngày 10-11-2009 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi cho các linh mục tại Trung Quốc một bức thư nhân Năm Linh Mục. Thư đã được công bố ngày 16-11-2009. Sau chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài tóm tắt nội dung bức thư gồm 11 đoạn với các tựa đề: lời mời gọi hy vọng, loan báo Chúa Kitô, các nhân đức linh mục, Thánh Thể, Lời Chúa, nhiệm vụ của các Giám Mục, một mục vụ thăng tiến ơn gọi linh mục, việc thường huấn, lòng tôn sùng Thánh Thể, hòa giải tinh thần các con tim, các cơ cấu hiệp thông.

Mở đầu thư Đức Hồng Y Bertone viết như sau: ”Các anh em trong chức Linh Mục thân mến. Năm Linh Mục, một món quà của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mà chúng ta đang cử hành nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thánh Giovanni Maria Vianney sinh vào quê trời, mời gọi tôi đặc biệt ngỏ lời với các linh mục của Giáo Hội tại Trung Quốc.

Trước hết Đức Hồng Y nhắc lại bức thư Đức Thánh Cha gửi ngày 27-5-2007 cho các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và giáo dân Cộng hòa nhân dân Trung Quốc vạch ra các đường nét hướng dẫn con đường tương lai của Giáo Hội và nói rằng ngài chỉ ước ao nhấn mạnh trên sự hòa giải bên trong cộng đoàn công giáo và một cuộc đối thoại trong tinh thần tôn trọng và xây dựng với các chính quyền dân sự, mà không từ bỏ các nguyên tắc của đức tin công giáo. Tin tức đó đây tại Trung Quốc cho biết đã có các dấu chỉ hy vọng. Đức Hồng Y khuyến khích các linh mục cấp thiết kín múc ánh sáng và sức mạnh nơi các suối nguồn của nền tu đức linh mục, là tình yêu của Thiên Chúa và việc theo Chúa Kitô vô điều kiện để đối phó với tình hình giáo hội và chính trị xã hội hiện nay, và để tiếp tục con đường hòa giải và đối thoại. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các linh mục Trung Quốc biết đón nhận mùa xuân mới mà Chúa Thánh Thần đang khơi dậy trong Giáo Hội ngày nay.

Tiếp đến thư Đức Hồng Y Bertone nhắc cho các linh mục biết các vị là chủ chăn của Dân Chúa, sống trong một quốc gia rộng lớn về diện tích cũng như dân số, một đoàn chiên bé nhỏ giữa một đám đông dân và bên cạnh các tôn giáo khác với những người có lập trường khác kể cả đối nghịch với Thiên Chúa và tôn giáo. Nhưng đây cũng là trường hợp của nhiều anh em linh mục tại nhiều vùng khác trên thế giới, ”mặc dù phải sống giữa các khó khăn và hiểu lầm, họ vẫn trung thành với ơn gọi là bạn hữu của Chúa Kitô được Chúa đặc biệt mời gọi, tuyển chọn và sai đi” (Thư tuyên bố Năm Linh Mục).

Tuy nhiên cũng xảy ra các hoàn cảnh đáng than phiền vì sự bất trung của một vài thừa tác viên gây gương mù gương xấu, khiến cho người ta khước từ Chúa và Giáo Hội. Nhưng cũng có rất nhiều chủ chăn quảng đại và nồng nhiệt đối với Chúa và các linh hồn. Cái đói của thế giới rất lớn, nhưng linh mục có khả năng hạn hẹp. Tuy nhiên vẫn có thể làm được nhiều điều như thăm viếng tín hữu, đào tạo các giáo lý viên, thăng tiến các công tác bác ái, tổ chức các buổi hội họp với các người không công giáo vv...

Noi gương Cha Sở Thánh họ Ars các linh mục phải biết đối thoại với mọi người và là người của đời cầu nguyện, liên lỉ và chân thành đối thoại với Chúa, sống khó nghèo triệt để: mọi sự nhận được thánh nhân đều cho Giáo Hội và người nghèo. Thánh nhân cũng sống khiết tịnh vì chức linh mục đòi buộc và vì hàng ngày linh mục chạm đến Mình Thánh Chúa. Tuy không cảm thấy có khả năng thích hợp, nhưng vì vâng lời và mê say các linh hồn thánh Giovanni Maria Vianney đã ở lại nơi được chỉ định.

Sức mạnh giúp linh mục sống trung thành với sứ mệnh thừa tác là bí tích Thánh Thể và sự hiện diện của Chúa. Vì tình yêu của Chúa biến đổi sự dữ thành sự lành, thù hận thành tình yêu. Kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể linh mục trở thành chủ thể của việc biến đổi con tim. Thánh Thể cũng là bí tích của sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, với Giám Mục và toàn thể Giáo Hội đại đồng, là suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống giáo hội và công tác rao giảng Tin Mừng và là trung tâm sự hòa giải. Thánh Thể tạo ra và giáo dục hiệp thông.

Bên cạnh Thánh Thể là Lời Chúa. Chứng tá sống động của linh mục thấm nhuần hiểu biết và yêu mến Lời Chúa để có kiểu sống mới như kiểu sống của Chúa Kitô và các tông đồ.

Các Giám Mục đặc biệt được mời gọi săn sóc cuộc sống thánh thiện của các linh mục, dễ bị phân tán và chi phối vì nhiều nhiệm vụ khác nhau phải đảm trách. Cần phải giúp các linh mục sống mối dây hiệp nhất ấy trong các sinh hoạt mục vụ. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh mục vụ ơn gọi. Trong 50 năm qua Giáo Hội Trung Quốc không thiếu ơn gọi, nhưng cần phải củng cố sự phân định và đào sâu việc huấn luyện ơn gọi linh mục tu sĩ. Năm Linh Mục là dịp đưa ra sáng kiến trợ giúp cuộc sống của các chủng sinh, bằng cách chú ý nhiều tới việc đào tạo họ trên bình diện tinh thần cũng như trí thức, thăng tiến các ngày tìm hiểu và cầu nguyện cho ơn gọi, mở các trung tâm để người trẻ và giáo dân có thể đến gặp gỡ và cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của các cha linh hướng.

Tại Trung Quốc cũng như các nơi khác trên thế giới việc thường huấn cho các linh mục là điều quan trọng. Các Giám Mục và các vị hữu trách phải nghĩ tới hàng giáo sĩ trẻ thường xuyên phải đối phó với các thách đố mục vụ và các đòi hỏi mới của việc rao truyền Tin Mừng, vì các hoàn cảnh xã hội và văn hóa liên tục thay đổi. Các Giám Mục có bổn phận phối hợp với nhau để tổ chức các khóa thường huấn nghiêm chỉnh cho các linh mục trẻ thường phải làm việc trong các giáo xứ ngay sau khi thụ phong và sống lẻ loi với nhiều trách nhiệm nặng nề. Ngoài ra các Giám Mục cũng phải lưu tâm tới việc lo lắng cho các linh mục già yếu. Và thật là hữu ích khi các Giám Mục và các Linh Mục có các cuộc gặp gỡ cá nhân thường xuyên và gia tăng các cuộc hội họp chính thức và không chính thức, để hoạch định các sinh hoạt của giáo phận, chia sẻ các kinh nghiệm và trợ giúp nhau giải quyết các khó khăn cá nhân và các khó khăn mục vụ.

Tiếp tục thư gửi cho hàng linh mục tại Trung Quốc Đức Hồng Y Bertone nhắc tới giá trị vô lường của việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ, trong cuộc sống của Cha Sở Thánh họ Ars. Các chủ chăn phải khuyến khích việc tôn sùng Thánh Thể với chứng tá cá nhân, bằng cách tổ chức một giờ chầu Thánh Thể hằng tuần và các buổi rước kiệu Thánh Thể vv... trên bình diện giáo phận và giáo xứ. Tín hữu quây quần chung quanh Thánh Thể có thể sống sự hiệp thông giáo hội. Đức Gioan Phaolô II đã để lại chứng từ về lòng tôn sùng Thánh Thể này như sau: ”Thật xinh đẹp biết bao được chuyện vãn với Chúa, tựa đầu vào ngực Chúa như môn đệ được Chúa dấu yêu, và được đánh động bởi tình yêu vô biên của con tim Ngài! Nếu trong thời đại chúng ta Kitô giáo phải được phân biệt, nhất là bằng ”nghệ thuật cầu nguyện”, thì làm sao không cảm thấy sự cần thiết canh tân việc ở lại lâu giờ chuyện vãn thiêng liêng với Chúa, trong thờ lậy thinh lặng, trong thái độ yêu thương trước Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể? Anh chị em thân mến, biết bao lần tôi đã sống kinh nghiệm này, và tôi kín múc được sức mạnh, sự ủi an và nâng đỡ từ đó!” (Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể s. 25).

Các linh mục cũng có sứ mệnh hòa giải các con tim vì các tương phản và bần cùng còn tồn tại trong lòng cộng đoàn công giáo. Cần nhớ rằng cả cộng đoàn các môn đệ ngay từ đầu không phải chỉ biết tới niềm vui của Chúa Thánh Thần, ơn chân lý và tình yêu thương, mà cũng có thử thách, nhất là các trái nghịch liên quan tới đức tin với các hậu qủa xé rách sự hiệp thông. Cũng như ngay từ đầu đã có sự hiệp thông tình yêu và sẽ có mãi cho tới cùng, thì rất tiếc ngay từ đầu cũng đã có sự chia rẽ len lỏi vào lòng cộng đoàn. Chúng ta không được lấy làm lạ là nó vẫn còn hiện hữu cả ngày nay nữa (Thư gửi Giáo Hội tại Trung Quốc, s. 6). Liên quan tới các chia rẽ trong cộng đoàn thánh Phaolô viết trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô: ”Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1 Cr 11,19). Tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, để phục vụ quyền năng của Ngài là sự khôn ngoan và là tình yêu vô tận. Trong lúc này đây đừng có ai ngần ngại tìm kiếm sự hòa giải với các cử chỉ cụ thể, giang tay cho người anh em ”có điều gì đó chống lại con” (Mt 5,23-24). Để đạt sự hòa giải này cần phải chú ý tới việc đào tạo nhân bản mọi tín hữu, kể cả các linh mục và tu sĩ, vì việc thiếu trưởng thành nhân bản, tự chủ và hòa hợp nội tâm là lý do thường xuyên gây ra các hiểu lầm, thái độ thiếu cộng tác và các xung khắc giữa lòng các cộng đoàn công giáo.

Điểm cuối cùng Đức Hồng Y Bertone muốn lưu ý các linh mục tại Trung Quốc trong thư gửi cho các vị nhân Năm Linh Mục, đó là việc tận dụng các cơ cấu thuận tiện cho công tác mục vụ như được giáo luật thấy trước. Mỗi Giám Mục giáo phận được mời gọi dùng các dụng cụ không thể thiếu cho sự hiệp thông và cộng tác trong lòng cộng đoàn giáo phận: đó là cơ cấu trung ương của giáo phận, hội đồng linh mục, ban cố vấn, hội đồng mục vụ giáo phận, và hội đồng giáo phận đặc trách kinh tế. Các cơ cấu đó diễn tả sự hiệp thông và thăng tiến việc chia sẻ trách nhiệm chung và là một trợ giúp rất lớn cho các Chủ chăn được sự cộng tác của các linh mục, các người sống đời thánh hiến và giáo dân (Thư gửi Giáo Hội tại Trung Quốc s. 10). Khi không thể có toàn bộ cơ cấu cai quản giáo phận được, thì ít nhất các Giám Mục phải chỉ định một Cha Chính, một chưởng ấn, một quản lý vv... để có người mà bàn hỏi và cộng tác trong việc lấy các quyết định pháp lý và mục vụ.

Kết thúc thư gửi hàng linh mục Trung Quốc Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phó thác cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria lời cầu chúc cho cuộc sống thừa tác của các linh mục Trung Quốc luôn ngày càng được hướng dẫn bởi các các lý tưởng hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội, đã từng linh hứng tư tưởng và hành động của Cha Sở Thánh họ Ars. (SD 16-11-2009)

ĐHY Tarcisio Bertone

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top