Thứ Hai tuần 23 Thường niên (+video)
Lc 6, 6-11
“Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay huỷ diệt ?” (Lc 6,10)
1. Chúa Giêsu, các luật sĩ và Pharisêu lại tranh luận với nhau về luật nghỉ không làm việc trong ngày Sabat.
Theo những người luật sĩ và Pharisêu thỉ nghỉ là nghỉ, “không làm gì cả”. Ngày Sabat là ngày nghỉ. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tuỳ từng trường hợp rất cụ thể mới được làm. Thí dụ như cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6).
Theo Chúa Giêsu, nếu cứ giữ như thế thì luật sẽ trở thành một gánh quá nặng cho con người và nhiều khi còn tàn nhẫn nữa.
Một người Do Thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên thì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng, vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:
- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.
Nói xong ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Những người sống luật vì luật cũng tương tự như thế.
2. Còn Chúa Giêsu, thì thái độ của Ngài có khác. Luật nào cũng vậy, trong mọi trường hợp phải lệ thuộc vào tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì lề luật chỉ còn là cái xác không hồn. Không vì yêu thương thì luật trở thành vô đạo đức. Luật ngày Sabat cũng thế…. vì ngày Sabat theo ý nghĩa từ ban đầu là ngày giải phóng con người.
Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người có một cánh tay bị khô bại. Cánh tay đó lại là cánh tay bên phải nên khả năng làm việc của anh dường như không còn. Không còn khả năng làm việc cũng có nghĩa là mất luôn phương tiện để sinh sống. Đứng trước hoàn cảnh đó, tuy anh ta không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.
Các luật sĩ và những người Pharisêu đã rình xem Chúa ngay từ khi Chúa bước vào hội đường cho nên khi thấy Chúa Giêsu làm như vậy thì họ chộp ngay lấy cơ hội tố cáo Người.
Chúng ta thừa biết lòng của các luật sĩ và những người Pharisêu đã trở nên chai cứng như thế nào. Họ chẳng màng gì đến những chuyện sống sao cho đẹp lòng Chúa mà chỉ nghĩ đến việc giữ một số những quy định, rồi tưởng rằng, làm như thế là đã sống đạo rồi.
Người ta kể rằng: Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay, đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu, người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra với mình, hay phải đến phòng khách làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại thì thấy Chúa Giêsu vẫn còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ:
- Nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con.
Qua việc chữa bệnh cho người bị bại tay trong ngày Sabat hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tâm hồn Chúa tràn đầy yêu thuơng đối với con người. Kể từ giây phút Chúa long trọng công bố rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do, tại hội đường Nazareth, Chúa đã luôn luôn trung thành với sứ mạng này để phục vụ và nâng cao con người lên.
Mẹ Têrêsa đã từng nói: “Theo tôi biết, chẳng có khổ đau nào thấm thía hơn nỗi khổ đau của người thấy mình cô đơn, thừa thãi, không được ai yêu thương. Nỗi khổ đau cùng cực là nỗi cô độc, không biết tới cả mối tương quan thân tình đích thực giữa người với người, không biết thế nào là được yêu, không người thân, không bạn hữu”.
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng cả trong tinh thần,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều các con làm cho
người bé mọn nhất trong anh em
là các con làm cho chính Ta”. (Mt 25,40)
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)