Thứ Hai tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 30 Thường niên (+video)

Lc 13, 10-17

“Những kẻ đạo đức giả kia!
Thế ngày Sabat, ai trong các người lại không cởi dây,
dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ?”
(Lc 13,15)

1. Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày Sabat:

Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu.

Cách riêng, luật thánh hóa ngày Sabat (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Vậy phải hiểu luật và giữ luật theo tinh thần mới. Còn nếu cứ giữ luật vì luật, thì luật sẽ trở thành xiềng xích và sẽ là cớ cho nhiều lạm dụng bởi những động lực không tốt của con người.

Đã có một tín hữu nọ đi tới một quán ăn, anh biết quán ăn có nhiều món cá lạ, nhưng là ngày thứ sáu buộc phải kiêng thịt mà trong lòng thì lại thích ăn thịt. Vì thế, trước hết anh gọi những món cá mà anh biết chắc chắn chẳng bao giờ có, anh nói:

- Cho tôi đĩa cá sấu, cho tôi đĩa cá voi, cho tôi đĩa cá mập….

Chủ quán trả lời:

- Không có! Không có! Không có!

Thế rồi anh tự nhủ:

- Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đó là con đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi, con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy.

Cầu nguyện xong, anh thi hành liền, anh tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để khỏi phải bị lỗi luật Chúa!

2. Ngày Chúa nhật phải là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi. Tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.

Việc Chúa chữa người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong ý nghĩa đó.

Chúa đối xử như vậy nhưng con người thì lại không được như Chúa.

Trong 40 chuyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994, có một câu chuyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn thị Hoài Thanh. Chuyện có nội dung như sau:

Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những giọt nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn:

- Coi chừng trôi tivi…

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hối hả chạy ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn:

- Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao.

Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy để trừ nợ.

- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm.

Mẹ tôi cười:

- Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép.

Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.

Chuyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt ; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.

Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người Pharisêu đã đối xử với người đàn bà trong Tin Mừng hôm nay như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình.

Một bà đạo đức kia rất có lòng quí mến và tôn trọng các vị tu hành. Bà đã nhận chu cấp cho một đệ tử có chí nguyện từ bỏ cuộc sống trần gian để dấn thân theo con đường tu thân tầm đạo.

Suốt hai mươi năm trường, bà không ngừng chăm lo và khuyến khích vị tu sĩ trẻ gắng công tu trì, tĩnh niệm, chuyên cần để hiểu pháp luật. Trong một khu vườn thanh tịnh âm u, xa khuất mọi tiếng ồn ào cõi thế, bà dựng một tịnh xá để ngày đêm vị tu sĩ chuyên tâm tu luyện.

Hai mươi năm trôi qua, một ngày nọ, người đàn bà đạo đức ấy muốn biết công trình tu thân luyện đức của nhà sư đã đạt tới mức độ nào, bà liền bày ra một cuộc thử thách thật cam go.

Bà nhờ một thiếu nữ xinh đẹp giúp bà trong cuộc thử thách này. Đúng nửa đêm, khi nhà sư đang trầm ngâm trong tĩnh niệm, thiếu nữ liền đẩy cửa tịnh xá tiến vào trước mặt nhà sư và bày trò cám dỗ ông. Đôi mắt nhìn xuống, nét mặt thanh thản, nhà sư vẫn bất động.

Nhưng sau một hồi lâu như không thể cầm mình được nữa, nhà sư liền nắm cây chổi quất lia lịa vào người thiếu nữ và xua đuổi nàng ra khỏi tịnh xá.

Khi nghe nàng kể lại sự kiện, người đàn bà đạo đức buồn rầu hỏi nàng:

- Thế ra hắn không nói với con được một lời cảm thông ư ? Hắn không tỏ dấu gì một tâm hồn đã siêu thoát và tự chủ ư ?

Rồi bà thất vọng thốt lên:

- Ôi, hai mươi năm trường tu luyện, thật vô ích! Hai mươi năm ân cần săn sóc và mong đợi của ta, thật uổng phí!

Top