Thư Mục tử Mùa Phục Sinh 2014
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THƯ MỤC TỬ MÙA PHỤC SINH 2014
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT! ALLELUIA!
Kính gởi : Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ
Và Anh Chị Em giáo dân
trong Gia đình Giáo phận
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Chúa đã sống lại thật! Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh! Chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
1. Trong Mùa Phục Sinh, các Kitô hữu thuộc Giáo hội Chính thống có thói quen chào nhau bằng câu nói “Chúa đã sống lại”. Đức Giêsu Kitô đã chết, Người đã được mai táng trong mộ, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ trong cõi chết, Người đã chiến thắng sự chết và đã sống lại thật. Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Cứu Thế. Đó là chân lý, là sự thật, một sự kiện độc nhất vô nhị đã xảy ra! Nhưng đó cũng là một “thông điệp từ trời”: sự kiện và chân lý này vừa mang tính lịch sử, vừa vượt lên trên lịch sử. Đó cũng là “nội dung cốt yếu” của đức tin Kitô giáo. Chúng ta tin vào một con người, một nhân vật lịch sử quê thành Nazareth xứ Galilê, bị đóng đinh vào thập giá thời quan Phongxiô Philatô, có tên là “Giêsu”. Nhưng chúng ta tin con người ấy là “Con Một của Thiên Chúa”.
Giáo Hội luôn rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, như Thánh Phaolô và các Thánh Tông Đồ: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1Cr 15, 3-5). Trong bài giảng đầu tiên được ghi lại nơi sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phêrô kết thúc bằng lời tuyên tín: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 36). Theo sách Tin Mừng Gioan, buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ, trao sứ vụ cho họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em”, rồi ban cho họ Thần Khí Phục Sinh của Người và trao quyền “tha tội”: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20, 21-23).
2. Trong cái nhìn quy về Chúa Cha, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II gọi “Đấng Cứu Thế là Lòng Thương Xót của Chúa Cha”. Chúa Kitô là hiện thân của Chúa Cha (bản thân Chúa Cha hiện diện). Mà Thiên Chúa là “Tình Yêu” như lời thư 1 của Thánh Gioan (x. 1 Ga 4, 8. 16), nên Chúa Giêsu là hiện thân của Tình Yêu, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hiện diện. Biến cố Chúa Kitô Phục Sinh là sự chiến thắng của tình yêu, là chiến thắng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin vào Chúa Phục Sinh là tin vào sức mạnh của tình yêu thần linh: Tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa chỉ có một sức mạnh, và sức mạnh đó là yêu thương. Tình Yêu chiến thắng là Chúa chiến thắng, Lòng Thương Xót chiến thắng.
Là môn đệ của Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi trở thành “tông đồ”, sứ giả của Chúa Kitô, đi khắp mọi nơi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn nơi “sự chết và sự sống lại” của Chúa. Vậy điều quan trọng nhất trong Mùa Phục Sinh là “làm sống lại niềm tin Phục Sinh”; một niềm tin có khi đã chết, hoặc đã suy yếu đến mức không còn hoạt động hay không có khả năng hành động. Hãy làm sống lại, khơi lại niềm tin ấy. Làm thế nào để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Phục Sinh? Cần phải có ơn Chúa, và ơn Chúa lúc nào cũng tràn đầy chan chứa, nhưng chúng ta phải đón nhận. Hãy tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhớ lại “Phép Rửa” mà chúng ta đã lãnh nhận. Bấy giờ “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
3. Mùa Phục Sinh là mùa làm sống lại ơn đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống lại với Người. Chúng ta chết cho con người cũ, đầy những thương tích vì tội lỗi, chúng ta đóng đinh “tính xác thịt” vào Thánh giá Chúa. Chúng ta “đi ra khỏi mồ chôn” là con người ích kỷ và tội lỗi của mình, đáp lại tiếng gọi của Chúa “hãy đi ra”, mà Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên nhắc lại. Hãy đi ra khỏi con người của mình, đến với Chúa và mọi người. Hãy đến với những ai cần chúng ta, hãy làm cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo và khốn khổ trở nên những người thân cận. Đừng sợ Chúa, đừng sợ những người nghèo, vì nhiều lúc nhờ những anh chị em đó mà chúng ta được gặp Chúa. Hãy làm cho Giáo Hội của chúng ta thực sự trở thành Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo.
Hãy có đôi mắt của lòng thương xót, để không nghi ngờ và phê phán người khác dựa vào bên ngoài, nhưng biết nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của người thân cận. Hãy có đôi tai của lòng thương xót, để lắng nghe những nhu cầu của người thân cận, không lãnh đạm với những khổ đau của người ấy. Hãy có miệng lưỡi của lòng thương xót, để đừng bao giờ nói xấu người thân cận, nhưng biết nói lời an ủi và tha thứ. Hãy có những bàn tay của lòng thương xót, để làm điều lành cho người thân cận, và đón nhận những nhiệm vụ nặng nề thay người khác. Hãy có đôi chân của lòng thương xót, để mau đến với những người khốn khổ đang chờ đợi chúng ta.
4. Trong Mùa Phục Sinh có tháng Đức Mẹ, “tháng Hoa”. Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức bình dân trong Giáo Hội dành cho việc sùng kính Đức Mẹ. Tôn vinh Mẹ Maria, chắc chắn chúng ta sẽ làm đẹp lòng Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Tôn vinh Mẹ Maria là một cách để chúng ta tuyên xưng rằng Mẹ xứng đáng thông phần vinh quang của “Chúa Giêsu Phục Sinh”. Hãy dâng hoa cho Đức Mẹ với tất cả lòng sốt sắng kính yêu, không dừng lại hình thức bên ngoài. Những giáo xứ nào có thói quen dâng hoa, hãy làm cho thật tốt, không nên bỏ đi một tập tục lành thánh như thế. Hãy tập cho thiếu nhi và giới trẻ biết dâng những hoa thiêng trong đời sống cho Mẹ Maria. Nhưng quan trọng hơn cả là hãy tập cầu nguyện cùng với Đức Mẹ, như ngày xưa các tông đồ tập cầu nguyện với Đức Mẹ và chờ đợi Chúa Thánh Thần. Hãy noi gương Đức Mẹ, không ngừng lắng nghe Lời Chúa, đón nhận “Ngôi Lời Hằng Sống” vào trong tâm hồn. Hãy làm gương sáng cho những người khác, mặc dù bản thân mình còn yếu đuối.
Hãy chạy đến cùng Mẹ và lôi kéo nhiều người khác chạy đến cùng Mẹ. Có thể tựa vào Mẹ Maria trong việc đối thoại với các tôn giáo bạn, với những anh em Tin Lành, thậm chí với cả những người chưa tin. Hãy cùng với Mẹ Maria và Giáo Hội, thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông đồ, chắc chắn Mẹ sẽ chúc phúc cho công việc tông đồ truyền giáo của chúng ta. Mẹ sẽ giúp chúng ta trở thành “cộng đoàn các môn đệ truyền giáo”, không ngại dấn thân đi bước trước, mạnh dạn có sáng kiến đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngã đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề. Nhờ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công việc truyền giáo, Giáo phận của chúng ta trở thành “một cộng đoàn sinh hoa trái và vui mừng” (x. Ev. Gaudium, số 24). Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, bất cứ ai dấn thân loan báo Tin Mừng, sẽ có niềm vui của Tin Mừng.
5. Cuối mùa Phục Sinh có hai lễ lớn là “Lễ Chúa Giêsu lên trời” và “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống”. Chúng ta hãy chuẩn bị hai ngày lễ này cho thật kỹ lưỡng và tốt đẹp. Riêng ngày lễ Thăng Thiên được mừng trọng thể trùng với "Ngày Thế giới Truyền thông xã hội”, ngày mà mọi người chúng ta được mời gọi tích cực thông phần vào việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh, bằng những phương tiện truyền thông hiện đại. Mỗi người theo cương vị và điều kiện mình có, hãy trở thành sứ giả của Chúa Phục Sinh, sứ giả mang “sự thật về tình yêu của Thiên Chúa” đến cho mọi “cư dân trên mạng” trên khắp thế giới. Hãy thực hiện mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu Phục Sinh trước khi Người lên trời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19). Tổng Giáo phận Sài Gòn của chúng ta sẽ tổ chức cử hành "Ngày Thế giới Truyền thông xã hội" vào ngày 31 tháng 05, ngày thứ Bảy trước Chúa nhật Lễ Thăng Thiên. Tôi rất mong các giáo hạt và các giáo xứ sẽ tích cực tham gia ngày này tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận.
Trong nỗ lực không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô và các chủ chăn, để canh tân triệt để bộ mặt Giáo Hội theo đúng tinh thần của Công đồng Vatican II mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã khởi xướng, chúng ta cần phải lưu tâm cách đặc biệt đến ngày lễ “Chúa Thánh Thần hiện xuống”. Chúa Thánh Thần là “Luồng Gió mới” thổi vào Giáo hội qua Công Đồng. Tất cả chúng ta đều mong đợi Chúa Thánh Thần, là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh; Ngài là sức sống của Hội Thánh, là tình yêu của Thiên Chúa trong lòng Hội Thánh, là ánh sáng không ngừng chiếu soi cho Hội Thánh. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta tiếp nhận các thành quả của Công Đồng, đưa vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh, và hợp nhất với nhau trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
6. Theo đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta không ngừng tiếp tục một cách nghiêm túc công việc Phúc Âm hóa gia đình. Gia đình phải là cộng đoàn đầu tiên đón nhận ánh sáng Tin Mừng từ mỗi Kitô hữu chúng ta, để rồi có thể trở thành một “cộng đoàn truyền giáo” hăng say loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta. Trước bao nhiêu những khó khăn thử thách của đời sống gia đình ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và hướng dẫn để chúng ta cố gắng tìm ra những cách thức đáp ứng với thời đại, dưới ánh sáng của Tin Mừng. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh yêu thương của Thiên Chúa. Hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần và với nhau, làm thế nào để mỗi gia đình công giáo trở thành chiếc nôi cho tình yêu và chân lý trong lòng Giáo Hội và xã hội hôm nay. Tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho khóa họp đặc biệt của Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới về gia đình, sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 04 đến ngày 18 tháng 10 sắp tới.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành, ban dồi dào Ân sủng và Niềm vui cho Anh Chị Em.
Tòa Tổng Giám mục TPHCM, Mùa Phục Sinh 2014
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020