Thứ Năm tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Năm tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Năm tuần 3 Phục sinh (+video)

Ga 6,44-51

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6,51)

1. Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với”“tin vào” Chúa.

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác hai phía:

Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” để con người tin và đến với Ngài: “Không ai đến được với Tôi nếu cha Tôi là Đấng sai Tôi không lôi kéo kẻ ấy” (Ga 6,44).

Được lôi kéo rồi con người còn phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa nữa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Tôi” (câu 45).

Tóm lại, việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa muốn và luôn tạo điều kiện để con người thực hiện. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

2. Việc quan thái giám xứ Êthiốp được ơn trở lại với Chúa trong Sách Tông Đồ Công Vụ là một thí dụ. Qua sự việc này, ta thấy có hai yếu tố quan trọng: một là ông ta là người đang nghiên cứu Kinh Thánh, hai là thiên sứ sai ông Philipphê đến để giúp ông ta. Việc thiên sứ thúc giục ông Philipphê đến với quan thái giám cho thấy, đức tin là một ơn do Thiên Chúa ban, nhưng thường qua trung gian một con người. Con người làm trung gian ở đây là ông Philipphê.

Qua sự việc này chúng ta có thể hiểu được những gì Chúa nói hôm nay: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Đến với Chúa Kitô là một ơn huệ Thiên Chúa thúc giục. Ai đến với Đức Kitô và tin vào Người, sẽ có sự sống đời đời. Có Đức Kitô trong mình là ta được sống trong thế giới của Thiên Chúa, được sống sự sống trường sinh.

Nếu xưa Philipphê đã là trung gian cho quan thái giám xứ Êthiốp để ông được Chúa ban cho ông ơn đức tin, thì ngày nay người Kitô hữu cũng phải làm trung gian để những người chung quanh mình tìm đến với Chúa, để họ cũng có được ơn đức tin như vậy.

Bà J. Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigéria, châu Phi, đã kể lại câu chuyện cảm động sau đây:

Một ngày kia bà được mời đến dự lễ Giáng Sinh được tổ chức tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên bà chứng kiến một số người cùi đông như vậy. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào bà cũng thấy những người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Bà thấy họ thật đáng thương, bệnh tật gậm nhấm dần và hủy hoại thân thể họ, nhưng khuôn mặt người nào cũng bày tỏ niềm vui, mắt họ sáng ngời khi họ hát những bài thánh ca Giáng Sinh.

Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc sách Thánh, ông phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời người đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi ấy giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên, ông nhỏ nhẹ nói:

- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.

Bà Scaggs lấy làm lạ, nói với người thông dịch rằng, anh ta dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì “được cùi” bao giờ. Người thông dịch tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích nguyên do:

- Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ biết Chúa, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!

3. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. (Ga 6,51)

Trong một cuộc họp mặt đông đảo của những người Kitô hữu, tại một nhà thờ ở Tây Đức, để tiếp đón mẹ Têrêsa Calcutta, người ta dâng lên cho mẹ một bó hoa tuyệt đẹp.

Bỡ ngỡ trước lòng quí mến và trọng kính mà cử tọa dành cho mình, mới đầu mẹ Têrêsa tỏ ra hơi lúng túng. Nhưng sau đó vài giây, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa, đi thẳng lên trên cung thánh, quì gối trước bàn thờ, rồi đặt bó hoa mà mẹ vừa được trao tặng, trước nhà tạm.

Cử chỉ này của mẹ Têrêsa cho thấy, Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã kín múc lấy cho cuộc sống dấn thân và phục vụ cách vô vị lợi của mẹ.

Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16).

Thực vậy, còn hình thức nào để thể hiện sự chấp nhận tình thương của Thiên Chúa cho bằng ăn “bánh Giêsu”. Mà điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là tin và yêu.

Đó là điều chúng ta cần cầu xin cho nhau mỗi ngày.

Top