Thứ Năm tuần 4 Phục sinh (+video)
Ga 13,16-20
“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. (Ga 13,20)
Chủ đề hôm nay là sự đón nhận.
Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu gia nhập vào một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào ?
Đón tiếp hay tiếp nhận đòi hỏi phải hy sinh và nhất là phải biết tôn trọng người khác. Không muốn hy sinh và tôn trọng người khác sẽ không có sự đón nhận thực sự, hoặc là đón nhận thì cũng chỉ đón nhận cách thờ ơ lãnh đạm.
Đây là câu chuyện có thực. Tuy câu chuyện xảy ra mãi tận bên Mỹ nhưng là chuyện của con người. Edith và Kelo lấy nhau đã hai mươi ba năm nhưng họ vẫn không có con. Dầu vậy tình yêu giữa hai người luôn đằm thắm. Mỗi lần đi công tác, người chồng luôn viết thư và gửi quà về cho vợ. Tháng 2/1950, Kelo được gửi đi công tác tại Nhật Bản. Lần này, Kelo không gửi quà về cho vợ nữa. Người vợ nghĩ rằng, chồng cần dành tiền để mua một ngôi nhà mới chăng.
Tháng ngày trôi qua, cứ mỗi lần người vợ mong chồng về nhà thì bà lại nhận được một lá thư, trong đó, người chồng báo tin là sẽ nán ở lại một vài tuần nữa. Vài tuần rồi một tháng, thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn và những cánh thư cũng bắt đầu thưa dần.
Bẵng đi một thời gian, người vợ nhận được một lá thư trong đó chỉ có vỏn vẹn vài chữ. Như một hồi chuông báo tử, người chồng cho biết ông muốn được ly dị để cưới một cô gái Nhật Bản tên là Aikô, mười chín tuổi. Chờ cho những cảm xúc ban đầu lắng dịu, Edith bắt đầu hồi tâm lại, bà nghĩ rằng, chồng bà không vượt qua được nỗi cô đơn vì xa vợ quá lâu, nhưng ông đã tỏ ra thành thực và can đảm xin ly dị để cưới cô gái hơn là lợi dụng cô.
Bà Edith xây dựng cuộc sống còn lại trên sự cảm thông cao độ ấy. Thế là bà viết thư cho chồng và xin ông đừng cắt đứt liên lạc với bà. Không bao lâu, bà nhận được tin của người chồng cũ, ông cho biết ông đã có được hai đứa con gái. Bà Edith liền gửi quà mừng.
Trong những lá thư sau, Kelo kể đủ mọi chuyện cho người vợ cũ của mình biết: nào là về gia đình ông, nào là vợ ông đã tiến bộ trong việc học Anh ngữ, nào là ông đã giảm ký và đứa con gái nhỏ của ông đã mọc thêm mấy cái răng.
Nhưng rồi một ngày kia một lá thư khủng khiếp nhất đã đến tay bà: Kelo cho biết ông đang chờ chết vì bệnh ung thư phổi. Những lá thư cuối cùng của ông đầy nước mắt, không phải cho ông mà là cho Aikô và hai đứa con gái của ông. Ông đã dành dụm đủ tiền để gửi con sang Mỹ học, nhưng bệnh tật đã ngốn hết số tiền ấy.
Sau khi Kelo qua đời, Edith viết thư ngỏ ý bảo lãnh hai đứa con gái riêng của ông sang Mỹ. Edith đón nhận hai đứa con của người chồng cũ như chính con của mình. Mãi đến tuổi năm mươi, bà mới biết thế nào là làm mẹ. Giờ đây, sau khi tan sở, bà có đủ lý do để vội vã về nhà. Trong khi đó, vì thương con, Aikô cũng thường xuyên liên lạc với Edith. Edith chợt hiểu rằng, người mẹ này hẳn cô đơn vì nhớ con, bởi thế nên Edith quyết định bảo lãnh cho Aikô sang Mỹ.
Tháng 8/1957, Aikô nhận được giấy nhập cảnh. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế New Yord, tự nhiên Edith cảm thấy lo sợ: bà sợ bà không vượt qua được sự thù ghét đối với người đàn bà ngoại quốc đã cướp mất chồng bà. Vị hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay là một người thấp bé, mảnh khảnh đến độ Edith tưởng chỉ là một cô bé. Bà gọi tên Aikô và người đó chạy đến ngả vào cánh tay của bà. Hai người ôm ghì lấy nhau thật lâu. Ý nghĩ phi thường chợt đến với Edith:
“Tôi đã cầu nguyện cho Kelo trở về với tôi, giờ đây chồng tôi đang hiện diện trong hai đứa con gái nhỏ và người đàn bà dịu dàng mà ông đã từng yêu thương. Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương người đàn bà này”.
Có lẽ trong thực tế của cuộc sống, chúng ta khó có thể tìm được một câu chuyện nào đẹp như thế. Nhưng đây là một câu chuyện đã xảy ra... ngay trên trái đất này. Tuy ở một nơi thật xa chúng ta nhưng nó cũng cho chúng ta thấy được một phần nào Lời của Chúa đã rơi vào những mảnh đất mầu mỡ có thể sinh hoa kết quả.
Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Yêu thương thật sự là yêu thương cho đến khi nào cảm thấy bị tổn thương”.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp trên đời là một sứ giả Chúa gửi đến. Khi làm như thế chắc là Chúa mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp, để mọi người được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata).
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)