Thứ Sáu tuần 19 Thường niên (+video)
Mt 19,3-12
“Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
1. Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” (Mt 19,3).
Chúa Giêsu trả lời bằng một trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1: Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.
Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định về câu Đệ Nhị Luật đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật, nhưng chỉ là lời cho phép miễn chuẩn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế, trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là miễn chuẩn thôi. Sự miễn chuẩn đó không hủy bỏ được định chế hôn nhân.
Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả phân ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác, là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9).
2. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, Chúa còn nâng bậc hôn nhân lên hàng bí tích. Qua bí tích hôn nhân, Chúa ban cho đôi hôn nhân muôn vàn ơn sủng để hai người có thể chu toàn được bổn phận của mình.
Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi không lo lắng. Có nhiều cuộc hôn nhân không còn giữ được những giá trị tốt đẹp như ngày trước. Đó là những cuộc hôn nhân thiếu suy nghĩ, yêu cuồng sống vội. Có khi hôn nhân chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân chẳng khác gì một cuộc chơi, thích thì lấy nhau, không thích thì ly dị.
Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho tất cả các gia đình, nhất là cho các bạn trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, để họ ý thức được hôn nhân là một việc quan trọng, nên phải chuẩn bị và nhất là biết suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi chọn lựa, để rồi khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân họ luôn giữ được lòng trung thành.
Và giả như sau khi kết hôn, có những sự bất đồng, những va chạm, thì hãy tìm cách hoà giải cho êm thoả.
Ở bên Rôma có một ngôi đền thờ cổ. Đây là ngôi đền dâng kính nữ thần hòa giải. Ngay cái tên gọi ngôi đền này, đã nói lên tinh thần rất quí trọng của người Rôma thời xưa. Khi hai vợ chồng nào bất hòa với nhau thì người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (trích Mỗi ngày một tin vui).
Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần lan.
Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần lan đã xử Vasa với bản án tù chung thân.
Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.
Vua Phần lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:
- Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không ?
- Thưa hoàng thượng có.
- Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không ?
- Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quan này vẫn là chồng của tiện nữ.
Đức vua ngắt lời bà:
- Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu ? Ngươi được tự do mà.
Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:
- Xin hoàng thượng đọc cho.
Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”: Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.
Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục tối tăm, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.
Lạy Chúa, xin cho tất cả những người Chúa đã đưa vào cuộc sống đời hôn nhân, được luôn trung thành bên nhau. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)