Thứ Sáu tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Sáu tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Sáu tuần 3 Phục sinh (+video)

Ga 6,52-59

“Đây là bánh từ trời xuống,
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
(Ga 6,58)

Hôm qua, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Bánh Tôi sẽ ban chính là thịt Tôi đây” (Ga 6,51).

1. Hôm nay Chúa Giêsu nói thêm về bánh ban sự sống, là thịt và máu Ngài: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54).

Câu nói này đã khiến những người Do Thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận là vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Chúa Giêsu) có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).

Phần Chúa Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào ?

Thưa theo nghĩa đen. Chúa Giêsu đã dùng những động từ rất mạnh và rất cụ thể là trôgô nghĩa là “nhai”, lấy răng mà nhai một thứ nào đó. Và động từ trôgô này được lập đi lập lại nhiều lần (các câu 53-54). Rồi Ngài tuyên bố dứt khoát “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,55).

Bí tích Thánh Thể, là bí tích Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.

Vâng, việc Chúa Giêsu làm thật khó hiểu nhưng Lời Chúa quả là rất rõ ràng.

Từ xưa đến giờ, ngoài những người ở bộ lạc bán khai bên Phi châu trước kia là những người ăn thịt người, còn đối với những nơi khác thì việc ăn thịt người là một việc vô cùng họa hiếm. Sử sách có ghi lại một ít trường hợp ăn thịt người. Thí dụ xưa ở bên Trung hoa vào đời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, gặp lúc lương thực không có, công tử lại không ăn được rau cỏ dại trong rừng, thấy vậy Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Gần đây bên Pháp, dân Paris đã phải rởn tóc gáy vì mẫu tin: một sinh viên gốc Nhật giết một cô gái, chặt ra từng khúc, bỏ vào tủ lạnh và định ăn dần cho đến hết. Khi bị bắt, anh ta khai. Cô gái ấy là người yêu của anh. Anh yêu cô đến độ muốn biến cô thành máu thịt của chính mình nên đã giết đi và ăn thịt. Chỉ tiếc rằng, anh mới ăn có vài ngày đã bị phát giác.

Khi lập phép Bí tích Thánh Thể, Chúa đã muốn hiến chính thịt máu ngài làm của ăn của uống nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày.

Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được một công việc kỳ diệu như thế.

Chúng ta hãy cảm tạ ơn Chúa và xin Chúa cho chúng ta được hết lòng yêu mến Bí Tích Thánh Thể và năng chạy đến với Chúa Giêsu để được ngài bổ dưỡng.

Người ta kể lại rằng, khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô, Liên Xô có ngỏ ý xin mẹ cho lập chi nhánh của Dòng mẹ ở đó. Mẹ đã đồng ý nhưng với một điều kiện: xin cho có một Linh mục dâng Thánh lễ cho các nữ tu mỗi ngày. Mẹ giải thích: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày.

2. “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,55).

Chúa ban Mình Máu Thánh của Người cho chúng ta...qua đó Chúa cũng muốn dạy chúng ta bài học biết chia sẻ cho nhau như Chúa.

Vào thời gian đạo Công giáo bị cấm đoán, một thương gia Công giáo người Đức đã đi lên miền Bắc cực. Vì công việc làm ăn, ông phải lưu lại đó suốt mùa Giáng Sinh.

Biết ông là người Công giáo, một gia đình ở đó đã mời ông đến nhà để cầu nguyện cùng với họ vào đêm Giáng Sinh. Trong đêm tối lạnh buốt, họ quây quần quanh chiếc bàn nhỏ. Đúng nửa đêm họ cùng nhau cầu nguyện.

Sau lời chào chúc bình an, lời nguyện và bài Kinh Thánh, ông lão kéo ngăn bàn và lấy ra một hộp nhỏ. Trong hộp có một khăn thánh đã úa vàng theo thời gian.

Vừa nâng chiếc khăn lên, ông già vừa run run cất giọng nói:

- Cách đây 50 năm, thánh lễ Giáng Sinh cuối cùng trên mảnh đất chúng ta đang sống đã được dâng trên khăn thánh này. Lúc ấy tôi là một thanh niên giúp lễ. Đây là vật duy nhất còn lại. Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu đã ngự trên khăn này.

Sau khi nghe những lời ấy, mọi người quì gối và ông bố dâng lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin cho chúng con được tự do. Xin gửi các linh mục đền để chúng con được phúc mừng lễ Giáng Sinh, để chúng con lại được dự phần vào Mình và Máu Chúa.

Người thương gia Đức bồi hồi cảm động. Ông khao khát lãnh nhận Thánh Thể, một sự khao khát mà trước đây ông chưa hề có, cho dù ông vẫn đến nhà thờ dự lễ hàng ngày.

Có bao giờ chúng ta cảm thấy xa bàn tiệc thánh như những người trong câu chuyện trên ?

Được tham dự thánh lễ, được đón nhận Mình Máu thường xuyên, có lẽ ít khi chúng ta có được lòng khao khát Chúa mạnh như thế. Hơn nữa, vì quá quen, có thể có những lúc chúng ta cảm thấy nhàm chán, hoặc làm cho qua lần chiếu lệ.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được lòng khao khát đến với Chúa mỗi ngày.

 

Top