Thứ Sáu tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Sáu tuần 30 Thường niên (+video)

Thứ Sáu tuần 30 Thường niên (+video)

Lc 14, 1-6

Ai trong các ông có đứa con trai
hoặc có con bò sa xuống giếng,
lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabat ?”
(Lc 14,5)

1. Lại một lần nữa, Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat và bị các người Pharisêu kết án. Khi Chúa đặt câu hỏi: “Trong ngày Sabat có được phép chữa bệnh không ?” (Lc 14,3), họ đã không trả lời được.

Tin Mừng cho biết, có bảy lần Chúa đã chữa bệnh trong ngày Sabat như vậy. Theo Luca thì có những lần sau:

- Chữa cho mẹ vợ ông Phêrô (Lc 4,38);

- Chúa chữa cho người teo tay (Lc 6,6);

- Chúa chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13,14).

Rồi Gioan thêm vào câu chuyện

- Chúa chữa người bại tại hồ Bêtsaiđa (Ga 5,9).

Marcô còn cho biết

- Chúa cũng chữa người bị quỉ ám tại hội đường thành Capharnaum (Mc 1,21).

- Và hôm nay Chúa chữa người mắc bệnh phù thũng.

Chắc ai cũng nghĩ rằng, như vậy mọi người sẽ yêu mến Chúa hơn, nhưng thật đáng buồn là mỗi phép lạ chữa bệnh mà Chúa làm trong ngày Sabat không những đã không làm cho người ta yêu mến Chúa mà còn làm cớ cho các thầy thông luật và người Pharisêu, những người Do Thái chính thống càng ngày càng trở thành những người đối đầu với Chúa một cách quyết liệt hơn.

2. Vị thủ lãnh Pharisêu mời Ngài đến dùng bữa tại nhà ông hôm nay, là một người giữ luật đạo rất kỹ nhưng lại hoàn toàn thiếu tình người: mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng lại cố ý dò xét để bắt lỗi Ngài; thấy người bị bệnh phù thũng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu.

Một người giữ luật chín chắn như vậy mà còn có thể trở thành phi nhân như thế, thì thử hỏi những người khác không biết sẽ còn phi nhân đến mức nào! Vâng! Luật mà không có tình thì sẽ như vậy. Đây là một lời cảnh cáo cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta biết, đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu và các người Pharisêu bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày Sabat. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng, họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức vậy mà họ lại có thể mù quáng và ngoan cố đến như vậy!

3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người Pharisêu để chữa lành cho người phù thũng trong ngày Sabat, cho thấy rằng, đối với Ngài, con người là ưu tiên số một. Luật lệ, ngay cả luật ngày hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người (“Mỗi ngày một tin vui”).

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do Thái, ông Y. Rabbin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những anh ta không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà ngược lại, anh còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Pharisêu thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Pharisêu, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người có một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác.

Khi con người không trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác, lúc đó không biết họ còn là người nữa hay không hay đã trở thành vô cảm như như gỗ như đá.

Bởi vậy, giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương.

Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội.

Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người.

Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Đạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi.

Top