Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (+video)

Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (+video)

Ga 6,35-40

“Ai thấy Người Con và tin vào Người Con thì được sống muôn đời,
và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
(Ga 6,40)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35).

Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện qua việc đến với Ngài. Đó là điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc, được sống đời đời. Nhưng như thánh Phaolô nói: Làm sao tin được, nếu không được nghe; làm sao nghe được, nếu không có người rao giảng; và làm sao rao giảng, nếu không được sai đi (Rm 10,14). Tất cả những ai tin Chúa, thì cũng ý thức sứ mạng được sai đi để nói về Chúa cho người khác, nhờ đó họ mới có thể đến với Chúa và tin vào Chúa. Cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi đã ý thức về sứ mạng đó, cho nên đi tới đâu, họ cũng rao giảng cho người khác biết về Chúa. Khi nói về sinh hoạt của Giáo Hội tiên khởi, các sử gia cho rằng, sở dĩ người Kitô hữu đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, là vì họ không truyền bá Tin Mừng bằng sách vở, mà là bằng đời sống gương mẫu của họ.

2. Tuy nhiên, không phải chỉ có việc tin vào Chúa, mà còn phải lãnh nhận Mình Máu Chúa. Đây là điều không dễ chấp nhận trên bình diện nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật này.

“Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai” (Ga 6,39).

Cha Matthêô, vị tông đồ của Phong trào tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong các gia đình, thuật lại một câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mình:

Tôi ở Lộ Đức, khi vừa giảng xong tôi bước xuống khỏi hang đá, khá mệt. Một nông dân tiến lại gần, cầm tay tôi và nói:

- Có phải cha là người vừa giảng ở Vương Cung Thánh đường không ?

- Vâng!

- Ồ quí hóa quá. Từ nhiều năm nay con vẫn dâng việc rước lễ hàng ngày và giờ thờ lạy Mình Thánh Chúa mỗi tuần của con, để xin Trái Tim Chúa ngự trị trong mọi gia đình, và cha vừa giảng với mục đích ấy.

Tôi nói với ông:

- Hãy đến khách sạn với tôi. Chúng ta sẽ nói chuyện lâu dài với nhau.

- Đến khách sạn với cha ư ? Thưa cha không thể được, vì con còn có xe bò. Con không thể để xe và các con bò ở đây để đến với cha ngay được.

- Vậy tối nay, 8 giờ đến nhé.

- Tối nay, 8 giờ. Dạ, được.

Ông ta đến và chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến nửa đêm. Người nông dân nói chuyện như một nhà thần học có tầm cỡ. Cuối cùng, tôi nói với ông:

- Ông muốn trở thành bạn của tôi không ?

- Thưa cha, muốn lắm chớ.

- Vậy các người bạn thường viết thư cho nhau, ông nhớ viết thư cho tôi nhé.

Bác nông dân lắc đầu lia lịa:

-Thưa cha, con không biết đọc và biết viết.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy ông học ở đâu được tất cả những gì ông vừa nói với tôi thế ?

Đến lượt ông ngạc nhiên:

- Ở đâu ư ? Cha hỏi con học ở đâu khi mỗi ngày cha đều dâng lễ. Ở bên Người, bên Chúa, chính Người là vị thầy duy nhất của con.

Và đây là trang nhật ký của một Linh mục:

“…Đức Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì thật khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh…Rồi chẳng biết từ đâu, Triết Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng nó lại có sức giật tung những gì mòn mỏi trong lòng tôi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho tôi được ra ở một mình trên núi, sống với nắng, với gió mưa, với đói khát, và với cả sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi để tâm suy, trí niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi. Sau một năm, tôi hết phép. Với thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, lại mò về nhà dòng hoàn toàn tay trắng! Nhưng Chúa Giêsu cứ đeo bám tôi mãi. Một năm trời nổi loạn, thất bại đã trôi qua và kể như trắng tay, tôi được bề trên gọi làm …Linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi bất động trong nhà nguyện trầm lặng nhưng lòng như bị đay nghiến, như một mất mát đòi tôi phải đền bù.

Một đêm trước khi làm Linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà chầu. Có cái gì đó hơn là một cảm giác, hơn là một sự rung động, phủ chụp lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi hiểu rằng, cho dù có là hòn đá, hòn sỏi, dù tôi có là con người bê bết lấm bùn, thân tàn ma dại, dù đã làm hỏng cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi. Việc đó làm cho tâm hồn tôi bừng sáng lên huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa cuộc đời của tôi…

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và Ngài khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata).

Top