Thứ Tư tuần 4 Thường niên (+video)

Thứ Tư tuần 4 Thường niên (+video)

Thứ Tư tuần 4 Thường niên (+video)

Mc 6,1-6

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình”. (Mc 6,4)

Chúa Giêsu bị người đồng hương chống đối

1. Thông thường ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan Tiền Hô nói với dân Do Thái “Có một vị giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26).

“Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi mà người ta đã coi thường Chúa ?

Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, là anh chị em với mình.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta, hãy biết tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em… hơn là tin vào một Chúa Giêsu ở ngoài cuộc sống của chúng ta.

2. Chúa Giêsu đã phải đau xót mà nhắc lại một câu ngạn ngữ “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4).

Đi đâu Chúa Giêsu cũng được ca tụng tôn vinh, nhưng khi trở về quê hương mình thì lại bị coi thường.

Tại sao thế ?

Con người thường có thói để cho những thành kiến chi phối mình.

Những người ở Nazareth đã làm cho Chúa Giêsu không làm được những phép lạ nào. Một sự thiệt thòi không đáng xảy ra nhưng nó đã xảy ra vì sự suy nghĩ hẹp hòi của họ.

Nếu chúng ta cũng như thế thì chúng ta sẽ làm mất đi rất nhiều niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Hãy biết đón nhận cuộc sống đang sống với tất cả lòng yêu thương và quảng đại. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được cuộc sống quả là một hồng ân.

Trong kho tàng những câu chuyện cổ của người Đức, người ta đọc được câu chuyện này:

Có một nhà hiền triết nọ, chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được từ ông những lời khuyên thiết thực…

Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin ông giúp đỡ. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ trẻ. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

- Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng vẫn đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta ? Con vật hôi hám ấy không những không giúp được gì mà còn phóng uế nhơ bẩn kêu la be be om xòm suốt ngày. Cái xưởng may của anh ta vốn đã ồn ào nay lại biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…

Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

- Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Khi về đến nhà, người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn những đứa con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn nhiều. Anh nở một nụ cười thật tươi vì chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc bằng ngày hôm đó.

Theo tâm lý thông thường, thì chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường…

Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ để sinh ra làm người. Mỗi người chúng ta đều vào đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như thánh Phaolô “tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác. Có như thế, chúng ta mới có thể thấy niềm vui cho cuộc sống mình, bằng không thì suốt đời sẽ chỉ là những bất mãn, những chán nản, những thất vọng và cuộc đời như thế sẽ chẳng được chúc phúc như những người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay.

Top