Thưa “các” quý vị?

Thưa “các” quý vị?

1. Trong những năm gần đây, có một cách xưng hô mới trước quần chúng được không ít người sử dụng, đó là thay vì nói: “Thưa quý vị” thì lại nói: “Thưa các quý vị”. Xem ra cách xưng hô này ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, trong các buổi họp quan trọng trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng: trước đám đông, cách xưng hô “quý vị” là thiếu hay “các quý vị” là thừa (chữ “các”)?

Chữ “các” và thuật từ “quý vị” rất quen thuộc với người Việt Nam, nhưng chúng ta thử xem lại ý nghĩa và cách sử dụng của chúng.

2. Nghĩa của những chữ các, vị, quý

2.1. Nghĩa của chữ các (各)

Các có 6 chữ Hán: 各, 閣 (阁), 擱 (搁), 榷, 鉻 (铬), 硌, chữ mà chúng ta bàn đến là chữ 各. Các có nghĩa là: đdt. (1) Mọi người: Các bất tương nhượng (không ai nhường ai); Các trì kỷ kiến (không ai chịu bỏ ý kiến riêng); (2) Khác: Các biệt; tt (3) Gọi hết mọi người: Các vị (VN: Quý vị ); (4) Mấy cụm từ: Các bán (50%); (5) Phiên âm: Golgotha: Các các tha.

Chữ các trong tiếng Hán Việt được dùng như một danh từ để chỉ những người hay những thứ khác nhau. Ví dụ: Các hữu sở hiếu, các hữu sở tưởng (mỗi người có một sở thích khác nhau, ai cũng có cách nghĩ của mình); các bất tương đồng (mọi cái không giống nhau).... Và từ nghĩa gốc ấy, tiếng Việt đã chuyển sang nghĩa chỉ tập hợp số đông như: các bác, các chú, các thầy cô giáo,... Các được dùng như một mạo từ chỉ tập hợp số đông.

Mạo từ là gì? Thưa: Mạo từ [1] là tiếng đứng trước tiếng danh từ đã có một tiếng khác hay một câu chỉ định rồi [2].

Mạo từ có những tiếng: Cái [3], những, các, chư, liệt. Ví dụ: Cái chén này, những giáo lý viên giỏi, các quyển sách mới mua, chư thánh tuẫn đạo Việt Nam, liệt vị anh hùng phương Bắc.
Mạo từ còn gọi là quán từ, thứ từ dùng phụ vào danh từ ở một số ngôn ngữ để phân biệt giống, số, tính xác định hay không xác định: the trong tiếng Anh, le, la, les trong tiếng Pháp [4].

Công dụng mạo từ là để chỉ số ít hay số nhiều và làm cho mạnh, cho rõ cái nghĩa của tiếng danh từ, làm cho người ta phải để ý vào những tiếng ấy. Ví dụ: Không có mạo từ: Việc này lôi thôi lắm; Cái rổ đầy hoa,...; Có mạo từ: Cái việc này lôi thôi lắm; Cái rổ đầy những hoa.

Trong hai câu ví dụ trên, những tiếng danh từ việc và hoa không có mạo từ, thì nghĩa của những tiếng ấy bình thường như những tiếng khác ở trong mệnh đề. Trong hai câu ví dụ dưới, những tiếng danh từ việc và hoa có mạo từ cái và những đứng trước, làm cho người ta phải để ý vào những tiếng ấy.

Mạo từ các cũng dùng về số nhiều như tiếng những. Song các thường đứng trước danh từ chỉ những người hay những vật mà người ta biết rồi và chỉ định trong trí não rồi, không cần phải chỉ rõ ở câu nói nữa. Ví dụ: Thưa các ngài; nó làm các việc trong nhà. Vì thế, người ta nói các là mạo từ xác định. Còn những thường đứng trước danh từ chỉ những người hay những vật mà người ta chưa biết hết và chưa được chỉ định hết trong trí não. Ví dụ: Phòng này dành cho những bạn thi lại; nó ngủ trong những lúc cúp điện... Vì thế, người ta nói những là mạo từ phiếm định.

Trong một số trường hợp, xem ra có thể dùng các hay những đều được, nhưng thực ra cũng có sự phân biệt. Ví dụ: Xin mời các (những) bạn đến trước ngồi vào trong. Ở đây, khi “mời các bạn đến trước” là có ý không nhắc đến những người đến sau; khi “mời những bạn đến trước” là có ý đối chiếu hai đối tượng “đến trước” và “đến sau”, cùng một lúc hướng tới hai đối tượng.

2.2. Nghĩa của chữ vị (位)

Vị có 18 chữ Hán: 未, 味, 胃, 爲 (為, 为), 位, 喟, 巋(岿), 彙 (彚), 匯 (汇), 痏, 蜼, 謂 (谓), 渭, 洧, 蝟, 猬, 鮪 (鲔), 媦. Chữ ở đây là chữ位, có nghĩa: dt. (1) Chỗ: Vị trí, bài vị; (2) Chức vụ, ngôi thứ: Ngôi vị, học vị; (3) Từng người (có danh hiệu, chức vụ, tỏ ý tôn kính): vị đại biểu, vị vua, chư vị, quý vị. (4) Lượng cố định của sự vật: Đơn vị; đt. (5) Vị trí sở tại: An Giang vị ư nam bộ Việt Nam (Vị trí của An Giang ở tại miền nam Việt Nam).

Vị (位) có bộ nhân đứng (亻): Nghĩa đen là vị trí, chỗ ngồi của một người, như khi nói: Địa vị, tước vị, học vị...Vì vậy “vị” có nghĩa bóng để chỉ một người tôn quý, dùng làm “tiếng tôn xưng người ta” [5]. Người ta nói vị giáo sư, vị thủ tướng chứ không ai nói vị công nhân, vị nông dân cả. Vị là danh từ hàm ý chỉ “quý nhơn”, người ta lại thêm tĩnh từ quý vào nữa lại càng quý, để tỏ lòng kính trọng người đối thoại với mình.

2.3. Nghĩa của chữ quý (貴)

Quý có 8 chữ Hán: 貴 (贵), 季, 鯚, 癸, 瞶 (瞆), 愧, 媿, 悸, chữ mà chúng ta cần bàn là chữ貴, cũng đọc là quới, nghĩa là: dt. (1) Ðịa danh: Tên gọi tắt của tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). đt. (2) Coi trọng: Quý con, quý cha mẹ, quý tinh bất quý đa...; (3) Giá tăng cao: Lạc Dương chỉ quý (Giá giấy Lạc Dương tăng cao). tt. (4) Sang: Quý nhân, phú quý,...; (5) Báu, đắt tiền, giá cao, lạ, phẩm chất cao: Của quý, vật quý, hoa quý,...; (6) Đáng kính nể, trân trọng: Quý tộc, nhân quý hữu tự tri chi minh (Người tự biết mình là người đáng trân trọng); (7) Từ dùng để bày tỏ thái độ lịch sự hoặc tôn kính đối với người khác: Quý danh, quý vị, quý khách, quý ông, quý bà...; pht. (8) Địa vị đáng tôn kính: Quý vi thiên tử.

3. Tĩnh từ chỉ sự kính trọng

Trong tiếng Việt, có nhiều tĩnh từ dùng bày tỏ sự kính trọng đối với người khác ở ngôi II hoặc ngôi III như: Đức, hiền, quý, tôn, lương, thiện... Ví dụ: Đức Phật, Đức hồng y, đức phối (tôn xưng vợ người khác); hiền đệ, hiền điệt, hiền huynh, hiền sĩ, hiền thê; quý chức (tôn xưng ông quan), quý đệ (tôn xưng em người khác), quý huynh (tôn xưng anh người khác), quý nương (tôn xưng một người con gái), quý thầy; tôn công (tôn xưng cha người khác), tôn đường (tôn xưng cha mẹ người khác), tôn sư, tôn huynh, lương bằng, lương dân, lương mẫu, lương nhân, lương thê, lương y, thiện lương, thiện công, thiện nhân, thiện sĩ, thiện nam tín nữ,...

Cách dùng tĩnh từ quý với nghĩa là tôn kính rất phổ biến, đâu đâu cũng thấy dùng. Ví dụ trên đài truyền hình người ta nói: “Kính chào quý khán giả”. Hay người ta nói: “Kính thưa quý ông bà”; “Kính mời quý khách”; “Tạm biệt quý vị!”,... Rõ ràng tiếng quý ở đây là số nhiều. Còn nếu đối thoại với một người mà nói: “Xin hỏi quý danh”, hay “Có phải đây là quý tử ?” Thì tiếng quý này là chỉ số ít.

4. Số nhiều của một danh từ

Làm thế nào để diễn tả số nhiều của một danh từ ? Thưa, có 3 cách sau đây [6]:

(1). Đặt một danh từ tổng hợp [7], một mạo từ [8] hay một lượng số chỉ định từ [9] trước danh từ đó. Ví dụ: Bọn côn đồ (danh từ tổng hợp); các nhà hảo tâm (mạo từ); nhiều người (lượng số chỉ định từ).

(2). Lặp lại một danh từ trong vài trường hợp đặc biệt. Ví dụ: Ngày ngày ra đứng bờ ao; Chiều chiều lại nhớ chiều chiều; Chiều chiều chim vịt kêu chiều (Ca dao).

(3). Dựa vào ý nghĩa của câu mà hiểu. Ví dụ: Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh; Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương. (Đoạn Trường Tân Thanh); Hỡi đồng bào Việt Nam anh hùng! Trong quý vị ai là người thực tình yêu nước?

Như vậy, khi đứng trước đám đông, diễn giả nói: “Thưa quý vị” thì ai cũng hiểu tiếng “quý” này chỉ số nhiều rồi. Vì thế, chúng ta thấy:

- Từ Điển Tiếng Việt [10] ghi: “Quý: Dùng để gọi một cách lịch sự một số người hay một tổ chức nào đó nói chung như: Quý quan khách, quý Bộ”.

- Giáo sư Nguyễn Lân [11]giải nghĩa quý vị là “Từ lịch sự dùng để nói với những người nói chuyện với mình”.

5. Kết luận

Tiếng “quý” có thể dùng cho số ít và số nhiều, nên khi chúng ta nói với nhiều người cũng không cần thêm tiếng “các”.

Như thế, cụm từ “các quý vị” thì chữ “các” ở đây là thừa, không thể đi cùng với từ “quý”, hai từ mang nghĩa “số nhiều” liền nhau, nghe rất chói tai. Chỉ có thể là “các vị”, “quý vị”, “chư vị” hay “liệt vị” mà thôi.

Ghi chú:

[1] Mạo từ: Mạo là cái nón, cái mũ, cái chụp lên trên, ý nói đứng trước. Mạo từ còn được gọi quán từ (quán: đi trước). Trong hệ thống từ loại tiếng Việt hiện nay, các mạo từ: những, các, một được xếp vào nhóm các định từ, loại phụ từ của nhóm II. (xem: Hoàng Văn Thung, Ngữ Pháp Tiếng Việt - Tập 1, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2006, tr. 121)

[2] “Danh từ đã được chỉ định rồi” nghĩa là: (1) Danh từ có chỉ định từ kèm theo: bàn này, nón kia. (2) Danh từ có túc từ chỉ định kèm theo: ghế gỗ, nhà tắm. (3) Danh từ có mệnh đề chỉ định kèm theo: cái xe mà anh tặng cho nó đã bán rồi.

[3] Không nên lẫn lộn cái mạo từ với cái loại từ như: cái bàn; cái danh từ như: con dại cái mang; cái tĩnh từ như: sông cái

[4] Từ điển tiếng Việt, Trung Tâm Khoa Học và Nhân Văn Quốc Gia, nxb, Văn Hoá Saigon, 2005

[5] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tr. 547

[6] Xem: Bùi Đức Tịnh, VĂN PHẠM VIỆT NAM , TTHL Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1972, tr. 48 và Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Pham Duy Khiêm, VIỆT NAM VĂN PHẠM, Tân Việt, Sài Gòn, tr. 44

[7] Danh từ tổng hợp như: toán, nhóm, lũ, bọn, phường; đàn, bầy; chùm, rặng, buồng, quầy; mớ, đống..

[8] Mạo từ như: những, các, chư, liệt..

[9] Lượng số chỉ định từ như: mọi, cả, hết, hết thảy, tất cả, nhiều..

[10] Trung Tâm Từ Điển Học, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. KHXH, 2004, tr. 785

[11] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, 1989, tr. 1052.

Top